Thí sinh dự thi THPT quốc gia năm 2019 - Ảnh: NHƯ HÙNG
Bản chất của kỳ thi này là để xét tốt nghiệp nên tôi nghĩ độ phân hóa sẽ không cao, số lượng câu phân hóa không nhiều như năm trước.
TS ĐẶNG THỊ NGỌC LAN (phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - marketing)
Thay vào đó, các trường tăng chỉ tiêu xét tuyển học bạ THPT để đánh giá cả quá trình học của thí sinh.
Còn 20-30% tổng chỉ tiêu
Năm 2019, Trường ĐH Nông lâm TP.HCM xét tuyển căn cứ vào điểm thi THPT quốc gia.
Năm nay, phương án xét tuyển dựa vào kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT 2020 chỉ còn chiếm khoảng 50% chỉ tiêu. Đáng chú ý, năm nay là lần đầu tiên trường này bổ sung hai phương thức tuyển sinh khác. Đó là điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM và học bạ.
Với hình thức xét điểm trung bình năm học kỳ, tuy lần đầu tiên được đưa vào xét tuyển nhưng chiếm đến 40-50% tổng chỉ tiêu.
TS Trần Đình Lý - phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM - cho biết trường đa dạng các phương thức xét tuyển như xét học bạ và thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM để đáp ứng nhu cầu cũng như giảm áp lực cho thí sinh.
Tương tự, năm 2019 Trường ĐH Kinh tế TP.HCM xét tuyển phần lớn chỉ tiêu bằng điểm thi THPT quốc gia. Tuy nhiên năm nay trường này xét tuyển dựa vào điểm trung bình năm học kỳ và điểm đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM.
Theo dự kiến của trường, phương thức xét điểm trung bình tổ hợp môn (theo kết quả trung bình năm học kỳ) chiếm 20-30% tổng chỉ tiêu. Phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT 2020 bị cắt giảm đáng kể, chỉ còn chiếm 20-30% tổng chỉ tiêu.
Một số trường ĐH khác cũng mạnh tay cắt giảm chỉ tiêu tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp 2020. Trong đó, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM từ 80% của năm trước chỉ còn 40% cho năm nay, phương thức xét học bạ được mở rộng chỉ tiêu lên đến 40%.
Trường ĐH Tài chính - marketing năm nay cũng chỉ tuyển 25% chỉ tiêu bằng phương thức này trong khi phương thức xét học bạ (kèm nhiều điều kiện ràng buộc) tăng lên đáng kể, chiếm đến 60% tổng chỉ tiêu.
Những trường ĐH khác như Ngân hàng TP.HCM, Giao thông vận tải TP.HCM cũng bổ sung phương thức xét học bạ hoặc mở rộng, tăng chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển này, giảm chỉ tiêu tuyển sinh bằng điểm thi tốt nghiệp THPT 2020.
Tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, phương thức xét điểm thi tốt nghiệp cũng giảm so với năm trước, chỉ còn 40%...
Lo tính phân hóa của kỳ thi không cao
TS Nguyễn Quốc Khanh, trưởng phòng quản lý đào tạo - công tác sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 với mục tiêu xét tốt nghiệp THPT nên trường e ngại tính phân hóa trong đề thi không cao.
"Sau khi Bộ GD-ĐT công bố quy chế tuyển sinh, trường đã thực hiện điều chỉnh đề án tuyển sinh và sẽ sớm công bố" - ông Khanh nói.
Tương tự, TS Đặng Thị Ngọc Lan, phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - marketing, cho biết việc tăng chỉ tiêu xét tuyển học bạ (học sinh giỏi ba năm) bắt nguồn từ việc khảo sát sinh viên khóa trước cho thấy những bạn này có kết quả học ĐH tốt hơn những sinh viên xét tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia.
Nói về lý do giảm chỉ tiêu xét điểm tốt nghiệp THPT năm nay, bà Lan cho hay: "Bản chất của kỳ thi này là để xét tốt nghiệp nên tôi nghĩ độ phân hóa sẽ không cao, số lượng câu phân hóa không nhiều như năm trước.
Hơn nữa, tuy xét học bạ nhưng có chọn lọc học sinh giỏi, học sinh trường chuyên và đó là kết quả cố gắng liên tục trong ba năm nên chúng tôi đánh giá cao hơn những bạn đạt kết quả cao trong nhất thời (điểm thi) do luyện thi, cố gắng trong một khoảng thời gian nhất định".
Theo PGS.TS Hồ Thanh Phong - hiệu trưởng Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng, nhiều ý kiến cho rằng xét tuyển học bạ để tăng nguồn tuyển chỉ đúng một phần.
Trong bối cảnh năm nay, kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức với mục đích xét tốt nghiệp, tính phân hóa thấp. "Xét học bạ năm học kỳ đánh giá cả quá trình học tập của thí sinh.
Có thể thí sinh được ưu ái trong một học kỳ nào đó, một môn học nào đó nếu có, nhưng năm học kỳ là cả quá trình trong khi kết quả kỳ thi tốt nghiệp đôi khi chưa phản ánh đầy đủ năng lực thí sinh" - ông Phong nói.
Trong khi đó, TS Trần Thiện Lưu, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cho biết trường điều chỉnh xét kết quả năm học kỳ thay vì chỉ kết quả lớp 12 như thông báo trước đây.
Ông Lưu nói: "Kết quả năm học kỳ là một quá trình, phản ánh tương đối đầy đủ năng lực người học. Hơn nữa, trong bối cảnh dịch bệnh, chương trình được giảm tải nên kết quả lớp 12 sẽ không thực chất như các năm lớp 10, 11...".
Điều kiện kèm theo khi xét điểm tốt nghiệp
Một số trường xét tuyển căn cứ vào điểm thi tốt nghiệp THPT 2020 nhưng bổ sung điều kiện ràng buộc kèm theo. PGS.TS Ngô Minh Xuân, hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho biết trường chỉ xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp.
Nhưng ngoài ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do trường đưa ra, dự kiến có thêm một tiêu chí phụ về điểm trung bình học tập bậc phổ thông.
Theo ông Xuân, việc này nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng học sinh có điểm thi tốt nghiệp cao nhưng kết quả học tập bậc phổ thông lại thấp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận