22/12/2017 19:26 GMT+7

Tướng lĩnh Việt thời bình - Kỳ 6: Tướng quân của biển cả

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - Là tư lệnh một lực lượng thực thi pháp luật, bảo vệ chủ quyền, đấu tranh chống tội phạm trên biển, ở ông toát lên khí chất cương trực, thẳng thắn, dung dị nhưng quyết đoán...

Tướng lĩnh Việt thời bình - Kỳ 6: Tướng quân của biển cả - Ảnh 1.

Trung tướng Nguyễn Quang Đạm - Ảnh: VŨ LIÊN NHÂM

Bảo vệ chủ quyền biển đảo trong tình hình mới rất cần thiết phải giương cao ngọn cờ pháp lý, kiên trì biện pháp pháp luật. Đây là việc không hề đơn giản

Trung tướng Nguyễn Quang Đạm

Tháng 11-2012, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã ghi dấu ấn đặc biệt trước dư luận quốc tế khi truy tìm thành công và bắt sống toàn bộ 11 tên cướp biển cướp tàu chở dầu Zafirah của Malaysia.

Dấu ấn từ cuộc vây bắt cướp biển

Đó là lần đầu tiên Cảnh sát biển Việt Nam đối diện với cướp biển, cũng là lần đầu tiên trên thế giới, một quốc gia đã bắt sống toàn bộ toán cướp biển có vũ trang mà không phải nổ súng tiêu diệt và lực lượng vây bắt không ai bị thương vong. 

Đó là phương pháp tác chiến, vây bắt cướp biển rất "lạ", đặc biệt là bọn cướp biển bị bắt trong tình trạng phải cởi trần, mặc quần xà lỏn nhảy xuống biển và được canô của cảnh sát biển kéo lên. 

Tổ chức Chống cướp biển có vũ trang của thế giới đã bày tỏ sự ngạc nhiên với cách xử lý chưa từng có của Cảnh sát biển Việt Nam.

Thành công này mang đậm dấu ấn của người đứng đầu lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam lúc ấy: đại tá Nguyễn Quang Đạm - cục trưởng Cục Cảnh sát biển, hiện là trung tướng, tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam. 

Ông là người trực tiếp chỉ huy cuộc truy tìm, vây bắt 11 tên cướp biển trong gần 100 giờ đồng hồ trên biển.

Khi ấy, đại tá Đạm vừa mới đảm nhận cương vị cục trưởng Cục Cảnh sát biển một tháng và Việt Nam hoàn toàn chưa có kinh nghiệm trong chống cướp biển. Thế nhưng cuộc vây bắt 11 tên cướp biển đã thành công hoàn hảo. 

Báo chí quốc tế xem đó như một chiến công trong lĩnh vực chống cướp biển của Việt Nam.

Tướng lĩnh Việt thời bình - Kỳ 6: Tướng quân của biển cả - Ảnh 3.

Tướng Nguyễn Quang Đạm thăm đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) - Ảnh: V.L.NHÂM

"Kiên nhẫn, kiên trì và kiên quyết"

Trung tướng Nguyễn Quang Đạm xuất thân từ gia đình bình dân. Ông nhập ngũ khi còn chiến tranh (tháng 2-1975). Hơn 40 năm lính, từ một chiến sĩ cảnh vệ, được tuyển chọn và cử đi Liên Xô (cũ) học hải quân. 

Về nước, ông trải qua nhiều cương vị, lĩnh vực, địa bàn công tác khác nhau trong lực lượng Bộ đội biên phòng. Tháng 10-2011, ông về Cục Cảnh sát biển Việt Nam (nay là Bộ tư lệnh Cảnh sát biển) với cương vị phó cục trưởng - tham mưu trưởng.

Những năm gần đây, lực lượng Cảnh sát biển đã lập nên nhiều chiến công, đạt nhiều thành tích trong bảo vệ chủ quyền, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trên biển, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn, bảo vệ ngư dân. 

Tướng Đạm cho biết: "Tình hình biển đảo còn nhiều khó khăn, phức tạp, tác động cả tích cực và tiêu cực đến vận mệnh đất nước cũng như cuộc sống của nhân dân. 

Được Đảng, Nhà nước, Quân đội tin tưởng giao nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, duy trì thực thi pháp luật trên biển, chúng tôi luôn xác định phải tỉnh táo, sáng suốt để xử lý những vấn đề trên biển. 

Nếu không khôn khéo sẽ dễ bùng phát thành tình huống cao hơn. Đảng ta chủ trương phải kiên quyết bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ nhưng cũng phải giữ được hòa bình ổn định để phát triển đất nước và giữ quan hệ láng giềng tốt đẹp. 

Do vậy, bảo vệ chủ quyền biển đảo trong tình hình mới rất cần thiết phải giương cao ngọn cờ pháp lý, kiên trì biện pháp pháp luật. Đây là việc không hề đơn giản".

Bởi xác định nhiệm vụ "không hề đơn giản" nên mỗi chuyến tàu ra khơi làm nhiệm vụ, tướng Đạm đều yêu cầu chính ủy, chính trị viên các đơn vị xuống tận tàu động viên anh em, dặn dò họ kiên nhẫn, kiên trì và kiên quyết; phải nhẫn nại để không bị mắc mưu khiêu khích, không để đối tượng tạo cớ đẩy tình huống lên cao.

Tướng lĩnh Việt thời bình - Kỳ 6: Tướng quân của biển cả - Ảnh 4.

Trung tướng Nguyễn Quang Đạm kiểm tra khu vực tăng gia của hải đội 301 - Bộ tư lệnh Vùng cảnh sát biển 3 - Ảnh: VŨ LIÊN NHÂM

Sứ mệnh của người chỉ huy

Vị tư lệnh Cảnh sát biển trải lòng: "Trong quá trình xây dựng lực lượng, cấp trên yêu cầu rất cao: chính quy, tinh nhuệ, đồng thời phải giữ được phẩm chất tốt đẹp của người lính, giữ được sự trong sạch... 

Môi trường hoạt động của Cảnh sát biển rất đặc thù. Anh em đi theo các vụ án, nhiều tháng nhiều ngày trên biển, thường xuyên làm nhiệm vụ trong điều kiện khắc nghiệt, sóng gió, đêm tối. Vì thế, phải thực sự can trường, dám hi sinh, dám cống hiến thì mới hoàn thành nhiệm vụ. 

Muốn vậy, người chỉ huy phải làm sao xây dựng và tạo ra được môi trường công minh, dân chủ thực sự để họ có niềm tin mà tận lực cống hiến. Người chỉ huy phải là người họ tuyệt đối tin tưởng. 

Có vậy mới tạo ra một tập thể đoàn kết, trên dưới cùng nhau thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao".

Trung tướng Nguyễn Quang Đạm luôn yêu cầu cao với cấp dưới của mình. Ông cho rằng xây dựng đơn vị phải gắn với cuộc sống, điều kiện làm việc, sinh hoạt của anh em cảnh sát biển. 

Với quan niệm trong lúc điều kiện còn rất khó khăn, ngân sách còn hạn hẹp thì người chỉ huy càng không được xa rời đời sống của chiến sĩ, cho nên ông rất quan tâm việc trực tiếp đối thoại với cán bộ, chiến sĩ. 

Với tướng Đạm, đó là phương pháp chỉ huy tốt nhất trong các phương pháp chỉ huy.

Cuộc cách mạng về nhận thức

Khi nhắc đến tình trạng nhiều ngư dân Việt Nam sang vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép bị bắt giữ, bị đốt tàu, bị thu ngư cụ trong thời gian gần đây, trung tướng Nguyễn Quang Đạm bảo rằng đó là điều khiến ông đau đáu, trăn trở.

Ông tâm sự: "Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến ngư dân, đến việc xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên biển. Do vậy đã có nhiều chính sách hỗ trợ, động viên ngư dân vươn khơi bám biển.

Tuy nhiên, việc ngư dân vi phạm luật pháp nước khác khi đánh bắt hải sản đã ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của đất nước trước quan hệ ngoại giao với các nước trong khu vực và ảnh hưởng đến các yếu tố hội nhập.

Xử phạt ngư dân, dù là ngư dân của ta hay ngư dân của nước ngoài suy cho cùng cũng chỉ là biện pháp mang tính nhất thời.

Điều cốt lõi mà chúng tôi muốn làm là phải giúp ngư dân hiểu được và nắm rõ luật pháp quốc tế cũng như chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước; vừa động viên ngư dân vươn khơi, bám biển, làm cột mốc sống trên biển, vừa đảm bảo lợi ích kinh tế tối đa cho ngư dân.

Đây là bài toán không chỉ lực lượng Cảnh sát biển mà các cấp, các ngành cần phải suy nghĩ. Kỷ cương, pháp luật là để ngư dân làm theo, ngư dân chấp hành chứ không thể để họ bị tổn thất hay phải tù tội.

Theo tôi, đó chính là cuộc cách mạng về nhận thức cho ngư dân".

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên