19/06/2011 06:01 GMT+7

Tượng đài nào cho người "đo gió" ?

LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH
LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH

TT - Nếu chọn nghề nghiệp là giáo viên, thầy thuốc hay bộ đội biên phòng cắm bản... thì dù sao còn có đối tượng để tiếp xúc, giao lưu. Cô giáo được gặp học trò mỗi ngày, y bác sĩ rẻo cao còn có bệnh nhân, lính biên phòng còn có dân, còn cán bộ ở các trạm khí tượng thủy văn (KTTV) “đối tượng tiếp xúc” lại là nắng mưa, sương gió, bão bùng...

TT - Nếu chọn nghề nghiệp là giáo viên, thầy thuốc hay bộ đội biên phòng cắm bản... thì dù sao còn có đối tượng để tiếp xúc, giao lưu. Cô giáo được gặp học trò mỗi ngày, y bác sĩ rẻo cao còn có bệnh nhân, lính biên phòng còn có dân, còn cán bộ ở các trạm khí tượng thủy văn (KTTV) “đối tượng tiếp xúc” lại là nắng mưa, sương gió, bão bùng...

zzVJSKgj.jpgPhóng to
Nấm mồ quan trắc viên trẻ tuổi Hoàng Văn Nghĩa trên đảo Trường Sa - Ảnh: L.Đ.Dục

Nơi “chân trời góc bể”

Nhiều lần đi men theo dãy Hoàng Liên Sơn, đi qua con đường ở độ cao mệnh danh là “nóc nhà Đông Dương”, không lần nào chúng tôi dừng xe ở đỉnh đèo giáp ranh giữa hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu.

Bốn bề núi dựng, mây cứ cuồn cuộn trong các hốc núi, nắng sớm hay hoàng hôn, vệt nắng cứ xuyên qua bức tường núi, sáng thành vệt, thành luồng khiến các tay săn ảnh không thể không ôm máy xuýt xoa. Và cũng như nhiều người đã đọc truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa, chúng tôi cứ nghĩ cái trạm khí tượng ấy nằm đâu đó ở dưới Sa Pa, không ngờ rằng ngay vị trí chúng tôi vẫn dừng xe, chỗ đỉnh đèo giáp ranh hai tỉnh này chính là “hiện trường” của câu chuyện lãng mạn hơn nửa thế kỷ trước.

Chị Lê Thị Liên, trạm trưởng Trạm khí tượng Sa Pa, cũng nói rằng nhiều người vẫn nhầm tưởng trạm của chị là nơi nhà văn Nguyễn Thành Long đã dùng làm bối cảnh. Chỉ đường cho chúng tôi lên cái trạm khí tượng đã đi vào văn chương, chị còn dặn với thêm: “Nhưng cái trạm ấy nay không còn nữa đâu, năm 1979 chiến tranh biên giới phía

Bắc, nó đã bị đặt mìn phá sập. Mấy năm rồi, dưới Hà Nội cũng có ý định phục hồi xây dựng lại trạm đó nhưng kết quả vẫn chưa đi đến đâu”.

Chúng tôi theo quốc lộ 4D, vượt qua thác Bạc, lên đèo Ô Quy Hồ. Sát bên đường, chỗ giáp ranh hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu có một tòa nhà to đẹp với tấm biển đề tên một công ty du lịch nhưng không thấy có nhân viên lẫn du khách. Vị trí của trạm khí tượng là “nguyên mẫu” cho cuộc đời người cán bộ quan trắc bước vào văn chương Việt nay chìm dưới lau lách chập chùng.

Và chính trong khoảnh khắc đó, tôi chợt nhói lòng nhớ về sự hi sinh của những người cán bộ KTTV đang sống tận “chân trời góc bể” theo đúng nghĩa đen của từ này.

Ý định đi tìm nhân vật nguyên mẫu cũng đã hình thành trong chúng tôi, nhưng rồi với tất cả những gì đã gặp, chúng tôi biết rằng mỗi cán bộ quan trắc trên miền Tây Bắc này, ai cũng có thể là nhân vật chính như trong câu chuyện, thảo nào nhà văn Nguyễn Thành Long đã không để cho những nhân vật của mình mang một cái tên cụ thể. Chỉ là “chàng trai”, là “cô gái”, là “bác tài xế”... họ vẫn hiện diện như thế trên những cung đường heo hút rẻo cao này từ cả thế kỷ nay.

Sự thầm lặng hi sinh ấy có khi được trả giá bằng chính sinh mạng của đời mình. Như câu chuyện về quan trắc viên KTTV rất trẻ mà chúng tôi đã chứng kiến ở Trường Sa...

Nấm mồ bên sóng...

Trong buổi sáng dừng chân trên đỉnh đèo của con đường đi qua “nóc nhà Đông Dương” ấy hốt nhiên tôi nhớ đến nấm mồ của một cán bộ KTTV nằm trên đảo Trường Sa Lớn. Năm ngoái, khi chúng tôi trở lại Trường Sa, mấy anh em bảo: “Có một anh cán bộ trạm KTTV của đảo vừa hi sinh, anh em ra thắp nhang cho anh ấy đi”. Chúng tôi ra phía tây đảo. Mộ của Hoàng Văn Nghĩa nằm đó, có lẽ anh em chọn bờ phía tây đảo để linh hồn Nghĩa gần hơn với đất Mẹ.

Anh em trong trạm kể rằng hôm 21-3-2010, cũng như công việc mỗi ngày, Nghĩa mang đồ nghề ra cầu cảng để đo đạc các số liệu hải văn. Những số liệu này lại được truyền về Đài Khí tượng thủy văn Nam Trung bộ và từ đó kết nối với hệ thống các đài khí tượng khác để cho ra những bản tin dự báo thời tiết biển.

Những bản tin can hệ đến cuộc sống, mưu sinh của hàng vạn ngư dân trên biển Đông và cho cả những hải trình của hàng ngàn con tàu mỗi ngày qua lại trên tuyến hàng hải sôi động bậc nhất hành tinh này.

Nhưng chuyến đi đo đạc ấy là chuyến đi cuối cùng của người cán bộ KTTV chưa tròn 24 tuổi này và ngày Nghĩa hi sinh cũng gần với Ngày khí tượng thế giới (23-3 hằng năm). Hôm đó, hết ca làm việc từ lâu nhưng anh em không thấy Nghĩa về. Cả trạm và huy động thêm nhiều người trên đảo đổ xô đi tìm. Thi thể Nghĩa được tìm thấy cách cầu cảng 200m, nằm kẹt dưới rạn san hô.

Chúng tôi đứng lặng bên nấm mồ của Nghĩa vừa được xây, tấm bia bằng đá đen ghi những dòng chữ đơn sơ quê quán và tuổi tác “Đồng chí Hoàng Văn Nghĩa - sinh 3-7-1986, quê quán Xóm 5, Nam Toàn, Nam Trực, Nam Định - tạ thế 21-3-2010 (6-2 âm lịch)”. Nghĩa mới ra Trường Sa chưa đầy một năm rưỡi nhưng đã kịp ăn tết với đảo xa.

Cũng như những người lính đã ngã xuống để bảo vệ quần đảo thiêng liêng máu thịt của Tổ quốc giữa trùng dương, nấm mồ Nghĩa giờ đây mỗi kỳ rằm, mồng một luôn có những nén nhang và hoa phong ba được anh em, đồng đội, bà con trên đảo đặt lên trong niềm thương tiếc.

Thao thức một tượng đài...

Từ người cán bộ thầm lặng đo gió đong mưa ở Sa Pa hơn 100 năm trước, khi người Pháp khởi đầu sự thiết lập hệ thống quan trắc khí tượng ở Việt Nam cho đến anh kỹ sư trong truyện ngắn của Nguyễn Thành Long, từ những ký ức về Hoàng Sa yêu thương của những nhân viên Đài khí tượng Đà Nẵng ta từng được nghe kể lại, cho đến sự hi sinh của những người như chàng trai Hoàng Văn Nghĩa ở Trường Sa hôm nay...

Câu chuyện về cái chết khi làm nhiệm vụ của người cán bộ quan trắc KTTV trên đảo Trường Sa cứ hiện về trong tâm trí tôi khi đi qua miền Tây Bắc này và trò chuyện với những đồng nghiệp của Nghĩa, để rồi giữa những phận người, những công việc ấy, tôi nhận ra sự hi sinh của họ là quá lớn. Bởi sự cống hiến ấy cũng âm thầm lặng lẽ nên sự hi sinh trở nên bội phần vĩ đại.

Hóa ra cũng như những người lính biên phòng, hải quân, thủy thủ... những quan trắc viên của hệ thống KTTV Việt Nam có mặt ở tất cả những nơi chốn xa xôi hiểm trở nhất của Tổ quốc. Hơn 4.000 cán bộ nhân viên của ngành KTTV Việt Nam, bạn có thể gặp họ ở bất cứ nơi đâu trên đất nước này, trên những hòn đảo giữa trùng dương xa xôi hay trên những nhà giàn chênh vênh giữa thềm lục địa, trên rẻo cao biên cương mây mù rét mướt hay giữa những ngọn núi khô khốc gió Lào miền Trung...

Có lẽ bao nhiêu năm nay trong sự thầm lặng của chính mình, không ai muốn nói nhiều về mình, và trong chừng mực nào đó những câu chuyện chúng tôi đã kể về họ chỉ là một phần vô cùng bé nhỏ trong muôn trùng khó khăn họ đã phải đối đầu và vượt qua, không chỉ để mang lại cho hàng chục triệu người một bản tin thời tiết ngắn ngủi trên tivi.

Và tôi chợt băn khoăn: chúng ta đã có bao nhiêu tượng đài về tất cả những ngành nghề, nhưng hình như cho đến bây giờ vẫn chưa có một tượng đài cho những người làm công việc đo gió đong mưa, bắt mạch đất trời với muôn vàn hi sinh thầm lặng phía góc biển chân trời này?

Kỳ 1: “Đánh đu” trên miệng hà bá Kỳ 2: Mái ấm giữa mờ xa Kỳ 3:Đong đếm đất trời Kỳ 4: Ở lại cùng dâu bể Mường Lay Kỳ 5: Người phụ nữ trên đỉnh Sìn Hồ

__________________

Đón đọc số tới: Hồ sơ Gia Định báo

145 năm trước, tờ Gia Định báo ra đời đã mở ra những bước đi đầu tiên cho sự phát triển các loại hình sách báo, in ấn ở Việt Nam... như thế nào?

LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên