Phóng to |
Trạm trưởng Trạm thủy văn Mường Lay, anh Nguyễn Anh Đô trên chiếc canô có trang bị ADCP trị giá gần 1,5 tỉ đồng - Ảnh: Ngọc Quang |
Kỳ 1: “Đánh đu” trên miệng hà báKỳ 2: Mái ấm giữa mờ xaKỳ 3:Đong đếm đất trời
Nơi “thủy thần” trú ngụ
Chúng tôi đã tìm gặp Nguyễn Anh Đô trong ngôi nhà đề “Trạm thủy văn Mường Lay” mà trong lần ghé trước nó còn là trạm bảo vệ cầu Hang Tôm của Công an Lai Châu. Câu chuyện giữa chúng tôi và Nguyễn Anh Đô diễn ra trong tiếng ầm ào của máy khoan phá các thanh cầu từ phía sông Đà vọng vào.
Hóa ra cho đến bây giờ Trạm thủy văn Mường Lay vẫn chưa an cư. Ngôi nhà của trạm cũ đã chìm xuống dưới lòng hồ sông Đà khi thủy điện Sơn La tích nước và đi vào vận hành. Mường Lay là một trong năm trạm thủy văn được xếp hạng “đặc biệt quan trọng” của khu vực phía Bắc.
Nằm ngay ngã ba sông, hợp lưu của sông Nậm Lay và Nậm Na để thành một đầu nguồn sông Đà nổi tiếng hung dữ, anh em gọi đùa ngã ba này chính là nơi trú ngụ của Thủy Tinh. Chính nơi hợp lưu của hai con sông này đã tạo ra một thị xã Lai Châu trứ danh trong quá khứ, rồi cũng chính dòng nước hung hãn của nó đã hai lần xóa sổ thị xã, nhất là trận lũ ống kinh hoàng năm 1990, gần như san thành bình địa vùng đất thủ phủ của những điệu xòe nổi tiếng. Có lên đây nhiều lần mới hình dung hết dâu bể ba đào của miền đất này. Công việc của những quan trắc viên nơi đây được coi là nguy hiểm bậc nhất trong hệ thống các trạm KTTV ở Việt Nam.
Nguyễn Anh Đô đưa chúng tôi xuống bờ sông, nơi đó có một chiếc canô đang đậu. Đô bảo: “Vì có trang bị hệ thống ADCP nên chiếc canô này trị giá gần 1,5 tỉ đồng”. Hóa ra trước đây việc quan trắc thủy văn của trạm Mường Lay cũng như ở trạm Nậm Giàng, nghĩa là mấy chục năm nay đều dùng “cá sắt” thả xuống sông, “đánh đu cùng hà bá” như vậy. Mãi đến cuối năm 2009 mới trang bị chiếc canô với thiết bị ADCP như thế này. ADCP là hệ thống máy đo lưu lượng tự động theo nguyên lý siêu âm. Nếu trước đây dùng cá sắt, thuyền nôi rất nguy hiểm và nhọc nhằn thì giờ đây mỗi lần đo chỉ cần dùng canô chạy ngang qua sông, chạy đến đâu sóng siêu âm sẽ cho biết ngay các thông số về mặt cắt sông, lưu tốc, lưu lượng... số liệu này truyền lên máy tính trên bờ và cho ra các thông số quan trắc. Tuy nhiên với mức chi phí đầu tư lớn nên chưa thể trang bị hết cho tất cả các trạm thủy văn.
Trong ký ức của Nguyễn Anh Đô, những năm được tăng cường đo lũ sông Đà cho công trình thủy điện hồ Hòa Bình vẫn vô cùng khó quên. Giờ thì với máy móc hiện đại, công việc đỡ vất vả hơn, nhưng với chiếc canô nhỏ bé giữa dòng nước lũ hung hãn của sông Đà vào mùa mưa thì sự nguy hiểm chưa hề vơi chút nào! Rời trạm thủy văn gần hà bá, chúng tôi lặn lội tìm lên khu vực Trạm khí tượng Mường Lay gần với... trời cao.
Thời trai trẻ giữa đỉnh đồi
Trên đường đưa chúng tôi lên Trạm khí tượng Mường Lay, trạm trưởng Nguyễn Thế Anh đã tếu táo diễn giải bốn chữ viết tắt “KTTV = không tiền tiêu vặt” một cách hài hước rồi nói thêm “làm nghề này đúng là không tiền tiêu vặt anh ạ”. Năm nay 31 tuổi nhưng Thế Anh đã có hơn tám năm trong nghề. Tám năm đủ để chàng trai quê vải thiều Lục Nam (Bắc Giang) thuộc từng gốc cây, vạt núi, cung đường Tây Bắc. Cái nghề KTTV cũng cho anh hiểu rõ hơn tính khí của đất trời sông nước và cả con người nơi đây.
Hai lần thị xã bị lũ quét sạch, lũ nhỏ thì năm nào cũng có, nhiều nhà cửa mất đi nhưng cái trạm khí tượng nằm tít trên đỉnh đồi cao vẫn yên vị đấy suốt hơn nửa thế kỷ nay, kể từ năm 1957. Ngần ấy năm, chỉ có vườn khí tượng luôn được nâng cấp, thay đổi, chứ nơi ở và làm việc của năm chàng trai trẻ ở Trạm khí tượng Mường Lay bây giờ vẫn mãi không thay đổi. Vẫn là ba gian nhà cấp bốn xoàng xĩnh, với mấy cái bàn gỗ cũ kỹ, hai cái giường đơn ọp ẹp kê ở gian bên cạnh.
Trạm có biên chế năm người và tất cả đều là trai trẻ đến từ khắp các tỉnh thành miền Bắc. Bùi Tiến Dũng đến từ Đoan Hùng (Phú Thọ), Nguyễn Thế Minh ở ngay Điện Biên, cách trạm hơn 100km, Vũ Kiên Trung và Hoàng Tiến Dũng đến từ Lục Yên (Yên Bái), còn Thế Anh quê nhà Lục Nam (Bắc Giang). Dù còn trẻ nhưng 4/5 người đã có vợ con, trong số đó chỉ có Thế Anh có vợ (quê Thái Bình) là giáo viên dạy ngay tại thị xã Mường Lay. Còn lại mọi người trong trạm đều có vợ con ở quê hoặc công tác ở các tỉnh khác. Như Thế Minh, nhà ở Điện Biên nhưng vợ lại dạy học tận Sơn La nên cơ hội để vợ chồng trẻ gặp nhau trong một năm cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Dù bây giờ phương tiện đi lại thuận lợi hơn, chỉ đi từ sáng đến tối là gặp được vợ ở Sơn La, nhưng khốn nỗi “cái đầu, cái chân muốn đi, nhưng cái túi nó không cho phép”. Hơn nữa, “công việc chia ca, phân kíp trực rồi, không thể mãi nhờ vả anh em được, họ cũng có vợ trẻ, con thơ ở quê. Anh em thông cảm cho nhau nhưng vẫn phải cố mà chịu đựng” - Thế Anh chia sẻ. Thế Anh hiện có thu nhập cao nhất nhì trạm, nếu cộng cả lương, phụ cấp và tiền trực đêm thì một tháng cũng chỉ được 2,5 triệu đồng. Nhưng vợ chồng lại phải thuê nhà, thành ra mỗi tháng Thế Anh mất hơn nửa tháng lương cho tiền thuê nhà, điện, nước. Phần còn lại chỉ đủ anh đổ xăng chạy xe mỗi ngày từ nhà lên trạm và trở về. Mọi chi tiêu trong nhà chỉ trông vào đồng lương của vợ.
Bùi Tiến Dũng là người duy nhất ở trạm chưa lập gia đình, nhưng với tổng thu nhập một tháng chỉ chưa đầy 2,1 triệu đồng thì cố lắm cũng chỉ đủ chi, còn không vẫn phải “gọi điện thoại cho người thân nhờ trợ giúp”. Độc thân nhưng lại xa quê, xa bạn bè, cứ buồn nhớ lại gọi điện thoại, tính ra mỗi tháng tiền điện thoại có khi hết 1/4 tháng lương!
Cho đến bây giờ Trạm khí tượng Mường Lay vẫn không có điện lưới, không nước sạch, phải trông chờ vào trời mưa để hứng lấy nước mà dùng. Muốn tắm, giặt lại phải chạy xuống chân dốc, ra tận sông Nậm Na. Mỗi lần tắm xong, từ dưới sông đi ngược lên trạm thì mồ hôi đổ ra ướt đầm, rồi bụi bẩn lại bám vào như là... chưa tắm.
Có lẽ vì nghề “không tiền tiêu vặt”, lại quá vất vả, thiếu thốn nên không ít người đã bỏ nghề, bỏ trạm. “Nhẩm tính sơ sơ thì riêng trạm Mường Lay này từ khi tôi về đã có trên 10 trường hợp anh em đến lại đi. Cũng có người được luân chuyển về trạm khác thuận lợi hơn, nhưng có năm người khi đến Mường Lay thì sau đã bỏ hẳn nghề” - Thế Anh cho biết.
Cho dù có người phải bỏ nghề vì không thể vượt qua khó khăn, nhưng những ngày đi qua miền Tây Bắc, chúng tôi cũng gặp thêm nhiều người trẻ đang đến với nghề nghiệp, chấp nhận những hi sinh thầm lặng.
____________________
Năm 24 tuổi, có một cô gái lên vùng cao Sìn Hồ làm trong cửa hàng thương nghiệp, rồi một ngày cô rẽ sang nghề "nhìn gió, ngắm mây"... Cứ thế 20 năm trôi qua...
Kỳ tới: Người phụ nữ trên đỉnh Sìn Hồ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận