18/06/2011 05:27 GMT+7

Người phụ nữ trên đỉnh Sìn Hồ

PHI LONG
PHI LONG

TT - Năm 24 tuổi, cô gái trẻ Vũ Thị Hải khăn gói lên tận huyện vùng cao Sìn Hồ (Lai Châu) làm trong cửa hàng thương nghiệp nơi đây. Nhưng tình yêu đã kéo cô rẽ sang nghề “nhìn gió, ngắm mây” để rồi gắn bó với Trạm khí tượng Sìn Hồ - một trong những trạm khí tượng cao nhất khu vực Tây Bắc - gần 20 năm qua.

qlGs7UsF.jpgPhóng to

Bà Vũ Thị Hải (phải) cùng đồng nghiệp ra trạm quan trắc để lấy thông tin về độ ẩm trong một mùa đông giá rét - Ảnh: PHI LONG

Kỳ 1: “Đánh đu” trên miệng hà bá Kỳ 2: Mái ấm giữa mờ xa Kỳ 3:Đong đếm đất trời Kỳ 4: Ở lại cùng dâu bể Mường Lay

Giữa hai mùa lạnh - rét

1 giờ sáng, khi không gian đang chìm trong bóng tối thì cũng là lúc nữ trạm trưởng Vũ Thị Hải bắt đầu một ngày làm việc của mình ở trạm khí tượng. Thời tiết ở Sìn Hồ không hề dễ chịu, chẳng phải lúc nào cũng chiều lòng người. Công việc của bà Hải là đến đủ bốn trạm quan trắc về gió, mưa, độ ẩm và nhiệt độ để lấy thông tin cần thiết cho một bản tin khí tượng.

Cái lạnh xé da cắt thịt ở đây trở thành nỗi ám ảnh của nhiều cán bộ trẻ mới lên. Ngày đầu tiên vào làm, bà Hải nói đã có lúc tưởng chừng thời tiết quật ngã mình. “Yêu cầu khắc nghiệt của ngành là phải chính xác và đúng giờ nên dù trời có sương muối hay rét đậm rét hại cũng phải xuống giường làm việc”, bà Hải nói.

Sau khi lấy xong số liệu, bà bắt đầu tổng hợp thành một bản báo cáo đầy đủ trước khi gửi về cho Đài Khí tượng thủy văn Tây Bắc. Ba ca quan trắc còn lại của một ngày diễn ra vào thời gian dễ dàng hơn. “1-7-13-19”, đó là công thức mà bà Hải phải học thuộc lòng kể từ khi bước chân vào trạm năm 1991. Nó tương ứng với các quãng thời gian trong ngày, nó cũng là thời điểm cán bộ trạm phải đi lấy số liệu ở các trạm quan trắc.

Nói về những đêm mà mình đã trải qua ở trạm Sìn Hồ, bà Hải tâm sự: “Trời lạnh thì nhiệt độ cũng chỉ trên dưới 10 độ nhưng trời rét có hôm xuống dưới 0 độ, mà ở đây rét lại nhiều hơn lạnh do đặc thù địa hình cao. Cả trạm chỉ có hai người nên phải luân phiên nhau ở các ca trực. Nhưng khi rơi vào ca đầu tiên (1 giờ sáng) ca trực trở thành cực hình. Có hôm mới bước ra khỏi cửa trạm để đi làm, chân tay đã đông cứng nên phải quay vào sưởi ấm. Có hôm làm xong vào ngủ, nhưng vừa kéo chăn lên đắp có cảm giác đó là cái chăn đầy nước đá. Cũng có hôm rét quá vào ngủ không được, đành trằn trọc đến sáng”.

Miền Bắc có bốn mùa trong năm nhưng ở Sìn Hồ chỉ có hai: mùa lạnh (kéo dài từ tháng 3 đến tháng 9 âm lịch) và mùa rét là năm tháng còn lại. Ở trạm Sìn Hồ sự ấm áp duy nhất ở đây là những giờ hàn huyên tâm sự, là bữa cơm của hai con người xa lạ nhưng sống chung dưới một mái nhà. May thay ở đây lại có thêm những người bạn đặc biệt là một đàn khỉ. Giống khỉ ở đây vốn rất dạn dĩ, thường xuyên xuống trạm rồi vào nhà bếp lục tìm thức ăn nên chẳng bao lâu chúng trở thành bạn tâm giao của hai bóng hồng ở trạm. Để rồi những hôm còn lại một mình, bà Hải lại tìm đến bầy khỉ như những người bạn tri âm.

Cái đài bé xíu đặt ở góc bàn trở thành cầu nối thông tin duy nhất với thế giới bên ngoài để nghe những chương trình của Đài Tiếng nói VN. Khó khăn nhất vẫn là lo bữa ăn bởi:“Su hào, rau muống mỗi tháng mới được một vụ, nhưng đến những tháng rét đậm rét hại coi như thua. Nuôi gà trong sân vườn cũng chậm lớn, muốn có nước sạch phải đi xuống đồi để lấy”.

Vì đó là tình yêu

Cửa hàng thương nghiệp Sìn Hồ nhỏ xíu đón cô tân cử nhân quê Hải Phòng Vũ Thị Hải trong một ngày đông giá lạnh năm 1979. Rét, rồi rét đậm rét hại trở thành nỗi ám ảnh của cô gái trẻ nhưng rồi 30 năm sau, khi ngồi nói chuyện với tôi, bà lại nói vui rằng đó là thứ đặc sản ở đây. Ngày đó cửa hàng thương nghiệp Sìn Hồ tọa lạc trên một đỉnh đồi, đối diện với nó là một đỉnh đồi khác nơi có trạm khí tượng. Trên ngọn đồi ấy có chàng trai Hoàng Chí Công lâu lâu lại ngồi trông qua bên kia đồi. Người ta lấy tên cơ quan để đặt tên ngọn đồi, vì ngày đó mỗi cơ quan trong huyện Sìn Hồ lại nằm trên một quả đồi như thế.

Sự tò mò khiến cô gái trẻ quyết định tìm hiểu về công việc của chàng trai bằng tuổi mình. Nhìn thấy trong tầm mắt nhưng để sang “nhà nhau” nói chuyện, tâm sự hoặc đơn giản hơn là để có hơi ấm của người, chàng và nàng phải lội bộ 15 phút trong giá rét. Hôm trời ấm lên, đó chỉ đơn giản là chuyến đi bộ tập thể dục, nhưng vào những ngày trời rét đậm, nhiệt độ có lúc về 0°C, chân như tê cứng lại khiến con đường tình yêu trở nên xa vời vợi.

Một năm sau đó, khi tình cảm đã mặn nồng cũng là lúc chàng trai Chí Công ốm đau liên miên. Trạm chỉ có một người mà cơ quan chưa kịp tìm người lên giúp đỡ nên cô mậu dịch viên của cửa hàng thương nghiệp trở thành người trợ giúp đắc lực. Bữa cơm, bữa cháo rồi những chăm sóc qua lại khiến hai trái tim xa lạ trở nên gần nhau hơn. “Năm đó, nếu không có bà ấy thì cũng chẳng biết ra sao. Công việc không thể dừng lại do yêu cầu của cơ quan, nên ngoài chuyện chăm sóc cơm nước, bà ấy còn phải dìu tôi đi lấy thông tin từ các trạm quan trắc trong những ngày đông lạnh lẽo cũng như những đêm giá rét. Tình yêu nảy mầm từ đó, rồi cũng chính tôi khuyên bà chuyển ngành để có thể gần nhau hơn”, ông Công nhớ lại.

Cùng năm ấy, một đám cưới đơn giản được diễn ra nhanh gọn, không tuần trăng mật cũng chẳng có đêm tân hôn trọn vẹn vì cô dâu, chú rể không thể bỏ ca trực. Bà Hải tiếp tục làm ở cửa hàng thương nghiệp gần tám năm sau mới đi học tiếp về khí tượng trước khi chuyển ngành.

Nhưng cũng chỉ sống chung với nhau được hơn 10 năm, vì yêu cầu công tác ông Công phải chuyển về thị xã Lai Châu. Bà Hải trở thành trạm trưởng kiêm luôn vị trí quan trắc viên duy nhất cho đến khi có một cán bộ quan trắc mới lên thay thế. “Khi anh ấy đi tôi chỉ biết ngấn lệ chia tay, vì hiểu rằng ở nơi nào đó công việc cần chồng mình hơn. Ở lại khổ một mình rồi cũng thành quen”, bà kể. Ngày đó đi lại khó khăn, mỗi tuần chỉ có vài chuyến xe, phải mất một ngày trời vật lộn với đèo dốc, với đường sá đầy đá sỏi và bụi đường, đôi Ngưu Lang - Chức Nữ thời nay mới có thể gặp nhau.

***

Ngẫm mà nhớ lại, năm 1961, từ khi thành lập Trạm khí tượng Sìn Hồ đến nay, người ở lâu nhất cũng chỉ bảy năm là luân chuyển, hiếm ai chịu ở lâu hơn do thời tiết ở đây quá khắc nghiệt. Bà Hải trở thành người giữ kỷ lục bám trụ lại lâu nhất. Năm nay đến tuổi về hưu, sự bịn rịn hiện rõ trên khuôn mặt bà. Tuy sẽ được về nhà đoàn tụ với gia đình sau nhiều năm xa cách nhưng bà nói sẽ buồn lắm vì phải chia tay với người đồng nghiệp đã gắn bó gần 10 năm nay. Bà quý trọng người ở lại vì hiểu rằng chỉ có tình yêu nghề cao độ con người ta mới có thể bám trụ được với nơi đèo heo hút gió này.

-----------------------------------------

Năm ngoái trở lại Trường Sa, mấy anh bảo: “Có một cán bộ của trạm khí tượng thủy văn của đảo vừa hi sinh”. Chúng tôi ra phía tây đảo. Mộ của Hoàng Văn Nghĩa nằm đó, có lẽ anh em chọn bờ phía tây đảo để linh hồn Nghĩa gần hơn với đất mẹ.

Kỳ tới: Tượng đài nào cho người "đo gió"?

PHI LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên