12/04/2006 10:05 GMT+7

Tướng Cao Ngọc Oánh: tường trình về cú điện thoại gọi Dũng "Huế"

N.V.HẢI thực hiện
N.V.HẢI thực hiện

TTO - Báo chí đưa tin thiếu tướng Cao Ngọc Oánh - phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, thủ trưởng Cơ quan CSĐT Bộ Công an, người đang bị nghi ngờ “chạy án” cho Bùi Tiến Dũng - đã từng điện thoại qua Thái Lan gặp Tôn Anh Dũng, cũng như từng gọi điện thoại “mạt sát” một số điều tra viên Cục CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (C14) ngay khi C14 bắt Bùi Tiến Dũng.

7HNIu11s.jpgPhóng to
Thiếu tướng Cao Ngọc Oánh

Hôm qua 11-4, Tuổi Trẻ Online và một số báo đã trao đổi thẳng thắn với tướng Cao Ngọc Oánh xung quanh các cuộc điện thoại bị “nghi vấn” này.

* Thưa ông, báo chí nói rằng tại cuộc họp thường vụ Đảng ủy Tổng cục Cảnh sát, đã có ý kiến nhận định tướng Oánh giải trình không trung thực?

- Tôi đã giải trình trung thực. Việc về Tôn Anh Dũng (Dũng "Huế") chính là tôi đề xuất, rồi cả chuyện bữa cơm ở khách sạn Melia cũng do tôi nói ra, trinh sát và điều tra viên có biết đâu. Vì tấm lòng chân thành, tôi nói ra để anh em có những căn cứ mà từ đó nghiên cứu về đối tượng này (Dũng "Huế" - PV).

Thực tế, cơ quan điều tra cũng chỉ biết về Dũng “Huế” khi Bùi Tiến Dũng ở trong trại khai ra, mà lời khai này mãi về sau mới xuất hiện. Đọc báo, tôi thấy rõ người ta đã cung cấp những thông tin rất giật gân để báo chí xoáy sâu vào tôi. Nói thực, tôi không bao giờ đả động gì hay có ý thức nào về “chạy án” trong chuyện này. Tôi cũng có những bằng chứng để chứng minh việc này.

Khi tôi bị nghi dính vào “chạy án” và phải giải trình (ngày 13-3), khoảng 2-3 ngày sau, Dũng “Huế” bay từ Thái Lan về (lần đầu) và đi cùng một người nữa xuống nhà tôi. Ba mặt một lời, tôi nói “thời điểm này Trung ương đang chuẩn bị Hội nghị 14, anh đang có triển vọng được giới thiệu vào Trung ương, được Bộ giới thiệu đề bạt, các chú phải hiểu hoàn cảnh của anh lúc này. Anh nói thật với chú Dũng, Bộ đang yêu cầu anh giải trình bị “chạy án”, chú có trót cầm gì của Bùi Tiến Dũng hay không?”.

Nếu có, tôi yêu cầu Dũng phải nói ngay, phải trả lại ngay “để cứu được phần nào tội của chú và cũng giải oan được cho anh trong thời điểm này, vì đây là thời điểm hết sức ngặt nghèo, một ngày đổi bằng một năm, một tuần đổi bằng cả cuộc đời công tác của anh”.

Dũng đã chắp tay mà vái tôi và nói “anh đừng có nghĩ sai về em, em cần gì phải đi làm việc đó, đứa nào mà sai em làm thế, em đấm vỡ mặt…”. Nhưng tôi cũng nói rõ “nếu chạy án, chỉ có chú dám tới anh, còn không ai trong PMU 18 dám tới. Nếu không có chú thì ai đây mà bây giờ anh phải giải trình?”.

Sau buổi đó, Dũng về Huế và khoảng 4-5 ngày sau bay qua Thái Lan. Từ Thái Lan, không hiểu Dũng đọc báo chí thế nào nên nhắn tin về bảo gia đình nộp lại tiền, đồng thời nhắn “sẽ trở về trình diện cơ quan điều tra”…

* Vậy ông nhắn tin cho Dũng “Huế” vào thời điểm nào khi người này đang ở Thái Lan?

- Tôi nhắn ngay khi Dũng mới đưa con sang Thái Lan điều trị lần đầu. Khi đó, sang Thái được vài ba ngày, Dũng điện thoại về cho tôi nói “anh ơi, hoàn cảnh của cháu bây giờ thế này, bác sĩ khẳng định là ung thư, giờ phải điều trị ở đây…”. Dũng còn than vãn và khóc lóc qua điện thoại với tôi. Khoảng một tuần sau, tôi có điện thoại lại cho Dũng một lần, khuyên cố gắng bình tĩnh, tìm mọi cách cứu mạng của cháu bé.

Tôi nhớ chỉ có một lần gọi điện thoại như vậy và một lần nhắn tin, vì tôi không có nhiều thời gian. Tôi gọi từ máy di dộng của tôi và chỉ nói chuyện với Dũng về tình hình chữa bệnh cho cháu bé. Hoàn toàn không nói chuyện gì liên quan đến “chạy án” qua điện thoại. Nói thực, lúc đó nếu biết Dũng “Huế” tay đã “nhúng chàm”, tôi đã chỉ đạo cho bắt ngay…

Cuộc điện thoại của tôi cho Dũng diễn ra trước ngày Dũng bộc lộ là người đã cầm tiền của Bùi Tiến Dũng với vai trò môi giới chạy án. Tôi và Tôn Anh Dũng không có quan hệ gì khác quan hệ xã hội bình thường.

Mọi cuộc nói chuyện, mọi cuộc điện thoại lúc này chỉ là nói chuyện bình thường, không liên quan gì tới việc chạy án.

Tôi đã giải trình việc này, trong đó nói rõ Dũng có nhắn tin và điện thoại cho tôi hai lần nói về tình hình bệnh tình của cháu bé, tôi cũng có một lần điện thoại và một lần nhắn tin cho Dũng.

Tôi hoàn toàn không hay biết Dũng đã cầm tiền chạy án thế nào và không có một ai cầm tiền chạy án tới tôi.

Thiếu tướng CAO NGỌC OÁNH

* Ở thời điểm gọi điện cho Dũng “Huế”, ông chưa phải làm bản giải trình theo yêu cầu cấp trên?

- Tất cả những chuyện này diễn ra trước đó. Mối nghi ngờ về Dũng “Huế” mới chỉ bắt đầu từ khoảng ngày 16-3. Ngày 20-3, Dũng bay đi Thái Lan (lần hai). Khoảng 26-3, Dũng gửi email về VN với những nội dung như trên (xin về trình diện cơ quan điều tra - PV). Mọi chuyện phát sinh về hiểu biết tội phạm bắt đầu từ khoảng ngày 16-3 và tôi đã nảy sinh mối nghi ngờ này.

Nhưng tôi đã giải trình rất rõ, trong quá trình điều tra vụ án, không có ai chạy tiền đến tôi, thậm chí cũng có thể có khâu trung gian nào đó chạy án đến tôi nhưng từ lúc đó đến giờ này chưa có một ai đặt vấn đề chạy án với tôi cả.

* Ông thử cố nhớ lại trước sự việc này vài tháng, có khi một năm trước đó, Dũng “Huế” có khi nào cho ông mượn tiền hay gửi quà cáp gì không?

- Chưa bao giờ. Tôi nhớ khi Dũng đi Thái, vợ tôi còn gửi 1-2 triệu đồng gì đó làm quà cho cháu lên đường đi chữa bệnh. Giữa tôi và Dũng “Huế” không có bất cứ vấn đề gì về kinh tế. Bản thân gia đình tôi không giàu có nhưng cũng không phải quá khó khăn về vật chất.

* Thưa ông, còn về các cuộc điện thoại của ông được cho là “mạt sát” một số điều tra viên khi C14 thực hiện bắt Bùi Tiến Dũng mà không báo cáo thủ trưởng cơ quan điều tra?

- Hôm bắt Bùi Tiến Dũng, anh em báo chí có gọi điện hỏi tôi - thủ trưởng Cơ quan Cơ quan Cảnh sát điều tra - rất nhiều. Tôi nhấc máy gọi cho thượng tá Đinh Văn Huynh - trưởng Phòng 9 của C14 để hỏi chuyện bắt Dũng. Sau đó, khoảng gần 18g, tôi gọi lại lần nữa để hỏi kết quả bắt Dũng thế nào. Hoàn toàn không có chuyện mạt sát, mà mạt sát sao được khi anh ấy là một thượng tá, trưởng phòng của C14.

Tôi chỉ trách anh em về cơ chế, về kỷ cương trong làm án và trong báo cáo. Ngay sau khi bắt Dũng, lãnh đạo Bộ đã triệu tập lên ngay, hỏi làm án nghiêm trọng như thế, tại sao thường vụ Đảng ủy Tổng cục Cảnh sát lại không được nghe báo cáo. Một ngày sau đó, thủ tướng cũng yêu cầu báo cáo, tôi đều là người phải đứng mũi chịu sào.

* Nhưng qua đó người ta có thể đặt vấn đề vì sao ông quan tâm “quá nhiều” đến từng diễn tiến cụ thể của vụ bắt Bùi Tiến Dũng?

- Đó là trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan điều tra. Tất cả các vụ án cơ quan điều tra làm, tôi đều phải quan tâm. Nhưng vụ án này vì thứ nhất, Bùi Tiến Dũng là một tổng giám đốc nên phải có ý kiến của thường vụ Đảng ủy Tổng cục Cảnh sát xem xét. Thứ hai, phó thủ trưởng cơ quan điều tra và điều tra viên sai thì phải chịu trách nhiệm trước thủ trưởng cơ quan điều tra, còn thủ trưởng và phó thủ trưởng cơ quan điều tra sai thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, cái đó đã phân cấp rõ ràng.

Vụ án này tôi đã chỉ đạo từ đầu. Việc bắt Bùi Tiến Dũng nếu đúng nguyên tắc, đúng quy trình thì phải báo cáo thường vụ Đảng ủy Tổng cục cùng nghe. Nhưng anh em đã làm rồi thì mình đồng tình, không có bất cứ sự cản trở nào.

Tôi chỉ gọi điện thoại cho điều tra viên hỏi kết quả khám xét thế nào, tài liệu thu được ra sao, có thứ gì quan trọng không… và sau đó là cách bố trí đưa bị can vào trại tạm giam thế nào. Tôi nhớ hôm đó bắt Bùi Tiến Dũng khoảng 15-16g tại cơ quan điều tra, sau đó đưa về nhà khám xét. Khoảng 17g hơn, báo chí gọi điện thoại hỏi tôi, tôi mới biết là anh em đã triển khai bắt rồi. Thực ra trước đó đã có kế hoạch sẽ bắt Dũng, tôi còn nhắc phải quản lý đối tượng thật chặt bằng ngoại tuyến.

* Đối với những vụ án khác, ông có bao giờ có ý kiến chỉ đạo trực tiếp các điều tra viên?

- Trừ những vụ án quan trọng, còn hầu hết các vụ án tôi giao cho phó thủ trưởng cơ quan điều tra.

* Xưa nay, trong chỉ đạo các vụ án, ông có hay gay gắt với các điều tra viên ở dưới?

- Cũng có một số vụ vì anh em tuân thủ kỷ cương không nghiêm, nhưng nói chung không mấy khi tôi gay gắt. Ngay trong vụ án này, tôi chỉ gọi điện thoại nhắc nhở anh em về cơ chế, về quy trình. Không ai cản trở anh em bắt đối tượng cả, nhưng việc bắt phải báo cáo, vì Bùi Tiến Dũng là đối tượng cần được báo cáo trong Thường vụ Đảng ủy Tổng cục trước. Nói chung làm án kinh tế, làm án đụng đến nhân thân do cấp ủy, cấp bộ quản lý là phải có trách nhiệm báo cáo.

* Cách đây hơn một tháng, thiếu tướng Phạm Xuân Quắc - cục trưởng Cục C14 - có phát biểu tại cuộc họp giao ban với lãnh đạo các cơ quan báo chí rằng nếu không phải tướng Quắc 59 tuổi, sắp nghỉ hưu thì e khó làm được vụ án này và báo chí hiểu tướng Quắc đang chịu nhiều sức ép. Ông nghĩ sao về việc này?

- Anh Quắc phát biểu theo chủ quan của anh ấy. Bản thân tôi không bao giờ gây sức ép với anh em điều tra viên ở dưới. Tất nhiên tôi có các quyền của thủ trưởng cơ quan điều tra, nếu xem xét vụ án có biểu hiện gì sai, thủ trưởng cơ quan điều tra có quyền đình chỉ. Nhưng tôi không có bất cứ hành vi nào điều chỉnh hoạt động điều tra của anh em.

Cũng chưa có tiền lệ nào, trong vụ án này tôi thậm chí còn phân công hai phó thủ trưởng cơ quan điều tra: thiếu tướng Phạm Xuân Quắc phụ trách một mảng, đại tá Trần Trọng Lượng (cục phó C14) phụ trách một mảng khác. Sau này, quá trình điều tra có thông tin thế này, thế nọ, nhưng tôi vẫn quyết định để anh em làm mà không thay đổi điều tra viên. Có thể nói tôi đã ủng hộ anh em điều tra rất nhiều khi làm án, tôi không hiểu vì sao lại có ý kiến nói như thế.

Có đối tượng chạy nhưng chạy được hay không lại là vấn đề khác. Quan sát lại toàn bộ quá trình điều tra, tôi thấy rằng chưa có một quyết định nào sai lệch, kể cả chỉ đạo cũng như thực hiện, từ bắt cho tới phê chuẩn lệnh khám xét, lệnh giam…

Các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng đã làm đúng chức trách của mình. Đến nay các đối tượng bị bắt đã nhận tội chạy án nhưng bất thành.

Đó là căn cứ cơ bản nhất để nhận xét một cách khách quan rằng cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng bị chạy án đã tích cực bảo vệ mình.

Thiếu tướng CAO NGỌC OÁNH

* Thưa ông, ông nghĩ sao về nội dung giải trình trái ngược nhau giữa ông và ông Đoàn Mạnh Giao, ông Nguyễn Văn Lâm ở Văn phòng Chính phủ về bữa cơm ở khách sạn Melia?

- Có thể các anh ấy nói như thế, nhưng thử hỏi nếu quả thực xảy ra chuyện chạy án, không lẽ là tôi… “chạy” ngược? Hãy để cho cơ quan điều tra tìm hiểu, nhưng tôi thì hiểu rằng bữa cơm ấy do Tôn Anh Dũng chủ động bố trí. Dũng bảo với tôi “có anh Giao, anh Lâm muốn mời anh sang ăn cơm”, còn Dũng nói với anh Giao, anh Lâm thế nào thì phải hỏi Dũng. Thực tế hôm đó tôi là người đến sau và tôi tin chính Dũng là người trả tiền ăn. Chuyện bữa cơm hôm đó, tôi nghĩ rất đơn giản.

* Hình thức thì đúng là một bữa ăn đơn giản, nhưng điều khó hiểu là vì sao những người tham dự lại giải trình khác nhau về việc ai đứng ra mời và chủ trì, thưa ông?

- Tôi đứng ra mời cơm để làm gì nếu quả thực đó là bữa cơm để bàn việc “chạy án”? Nếu chạy, ai cần ai? Tôi không cần phải bảo vệ Bùi Tiến Dũng…

Tôi đã xin được giải trình toàn bộ những chuyện này trước cuộc họp của Đảng ủy Công an trung ương (dự kiến diễn ra hôm nay 12-4 tại Hà Nội - PV).

* Báo chí vừa qua đưa tin ông đã xin rút khỏi danh sách đại biểu dự Đại hội Đảng lần X, rút khỏi đề cử thứ trưởng Bộ Công an và đề cử vào ủy viên trung ương?

- Tôi xin khẳng định tôi vẫn đủ tư cách. Tôi không làm bất cứ điều gì để phụ lòng Đại hội Đảng bộ Công an trung ương đã bầu tôi là đại biểu chính thức của Đại hội X. Tôi chưa làm gì hại đến thanh danh của lực lượng cảnh sát nhân dân nói riêng và lực lượng công an nói chung. Tất nhiên trong bối cảnh này, việc tôi có rút tên hay không là do các cơ quan trung ương quyết định.

* Xin cảm ơn thiếu tướng.

N.V.HẢI thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên