Hội nghị tổng kết công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi TP.HCM 2023 được tổ chức vào ngày 9-1, bàn nhiều câu chuyện cho hoạt động năm 2024.
Tinh thần khai phá, mở mang đi đầu
Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TP.HCM Nguyễn Mạnh Cường đánh giá việc thực hiện chuyển đổi số của Đoàn năm 2023 đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực không chỉ trong hoạt động Đoàn mà còn hỗ trợ chính quyền thực hiện chuyển đổi số nhiều lĩnh vực.
Ông Cường chia sẻ có hai nghị quyết quan trọng tác động đến sự phát triển không chỉ của TP.HCM mà còn các tỉnh trong vùng và cả nước là nghị quyết 31 và nghị quyết 98. "Tổ chức Đoàn có trọng trách tham gia cùng chính quyền thực hiện hiệu quả các nghị quyết này" - ông Cường nói.
Nói về công nghệ, ông Cường cho rằng điều này giúp Đoàn tương tác với thanh niên nhanh hơn, dễ tiếp cận nhưng cũng đặt ra băn khoăn khi sự cảm và thấu hiểu thanh niên cũng khó hơn. Bởi nếu chỉ cần like, share và không gặp nhau, liệu có hiểu thanh niên không. Thách thức chính là khi tận dụng công nghệ làm sao phải chạm đến cảm xúc của thanh niên.
Tuổi trẻ dù suy nghĩ gì cũng xuất phát từ sự năng động, sáng tạo, nhận lãnh sứ mệnh tiên phong từ việc nhỏ đến lớn. "TP đang đứng trước những sự chuyển mình, chúng ta phải nhận thức đầy đủ cơ hội và thách thức. Vai trò của Đoàn luôn sáng tạo, xung kích tiên phong để khai phá, mở mang và đi đầu không ngoài mục tiêu xây dựng, phát triển đất nước" - ông Cường bày tỏ.
Từ chủ đề "Năm thanh niên tình nguyện" 2024, ông Cường nhắc hoạt động Đoàn không chỉ là tình nguyện mà cần gắn với chủ đề năm của TP. Trong đó, TP xác định 2024 là năm tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội, cũng là năm cao điểm hướng đến các hoạt động kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Tình nguyện và chuyển đổi số
Nhiều ý kiến đề xuất Thành Đoàn cần tiếp tục thực hiện chuyển đổi số, sắp xếp tổ chức, cán bộ phù hợp với quá trình sắp xếp đơn vị hành chính tại địa phương, tiếp tục chăm lo cho thanh niên công nhân. Bí thư Quận Đoàn Bình Tân Nguyễn Lê Trung Hiếu nói cần nhân rộng mô hình "Chợ 4.0 - không sử dụng tiền mặt", phát huy ý tưởng sáng tạo, chuyển đổi số của thanh niên tham gia phát triển kinh tế - xã hội.
Dẫn thực tế hoạt động Đoàn đã tham gia cùng chính quyền đẩy mạnh quảng bá du lịch địa phương nhờ ứng dụng chuyển đổi số, Bí thư Huyện Đoàn Bình Chánh Nguyễn Quang Tuấn nói cấp thành cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện chuyển đổi số trong câu chuyện Đoàn tham gia phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Ở khía cạnh khác, Bí thư Đoàn Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) Nguyễn Thị Ngọc Khánh chia sẻ các cấp bộ Đoàn đã quan tâm đến đời sống tinh thần của các bạn trẻ nhất là giai đoạn dịch COVID-19 căng thẳng nhưng gần đây có vẻ hơi lơ là. Chị Khánh đề xuất cùng với việc đồng hành mọi mặt với bạn trẻ, tổ chức Đoàn nên quan tâm đến đời sống tinh thần của họ hơn nữa.
Bí thư Thành Đoàn TP.HCM Phan Thị Thanh Phương gợi mở các cơ sở Đoàn cần tập trung chất lượng, giảm tải hoạt động. Song song đó phải đầu tư xây dựng, nâng chất đội ngũ và tiếp tục cuộc vận động "TP.HCM - TP tôi yêu". Theo chị Phương, chất lượng của phong trào, hoạt động tình nguyện mới là vấn đề chúng ta quan tâm, phải chủ động và dùng chuyên môn cao hơn trong hoạt động tình nguyện.
"Năm 2024 tiếp tục chuyển trọng tâm hoạt động về cơ sở. Cán bộ Đoàn cấp thành sẽ cùng cơ sở tham gia thiết kế, tổ chức các hoạt động gắn với thực tế của địa bàn" - chị Thanh Phương phát biểu.
12 chỉ tiêu cho năm 2024
Phó bí thư thường trực Thành Đoàn TP.HCM Ngô Minh Hải cho biết có 12 chỉ tiêu đặt ra trong năm 2024 và tiếp tục thực hiện công trình thanh niên "Sông Sài Gòn - con sông của TP tôi". Hai trào lưu sống xanh và lan tỏa câu chuyện sống đẹp sẽ được chú ý, đồng thời chủ động xây dựng các hoạt động trang bị kỹ năng số, nâng cao năng lực số cho các bạn trẻ.
Các hoạt động giáo dục của Đoàn sẽ chú ý đổi mới nội dung, phương thức và hướng đến các hoạt động kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước; quan tâm giáo dục chính trị tư tưởng, truyền thống, pháp luật cho đoàn viên thanh niên.
Hoạt động tình nguyện sẽ chú ý kết nối các tập thể, cá nhân cùng tham gia. Cạnh đó, Đoàn tiếp tục đồng hành với thanh niên trong học tập, khởi nghiệp, lập nghiệp, phát triển kỹ năng thực hành xã hội...
Báo Tuổi Trẻ đoạt 10 giải Giải thưởng Ngòi bút trẻ 2023
Ngày 9-1, Thành Đoàn TP.HCM đã trao giải thưởng Ngòi bút trẻ dành cho tác phẩm báo chí tiêu biểu viết về công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi TP.HCM năm 2023. Đã có 110 tác phẩm của 16 cơ quan, đơn vị báo, đài dự giải và 32 tác phẩm báo chí tiêu biểu nhất thể loại báo in, báo điện tử, báo nói và báo hình được chọn trao giải. Trong đó có sáu giải A, bảy giải B, 10 giải C và chín giải khuyến khích.
Giải A báo in được trao cho hai tác phẩm: tuyến bài diễn đàn "Người trẻ có sợ trách nhiệm?" của nhóm tác giả Quốc Linh - Kim Anh - Thành Chung - Công Triệu (báo Tuổi Trẻ), tác phẩm "Nhận diện, phản bác thông tin xấu, độc" của nhóm tác giả Xuân Vĩnh - Hồng Đào - Thanh Nga - Lê Chinh - Trường Hoàng (báo Người Lao Động).
Hai giải A báo điện tử đều thuộc về báo Tuổi Trẻ gồm Megastory "30 năm TP.HCM kết nối hàng triệu trái tim tình nguyện" của nhóm phóng viên Kim Anh - Bình Minh và tác phẩm chuyên đề "Tự hào Việt Nam trong trái tim người trẻ" của tác giả Khánh Hùng (ấn phẩm Khăn Quàng Đỏ).
Tác phẩm "Sức trẻ thành phố Bác" của tác giả Nguyệt Hương (Đài Truyền hình TP.HCM) nhận giải A báo hình. Giải A báo nói thuộc về nhóm tác giả Mỹ Hương - Thùy Trang - Thành Sang (Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM) với tác phẩm "Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên mạng xã hội TikTok".
Ngoài ba giải A nói trên, báo Tuổi Trẻ còn đoạt hai giải B, bốn giải C và một giải khuyến khích giải thưởng Ngòi bút trẻ 2023.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận