Tác giả Trần Thị Thùy Dung - Ảnh: NVCC
Tôi tốt nghiệp với tấm bằng loại khá chuyên ngành ngôn ngữ Anh của một trường đại học có tiếng tại thành phố. Ai cũng nghĩ chỉ cần tấm bằng đại học là tôi có thể kiếm được việc làm ngay. Nhưng mọi việc không đơn giản như vậy.
Ấn tượng từ cái nhìn đầu tiên
Như nhiều bạn trẻ khác, tôi vẫn khá mông lung về nghề nghiệp tương lai của mình, ngay cả trong những tháng ngày sắp tốt nghiệp đại học.
Chúng tôi học một ngoại ngữ nhưng lại không hướng về một ngành nghề cụ thể nào, nên khi ra trường đứa nào cũng ngơ ngác trước một rừng việc làm, không biết mình sẽ đi hướng nào.
Trong thời gian học tập tại trường, tôi được tham gia nhiều tour thực tế đến các khách sạn, tìm hiểu nhiều vị trí công việc khác nhau.
Ấn tượng về nghề lễ tân bắt đầu từ đây, khi tôi bị thu hút mạnh mẽ bởi hình ảnh người lễ tân khoác trên mình bộ vest lịch thiệp cùng nụ cười rạng rỡ, tự tin giao tiếp với khách hàng thuộc nhiều giới khác nhau.
Họ linh hoạt nhưng tinh tế, lịch sự nhưng gần gũi, tạo cho người đối diện sự thoải mái và hài lòng. Có lẽ đam mê về nghề lễ tân của tôi đã đến một cách nhẹ nhàng như thế.
Ấn tượng sâu sắc là thế nhưng cơ duyên của tôi với nghề lễ tân mãi mới xuất hiện, khi tôi được người bạn giới thiệu vào làm việc cho một khách sạn 4 sao trong thành phố. Tôi mạnh dạn ứng tuyển vào vị trí lễ tân với sự tò mò khám phá và khao khát trải nghiệm của một cô gái tuổi 22 đầy hoài bão.
Với nền tảng tiếng Anh sẵn có là một lợi thế, nhưng còn hạn chế về kiến thức chuyên môn, tôi được nhận vào vị trí lễ tân tập sự trong 2 tháng.
Nghề "làm dâu trăm họ"
Có lẽ điều khiến tôi ấn tượng mãi không quên vào ngày đầu tiên nhận việc chính là nơi làm việc của mình ngay sảnh chính của khách sạn, được đầu tư công phu, sang trọng vô cùng. Bên cạnh đó, phong cách làm việc của mọi người ở đây nhanh nhẹn và chuyên nghiệp đến không ngờ, cảm xúc trong tôi đan xen vừa háo hức vừa lo lắng.
Tôi được chị trưởng bộ phận giới thiệu về vai trò của mình, là người đầu tiên giới thiệu hình ảnh khách sạn đến du khách. Vì là người đầu tiên và cũng là cuối cùng tiếp xúc với khách hàng nên từng cử chỉ, hành động của tôi đều phải thể hiện sự tinh tế và chuyên nghiệp nhất.
Nhiều người thường nghĩ công việc lễ tân vô cùng đơn giản, chỉ tiếp đón và tiễn khách nhưng thực tế nhiệm vụ của người lễ tân rất quan trọng.
Chúng tôi phải biết cách trò chuyện, tạo được thiện cảm cho khách hàng từ ánh nhìn đầu tiên, và đảm bảo họ thật sự thoải mái trong suốt quá trình lưu trú tại khách sạn. Mọi nhu cầu và thắc mắc của khách hàng, bộ phận lễ tân phải cung cấp và giải đáp một cách chính xác và kịp thời.
Ai đó từng ví nghề lễ tân như "làm dâu trăm họ", tôi phải thừa nhận điều đó không hề sai. Bước chân vào công việc thực tế, tôi mới thấm thía nỗi vất vả của nghề này. Có những ngày đông khách, lễ tân phải làm việc liên tục 12 giờ không ngưng nghỉ, mà nụ cười và ánh mắt vẫn phải rạng rỡ nhất.
Hay khi gặp phải những vị khách khó tính phàn nàn về chất lượng dịch vụ, tôi cũng phải hết sức bình tĩnh, nhanh nhạy để xử lý tình huống, và tuyệt đối không được tỏ thái độ bất mãn. Áp lực là vậy, nhưng với tôi niềm vui vẫn hiện hữu sau một ngày miệt mài với công việc.
Chỉ cần nhìn thấy nụ cười mãn nguyện của khách hàng, hay sung sướng hơn là nhận được lời cảm ơn chân thành từ họ, mọi mệt mỏi hay ưu phiền trong tôi tự dưng tan biến tất cả.
Hạnh phúc được làm việc bản thân yêu thích Đến với nghề lễ tân, mỗi ngày trôi qua được gặp gỡ, tiếp xúc với từng vị khách hàng khác nhau, với tôi đó là niềm vui, hạnh phúc không thể diễn tả thành lời. Qua trò chuyện với họ, tôi được học hỏi, mở mang kiến thức, hiểu biết thêm rất nhiều điều mới mẻ trong cuộc sống... Ngoài ra, có thể nói cách đối nhân xử thế hội tụ đủ đầy trong nghề này, khi yêu cầu nghề nghiệp buộc tôi phải biết quan sát, hỏi thăm và chăm sóc khách hàng của mình tận tình, chu đáo.
Trần Thị Thùy Dung
Từ ngày 31-12-2017 đến 6-1-2018, ban tổ chức cuộc thi "Tôi chọn nghề" nhận được bài của các tác giả sau: Trần Thị Nhất Thương (P.Bình An, Q.2, TP.HCM); Trần Thị Minh Sơn (An Dương Vương, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định); Hồ Thị Yến (đường Trần Phú, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh); Minh Tường (P.Hiệp Phú, Q.9, TP.HCM); Hoàng Lan (P.Phúc Tân, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội); Trần Phụng Quát (P.Bình An, Q.2, TP.HCM); Thiên Anh (Tân Thới Hiệp, Q.12, TP.HCM); Quốc Đô (Q.Hoàng Mai, Hà Nội); Lương Thị Liên…
Cuộc thi viết "Tôi chọn nghề" do báo Tuổi Trẻ phối hợp Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức, với các đơn vị đồng hành: Trường CĐ Cơ điện Hà Nội, Trường CĐ Kỹ nghệ II và Trường CĐ An ninh mạng Ispace. Nhận bài dự thi từ nay đến ngày 21-1-2018, với giải nhất 30 triệu đồng, giải nhì 20 triệu đồng và giải ba 10 triệu đồng.
Ngoài ra, ban tổ chức sẽ trao thêm 5 giải khuyến khích (mỗi giải 5 triệu đồng), bài viết hay nhất tháng (5 triệu đồng), bài viết hay nhất tuần (2 triệu đồng). Bài dự thi dưới 1.200 chữ kèm hình ảnh nhân vật, gửi về email giaoduc@tuoitre.com.vn, hoặc ban giáo dục - khoa học báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, Q.Phú Nhuận, TP.HCM), ghi rõ dự thi "Tôi chọn nghề".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận