21/04/2018 17:16 GMT+7

Tước bỏ quyền lực bán chỉ định

TRẦN NGỌC THƠ
TRẦN NGỌC THƠ

TTO - Người dân có nhà, đất bán cho người quen sẽ nói "chỗ quen anh bán giá hữu nghị". Hữu nghị là rẻ một chút, người mua được lợi, người bán tuy thiệt nhưng hài lòng vì đã giúp người quen bằng tiền của mình.

Tước bỏ quyền lực bán chỉ định - Ảnh 1.

Nhưng với tài sản nhà nước thì không thể bán cho chỗ quen, càng không có giá hữu nghị. Để không bị thất thoát, tham nhũng xen vào, phải bán công khai qua đấu giá. Vậy mà đã có không ít tài sản nhà nước được bán chỉ định, dấm dúi.

Những vụ án đang điều tra ở nhiều địa phương, nổi cộm ở Đà Nẵng là điển hình cho những thất thoát kiểu này. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị gỡ khó cho hoạt động đầu tư xây dựng ngày 20-4 đã yêu cầu: 

"Không được bán chỉ định, tài sản đất đai phải đấu giá công khai để thu lợi cho Nhà nước. Chúng ta thất thoát trong vấn đề này quá lớn, cần phải chấn chỉnh. Không được quân xanh quân đỏ, phải dẹp ngay tình trạng này".

Đấu thầu mua sắm công, bán đấu giá tài sản nhà nước - nguyên tắc được xác định từ lâu, phải nghiêm túc thực hiện nhưng vẫn bị không ít nơi xé rào. 

Một người am hiểu về kinh tế nói rằng dù được hội đồng định giá đất tư vấn nhưng lãnh đạo tỉnh, thành phố cũng không thể rành rẽ về thị trường nhà, đất để có thể quyết định giá bán. 

Còn lãnh đạo một ngân hàng cho biết định giá đất tuy có khung, theo tiêu chí nhưng nếu không vô tư, tài sản 100 đồng vẫn có thể định giá 1 đồng, sau đó được đem bán chỉ định. Tiêu cực, tham nhũng nảy sinh từ đây. 

Vì vậy, bán đấu giá công khai tài sản nhà nước luôn là nguyên tắc bất di bất dịch.

Đấu giá công khai đất đai cũng là cách để hạ nhiệt, giải tỏa bớt những bức xúc nơi người dân vùng bị quy hoạch, giải tỏa. Bao lâu nay, người phải nhường đất cho rằng bộ máy công quyền khi thực hiện đền bù giải tỏa là phục vụ cho lợi ích của doanh nghiệp. 

Tâm tư ấy chồng chất khi đất sau thu hồi được bán không qua đấu giá cho doanh nghiệp. Nếu bán đất công khai qua đấu thầu, tiền chênh lệch vào ngân sách nhà nước để đầu tư lại cho xã hội, có lẽ tâm tư của người bị giải tỏa cũng vơi đi.

Nhưng tài sản đất đai của Nhà nước không chỉ thất thoát do bán chỉ định, mà còn qua hình thức đổi đất lấy hạ tầng, còn gọi là đầu tư BT (xây dựng - chuyển giao) không qua đấu thầu. Rất nhiều chuyên gia kinh tế đã chỉ ra rằng đây là "ổ tham nhũng", Nhà nước bị ăn hai đầu. 

Doanh nghiệp đẩy chi phí xây dựng công trình lên cao để Nhà nước phải thanh toán, trong khi giá đất Nhà nước thanh toán cho doanh nghiệp để đổi lấy công trình lại bị ép xuống.

Còn chỉ định thầu, còn bán dấm dúi là còn mất lòng tin, còn thất thoát. Các dự án BOT giao thông đa số là chỉ định thầu đã gây bức xúc dư luận xã hội. 

Những phi vụ bán chỉ định nhà đất của Nhà nước khiến hàng loạt cán bộ phải vướng vòng lao lý, tài sản quốc gia bị thất thoát. Vậy hà cớ gì cứ phải cho phép tồn tại cơ chế "chỉ định". 

Phải xác lập nguyên tắc những gì liên quan đến tài sản nhà nước từ mua sắm công, bán tài sản đến đầu tư... đều phải đấu thầu hoặc đấu giá công khai. 

Thực hiện nghiêm nguyên tắc này sẽ tước bỏ quyền lực định đoạt tài sản quốc gia một cách bừa bãi của một số cán bộ có chức có quyền, mới chấm dứt thất thoát tài sản như lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là "thất thoát quá lớn".

Phải báo cáo Thành ủy vụ bán đất Phước Kiển giá bèo trước ngày 8-5 Phải báo cáo Thành ủy vụ bán đất Phước Kiển giá bèo trước ngày 8-5

TTO - Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã giao Ủy ban Kiểm tra Thành ủy kiểm tra các dấu hiệu vi phạm trong vụ chuyển nhượng hơn 30 hecta đất tại Phước Kiển cho Quốc Cường Gia Lai.

TRẦN NGỌC THƠ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên