Chiếc ví Chanel cùng lá thư của "người lương thiện" bí ẩn mà Punnarom Supablapaskorn đăng lên Facebook - Ảnh chụp màn hình The Nation
Nhắc đến cái tên Punnarom Supablapaskorn, có lẽ không nhiều người Thái Lan biết. Nhưng nhắc đến người phụ nữ bị mất chiếc ví Chanel và được người lương thiện trả lại, nhiều dân mạng Thái Lan vốn biết rõ.
Chuyện là vào đầu tháng 6 năm nay, tài khoản Facebook tên Punnarom Supablapaskorn đã khoe câu chuyện cô đánh rơi túi Chanel và được một người bí ẩn trả lại. Người phụ nữ này còn đính kèm hẳn một lá thư viết tay của người đàn ông trả lại chiếc ví đắt tiền.
Lá thư viết: "Tôi nhặt được chiếc ví này gần một góc tường. Tôi nghèo nhưng tôi là người tốt. Tôi chỉ xin đủ tiền để mua 1 chai rượu và thanh toán phí gửi chiếc hộp này với tổng 200 baht (150.000 đồng). Không cần biết tôi là ai cả! Ổn mà! Chỉ là làm việc tốt mà không cần ai biết!".
Kết lại lá thư là câu tục ngữ nổi tiếng của người Thái "Pid Thong Lang Phra" (Làm việc tốt mà không cần đền đáp) và chữ ký "Nuay".
Biết tới câu chuyện "người tốt, việc tốt" này, nhiều cư dân mạng Thái Lan đã hết sức ngạc nhiên và dành nhiều lời khen ngợi. Tuy nhiên, khi bài viết được chia sẻ chóng mặt, nhiều người đã đặt ra nghi vấn về thực hư câu chuyện.
Punnarom Supablapaskorn đăng ảnh chiếc ví Chanel được người bí ẩn đóng hộp gửi trả - Ảnh chụp màn hình The Nation
Báo The Nation (Thái Lan) ngày 23-6 cho hay giấy triệu tập mới đây đã được gửi tới Punnarom Supablapaskorn để cô trả lời các câu hỏi của cảnh sát vào ngày 29-6.
Đại tá Siriwat Deepor, người phát ngôn và là phó chỉ huy Bộ phận trấn áp tội phạm công nghệ (TCSD) thuộc Cảnh sát hoàng gia Thái Lan, hôm 21-6 cho biết hiện nhà chức trách nghi ngờ Punnarom bịa đặt câu chuyện này.
Ông cho biết hơn 100.000 người đã chia sẻ câu chuyện của Punnarom trong khi nhiều người đã gửi đơn đề nghị TCSD điều tra.
Thiếu tướng Paiboon Noihoon, người đứng đầu TCSD, đã chỉ đạo các nhân viên điều tra vụ việc, gồm thu thập lời khai nhân chứng, kiểm tra nơi ở của người phụ nữ trên cũng như bưu điện.
Theo báo The Nation, hiện cảnh sát chắc chắn 90% rằng câu chuyện trên đã được bịa đặt và đang có hành động pháp lý để xử lý chủ tài khoản Facebook đăng bài viết. Theo tường thuật, Punnarom đã xóa tài khoản Facebook của cô.
Theo Đạo luật tội phạm máy tính của Thái Lan, tội đưa thông tin sai sự thật lên Internet tại nước này có thể bị phạt tối đa 5 năm tù và/hoặc tiền phạt tối đa 100.000 baht (tương đương 75,6 triệu đồng).
Qua sự việc này, Đại tá Siriwat Deepor kêu gọi người dân Thái Lan không đăng các thông tin sai sự thật để "câu fame", tìm kiếm sự nổi tiếng. Hành động đó sẽ tạo ra sự nghi ngờ, bối rối cho mọi người và có thể bị xử lý theo luật pháp Thái Lan.
Vị này cũng cảnh báo cư dân mạng không chia sẻ những câu chuyện như vậy trước khi kiểm tra tính xác thực của thông tin, vì họ có thể trở thành công cụ phục vụ mục đích của kẻ khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận