06/11/2014 17:53 GMT+7

Tung tiền "khủng" hối lộ quan chức để lấy hợp đồng

CHIÊU VĂN
CHIÊU VĂN

TTO - Tiền lại quả bất hợp pháp cho các quan chức nước ngoài để giành được những hợp đồng béo bở đã trở thành chuyện thường tình của các tập đoàn lớn.

Những vụ đưa hối lộ và lại quả của các tập đoàn lớn thường khó bị đưa ra ánh sáng - Ảnh: complianceconsult.in

GlaxoSmithKline bị phạt 490 triệu USD

Mới đây nhất, tháng 9-2014, nhà chức trách Trung Quốc tuyên bố phạt công ty dược phẩm Anh GlaxoSmithKline 490 triệu USD vì đưa hối lộ cho các quan chức trong nước. 

Đây là khoản tiền phạt kỷ lục ở nước này. GSK bị cáo buộc đưa tiền hoa hồng cho các bác sĩ và bệnh viện để quảng cáo cho các sản phẩm của hãng này. 

Tòa Trung Quốc cũng tuyên cựu giám đốc Trung Quốc của GSK, Mark Reilly, 3 năm tù treo và trục xuất ông này. 

Một số quan chức GSK khác nhận các án tù treo khác nhau sau phiên xử một ngày ở Trường Sa, theo hãng tin Tân Hoa xã. 

Trung Quốc mở điều tra với GSK từ tháng 7-2013 và kết luận hãng dược này đã thu lợi khoảng 150 triệu USD bất hợp pháp nhờ quảng cáo thông qua chi hoa hồng cho các bác sĩ và bệnh viện.

Kellogg Brown & Root: Nộp phạt gần 600 triệu USD

 

Kellogg Brown & Root (KBR) là một công ty con của Halliburton, một trong những tập đoàn xây dựng và kỹ thuật lớn nhất thế giới với nhiều hợp đồng lớn cùng quân đội Mỹ.

Theo báo Mỹ The New York Times, năm 2009 Bộ Tư pháp Mỹ đã truy tố KBR vì vi phạm FCPA, bao gồm việc chi hàng trăm triệu USD tiền lại quả cho các quan chức Nigeria để giành được một hợp đồng xây dựng nhà máy khí đốt ở nước này.

KBR cùng giám đốc điều hành Albert Jack Stanley nhận tội, trả 402 triệu USD tiền phạt cho Bộ tư pháp và 177 triệu USD nữa cho SEC. Stanley bị tuyên 2,5 năm tù giam, bắt đầu từ năm 2012. Tuy nhiên ở Nigeria không ai bị truy tố.

Siemens AG: vụ dàn xếp 1,6 tỉ USD

Theo The New York Times và các báo cáo của SEC, Siemens AG, một công ty kỹ thuật lớn của Đức, vi phạm luật FCPA năm 2008 khi trả 16 triệu USD cho tổng thống Argentina để nhận được một hợp đồng làm thẻ căn cước công dân cho nước này.

Hợp đồng này trị giá 1 tỉ USD với Siemens AG. Tổng cộng công ty này bị cáo buộc đưa hơn 100 triệu USD cho các quan chức chính phủ. Tám nhân viên và nhiều nhà thầu phụ của Siemens bị điều tra.

Siemens sau đó đã dàn xếp với Bộ Tư pháp, trả khoản phạt 1,6 tỉ USD ở cả Mỹ và Đức. Vụ hối lộ xảy ra từ năm 2004, nhưng việc điều tra và dàn xếp kéo dài tới năm 2008 và ở Argentina cũng không ai bị trừng phạt.

BAE Systems: vụ điều tra kéo dài nhất lịch sử

Công ty công nghệ hàng không và không gian Anh đã bị nhà chức trách Anh điều tra từ năm 1989 trong vụ án hối lộ có lẽ là kéo dài nhất lịch sử.

Quan ngại chính của nhà chức trách xoay quanh một hợp đồng cung cấp máy bay phản lực chiến đấu của BAE cho Saudi Arabia. Điều tra sau đó mở rộng ra các hợp đồng của BAE với Nam Phi, Tanzania, Chile, Romania, Cộng hòa Czech và Qatar.

Điều tra tập trung vào những khoản chi trả của BAE qua một “công ty trung gian” cho các quan chức nước ngoài.

Bộ Tư pháp Anh sau đó phải hủy bỏ hầu hết các cuộc điều tra với lý do an ninh quốc gia, nhưng Mỹ vẫn tiếp tục và năm 2007 BAE chấp nhận dàn xếp với nhà chức trách Mỹ, trả khoản phạt 400 triệu USD.

Kerry Khan và Michael Alexander nhận hối lộ 20 triệu USD

Không chỉ các công ty, những cá nhân cũng có thể bị truy tố nếu đưa hối lộ ở nước ngoài. Tháng 10-2011, hai nhân viên của công binh thuộc lục quân Hoa Kỳ bị bắt giữ và truy tố vì nhận tiền lại quả, ước tính tới hơn 20 triệu USD.

Kerry Khan và Michael Alexander bị cáo buộc nhận hối lộ từ các nhà thầu để phân phát những hợp đồng chính phủ béo bở cho họ. Khan và Alexander hiện vẫn đang ở tù, bị tuyên án lần lượt 20 năm và 6 năm tù giam vào năm 2013.

CHIÊU VĂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên