02/06/2016 16:36 GMT+7

Từng có người nhiễm HIV sau đó âm tính

D. KIM THOA (tổng hợp từ Guardian, Dailymail)
D. KIM THOA (tổng hợp từ Guardian, Dailymail)

TTO- Số người trên thế giới bị nhiễm HIV và sau đó được tuyên bố khỏi bệnh có thể đếm trên đầu ngón tay. Có trường hợp xác định được nguyên nhân, nhưng cũng có trường hợp y học chưa thể lý giải.

Tháng 11-2005, người thanh niên Scotland 25 tuổi sống tại London (Anh) tên là Andrew Stimpson từng hai lần có kết quả xét nghiệm HIV dương tính vào tháng 8-2002 bất ngờ nhận được kết quả xét nghiệm âm tính sau 14 tháng.

Giống như mọi xét nghiệm khác, xét nghiệm virút HIV hoàn toàn có thể cho kết quả dương tính giả. Tuy nhiên trường hợp của anh Andrew Stimpson dường như không phải vậy. Sau khi có kết quả dương tính với xét nghiệm loại kháng thể với virút HIV, anh Stimpson làm tiếp xét nghiệm thứ hai để kiểm tra lượng virút HIV có trong máu.

Lần xét nghiệm thứ hai là dương tính mặc dù số virút trong máu rất thấp. Hai kết quả xét nghiệm dương tính giả cũng có thể xảy ra đồng thời như trường hợp của anh Stimpson, nhưng xác suất việc này rất nhỏ.

Loại trừ khả năng bị lẫn lộn các kết quả xét nghiệm, trường hợp tự khỏi HIV như của anh Stimpson rõ ràng là một ca khó giải thích với giới khoa học.

Anh Stimpson sống tại London cùng bạn gái là một người nhiễm HIV. Theo bà Jackie Redding thuộc tổ chức chuyên về sức khỏe tình dục Terrence Higgins Trust, cũng có những trường hợp người bình thường không bị nhiễm virút HIV sau một thời gian có quan hệ tình dục thường xuyên với bạn tình nhiễm virút này.

Thời điểm đó giới khoa học muốn anh Stimpson làm tiếp các xét nghiệm virút HIV để có thể xác minh nguyên nhân khỏi bệnh đặc biệt của anh. Tuy nhiên theo tổ chức y tế Chelsea and Westminster, anh Stimpson từ chối không làm xét nghiệm nữa.

Trường hợp thứ hai có vẻ như rõ ràng hơn về mặt khoa học trong việc khỏi bệnh. Đó là tình huống của anh Timothy Brown, 46 tuổi, người đầu tiên trong lịch sử được ghi nhận là ca nhiễm HIV được chữa khỏi bằng phương pháp ghép tế bào gốc từ máu của người có gen kháng virút HIV.

Năm 2007, các bác sĩ đã thực hiện cuộc phẫu thuật bước ngoặt khi dùng phương pháp ghép tế bào gốc để điều trị bệnh máu trắng cho anh Timothy Brown. Anh Brown được chẩn đoán mắc bệnh này từ 1 năm trước đó.

Năm năm sau, năm 2012, các bác sĩ phẫu thuật cho anh tự tin rằng họ đang tiến gần hơn tới việc tìm ra giải pháp điều trị virút HIV cho khoảng 34 triệu người nhiễm virút này trên toàn thế giới khi anh Brown có kết quả xét nghiệm âm tính.

Anh Brown còn được mọi người gọi là “Bệnh nhân Berlin” vì trước đây anh từng sống ở thủ đô nước Đức, có kết quả HIV dương tính năm 1995.

Năm 2007, khi vẫn đang sống tại Đức, anh từng trải qua giai đoạn điều trị tích cực với căn bệnh máu trắng. Trong quá trình điều trị, các bác sĩ đã ghép cho anh tế bào gốc từ tủy xương của một người hiến có chứa biến thể gen miễn nhiễm virút HIV.

Biến thể này được gọi là delta 32 (còn gọi là biến thể gen CCR5), ước tính có trong khoảng 1% số người có nguồn gốc từ Bắc Âu, trong đó những người Thụy Điển có tỉ lệ này cao nhất.  Phần trăm những người có biến thể gen này ở các chủng tộc khác rất thấp. Năm 2007, các bác sĩ điều trị cho anh Brown đã xét nghiệm tới gần 70 trường hợp hiến tế bào gốc mới tìm được người phù hợp để ghép cho anh.

Tuy nhiên việc dùng phương pháp ghép tế bào gốc điều trị HIV là giải pháp khó khả thi vì rất khó để tìm người hiến tủy xương phù hợp, lại càng khó hơn nữa là tìm được người có chứa loại gen kháng virút HIV.

Ngược lại, với việc ghép máu dây rốn, mức độ phù hợp giữa người cho và người nhận không cần quá sít sao đến thế, do đó cũng dễ tìm ra người hiến phù hợp hơn. Theo đó các chuyên gia hy vọng với phương pháp phẫu thuật ghép tế bào gốc lấy từ máu dây rốn sẽ thành công với những người bệnh HIV khác.

 

D. KIM THOA (tổng hợp từ Guardian, Dailymail)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên