17/09/2011 07:28 GMT+7

Từng bước đẩy lùi tham nhũng

V.V.THÀNH
V.V.THÀNH

TT - Chiều 16-9, ông Nguyễn Xuân Phúc (UV Bộ Chính trị, phó thủ tướng Chính phủ, phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng - BCĐTƯVPCTN) đã làm việc với BCĐTƯVPCTN.

1gshOqn4.jpgPhóng to
Ông Huỳnh Ngọc Sĩ - nguyên giám đốc Ban quản lý dự án đại lộ Đông - Tây và môi trường nước TP.HCM - bị tuyên án 20 năm tù về hành vi nhận hối lộ - Ảnh: Minh Đức

Ông Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu rà soát, đề xuất làm rõ hơn chức năng, nhiệm vụ để phát huy sức mạnh của Văn phòng ban chỉ đạo, góp phần ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng.

Lạm dụng các quy định về bí mật nhà nước

Ông Nguyễn Xuân Phúc nói trên cơ sở chức năng hiện có, Văn phòng ban chỉ đạo phải kịp thời tham mưu với Ban chỉ đạo và trưởng ban chỉ đạo để xử lý các vấn đề liên quan theo đúng quy định pháp luật.

“Tôi là chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia. Cần khẳng định lực lượng cảnh sát có nhiều thành tích, nhưng một số cảnh sát giao thông đi mãi lộ như thế và trên phạm vi rộng như thế thì đây có phải tham nhũng, tiêu cực không? Trước những vụ việc nhạy cảm như vậy thì Văn phòng Ban chỉ đạo cần kiến nghị lên cấp có thẩm quyền, ví dụ như có khởi tố vụ án không, còn truy cứu trách nhiệm cá nhân nói sau” - ông Nguyễn Xuân Phúc phát biểu.

Trong số các phương hướng, nhiệm vụ công tác phòng chống tham nhũng giai đoạn 2011-2015, ông Phạm Anh Tuấn cho biết có việc nghiên cứu để có quy định hợp lý về việc công chức phải giải trình nguồn gốc tài sản khi có yêu cầu và biện pháp xử lý những hành vi làm giàu bất chính... Có chính sách khoan hồng đặc biệt những trường hợp đưa hối lộ nhưng tự giác khai báo... Tăng cường tính công khai, minh bạch trong việc xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật, kể cả quá trình chuẩn bị, trình, ban hành các quyết định và văn bản hành chính của cơ quan nhà nước các cấp. Sớm ban hành quy định về kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn...

Báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng trong thời gian qua, ông Phạm Anh Tuấn (phó chánh văn phòng thường trực Văn phòng ban chỉ đạo) nhận định: “Đã có chuyển biến tích cực trên cả mặt nhận thức và hành động, trong phòng ngừa và xử lý hành vi tham nhũng. Trên một số lĩnh vực, tham nhũng có được kiềm chế (như quản lý và sử dụng tài sản công, sử dụng vốn ODA, chi tiêu thường xuyên bằng nguồn vốn từ ngân sách...). So với nhiều năm trước đây, quyết tâm và hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng đã có bước tiến triển, tạo tiền đề thúc đẩy cho các năm tiếp theo”. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, trong công tác phòng chống tham nhũng nói chung vẫn còn có hạn chế, yếu kém chậm được khắc phục.

“Đặc biệt các hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự hiện nay rất yếu, việc này các cơ quan chức năng trong tố tụng chưa chủ động đề xuất cấp có thẩm quyền để triển khai ký các hiệp định tương trợ tư pháp hình sự. Trong quá trình xử lý một số vụ việc vừa rồi vướng mắc nhất ở chỗ này, chúng ta có Luật tương trợ tư pháp nhưng hiệp định tương trợ tư pháp song phương về hình sự với một số nước liên quan thì rất ít” - ông Tuấn nói.

Cũng theo ông Tuấn, vẫn còn tình trạng lạm dụng các quy định về bí mật nhà nước. Ông Tuấn cho biết: “Khi chúng tôi đặt vấn đề về tình trạng lạm dụng quy định bí mật nhà nước để không muốn hoặc không công khai thông tin về phòng chống tham nhũng, các đồng chí thuộc một đơn vị chức năng trong Bộ Công an nói rằng trong pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước không có quy định nào cấm công khai các thông tin liên quan đến tham nhũng và công tác phòng chống tham nhũng. Cho nên những trường hợp nêu lý do vướng quy định bí mật nhà nước để không công khai như vậy là sự lạm dụng”.

Một cán bộ của Vụ Theo dõi công tác phòng chống tham nhũng các cơ quan, tổ chức ở trung ương (thuộc Văn phòng ban chỉ đạo) cũng phản ảnh tình trạng có những cơ quan khi được yêu cầu cung cấp tài liệu về phòng chống tham nhũng thì có thái độ phối hợp không thỏa đáng. “Cụ thể gần đây nhất khi chúng tôi đi làm việc tại một ngân hàng lớn và yêu cầu cung cấp các tài liệu có liên quan thì gặp rất nhiều khó khăn” - cán bộ này nói.

Bảo vệ người tố cáo tham nhũng

Ông Nguyễn Thế Bình (vụ trưởng Vụ Theo dõi việc xử lý một số vụ án và vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp thuộc Văn phòng ban chỉ đạo) đề cập tình trạng một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp xử lý chậm, để kéo dài (trên ba năm chiếm trên 50%), hồ sơ trả lại để điều tra bổ sung nhiều lần... Ông Bình cũng đề cập tỉ lệ án treo còn nhiều và đề nghị đối với tội tham nhũng, nhất là trong các vụ nghiêm trọng, thì không nên cho đối tượng tại ngoại để tránh khó khăn cho cơ quan điều tra, đồng thời nên nghiên cứu chính sách sao cho đối với án tham nhũng thì không cho hưởng án treo.

Kết luận cuộc làm việc, ông Nguyễn Xuân Phúc nói Văn phòng ban chỉ đạo cần phối hợp với các bộ, ngành có liên quan để hoàn thiện hơn nữa cơ chế, chính sách bảo vệ người tố cáo tham nhũng và tích cực phòng chống tham nhũng. Bên cạnh đó, cần tổ chức các cuộc làm việc, kiểm tra công tác phòng chống tham nhũng trên tinh thần khách quan, công tâm, không ngại va chạm. Đồng thời, giữ gìn phẩm chất, bản lĩnh, năng lực của cán bộ cơ quan phòng chống tham nhũng từ trung ương đến địa phương.

V.V.THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên