14/06/2013 13:37 GMT+7

Tự ý, ngang nhiên ra đường điều khiển xe cộ

MINH MẪN
MINH MẪN

TT - Dù không có quyền nhưng hiện nay ở TP.HCM, nhiều công ty bảo vệ khi nhận hợp đồng bảo vệ đã tự trang bị cho nhân viên còi, biển báo cấm xe lưu thông... ra đường phân luồng giao thông khiến nhiều người đi đường bức xúc.

oEohSivq.jpgPhóng to
Nhân viên bảo vệ salon Honda Cộng Hòa, Q.Tân Bình (TP.HCM) cầm biển báo cấm xe lưu thông để cản xe người đi đường - Ảnh: M.Mẫn

16g35 ngày 31-5, dòng xe máy đang lưu thông trên đường Cộng Hòa đột nhiên bị một nhân viên bảo vệ salon Honda (18 Cộng Hòa, P.4, Q.Tân Bình) cầm một biển báo hình tròn màu đỏ, gạch ngang màu trắng (cấm lưu thông ngược chiều - PV) giơ lên cao ra hiệu giảm tốc độ. Một số người đang chạy xe máy bất ngờ, loạng choạng tay lái rồi phải lấn sang phần đường dành cho ôtô.

Tự làm biển báo cấm xe lưu thông

Mặc cho hàng trăm xe máy ùn ứ, người này tiếp tục ra hiệu cho một ôtô từ bên trong salon Honda đi ra đường Cộng Hòa. Nhiều ngày quan sát, chúng tôi thấy cứ ôtô từ salon Honda đi ra thì nhân viên bảo vệ lại cầm biển báo cấm lưu thông ngược chiều ra hiệu cho người đi đường dừng lại. Anh Thái, một người đi đường, bức xúc: “Họ có quyền gì mà cầm biển báo bắt người đi đường dừng xe để ưu tiên cho xe của cửa hàng này lưu thông. Ép người khác lấn sang phần đường dành cho ôtô là rất nguy hiểm”.

Tìm hiểu, chúng tôi được biết Công ty TNHH dịch vụ bảo vệ Thành Long (trụ sở tại P.25, Q.Bình Thạnh) ký hợp đồng bảo vệ cho salon xe nói trên. Người của salon Honda Cộng Hòa cho biết bảo vệ trang bị biển báo để giúp người đi đường nhận biết phía trước có chướng ngại vật. Đại diện Công ty bảo vệ Thành Long nói: “Trước đây, bảo vệ dùng tay xin đường, nhưng phía salon Cộng Hòa không hài lòng. Họ cấp biển báo này cho ra vẻ chuyên nghiệp hơn. Biển báo này chỉ được dùng trong nội bộ khuôn viên cần bảo vệ, nhưng nhân viên của chúng tôi lấn ra đường, cầm biển báo cấm lưu thông ngược chiều gây cản trở giao thông như vậy là sai. Công ty sẽ thay nội dung trên biển báo và cấm anh em ra đường cản trở người đi đường”.

Đường Phan Văn Trị, đoạn qua nhà hàng Vườn Cau (P.11, Q.Bình Thạnh) thường ùn ứ xe cộ vào giờ cao điểm. Một trong những nguyên nhân là do nhóm bảo vệ của nhà hàng ra đường điều tiết giao thông để ưu tiên xe khách ra vào bãi xe của nhà hàng. Khoảng 18g30 ngày 4-6, hai bảo vệ của nhà hàng này đứng giữa đường ra hiệu người đi đường giảm tốc độ, nhường đường cho ôtô, xe máy của khách vào bãi giữ xe tại nhà hàng. Bị kẹt xe, nhiều người đi đường bấm còi tỏ vẻ bực tức, nhưng các bảo vệ vẫn tiếp tục điều tiết giao thông theo ý họ.

Ông Lê Văn Quang - phó chủ tịch UBND P.11, Q.Bình Thạnh - cho biết: “Đúng ra họ không được quyền ra đường điều tiết giao thông. Nhưng nhà hàng bỏ tiền ra thuê hẳn một đội bảo vệ với mục đích giúp giao thông đỡ ùn ứ. Thực tế từ khi có đội bảo vệ này tình trạng kẹt xe có giảm. Có thể do họ chưa có chuyên môn và muốn làm hài lòng khách mà cản trở người đi đường, như vậy là không đúng. Chúng tôi sẽ mời giám đốc nhà hàng đến làm việc để chấn chỉnh việc trên”.

“Ngăn sông cấm chợ”

Giờ cao điểm buổi chiều trùng với thời gian tổ chức các tiệc cưới của nhà hàng Đông Phương 1 (đường Hoàng Văn Thụ, P.4, Q.Tân Bình), người đi đường thường thấy nhóm năm nhân viên bảo vệ của nhà hàng này dàn ra giữa đường điều tiết giao thông. Khi thấy khách đi xe máy hoặc ôtô vào nhà hàng dự tiệc, các nhân viên bảo vệ tay cầm gậy, miệng thổi còi inh ỏi ra hiệu cho người đi đường dừng lại. Chiều 1-6, chúng tôi còn thấy một số nhân viên bảo vệ nhà hàng thổi còi trêu người đi đường không đội mũ bảo hiểm, chở ba...

Ông Phong, quản lý nhà hàng Đông Phương 1, cho biết: “Mục đích của nhà hàng khi thuê nhóm bảo vệ này là điều tiết giao thông qua khu vực nhà hàng được thông suốt, hạn chế va quẹt khi khách đột ngột rẽ xe vào bãi giữ xe. Có thể do một số anh em bảo vệ chưa nghiêm túc nên thổi còi trêu người đi đường. Tôi sẽ làm việc lại với nhóm trên”.

Ông Nguyễn Cường - chủ tịch UBND P.4, Q.Tân Bình - nói: “Sau khi quận nhắc nhở về việc thường xuyên kẹt xe ở đoạn đường trước nhà hàng Đông Phương 1, chúng tôi yêu cầu nhà hàng thuê nhóm bảo vệ chuyên điều tiết xe cộ nên tình trạng được cải thiện. Mục đích là tốt, nhưng cách làm việc của nhóm bảo vệ này chưa nghiêm túc. Chúng tôi sẽ làm việc với giám đốc nhà hàng để yêu cầu chỉnh đốn”.

Không được phép tự sử dụng biển báo giao thông

Lãnh đạo Phòng cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt Công an TP.HCM cho biết theo quy định, biển báo giao thông (bao gồm cả biển cấm, biển chỉ dẫn...) phải do Sở Giao thông vận tải TP đặt trên đường phố, không cá nhân, tổ chức nào được phép làm việc này. Tại các con hẻm, nếu thấy cần thiết phải có biển chỉ dẫn, biển cấm, chính quyền địa phương phải đề xuất với Khu quản lý giao thông để đơn vị này lắp đặt. Do đó việc các cá nhân, tổ chức tự đặt hoặc sử dụng biển báo giao thông là vi phạm pháp luật.

Hiện có nhiều lực lượng được huy động vào việc giúp cảnh sát giao thông điều tiết giao thông trong giờ cao điểm tại một số khu vực. Các lực lượng này gồm: cảnh sát khu vực, thanh niên xung phong, bảo vệ dân phố, dân quân..., tuy nhiên chưa có công ty dịch vụ bảo vệ nào được huy động để thực hiện việc này.

Một số trường hợp nhân viên của các công ty dịch vụ bảo vệ, bảo vệ của nhà hàng tự ý sử dụng các biển báo cấm, biển hướng dẫn trên đường phố, tự ý điều tiết giao thông là vi phạm pháp luật. Trên đường tuần tra, kiểm soát, nếu phát hiện trường hợp này cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ sẽ lập biên bản, xử lý.

G.M.

MINH MẪN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên