04/12/2022 07:59 GMT+7

Từ vùng quê nghèo đến giáo sư trẻ nhất

MINH GIẢNG
MINH GIẢNG

TTO - Hội đồng Giáo sư Nhà nước vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư (34 người) và phó giáo sư (349 người) năm 2022. Trong số này, ông Lê Văn Cảnh (43 tuổi, phó hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TP.HCM) trẻ tuổi nhất.

Từ vùng quê nghèo đến giáo sư trẻ nhất - Ảnh 1.

Giáo sư Lê Văn Cảnh - Ảnh: T.Q.

Tôi chọn lựa quay về Việt Nam. Tôi nhận được học bổng của thành phố, tôi được kỳ vọng sẽ có thể đem kiến thức quay về giúp ích quê hương. Tôi đã nhận được quá nhiều sự hỗ trợ của quê nhà, ở đó còn có ba mẹ và gia đình lớn của tôi. Đó là lý do tôi chọn quay về.

GS.TS LÊ VĂN CẢNH

Cánh cửa học thuật mở ra...

GS.TS Lê Văn Cảnh sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo Đại Hồng, Đại Lộc, Quảng Nam. Ông ước mơ trở thành kỹ sư xây dựng bởi trong suy nghĩ lúc bấy giờ, ông cho rằng nghề này sẽ giúp bản thân và gia đình thoát nghèo.

"Ba mẹ tôi là nông dân, điều kiện ở quê lúc bấy giờ nhiều thiếu thốn nên tôi phải cố gắng hơn rất nhiều. Nhà cách trường THPT 15km, lại cách trở nên những năm học THPT tôi đã học xa nhà, xa gia đình, tự lo cho cuộc sống của mình. Có lẽ vì thế mà tôi tạo được thói quen tự lập" - ông Cảnh nhớ lại.

Ông quyết tâm phải học thật tử tế. Xong phổ thông, ông thi vào Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, phân viện tại TP.HCM. Tốt nghiệp đại học loại giỏi, ông được chọn trở thành giảng viên của Trường CĐ Xây dựng số 2 thuộc Bộ Xây dựng.

Dù không đúng với ước mơ trở thành kỹ sư xây dựng nhưng với ông, được giữ làm giảng viên là điều may mắn khi có thể chọn con đường học vấn để thay đổi cuộc đời mình. Bởi từ bước ngoặt này, cánh cửa học thuật đã mở ra cho ông những con đường mà khi xưa ông chưa từng nghĩ đến.

Khi là giảng viên cao đẳng, ông nhận được học bổng thạc sĩ ngành cơ học, chuyên ngành cơ học công trình của ĐH Liege (Bỉ) giảng dạy tại Việt Nam. Năm 2005, sau khi học xong cao học, ông lại được chọn trao học bổng để đến Anh trở thành nghiên cứu sinh của Trường ĐH Sheffield.

Ông quyết định dừng việc giảng dạy tại Trường CĐ Xây dựng số 2, chỉ nhận một số dự án để xoay xở về kinh tế và đầu tư trọn một năm cho việc học tiếng Anh để đủ tự tin nhận học bổng học tiến sĩ ở nước ngoài.

Tháng 3-2010, ông hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh. Ông nhận được ba lời mời làm nghiên cứu sau tiến sĩ dài hạn từ ba trường đại học của Anh, Úc và Scotland. Tuy nhiên, ông chọn quay về Việt Nam.

"Nhiều người hỏi tôi vì sao quay về khi ở Anh hay Úc thì điều kiện để làm việc tốt hơn, thu nhập cao hơn, điều kiện học hành của con cái tốt hơn... Tôi chỉ muốn nói tôi chọn lựa quay về. Tôi nhận được học bổng của thành phố, tôi được kỳ vọng sẽ có thể đem kiến thức quay về giúp ích quê hương.

Tôi đã nhận được quá nhiều sự hỗ trợ của quê nhà, ở đó còn có ba mẹ và gia đình lớn của tôi. Đó là lý do tôi chọn quay về" - ông Cảnh chia sẻ thêm.

Từ vùng quê nghèo đến giáo sư trẻ nhất - Ảnh 3.

GS.TS Lê Văn Cảnh trong một cuộc thi học thuật dành cho giới trẻ - Ảnh: NVCC

Mong muốn thay đổi môi trường nghiên cứu, học thuật

Với GS Cảnh, nghiên cứu như một đam mê. Ngoài việc nghiên cứu cho chính mình, GS.TS Lê Văn Cảnh còn là trưởng một nhóm nghiên cứu mạnh của khoa kỹ thuật và quản lý xây dựng.

Ông nói một trong những mong muốn của mình khi về Việt Nam đó là có thể góp phần thay đổi được môi trường nghiên cứu, môi trường học thuật của quê nhà. Chính vì vậy, ông luôn cố gắng để đem về những phần học bổng, những tài trợ từ bên ngoài cho các bạn trẻ để động viên thầy cô, học viên, sinh viên cố gắng trong con đường nghiên cứu.

Mỗi tuần ông dành ít nhất hai buổi để gặp gỡ sinh viên trong nhóm nghiên cứu của mình, hỏi han và trao đổi các đề tài, các bài báo của các bạn viết.

Với ông, nghiên cứu khoa học chân chính thực sự rất gian lao.

Ông cho biết: "Trường ĐH Quốc tế có cơ chế chính sách tự chủ sớm nên đời sống cơm áo gạo tiền cho anh em nghiên cứu còn đỡ chứ tôi biết nhiều nơi anh em làm nghiên cứu rất vất vả. Những khó khăn, trở ngại trong nghiên cứu khoa học luôn có và rõ ràng ai cũng sẽ bị vướng mắc.

Đặc biệt, tôi cũng biết về mặt giấy tờ hành chính rất mất thời gian của các nhà khoa học. Ngay cả việc đấu thầu mua hóa chất, thiết bị nghiên cứu cũng khiến ách tắc công trình của các thầy cô.

Tôi mong sao doanh nghiệp quan tâm hơn tới những ứng dụng của các công trình mà những nhà khoa học đã nghiên cứu, có thêm những đầu tư tương thích để tiếp thêm sức mạnh cho các nhà khoa học Việt Nam" - ông Cảnh bày tỏ.

Dù đạt được rất nhiều thành quả nhưng ông vẫn tự nhận mình còn rất nhiều khuyết điểm như chưa có đủ sự tập trung khi có thể làm tốt hơn trong nhiều việc và đôi khi sao nhãng, chưa dành đủ thời gian cho con.

Vừa làm quản lý, làm nghiên cứu, đi dạy học, vừa làm chồng làm cha, ông phải phân chia thời gian thật hợp lý, khoa học để có thể làm tốt nhất có thể. Thời gian rảnh, ông sẽ chơi thể thao, đọc sách cho con để tách con khỏi môi trường xã hội ảo.

"Tôi cũng hay nói với các bạn sinh viên của mình, các bạn đang mất quá nhiều thời gian cho thế giới ảo mà quên đi những giá trị thật, những tình cảm thật sự của mình. Tôi cũng biết là rất khó nhưng nếu được các bạn hãy dành thời gian để làm gì đó có ích thay vì mất nhiều tiếng mỗi ngày để vùi đầu vào thế giới ảo để giải trí.

Những khoảng thời gian tuổi trẻ nếu mất đi vì những giá trị ảo thì quá uổng phí. Các bạn tham gia các hoạt động ngoại khóa, rèn luyện cho mình thành thạo một kỹ năng nào đó, một môn ngoại ngữ nào đó... Như vậy, tuổi trẻ của các bạn sẽ đẹp hơn rất nhiều, các bạn sẽ không nuối tiếc về sau" - ông Cảnh khuyên.

Một trong 10 gương mặt của giải thưởng Quả cầu vàng

GS.TS Lê Văn Cảnh đã hoàn thành hai đề tài nghiên cứu khoa học cấp đại học quốc gia, ba đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước. Ông cũng đã công bố 75 bài báo và báo cáo khoa học, trong đó có 34 bài báo trên tạp chí quốc tế uy tín.

Năm 2013, GS.TS Lê Văn Cảnh là một trong 10 gương mặt đoạt giải thưởng Quả cầu vàng do Trung ương Ðoàn cùng Bộ Khoa học và Công nghệ phát động. Năm 2019, GS.TS Lê Văn Cảnh nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Cố gắng, kiên trì, nhẫn nại

Về Việt Nam, ông làm việc tại bộ môn kỹ thuật xây dựng, Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM). Năm 2013 khi 34 tuổi, TS Lê Văn Cảnh đạt chuẩn phó giáo sư. Năm 2018, PGS.TS Lê Văn Cảnh được bổ nhiệm chức vụ phó hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM). Ông trở thành giáo sư trẻ tuổi nhất được công nhận trong năm 2022.

"Với tôi, trẻ hay không trẻ không quan trọng. Tôi chỉ cảm thấy mình quá may mắn khi những thành quả nghiên cứu của tôi xuất hiện sớm. Tuy nhiên, sự may mắn này chỉ có khi có đủ sự tích lũy, đi cùng với sự cố gắng của bản thân mình trong nhiều năm.

Trong nghiên cứu, tôi nghĩ không có sự thất bại mà chỉ là có những cái ngưỡng mà những người làm nghiên cứu phải vượt qua nếu muốn có được thành quả. Để đạt được thành quả thì không thể thiếu sự cố gắng, sự kiên trì, nhẫn nại" - ông Cảnh chia sẻ.

Thầy Cảnh 'hút' sinh viên Thầy Cảnh "hút" sinh viên

TT - Có sinh viên đã “xin” PGS.TS Lê Văn Cảnh hướng dẫn nghiên cứu sinh vì “làm với thầy Cảnh chúng tôi học được nhiều lắm”...

MINH GIẢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên