10/03/2012 15:24 GMT+7

"Tư vấn tuyển sinh" đến Bà Rịa-Vũng Tàu

NHÓM PHÓNG VIÊN GIÁO DỤC
NHÓM PHÓNG VIÊN GIÁO DỤC

TTO - Từ 13g chiều 10-3, khoảng 2.000 học sinh các trường THPT tại Bà Rịa - Vũng Tàu đã tập trung tại trường THPT Võ Thị Sáu tham gia chương trình tư vấn tuyển sinh do báo Tuổi Trẻ, Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT và Tỉnh đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức.

Chương trình cũng đã nhận được sự hỗ trợ, tham gia của hội cựu học sinh Đất Đỏ đang công tác tại TP.HCM.

a4qWJ4Yv.jpgPhóng to

Các học sinh nhận quà tặng của báo Tuổi Trẻ tại chương trình tư vấn - Ảnh: Minh Đức

Đông đảo học sinh các trường THPT tại Bà Rịa - Vũng Tàu như Võ Thị Sáu, Xuyên Mộc, Bà Rịa, Dương Bạch Mai, Trần Quang Khải, Trần Văn Quang, Phú Mỹ... đã có mặt tại khu vực tư vấn chung và chuẩn bị các câu hỏi để gửi lên ban tư vấn.

Trước khai mạc, những tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn” đầy chất học trò đến từ các trường THPT đã làm không khí sôi động, xua bớt cái nắng nóng đầu giờ chiều nơi miền đất đỏ.

“Hôm nay thực sự là ngày hội đối với các em. Kỳ tuyển sinh sắp tới có thay đổi nên các em còn nhiều băn khoăn, e dè và bỡ ngỡ. Mong rằng sau chương trình tư vấn, các em sẽ tự tin, có đầy đủ thông tin để lựa chọn và đạt thành tích cao trong kỳ tuyển sinh 2012, trở thành những người có ích cho địa phương và xã hội sau này” - thầy Nguyễn Văn Tú, hiệu trưởng nhà trường, phát biểu.

uQPyMavy.jpgPhóng to

Các bạn học sinh tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sôi nổi tại chương trình TƯ vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2012 chiều 10-3 - Ảnh: Minh Đức

Mở đầu chương trình tư vấn chung, PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng, phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, cung cấp cho các bạn học sinh những thông tin mới nhất về kỳ tuyển sinh 2012 các trường ĐH, CĐ. Về cơ bản, kỳ tuyển sinh năm năm vẫn thực hiện theo phương án “ba chung”: thi chung đợt, làm chung đề thi, sử dụng chung kết quả. Đợt thi 1 (ngày 4 đến 5-7-2012) bổ sung thêm thối thi A1 gồm các môn toán, lý và anh văn. Một số trường đã bổ sung thêm khối thi A1 giúp học sinh có thêm chọn lựa.

Về xét ưu tiên: những HS đạt giải nhất, nhì, ba, khuyến khích trong các kỳ thi quốc gia sẽ được xét tuyển thẳng vào các trường ĐH, CĐ. HS là con em người dân tộc sẽ được tuyển thẳng, sẽ được bồi dưỡng văn hóa một năm trước khi vào học chính thức. Chương trình giảm tải của Bộ GD-ĐT không nằm trong đề thi ĐH, CĐ. Đề thi ra không đánh đố nhưng có phân loại học sinh, toàn bộ đề nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12.

YYgZ78Tk.jpgPhóng to

PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng, phó hiệu trưởng trường ĐH Nông Lâm TP.HCM cung cấp những thông tin chung của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012 tại phần tư vấn chung - Ảnh: Minh Đức

Năm 2011, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 15.570 thí sinh dự thi ĐH, CĐ, điểm trung bình 11,34 điểm/3 môn. Đây là kết quả khá, xếp thứ hạng 14/ 64 tỉnh thành. Trong đó có 10 trường có điểm thi nằm trong top 500 và 2 trường THPT chuyên Lê Quý Đôn và THPT Vũng Tàu nằm trong top 100.

Trường THPT Võ Thị Sáu xếp thứ hạng 495/2.707 cơ sở đào tạo bậc THPT. Đây là điều rất khả quan, hi vọng các em sẽ phát huy và gặt hái những kết quả tốt hơn trong kỳ thi 2012.

* Em có mong muốn sau này ra trường được công tác gần nhà, vậy tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang cần nguồn nhân lực ở những ngành nghề nào?

- Thầy Phan Sơn Trường, phó phòng GDCN, Sở GD-ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu: Đây là một câu hỏi khó trả lời chính xác và toàn diện. Năm nay các em tốt nghiệp THPT, trúng tuyển vào ĐH, CĐ thì 4-5 thậm chí 6 năm sau mới ra trường. Lúc đó nhu cầu ngành nghề tỉnh nhà sẽ có những thay đổi. Tuy nhiên, tôi có thể nói các ngành có thể phát triển trong những năm tới ở địa phương có các ngành như: dịch vụ cảng biển, ngành y... cũng đang thiếu nguồn nhân lực.

- ThS Phan Thế Hải, phó hiệu trưởng CĐ Sư phạm Bà Rịa - Vũng Tàu: Hiện nay Trường CĐ Sư phạm Bà Rịa - Vũng Tàu đang phấn đấu năm 2014 trở thành trường ĐH sư phạm công lập. Nếu các em chọn các ngành liên quan đến các ngành kinh tế, sư phạm thì sẽ có cơ hội làm việc rất cao tại tỉnh nhà.

* Có thể thi hai khối vào Trường ĐH Nông lâm TP.HCM? Em phải nộp hồ sơ ở đâu?

- PGS TS Huỳnh Thanh Hùng: Trường ĐH Nông lâm TP.HCM có rất nhiều ngành thi hai khối, nhóm ngành kỹ thuật thi khối A và B, nhóm quản lý kinh tế thi A và D1... Em thấy mạnh về khối nào thì thi khối đó. Các em nộp hồ sơ tại trường mình đang học. Nếu là thí sinh tự do thì nộp hồ sơ tại các điểm mà Sở GD-ĐT quy định.

Từ 15-3 đến 16-4, các em nộp ở địa phương, thời gian sau đó các em có thể đến trực tiếp các trường ĐH để nộp.

* Em học ngành kế toán kiểm toán thì cơ hội làm việc có cao không?

- TS Trần Thế Hoàng: Tôi xin nói thêm về nhu cầu nhân lực địa phương, đối với khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu có một thế mạnh là hệ thống du lịch thu hút nguồn nhân lực. Ngoài ra thế mạnh về khai thác, xuất khẩu thủy sản cũng sẽ thu hút sinh viên.

Riêng ngành kế toán kiểm toán cũng là ngành cần nguồn nhân lực cao. Phải nói rằng không có lĩnh vực nào là không có nguy cơ thất nghiệp. Tuy nhiên ngành kế toán luôn mở rộng cửa để đón các bạn. Từ trường học cho đến doanh nghiệp, các ngành kinh tế, xã hội... đều cần vị trí kế toán.

Nhu cầu đối với ngành này hiện nay là nhu cầu có thực. Thất nghiệp hay không, nhu cầu xã hội có lớn hay không còn phụ thuộc vào năng lực của bản thân bạn, có đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng hay không.

* Trong cấu trúc đề thi đại học năm nay, có bao nhiêu % kiến thức nằm trong chương trình lớp 10, 11?

- PGS TS Huỳnh Thanh Hùng: Rất khó nói được bao nhiêu phần trăm nằm ở chương trình lớp nào. Nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, trong đó chủ yếu là chương trình lớp 12. Như vậy em cần có kiến thức nền tảng của lớp 10, lớp 11 phải nắm để có thể học tốt chương trình lớp 12. Đề thi các em trung bình có thể làm được, có những câu khó để phân loại học sinh khá, giỏi.

* Khối thi A1 là khối thi mới, em muốn biết, khối thi A1 năm nay nó có khó khăn, thuận lợi gì và thầy cô nhận định số lượng thí sinh tham gia ra sao? Xét tuyển nguyện vọng 2 năm nay như thế nào?

- PGS TS Huỳnh Thanh Hùng: Năm nay, trong đợt thi thứ nhất có bổ sung khối A1. Khối này ra đời thì các em sẽ có thêm cơ hội cho các em. Nếu các em mạnh về ngoại ngữ, yếu môn hóa thì sẽ có khối khác để chọn lựa chứ không chỉ khối A. Hai khối khác nhau môn hóa và ngoại ngữ. Các em cứ mạnh dạn đăng ký, không có vấn đề gì phải lo lắng.

Về xét tuyển NV2, trong hồ sơ dự thi của các em chỉ có duy nhất một nguyện vọng. Điều kiện để đăng ký NV2 là phải rớt NV1. Nếu rớt NV1 mà điểm của em cao hơn điểm sàn, sẽ được cấp 2 giấy chứng nhận điểm để xét NV 2, 3 ở các trường còn chỉ tiêu. Năm nay thời gian xét tuyển NV2 dài hơn, kéo dài tới 30-11.

Khi rớt NV1, em cần tìm hiểu thông tin kịp thời, ngành mình thích, trường còn chỉ tiêu là được. Các em hãy theo dõi trên phương tiện thông đại chúng về chỉ tiêu tuyển sinh NV2 của các trường. Năm nay, Bộ GD-ĐT cho phép các em sử dụng bảng chứng nhận điểm photo. Tuy nhiên, có trường chỉ nhận bản gốc, không nhận bản sao.

- PGS TS Đỗ Văn Dũng: Ở các thành phố lớn, học sinh học ngoại ngữ giỏi chiếm tỷ lệ rất nhiều so với học sinh các vùng huyện, nông tin, tỉnh lẻ. Vì vậy tôi dự đoán các HS thành phố sẽ thi nhiều vào khối A1. Như vậy các em phải có trình độ ngại ngữ khá giỏi, mới có thể cạnh tranh với các bạn.

* Làm thế nào để biết ngành nghề đó có phù hợp với mình hay không?

- TS Nguyễn Kim Quang: Chính bản thân bạn phải biết bạn có sở thích gì, ở mức độ nào. Hãy liệt kê tất cả những ngành bạn thích và liệt kê các trường đào tạo ngành đó. Những ngành đó có gây cho bạn niềm yêu thích, cảm xúc gì không? Để củng cố niềm tin, sự yêu thích, có thể nêu lên sở thích đó xem cha mẹ, thầy cô, bạn bè có đồng tình, ủng hộ bạn vào ngành đó hay không? Sở thích của bản thân chính bản thân ta là người hiểu rõ nhất.

Tuy nhiên ngoài thích, còn phải xem năng lực của mình có hợp với ngành đó không. Bạn thích nhưng năng lực bạn không có, bạn không thể thi vào những trường đào tạo ngành đó thì cũng rất khó khăn.

Khi xác định được năng lực, sở thích rồi, bạn hãy căn cứ thông tin để chọn khối thi, chọn trường có mức điểm chuẩn phù hợp với bạn. Nếu có sự tập trung, đam mêm với ngành nghề thì sẽ thành công trên con đường mà mình đã chọn.

Thời gian không còn nhiều, nhưng nếu các bạn tập trung hết sức vào một khối thi mạnh nhất, ôn luyện thì sẽ đạt kết quả cao nhất. Nếu không đi thẳng vào ĐH được, thì hãy mạnh dạn vào cao đẳng đúng ngành mình thích, sau này có cơ hội liên thông...

* Mơ ước của em là được làm tiếp viên hàng không, nhưng em lùn và xấu, gia đình không có gốc gác lớn, vậy em có nên thi vào trường này, ngành này hay không?

- TS Phạm Tấn Hạ: Nếu bạn không đạt được những tiêu chuẩn, quy định về ngoại hình của ngành tuyển thì không nên thi vào. Nếu bạn yêu thích nghề đó thì có thể xem xét lại những điều kiện tuyển của ngành đó.

Trong ngành hàng không, ngoài tiếp viên còn có rất nhiều vị trí không tuyển ngoại hình. Nếu thực sự thích thì bạn vẫn có thể thi được vào những vị trí khác gần với ngành đó.

* Em muốn làm bác sĩ, muốn chữa bệnh cho nhiều người nhưng em lại sợ máu, vậy có nên thi vào ngành này không? Điểm vào ngành điều dưỡng của ĐH Y dược là bao nhiêu?

5J9egJYK.jpgPhóng to
Thạc sĩ Huỳnh Trương Lệ Hồng, phó trưởng Ban đào tạo khoa điều dưỡng kỹ thuật y học Trường ĐH Y dược TP.HCM tư vấn chuyên sâu cho các bạn học sinh Bà Rịa - Vũng Tàu tại nhóm ngành kinh tế - tài chính - y dược - nông lâm… - Ảnh: Minh Đức

- Th.S Huỳnh Trương Lệ Hồng: Trong y học có một số chuyên khoa bạn không cần tiếp xúc với máu tuy nhiên trong quá trình học tập cho đến khi ra trường bạn vẫn phải tiếp xúc với máu. Nếu quá thích ngành y bạn có thể tập luyện để dần quen và không sợ máu nữa. Hiện có nhiều trường đào tạo ngành điều dưỡng. Trường ĐH Y dược TPHCM có hai hệ đào tạo là hệ đại học và hệ trung cấp chuyên nghiệp. Hệ đại học thi khối B, trung cấp thì xét tuyển hai môn toán và sinh.

* Ngành nghề nào khi học xong dễ tìm việc làm?

- ThS Lâm Tường Thoại: Câu này cũng gần với câu hỏi “đi tìm quán ăn nào vừa ngon, vừa rẻ”. Câu hỏi của bạn rất khó trả lời. Bất kỳ quốc gia nào cũng có những biến động về cơ cấu ngành nghề, định hướng phát triển của từng quốc. Do biến động nên không ai biết 4-5 năm nữa có thể không phát triển như hiện nay. Vì vậy, các em hãy tìm ngành nghề nào phù hợp sở thích, khả năng, tố chất của mình thì ra trường em sẽ tìm được việc và làm tốt công việc của mình.

Sau phần tư vấn những điểm lưu ý chung về thi, tuyển sinh 2012, chương trình tiếp tục với phần tư vấn chuyên sâu, giải đáp thắc mắc cụ thể từng ngành học. Sau đây là nội dung phần tư vấn chuyển sâu:

* Các ngành trong trường ĐH kinh tế - luật, tất cả các khối đều nhân hệ số 2 môn toán có phải không?

- ThS Lâm Tường Thoại: Môn toán ở khối A, A1 và D1 đều nhân hệ số 2 môn toán. Sau đó cộng điểm ba môn và điểm khu vực, sau đó sẽ xét tổng điểm từ cao xuống thấp.

* Học ngành xét nghiệm có học về phẫu thuật và mổ hay không? Nếu học xét nghiệm sau này có thể học lên về phẫu thuật không ạ?

- Th.S Huỳnh Trương Lệ Hồng: Trong hệ cử nhân, có cử nhân xét nghiệm bên cạnh cử nhân điều dưỡng, cử nhân gây mê hồi sức, cử nhân phục hình răng hay vật lý trị liệu... Cử nhân xét nghiệm ra trường sẽ làm việc tại các phòng xét nghiệm của các bệnh viện, trong đó xét nghiệm về huyết học, tế bào..., pha chế các dung dịch, thuốc thử... Như vậy em không được đào tạo về phẫu thuật, mổ. Nếu muốn phẫu thuật em phải học bác sĩ đa khoa sau đó trở thành bác sĩ chuyên khoa.

xX5jTW5r.jpgPhóng to
TS Phạm Tấn Hạ, trưởng phòng đào tạo trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM) tư vấn chuyên sâu cho các bạn học sinh Bà Rịa – Vũng Tàu ở nhóm ngành xã hội - luật - sư phạm - công an… - Ảnh: Minh Đức

* Em muốn thi vào ngành báo chí, làm viên tập viên nhưng không biết ngành này như thế nào?

- TS Phạm Tấn Hạ: Học ngành báo chí, bạn sẽ được trang bị những kiến thức để làm báo và cả những kỹ năng nhiếp ảnh, MC, các chương trình truyền hình. Hiện sinh viên báo chí ra trường không chỉ làm về báo chí mà có thể làm hướng về truyền thông. Em quan tâm đến biên tập viên, xin nhấn mạnh là sinh viên mới ra trường chưa thể đảm nhiệm được vị trí tại biên tập viên báo chí. Việc này cần một quá trình lâu dài. Chẳng hạn như biên tập viên làm công việc sửa bài của những phóng viên, em cần có những kinh nghiệp về kỹ năng làm báo cũng như kiến thức chuyên ngành để làm việc này.

* Em muốn làm lập trình viên thì nên học ngành công nghệ thông tin hay khoa học máy tính?

- TS Nguyễn Kim Quang: Ngành công nghệ thông tin hiện rất rộng, cơ hội việc làm rất lớn. Chính phủ đang đầu tư để phát triển lĩnh vực công nghệ phần mềm. Nhiều bạn học ngành công nghệ thông tin để sáng tạo những phần mềm ở một lĩnh vực trong ứng dụng quản lý kinh tế, y học… Em yêu thích về lập trình thì có thể học ngành công nghệ thông tin chuyên ngành công nghệ phần mềm.

*Thí sinh thi nhóm ngành kinh tế rất nhiều, vậy ra trường cơ hội việc làm có nhiều không?

- ThS Lâm Tường Thoại: Nhu cầu ngành nghề phụ thuộc vào từng giao đoạn phát triển của đất nước. Chuyện kiếm việc làm phụ thuộc rất nhiều vào giai đoạn các em ra trường. Một tấm bằng trung bình thì xin việc rất khó khăn. Còn bằng giỏi, lanh lẹ thì sẽ thuyết phục được nhà tuyển dụng.

* Ngành tâm lý học ra trường làm gì, ngành này ở Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn đào tạo khác gì với Trường ĐH Sư phạm TP.HCM?

- TS Phạm Tấn Hạ: Ngành này ở Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn năm nay là năm đầu tiên có sinh viên tốt nghiệp. Ngành này có điểm chuẩn năm trước 18 điểm. Chương trình đào tạo giống nhau đến 70%, phần còn lại là thế mạnh của trường. Em có thể làm những việc như tư vấn tâm lý học đường, hôn nhân, gia đình, tội phạm, tư vấn về một lĩnh vực kinh tế...

Trường ĐH Sư phạm TP.HCM có những thế mạnh riêng, em cần tìm hiểu. Học ngành này, em chú ý là phải có kiên nhẫn, khả năng để chia sẻ với người khác thì mới làm được ngành này. Ngành này đòi hỏi sự trải nghiệm rất quan trọng, chẳng hạn nên nói như thế nào để người được tư vấn hài lòng. Điều quan trọng nữa là phải xuất phát từ trái tim thì mới có thể làm tốt được.

* Em dự định thi vào Trường ĐH Luật TP.HCM, một người học luật cần có những tố chất gì?

- Th.S Lê Văn Hiển: Ngành luật đào tạo khá đa dạng, bạn có thể làm việc được nhiều cơ quan khác nhau như tòa án, viện kiểm soát, công an, phòng công chứng, các sở ban ngành, tư vấn cho các cơ quan, đơn vị về lĩnh vực tư pháp và mỗi ngành đều cần có những tố chất khác nhau. Người học luật, chung nhất là khả năng viết và khả năng thuyết phục.

WrYg3qCH.jpgPhóng to
PGS -TS Đỗ Văn Dũng, phó hiệu trưởng trường ĐH Sư Phạm Kỹ Thuật TP.HCM tư vấn chuyên sâu cho các bạn học sinh Bà Rịa - Vũng Tàu ở nhóm ngành khoa học tự nhiên - kỹ thuật - công nghệ - Ảnh: Minh Đức

* Ngành công nghệ điều khiển và tự động hóa có nhiều cơ hội việc làm không?

- PGS.TS Đỗ Văn Dũng: Ngành này hiện có rất nhiều trường đào tạo: ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, ĐH Bách khoa TP.HCM… Ngành này dạy các kiến thức về công nghệ điều khiển. Tự động hóa là một ngành công nghệ liên quan đến việc ứng dụng các kỹ thuật cơ khí hiện đại, kỹ thuật điều khiển và kỹ thuật máy tính vào việc vận hành và điều khiển quá trình sản xuất.

Ngày nay, yêu cầu về số lượng và chất lượng của các sản phẩm xã hội cũng không ngừng tăng. Điều đó đòi hỏi các dây chuyền sản xuất trong công nghiệp ngày càng hiện đại, có mức độ tự động hóa ngày càng cao với việc sử dụng các kỹ thuật điều khiển hiện đại có trợ giúp của máy tính. Hệ thống tự động hóa có mặt trong mọi dây chuyền sản xuất của các ngành kinh tế khác nhau như: công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải… Vì thế, cơ hội nghề nghiệp của người làm việc trong ngành này là rất lớn.

* CĐ Sư phạm ngoài các ngành sư phạm còn có các ngành nào khác?

- Thạc sĩ Phan Thế Hải, phó hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Bà Rịa - Vũng Tàu: Trường CĐ Sư phạm BR - VT từ lâu đã đào tạo đa ngành, trong đó có ngành sư phạm. Ngoài sư phạm, còn có các ngành ngoài sư phạm. Ngành sư phạm chỉ chiếm 3 trên tổng số 12 ngành đào tạo. Trường đào tạo trình độ cao đẳng vì vậy em nào thấy sức học phù hợp thì hãy lưu ý cơ hội thi vào trường cao đẳng. Các em có thể theo dõi các ngành đào tạo qua tờ rơi của trường.

* Ngành kế toán và kiểm toán khác nhau ra sao?

- ThS Lâm Tường Thoại: nói ngắn gọn thì kế toán là công việc quản lý thu chi, kiểm toán là kiểm tra công tác kế toán có đúng quy định hay không. Tuy nhiên chương trình học có những phần giống nhau. Vì muốn làm kiểm toán cũng cần nắm rõ về kế toán để ứng dụng. Cơ hội làm việc đều dồi dào, có thể học kế toán ra làm kiểm toán hoặc ngược lại. Nhu cầu công việc thì kế toán nhiều hơn kiểm toán.

mccYFgaM.jpgPhóng to
Các bạn học sinh Bà Rịa - Vũng Tàu chăm chú lắng nghe phần tư vấn chuyên sâu ở nhóm ngành khoa học tự nhiên - kỹ thuật - công nghệ - Ảnh: Minh Đức

* Học các ngành sư phạm kỹ thuật có lợi thế gì so với các ngành học khác trong Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM?

- PGS.TS Đỗ Văn Dũng: Hiện nay Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật có hơn 500 chỉ tiêu hệ sư phạm. Các ngành sư phạm được miễn 100% học phí. Khi ra trường các em được cấp hai bằng: bằng kỹ sư và bằng sư phạm. Các ngành hệ sư phạm đào tạo trong thời gian 4,5 năm. Như vậy các em chọn ngành sư phạm sẽ có nhiều cơ hội việc làm.

* Trước khi thi tuyển sinh, mình phải làm hồ sơ như thế nào vào trường công an, quân đội?

- TS Phạm Tấn Hạ: Em phải liên hệ với ban tuyển sinh công an quận, huyện nơi em thường trú. Chẳng hạn em ở Đất Đỏ, em sẽ đến công an huyện. Ở đó sẽ hướng dẫn thêm cho em.

* Ngành kỹ thuật xây dựng khác với ngành kỹ thuật công trình xây dựng ra sao?

- ThS Cổ Tấn Anh Vũ: Trong tuyển sinh năm nay Bộ GD-ĐT qui định các trường phải ghi mã ngành theo quy định chung. Hiện nay, ở các trường chỉ riêng ngành kỹ thuật xây dựng có rất nhiều tên gọi khác nhau: xây dựng cầu đường, xây dựng dân dụng và công nghiệp… Nhưng hiện nay các trường có hai ngành cơ bản: kỹ thuật công trình xây dựng (xây dựng dân dụng, xây dựng dân dụng), kỹ thuật công trình giao thông. Hai ngành này đào tạo những kiến thức chung về kỹ thuật xây dựng nói chung. Trong đó, mỗi ngành sẽ đào tạo khối kiến thức chuyên sâu riêng.

Ngành công nghệ kỹ thuật xây dựng được trang bị kiến thức cơ bản, cơ sở rộng và thành thạo về công nghệ kỹ thuật xây dựng, về tổ chức và quản lý dự án xây dựng, luật xây dựng và hợp đồng xây dựng, phát triển các kỹ năng giao tiếp, nâng cao nhận thức về tính chuyên nghiệp và giá trị đạo đức trong nghề xây dựng.

Sau khi tốt nghiệp, sinh viên công nghệ kỹ thuật xây dựng có thể làm việc tại các doanh nghiệp xây dựng, công ty tư vấn xây dựng, các cơ quan quản lý xây dựng và các cơ sở đào tạo công nhân nghề xây dựng.

Ngành kỹ thuật công trình giao thông đào tạo nhân lực cho các ngành xây dựng cầu đường, quy hoạch đô thị, cơ sở hạ tầng giao thông .Trên cơ sở đó người học có khả năng tư vấn, phản biện các vấn đề kỹ thuật trong lĩnh vực xây dựng cầu đường, có khả năng khảo sát, thiết kế các công trình trong lĩnh vực xây dựng cầu đường và tổ chức thi công, chỉ đạo thi công các công trình trong lĩnh vực xây dựng cầu đường.

* Em muốn thi ngành kinh tế đối ngoại khối A nhưng ngoại ngữ em không được tốt, vậy khi thi vào em sẽ được đào tạo ngoại ngữ như thế nào?

- ThS Lâm Tường Thoại: Đặc trưng của ngành kinh tế đối ngoại thì vai trò của ngoại ngữ hết sức quan trọng. Vào trường em sẽ được kiểm tra tiếng Anh đầu vào, nếu trình độ thấp em sẽ được đào tạo theo từng cấp độ từ thấp tới cao. Khi ra trường, điều kiện tốt nghiệp là có trình độ Toeic 500.

* Năm 2012, Trường CĐ Sư phạm Bà Rịa - Vũng Tàu tuyển ngành nào về sư phạm? Em nghe nói học sư phạm khó xin việc, nếu học tại Trường CĐ Sư phạm Bà Rịa – Vũng Tàu có được phân công công tác không?

- Th.S Nguyễn Thiện Thắng: Năm 2012, trường tuyển ba ngành đào tạo về sư phạm đáp ứng nhu cầu giáo viên của tỉnh là sư phạm sinh học (đào tạo giáo viên dạy THCS), thứ hai là CĐ giáo dục tiểu học và sư phạm giáo dục mầm non (CĐ và trung cấp). Ngoài ra, trường tuyển thêm những ngành ngoài sư phạm như tiếng Anh, quản trị kinh doanh…Những ngành sư phạm được mở ra sau khi xem xét, cân đối nhân lực sư phạm của tỉnh ta nên em yên tâm về cơ hội việc làm.

* Em muốn thi vào ngành giáo dục mầm non nhưng không biết phải thi năng khiếu gì?

- Th.S Nguyễn Thiện Thắng: Thi ngành này, ngoài văn và toán thì em phải thi thêm năng khiếu nữa. Em phải thi những năng khiếu như đọc, hát, múa, khả năng thể hiện…Những môn này kiểm tra nhằm xem thử em có khả năng tiếp nhận những bài hát sau khi học ở trường để làm giáo viên mầm non hay không.

* Ngành mạng máy tính truyền thông là ngành gì?

- TS Nguyễn Kim Quang: Học ngành mạng máy tính và truyền thông có khả năng dẫn truyền,bảo vệ mạng, hay tạo mật mã riêng cho các chương trình. Một sinh viên tốt nghiệp ngành này sẽ có khả năng thiết kế và trực tiếp lắp đặt hệ thống mạng cho công ty, xí nghiệp, cơ quan.... Công việc cụ thể sẽ là: cài đặt và vận hành các dịch vụ trên mạng, chẩn đoán và khắc phục các sự cố mạng, bảo trì, nâng cấp, tối ưu trên hệ thống mạng, biết mã hoá và giải mã thông tin và quản trị mạng từ cục bộ đến diện rộng.

* Trường ĐHKHTN mới mở ngành kỹ thuật hạt nhân, cơ hội của thí sinh dự thi vào ngành này ra sao?

- TS Nguyễn Kim Quang: Đây là ngành mới, năm nay là năm đầu tiên Trường ĐH KHTN (ĐHQG TP.HCM) đào tạo ngành này. Tuy nhiên trường có truyền thống đào tạo ngành vật lý hạt nhân. Các năm trước SV tốt nghiệp ngành này có thể làm việc rất nhiều lĩnh vực. Các em có thể theo những hướng năng lượng, điện hạt nhân. Hướng thứ hai là kỹ thuật hạt nhân. Hướng này chú trọng vào ứng dụng hạt nhân trong các lĩnh vực nông nghiệp, y học, khai thác dầu khí…Học kỹ thuật hạt nhân có thể làm tại các cơ quan từ nghiên cứu, giảng dạy có ứng dụng về kỹ thuật hạt nhân, làm trong các bệnh viện…

* Thi vào ngành tài chính ngân hàng nhưng không đủ sức thi đại học thì có con đường nào khác để học ngành này?

- TS Trần Thế Hoàng: Bạn nên nghĩ tới hệ cao đẳng. Hiện nay, nhiều trường cao đẳng có đào tạo ngành tài chính - ngân hàng. Nếu điểm thi đạt từ điểm sàn trở lên, bạn sẽ được phát hai phiếu điểm để tìm kiếm cơ hội khác sau khi không trúng tuyển NV1. Không đậu đại học, bạn tìm cơ hội ở các trường cao đẳng. Sau 3 năm, có bằng tốt nghiệp, bạn có bằng loại khá thì sẽ được thi liên thông lên đại học chính quy. Nếu bằng tốt nghiệp trung bình thì sẽ đi làm một năm trước khi thi liên thông. Thời gian đào tạo liên thông khoảng 1,5 năm - 2 năm. Bằng liên thông không khác gì bằng cử nhân hệ chính quy.

* Ngành du lịch tỷ lệ “chọi” rất cao, cơ hội việc làm sau này thế nào?

- TS Phạm Tấn Hạ: Ngành này có tên gọi là quản trị du lịch - lữ hành. Tùy theo chuyên ngành lựa chọn em sẽ theo những hướng khác nhau. Học du lịch tại Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) bạn sẽ được Tổng cục du lịch cấp thẻ hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Nếu em thích, và cảm thấy có khả năng thi đậu thì nên thi vào ngành này theo khối C, D1. Em sẽ phải thực tập nhiều về quản lý, thiết kế một tour du lịch, hướng dẫn du lịch…

Cơ hội việc làm của ngành này khá cao vì hiện nay nhiều công ty du lịch mở ra để phục vụ nhu cầu tham quan, vui chơi, giải trí của người dân…Ngành này cần nhiều về người có kinh nghiệm trong tổ chức, điều hành một tour du lịch từ ăn uống, đi lại, tham quan của khách.

* Ngành công nghệ thực phẩm học những gì, cơ hội việc làm ra sao?

- PGS.TS Đỗ Văn Dũng: Hiện nay có rất nhiều trường đào tạo ngành này. Bản thân từ công nghệ thực phẩm đã nói lên rõ ngành học ngành đào tạo những kiến thức gì rồi. Ngành này học những gì liên quan đến khâu chế biến thức ăn, thức uống của con người… Khoảng 90% sinh viên tốt nghiệp ngành này có việc làm. Các em có thể làm việc ở các nhà máy chế biến thực phẩm, nước giải khát, đường, sữa, chế biến nông thủy hải sản… Hiện nay các lĩnh vực này ở VN đang phát triển khá mạnh nên cơ hội việc làm của ngành này rất nhiều.

* Ngành báo chí cần những tố chất gì?

- TS Phạm Tấn Hạ: Làm việc trong lĩnh vực báo chí, đòi hỏi em phải có khả năng viết, khả năng tiếp nhận và xử lý thông tin. Ngoài ra, em cần có thêm kỹ năng giao tiếp nữa để có thể khai thác tốt thông tin. Bên cạnh kiến thức, ngành này cũng đòi hỏi về kỹ năng nữa. Học ngành báo chí, trường sẽ cung cấp cho bạn những kỹ năng này và em phải tự rèn luyện, tìm hiểu thêm trong quá trình làm việc.

* Ngành song ngữ Nga - Anh học mấy năm?

- TS Phạm Tấn Hạ: Ngành này học năm năm. Sau khi ra trường em sẽ được cấp hai bằng về tiếng Anh và tiếng Nga. Do em học hai ngôn ngữ nên học lâu hơn một năm so với những bạn khác. Năm vừa rồi, đa số thi vào ngành này đều thi vào khối D1 chứ ít thi tiếng Nga. Vào ngành, em sẽ được đào tạo về tiếng Nga. Do đó, chưa biết về tiếng Nga em cũng có thể thi vào ngành này.

* Em định học CĐ sau đó liên thông lên ĐH nhưng chưa hiểu lắm về việc liên thông này, mong thầy giải đáp giúp em.

- TS Phạm Tấn Hạ: Muốn liên thông lên ĐH, em phải coi lại trường em có ý định liên thông có đào tạo liên thông hay không. Chẳng hạn khi em học tiếng Anh hệ CĐ ra, nếu em muốn liên thông vào một trường ĐH, đầu tiên em sẽ xem trường em có nguyện vọng học có đào tạo liên thông hay không? Sau đó, em đăng ký dự thi theo quy định của trường.

Ban tư vấn tại Bà Rịa - Vũng Tàu:

1. PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng - phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM

2. PGS.TS Đỗ Văn Dũng - phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM

3. TS Nguyễn Kim Quang - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH KHTN- ĐHQG TP.HCM

4. TS Phạm Tấn Hạ - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM

5. TS Trần Thế Hoàng - trưởng phòng quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM

6. ThS Lâm Tường Thoại - chuyên viên tư vấn Trường ĐH Kinh tế - luật, ĐH Quốc gia TPHCM.

7. ThS Lê Văn Hiển - phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM

8. ThS Huỳnh Trương Lệ Hồng - phó trưởng ban đào tạo khoa điều dưỡng kỹ thuật y học Trường ĐH Y dược TP.HCM

9. ThS Cổ Tấn Anh Vũ - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM

10. Thầy Phan Trường Sơn - phó phòng GDCN - Sở GD-ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu

11. Thạc sĩ Phan Thế Hải - phó hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Bà Rịa - Vũng Tàu

BannerVincom.png

NHÓM PHÓNG VIÊN GIÁO DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên