02/07/2013 18:14 GMT+7

Tự tử vì bị ghép ảnh: thiếu kỹ năng sống hay đùa nguy hiểm?

MỘT BẠN ĐỌC
MỘT BẠN ĐỌC

TTO - Câu chuyện nữ sinh L. vừa học xong lớp 12 ở Hà Nội tự tử vì bị bạn ghép ảnh mặc áo cổ rộng đang thu hút sự quan tâm của bạn đọc.

Không ít người "giật mình" vì hậu quả của một trò đùa vốn không xa lạ với mạng xã hội hiện nay. Cũng có ý kiến cho rằng cội rễ của vấn đề là những người trong cuộc thiếu kỹ năng sống. Cũng không ngạc nhiên khi có bạn đọc đặt vấn đề vai trò của phụ huynh trong sự việc đau lòng này.

Tuổi Trẻ Online giới thiệu ý kiến thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (giảng viên khoa tâm lý giáo dục ĐH Sư phạm TP.HCM), bạn đọc Phan Ngọc ở Quảng Nam và một số ý kiến khác. Mời bạn đọc theo dõi và tiếp tục chia sẻ.

tKGkNtVL.jpgPhóng to
Lá thư của nữ sinh T.L. có nhắc đến nguyên nhân quyết định tự tử

Bố mẹ ở đâu khi con muốn chết?

Câu chuyện nữ sinh vừa học xong lớp 12 Trường THPT Hai Bà Trưng, Thạch Thất, Hà Nội uống thuốc diệt cỏ tự tử sau trò đùa ghép ảnh của bạn bè khiến tôi liên tưởng đến nhiều trường hợp tự tử của các bạn trẻ khác sau khi bị quở trách, hàm oan, điểm thấp…

Cần có công cụ xóa ảnh cho chủ nhân ảnh

Không nói đến nội dung bức ảnh ghép trên, nhưng việc nữ sinh L. đòi gỡ bở bức ảnh của mình là chính đáng. Còn việc nam sinh kia đăng ảnh lên mà không có sự đồng ý của bạn nữ là hoàn toàn sai trái. Nhưng ở đây rõ ràng L. không có cách nào tháo gỡ những tấm ảnh đó. Với tôi, đó là sự bất lực vô lý. Có lẽ L. tự tử vì sự bất lực và sự vô lý hơn là vì nội dung bức ảnh ghép.

Đã đến lúc các nhà làm mạng hỗ trợ công cụ xóa ảnh cho chủ nhân của nó, cho dù bức ảnh đó được đăng bởi người khác. Đồng thời cần có sự quan tâm của xã hội và pháp luật trong việc hạn chế ghép ảnh, đăng ảnh người khác lên mạng một cách tràn lan và không thể khống chế được như hiện nay.

Tuổi học trò nhất quỷ nhì ma, có lắm trò đùa nhắm vào cá nhân để gây cười. Tất nhiên những người “chủ mưu” không nghĩ rằng nó có thể gây hại đến mạng sống của bạn mình. Khi tham gia trò chơi “ghép ảnh tung lên Facebook”, thiết nghĩ các bạn của nữ sinh L. cũng đơn thuần nghĩ đó là trò chơi gây cười, một trò đang trở thành trào lưu trên mạng xã hội. Vấn đề trở nên nghiêm trọng khi trò chơi trở nên quá lố, L. dọa tự tử và quyết định uống thuốc diệt cỏ sau khi bị bạn bè thách thức.

Hành động của L. sẽ khiến những bạn tham gia trò đùa phải suy nghĩ lại trò đùa thái quá của mình. Mặc khác, chúng ta cũng phải nhìn lại hành động dại dột của L.. Trước áp lực bị trêu ghẹo, thách thức của bạn bè, L. dễ dàng rơi vào tình trạng khủng hoảng, không đưa ra được hướng giải quyết tốt hơn ngoài những suy nghĩ tiêu cực và kết thúc bằng hành động khiến người thân phải đau lòng.

Không chỉ L., nhiều bạn trẻ khác chỉ mới đứng trước một trò đùa, câu mắng, nghi ngờ, không thực hiện được kỳ vọng của gia đình… đã suy nghĩ tiêu cực, tìm đến cái chết để chứng minh “Tôi không sai, là người ta ép tôi…”. Trong khi đó, cuộc sống còn đầy rẫy những thách thức, khó khăn, áp lực nặng nề, thử hỏi với những tính cách quá nhạy cảm, tiêu cực như vậy có đối phó và “sống sót” được không?

Điều này còn phải hỏi thêm ở các bậc phụ huynh. Những ông bố bà mẹ luôn muốn bảo vệ con khỏi những “nguy cơ” đã vô tình cô lập con với xã hội, khiến các em mất đi khả năng xử lý những tình huống mình gặp phải. Trong câu chuyện của L. đã có một quá trình chuyển biến tâm lý nhưng bố mẹ em không cảm nhận được để quan tâm hơn đến con mình. Nhiều thầy cô giáo biết sự việc nhưng không có động thái giúp đỡ em. Phải chăng những biến động tâm lý của các bạn trẻ không phải là “chuyện to tát” để người lớn quan tâm?

Trò đùa này đã không đến nỗi có kết thúc đau lòng như vậy nếu người lớn can thiệp sớm, nếu L. được tư vấn hay tự bản thân tìm ra giải pháp tích cực hơn. Một lần nữa, nên chăng gia đình và nhà trường cần chú trọng hơn việc đưa môn kỹ năng sống vào giảng dạy để bạn trẻ được trang bị tốt hơn về kỹ năng xử lý tình huống và không lúng túng khi giải quyết những điều “tồi tệ” mà mỗi ngày mình đều gặp phải.

Đừng "giết" bạn bằng trò đùa ác ý!

Lại một sự sống đã mất đi xuất phát từ một lý do nhỏ nhặt. Không biết cần bao nhiêu cái chết nữa người ta mới chịu dạy những đứa trẻ biết xử lý những tình huống không như ý muốn, biết tháo gỡ mâu thuẫn và biết đối đầu với những cơn gió ngược?

Tuổi mới lớn hay nghiêm trọng hóa mọi việc. Phụ huynh và thầy cô cần quan tâm đến những chuyện tưởng chừng “nhỏ nhặt”, nhưng chỉ là nhỏ nhặt đối với người lớn chúng ta, còn đối với học sinh, nó thường bị thổi phồng lên đến mức bùng nổ chỉ trong phút chốc nếu không tháo gỡ kịp thời.

Mạng xã hội không phải là nơi ta muốn làm gì thì làm. Người bạn “thủ phạm” kia phải ân hận mạnh mẽ về việc mình làm. Cả triệu bạn trẻ khác cũng phải nhìn vào đó mà biết chùng tay với những trò đùa ác ý, những tấm ảnh “dìm hàng”, những câu trạng thái định đăng mà có thể ảnh hưởng đến thể diện của bạn bè mình. Đó là những trò đùa khờ dại.

Bản thân em ấy đã chết đi không còn cứu được, nhưng cả triệu bạn trẻ khác vẫn còn và phải lấy đó làm bài học cho sự nông nổi nhất thời. Các bạn trẻ hãy nhớ rằng: giận dữ là gánh giùm lỗi của người khác, nếu mâu thuẫn mà mình không tự giải quyết được thì nhờ người lớn, nhờ mẹ cha. Nếu thế vẫn không giải quyết được thì mặc kệ họ, một tấm hình - một dòng trạng thái - một số tiền bị mất - một con điểm tệ - một lần thi rớt… tất cả đều không đáng quý bằng mạng sống của mình. Bởi khi tất cả đã mất thì tương lai vẫn còn!

Các em cũng cần nhớ: tự giết chết mình là bất hiếu. Làm gì cũng phải nghĩ đến mẹ cha. Nuôi con 18 năm trời để rồi con tự kết thúc cuộc đời vì chuyện bé cỏn con. Liệu có đáng?

MỘT BẠN ĐỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    t\u1ef1 t\u1eed v\u00ec b\u1ecb b\u1ea1n gh\u00e9p \u1ea3nh m\u1eb7c \u00e1o c\u1ed5 r\u1ed9ng \u0111ang thu h\u00fat s\u1ef1 quan t\u00e2m c\u1ee7a b\u1ea1n \u0111\u1ecdc." />