26/05/2019 17:19 GMT+7

Từ trạm thu tiền đến tiền cò

TUỔI TRẺ CƯỜI
TUỔI TRẺ CƯỜI

TTO - Dám nói rằng một trong các giá trị vật chất mà người ta quan tâm đến... vẫn là tiền. Và chính nó cũng góp phần chi phối mối quan hệ trong cộng đồng: "Còn bạc, còn tiền còn đệ tử/ Hết cơm, hết rượu hết ông tôi".

Tiền, ai cũng biết là vật đúc bằng kim loại như bạc, kẽm, đồng, vàng (hoặc kẽm pha sắt, kẽm pha thiết), thường hình tròn, có thể có lỗ thủng ở giữa (vuông hoặc tròn); về sau ngân hàng nhà nước còn in ra bằng loại giấy chuyên dụng gọi là tiền giấy.

Tự điển Việt-Bồ-La của A.de Rhodes còn ghi lại câu: Bẻ tiền bẻ đũa, và giải thích là nói về chuyện vợ chồng ly dị. Thành ngữ này biến mất, đơn giản nay chỉ xài tiền giấy.

Trong tiếng Việt có những cụm từ dù không hề xuất hiện từ tiền/ tiền bạc/ tiền nong/ tiền của nhưng người ta vẫn ngầm hiểu dứt khoát có liên quan đến tiền, chẳng hạn thu chi, thu phí, thu nhập, thu ngân... Nói chung là thu một khoản tiền nào đó, tùy ngữ cảnh.

Ấy thế, thiệt kỳ cục rằng vì một lý do nào đó, người ta lại cứ muốn phải nói/ viết huỵch toẹt ra chữ tiền cho bằng được bất chấp sự trong sáng của tiếng Việt. Chẳng hạn, xưa nay cụm từ "trạm thu phí" đã được chấp nhận, sử dụng rộng rãi thì vào một ngày đẹp trời Bộ Giao thông vận tải lại nổi hứng đổi thành "trạm thu giá". Thiên hạ phản ứng ầm ầm, cuối cùng "mèo lại hoàn mèo". Chưa hết, mới đây nhất, bộ này lại "ngựa quen đường cũ" bèn tăng động đề nghị đổi lại thành "trạm thu tiền". Thế trước đây cái trạm này không thu tiền thì thu cái gì mà bây giờ phải "vạch mặt chỉ tên" ra như thế này? Nực cười quá đi mất.

Từ trạm thu tiền đến tiền cò - Ảnh 1.

Này, bỉ bai cho cái miệng ăn muối ăn mắm, nếu cái tên "trạm thu tiền" được thi hành, hỡi ôi, chuyện gì sẽ xảy ra?

Thử nghĩ với sự bài tiết, ta có nhiều từ nói trớ, ngầm hiểu vì phép lịch sự, thanh lịch như đi cầu, đi tiêu, đi tiểu, đi đồng, đi thả cá trê, Tào tháo rượt, chột bụng, đi xia...; hoặc ở lĩnh vực giáo dục, nhà trường được phép "thu học phí" các cô cậu sinh viên học sinh, nếu đổi thành "thu học giá/ thu học tiền"... thì còn gì sự tinh tế của tiếng Việt? May quá, chỉ có quan chức bộ nọ loạn chữ/ ngộ chữ mới nghĩ ra cụm từ cực kỳ phản cảm "trạm thu giá/ trạm thu tiền", chứ não trạng của cộng đồng vẫn chưa hề chạm mạch/ té giếng/ mát dây điện/ chập cheng/ dở hơi/ tửng/ hâm/ hấp... Khổ thế, cái sự đề xuất kỳ quặc đổi thành tên "trạm thu tiền" - nói theo ngôn ngữ tuổi teen hiện nay vẫn là "dở hơi ăn cám lợn"/ "dở hơi biết bơi" là vậy.

Sống ở đời, ông bà ta nói: Đồng tiền liền khúc ruột/ Đồng tiền núm ruột/ Tiền liền với ruột - đã cho thấy hễ tiền của mình thì phải giữ lấy, không thể dễ dàng trao cho ai vì phải đổ mồ hôi, nhọc nhằn công sức mới có. Nhiều người ao ước "Đồng ra đồng vào, Tiền dòng bạc chảy, Tiền muôn bạc vạn"... Muốn thế, đồng tiền ấy phải đem ra kinh doanh nên mới có câu "Tiền trong nhà tiền chửa, tiền ra cửa tiền đẻ". Mà tiền đẻ cũng hiểu là cách gọi số tiền mà sản phụ phải trả cho cuộc đỡ đẻ. Cách gọi này tương tự tiền giấy mực là cách nói khéo để trả ơn cho người đã soạn/ viết đơn từ nào đó giúp mình. Thành ngữ có câu "Tiền lưng gạo bị", thì lưng ở đây là tiền bỏ trong ruột tượng buộc thắt ngang lưng. Đã có lưng ắt có mặt, tiền mặt là tiền trả ngay khi mua một món gì đó. Rẻ tiền mặt, đắt tiền chịu. Tiền chịu là mua chịu, trả tiền sau.

Điều thú vị là trải qua năm tháng, có cách gọi về tiền nay đã được hiểu sang nghĩa khác. Thí dụ, tiền cò là tiền phải trả cho người trung gian, dẫn mối trong cuộc giao dịch mua bán gì đó. Tại sao không gọi bằng tên nào khác mà phải là con vật rất quen thuộc với nhà nông: Con cò? Có phải ban đầu người ta gọi tiền còm, mượn từ tiếng Pháp commission, tức tiền hoa hồng; dần dà về sau được nói gọn thành tiền cò? Thế nhưng, ngày trước tiền cò lại hiểu là tiền mua tem (timbre) dán bìa thư, gửi qua đường bưu điện: "Làm thơ giấy trắng, em gắn con cò xanh/ Gửi về thăm bạn, có tên anh trong này".

Như đã biết, người đóng vai trò trung gian, dẫn mối gọi là cò/ làm cò. Cò có nhiều loại cò, cò con là chỉ những ai làm ăn nhỏ, ít vốn. Nhưng khi nói đến ông cò thì lại hoàn toàn hiểu theo nghĩa khác: "Hà Nam danh giá nhất ông cò/ Trông thấy ai ai chẳng dám ho" (Tú Xương) thì ông cò là từ vay mượn tiếng Pháp commissaire de police: viên cảnh sát trưởng, còn gọi là cẩm như nhà văn Vũ Trọng Phụng đã viết: "Tất cả nhân viên trong sở cẩm chỉ có bảy người: một ông cẩm Tây, một ông thông ngôn ta, một ông quản cảnh sát, và bốn người lính An Nam?" (Số đỏ). Ta thấy từ cách phát âm "commissaire" sang "cẩm" là điều dễ hiểu vì trùng âm, nhưng tại sao nó lại nhảy một phát thành "cò", rõ ràng là điều không dễ giải thích.

Lê Minh Quốc

TUỔI TRẺ CƯỜI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên