03/11/2014 14:38 GMT+7

Từ tờ rơi cảnh báo, nghĩ tư duy thoát hộp

ĐỖ THỊ DIỆU NGỌC
ĐỖ THỊ DIỆU NGỌC

TTO - Chúng ta hãy áp dụng một lối tư duy bớt định kiến - đó là gợi ý của bạn đọc Diệu Ngọc về câu chuyện tiếp cận, giải quyết vấn đề.

Bạn Diệu Ngọc viết:

Gần đây, Công an phường Phạm Ngũ Lão (Q.1, TP.HCM) phát cho khách du lịch nước ngoài tờ rơi có nội dung khuyến cáo họ tự bảo vệ tài sản cá nhân ở nơi công cộng do tình hình trật tự xã hội và tội phạm diễn biến phức tạp trên địa bàn.

Nội dung tờ rơi Công an phường Phạm Ngũ Lão (Q.1, TP.HCM) phát cho du khách - ảnh: Internet

Sự việc này đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều, trong đó có ý kiến cho rằng đây là "sáng kiến bôi nhọ hình ảnh đất nước, con người Việt Nam”. 

Trong góc nhìn của mình, tôi xin được đóng góp một góc nhìn để nhận định việc tờ rơi ấy có bôi nhọ hình ảnh hay không.

Trên thực tế, bạn và tôi, và những ai là người Việt Nam đang sống ở các đô thị lớn của Việt Nam, đều thừa nhận rằng tình hình an ninh trật tự hiện có nhiều điểm không ổn. Nạn cướp giật, trộm cắp, lừa đảo đang xảy ra như cơm bữa quanh ta.

Khi đi xe buýt, bạn có nơm nớp lo sợ bị kẻ gian rạch túi xách, móc túi, tệ hơn là tấn công cả bạn hay không? Tôi nghĩ là có.  

Bạn có dám mang đồ nữ trang và các tài sản giá trị khác ra đường một cách vô lo hay không? Tôi nghĩ là không.

Khi lên taxi, bạn có nhìn đồng hồ đo kilômet để cân nhắc liệu mình có thể bị tính gian hay không? Tôi nghĩ là có.

Nếu bạn không đồng tình với những câu tôi tự trả lời thay bạn, hãy vào một trang báo bất kỳ nào có mục pháp luật để kiểm chứng có phải tệ nạn đang xảy ra từng giờ, từng ngày ở nơi này nơi nọ hay không.

Bản thân tôi từ lâu không dám đọc mục này vì sợ niềm tin trong tôi về đồng bào của mình sẽ ngày một xói mòn và nỗi bất an trong tôi sẽ mỗi ngày một lớn.  

Vậy khi hình ảnh đó đã không đẹp, việc thẳng thắn thừa nhận nó có phải là hành động bôi nhọ hay không? Tôi nghĩ là không.

Bôi nhọ mang nghĩa tiêu cực là xuyên tạc và bóp méo sự thật, nên bôi nhọ và phát biểu sự thật là hai phạm trù khác hẳn nhau. Vậy tại sao khi sự thật được công khai thể hiện, phản ứng của một số người lại gay gắt đến thế?

Bởi lẽ người Việt Nam đã quen với kiểu tư duy như từ bé chúng ta đã được học trong sách vở những câu tục ngữ và thành ngữ như “vạch áo cho người xem lưng”, “xấu che tốt khoe”,  “đóng cửa bảo nhau”, “môi hở răng lạnh”… 

Người Việt Nam chúng ta đang khổ sở vì chính người Việt Nam, người anh em một nhà, đồng bào của chúng ta. Vậy chúng ta có nên bưng bít để khách du lịch nước ngoài cũng khổ lây, chỉ vì chúng ta vẫn bị chi phối bởi những nếp nghĩ mà ta từng được răn dạy kia không?

Chúng ta cần thay đổi một cách tư duy khác.

Tôi có đọc một bài viết về tư duy thoát hộp (think-outside-the-box) và cái hộp này chính là định kiến của mỗi cá nhân hay của toàn xã hội mà trong đó chúng ta đang sống.

Tác giả bài viết đó còn đề xuất một cách nghĩ khác mang tính “cách mạng” hơn: đập nát cái hộp định kiến đã ăn sâu và chi phối cách nhìn của chúng ta để từ đó những cách nghĩ mới, những hành động mới sẽ được hình thành, góp phần làm thay đổi cuộc sống.

Bản thân tôi nghĩ chúng ta nên áp dụng cách tư duy này để nhìn nhận hành động trên theo đúng bản chất của nó.

Các anh công an phường ấy đến từng khách du lịch để phát tờ rơi với mục đích gì?

Rõ ràng là họ đang khuyến cáo khách du lịch tự bảo vệ mình. Đó là một nỗ lực không phải để vãn hồi trật tự mà là để ngăn ngừa sự mất trật tự, một trong những nhiệm vụ của họ.

Như vậy có phải khi họ phát tờ rơi, họ đã bất lực hay lười biếng không làm nhiệm vụ của mình là đảm bảo an toàn xã hội như cách nghĩ đầy định kiến của nhiều người rằng khi anh đã bất lực thì anh đổ thừa, anh la làng hay không?

Tôi không nghĩ vậy.

Có nhiều cách thức khác nhau để cùng đạt đến một mục đích, và sự phối hợp của nhiều cách thức sẽ mang lại kết quả cao hơn, miễn rằng các cách thức này không có hại.

Vậy sao ta không thay đổi định kiến bằng cách công nhận rằng nói thật trong trường hợp này cũng là một trong những cách thức để đạt đến mục đích, bởi có thể góp phần hạn chế cái xấu sẽ xảy ra?  

Rất nhiều ý kiến phản đối cách làm trên cho rằng khách du lịch sẽ lánh xa Việt Nam và ngành du lịch Việt Nam rồi sẽ vì thế mà khốn đốn. Tôi không nghĩ vậy.

Sao ta không thay đổi định kiến rằng những cảnh báo xấu sẽ giết ngành du lịch Việt Nam bằng cách thừa nhận những phản hồi tích cực từ chính những người nước ngoài rằng họ cảm thấy được quan tâm hơn, để tin rằng từ đó họ sẽ chọn Việt Nam cho một hay nhiều lần trở lại?      

Tuy nhiên, có cách nào khác để đạt cùng mục đích đó mà có thể được xem là tốt hơn không?  

Có.

Đó là những bảng thông báo nơi công cộng, những cuốn cẩm nang dành cho khách du lịch, những websites quảng bá du lịch, hay vẫn là những tờ rơi nhưng để tại những địa điểm khách du lịch có thể tự tiếp cận.

Chúng ta nên tuyên truyền thông qua những kênh này thay vì giao nhiệm vụ cho lực lượng công an thực hiện trực tiếp.

Các anh sẽ có nhiều thời gian hơn để tập trung vào nhiệm vụ chính của mình là đảm bảo trật tự, an toàn xã hội để làm cho tốt hơn.

Tóm lại, tôi rất mong người Việt chúng ta hãy áp dụng một lối tư duy bớt định kiến (tùy bạn chọn cách gọi là thoát hộp hay đập hộp) để công nhận hễ không phải nói xấu là bôi nhọ mà nhận biết cái xấu để làm cho nó đỡ xấu đi.

Tuy nhiên, cũng không nên vì thế ta lại vướng vào một định kiến khác rằng “cứu cánh biện minh cho phương tiện”, bởi ta vẫn có thể có nhiều cách (phương tiện) để đạt đến cùng một mục đích (cứu cánh).

Vậy nên chúng ta cũng cần cân nhắc “phương tiện” nào là tốt nhất để “cứu cánh” được mỹ mãn.  

Bạn có đồng tình với những lập luận của bạn đọc Diệu Ngọc? Hãy chia sẻ cùng Tuổi Trẻ Online qua địa chỉ email tto@tuoitre.com.vn hoặc phần Ý kiến bạn đọc ngay dưới bài viết.

Chân thành cảm ơn.

 

ĐỖ THỊ DIỆU NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên