02/10/2012 06:28 GMT+7

Tủ thuốc cho người lái xe đường dài

PGS.TS NGUYỄN HỮU ĐỨC(Đại học Y dược TP.HCM)
PGS.TS NGUYỄN HỮU ĐỨC(Đại học Y dược TP.HCM)

TT - Người thường lái xe đường dài có thể đi đến những nơi xa xôi - rất khó tìm mua thuốc để trị các rối loạn thông thường (các vấn đề về sức khỏe không trầm trọng phải đến bác sĩ, chỉ cần dùng thuốc thông thường là có thể cải thiện).

voTYcVQ2.jpgPhóng to

Một lái xe đường dài phải dừng xe tại ngã ba Cát Lái - đại lộ Đông Tây dùng viên sủi C để đỡ căng thẳng -Ảnh: XUÂN HUY

Do đó trên xe chúng ta cần tủ thuốc để khi hữu sự là có thuốc dùng. Các rối loạn thông thường có thể xử lý ngay trong thời gian còn phải chạy xe có thể kể như: cảm sốt, khó tiêu đầy bụng, đau bụng, chấn thương phần mềm... Đặc biệt, trong trường hợp hành khách trên xe không mang theo thuốc, bác tài có thể giúp có thuốc từ tủ thuốc của mình để họ trị chứng nôn ói do say tàu xe chẳng hạn, hoặc bông băng xử lý vết thương ngoài da.

Tủ thuốc cần có những gì?

Nếu điều kiện cho phép, tài xế nên mua hay đóng một cái tủ nhỏ có thể đặt trên xe, ở phòng lái xe càng tốt. Cần lưu ý nơi để tủ thuốc phải khô ráo, mát, không bị ánh nắng chiếu vào. Nên có khóa để người khác không lấy thuốc.

Tài xế có thể trữ thuốc kháng histamin như dimenhydrinat, diphenhydramin nhưng chỉ dành cho hành khách chống nôn ói do say tàu xe vì tài xế đang lái xe không được dùng thuốc gây buồn ngủ.

Trong tủ hoặc nơi để thuốc nên sắp thành ba loại đặt ở ba chỗ khác nhau:

1. Loại thuốc bác sĩ kê đơn và tài xế đang sử dụng chữa bệnh như bệnh tim mạch, đái tháo đường, hoặc bệnh nào khác đòi hỏi phải dùng thuốc hằng ngày trong thời gian dài. Thuốc này cần để riêng ra một nơi và tốt hơn hết là cất trong bao bì có ghi loại thuốc gì, dùng như thế nào (mỗi lần uống mấy viên, ngày uống mấy lần, uống vào lúc nào, có điều gì cần lưu ý...).

2. Loại thuốc thường dùng, dùng điều trị một số chứng bệnh nhẹ hay gặp như sau:

- Thuốc giảm đau, hạ sốt: nên có paracetamol và dùng thuốc paracetamol không thôi. Lưu ý nhiều thuốc trị cảm sốt, ho, sổ mũi có chứa thuốc kháng histamin gây buồn ngủ, tài xế đang lái xe tuyệt đối không dùng loại thuốc này.

- Thuốc trị dị ứng do bị dị ứng bất cứ thứ gì gây ngứa nổi mề đay: nên có thuốc kháng histamin trị dị ứng không gây buồn ngủ như fexofenadin, loratidin để dùng cho riêng mình. Có thể trữ thuốc kháng histamin như dimenhydrinat, diphenhydramin nhưng chỉ dành cho hành khách chống nôn ói do say tàu xe vì thuốc gây buồn ngủ, tài xế đang lái xe không được dùng.

- Thuốc trị tiêu chảy: nên có gói Oresol để bù nước và chất điện giải do tiêu lỏng gây mất nước, nên có loại là chất hấp phụ nhu thuốc chứa than hoạt (Carbotrim) hoặc smetite (Smercta) hoặc thuốc làm liệt nhu động ruột như diphenoxylat (Diarsed), loperamid (Imodium) để cầm tiêu chảy khi đã tiêu chảy nhiều lần.

- Thuốc trị táo bón: nếu phân quá khô cứng gây khó đi tiêu có thể dùng dạng thuốc bơm glycerin vào hậu môn (Rectiofar), hoặc dùng thuốc uống như Duphalac, Forlax, Sorbitol.

- Thuốc trị khó tiêu đầy bụng: có thể trữ thuốc kháng acid có chứa chất chống đầy hơi (Kremil-S) hoặc thuốc làm tăng nhu động dạ dày (Motilium-M).

Các thuốc nêu trên có thể nhờ dược sĩ ở nhà thuốc hướng dẫn mua trữ và chỉ cách sử dụng. Nên lưu ý chỉ dùng thuốc trị rối loạn nhẹ bốn năm ngày, nếu triệu chứng không đỡ phải đi khám ở bác sĩ. Xin nhắc lại tài xế đang lái xe không được dùng bất cứ thuốc loại gì gây choáng váng, gây ngủ gà ngủ gật.

3. Loại thuốc dùng ngoài: nên có Povidine (bôi ngoài da sát trùng), nước oxy già (eau oxygénée), cồn 70 độ..., bông băng, một số dụng cụ y tế (kéo, nhiệt kế), dung dịch NaCl 0,9% là thuốc nhỏ mắt, thuốc nhỏ mũi để nhỏ khi mắt bị khó chịu, khi nghẹt sổ mũi.

Nếu thuốc có bao bì nên để trong bao bì, kể cả tờ hướng dẫn sử dụng thuốc. Tất cả các loại thuốc là viên rời đều phải đựng trong chai, lọ sạch có nắp đậy và các chai lọ này đều phải dán nhãn ghi rõ tên thuốc. Nếu có hạn dùng (thường gọi là “đát”) phải ghi rõ hạn dùng và thường xuyên theo dõi, nếu thuốc quá hạn dùng phải bỏ đi, thay thuốc mới. Để giữ nhãn tốt, có thể dùng băng keo trong dán chồng lên nhãn của lọ thuốc.

PGS.TS NGUYỄN HỮU ĐỨC(Đại học Y dược TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên