15/03/2011 09:03 GMT+7

Từ mộ gió đến bia chiêu hồn

KIM EM
KIM EM

TT - Trưa 13-3, cả làng biển An Hải, huyện đảo Lý Sơn lại một lần nữa làm đám tang và xây mộ gió cho những ngư dân của làng đã nằm lại giữa biển khơi. Một trong sáu ngư dân đó, lão ngư Nguyễn Đảng - con cá kình của làng cá An Hải - đã vĩnh viễn nằm lại với biển khơi sau bốn lần thoát chết trong hơn 50 năm ngang dọc trên vùng biển Hoàng Sa.

E4IoPrn7.jpgPhóng to
Ông Nguyễn Đảng, 66 tuổi (bìa trái) trong ngày trở về từ Hoàng Sa 26-10-2010 - Ảnh: V.Q.Cầu

Cách đây không lâu, lão ngư Nguyễn Đảng với mái tóc bạc phơ như sóng biển ấy đã rưng rưng ôm chầm đứa con gái 6 tuổi của mình vào lòng sau gần hai tháng trời xa cách vì bị phía Trung Quốc bắt giữ khi đang đánh cá trên ngư trường Hoàng Sa. Và bây giờ cô con gái út ấy đã mãi mãi không bao giờ được gọi hai tiếng “Cha ơi” nữa, bởi người cha ấy cùng năm bạn nghề đã vĩnh viễn nằm lại với trời nước Hoàng Sa.

Những cư dân can trường của Lý Sơn (Quảng Ngãi) dẫu biết hiểm nguy luôn rình rập nơi biển khơi, nhưng với họ dường như vị mặn của biển là một phần của máu huyết, Hoàng Sa là một phần của quê hương lấp lánh sau những mũi thuyền. Vậy nên, dù cho nhiều thế hệ đã vĩnh viễn nằm lại với đại dương nhưng người dân vẫn một lòng hướng Hoàng Sa thẳng tiến.

Lý Sơn có hàng nghìn ngôi mộ gió với những hình nhân thế mạng được nặn bằng đất sét, bông gòn và cây dâu để thay thế hình hài người đã nằm lại dưới lòng đại dương. Trong hàng nghìn ngôi mộ không hài cốt ấy, nhiều ngôi mộ không có cả một tấm bia khắc ghi tên tuổi người chết, bởi người thân của họ quá nghèo. Những ngôi mộ gió là minh chứng cho những nỗi đau, mất mát của người còn sống và những linh hồn đang còn phiêu dạt nơi nào đó trên vùng biển Hoàng Sa.

Những hùng binh Hoàng Sa ngày trước nằm lại trong lòng biển đã được lưu tên vào bia thờ trong Âm Linh tự và cứ tháng 3 hằng năm cư dân trên đảo lại làm lễ khao lề thế lính Hoàng Sa để tưởng nhớ. Còn với những ngư dân ra khơi bám biển, họ đã coi Hoàng Sa là một phần máu thịt của tổ tiên và sẵn lòng nằm lại trong lòng đại dương. Họ là những cột mốc biên cương vô hình trên biển.

Những ngôi mộ gió của họ trong đất liền, xương cốt của họ trong lòng đại dương đã vẽ đậm thêm đường biên, chủ quyền của Việt Nam trên biển. Họ rất cần được nhớ đến, không chỉ bằng những ngôi mộ gió của gia đình. Họ cần được nhớ đến bằng tình cảm của những người đang sống. Tên tuổi của những ngư dân Lý Sơn nằm lại trong lòng biển khơi cần được đời sau nhớ đến và ngưỡng vọng. Vì vậy, việc xây dựng một tấm bia chiêu hồn ngư dân Lý Sơn sẽ thỏa niềm mong đợi không chỉ của hàng nghìn cư dân huyện đảo...

KIM EM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên