30/01/2019 10:51 GMT+7

Từ lời dạy 'ráng giữ áo dài'

LƯU ĐÌNH LONG thực hiện
LƯU ĐÌNH LONG thực hiện

TTO - Rất nhiều người yêu áo dài Việt, nhưng với chị Nguyễn Thị Thanh Thúy, hội trưởng Hội quán Các bà mẹ, người âm thầm truyền cảm hứng sống lành, giữ gìn truyền thống, có một điều gì đó rất đặc biệt.

Từ lời dạy ráng giữ áo dài - Ảnh 1.

Tuổi Trẻ trò chuyện với chị Nguyễn Thị Thanh Thúy về một câu chuyện tưởng cũ nhưng luôn mới: gìn giữ nếp người - nếp nhà.

Từ những cái ơn với đời

* Chị đã tìm hiểu nhiều về áo dài, vậy theo chị, áo dài đẹp như thế nào?

- Thật ra, tôi cũng chẳng phải tìm hiểu gì nhiều, mọi thứ cứ đến bình dị như trong cuộc sống thôi. Ngày còn bé, ảnh má tôi mặc áo dài trong ngày cưới, ôm bó bông huệ/layơn những năm đầu thập niên 1970 khiến tôi quen mắt. Đến chín mười tuổi, dì cháu tôi lén lấy cái áo dài bằng tơ của bà cô để đem đi diễn văn nghệ. Những năm tiếp theo tôi thấy má tôi may áo dài, áo bà ba cho người lớn trong xóm... nên thấy áo dài quen là vậy.

Tới khi vô lớp 9, năm học đó (1987-1988) áo dài trở lại sau nhiều năm vắng bóng. Mặc áo dài, tôi không thấy trở ngại gì. Đến năm 1995, khi tôi vào làm việc trong một khách sạn, bà sếp người Pháp lại sắm đồng phục áo dài cho nhiều bộ phận, tôi lại tiếp tục được mặc áo dài. Với tôi, áo dài giúp che nhiều khuyết điểm của mình, chẳng hạn như bắp tay to, bắp chân to mà nếu phải mặc váy thì tôi thấy kém tự tin.

* Một sếp người Pháp yêu mến và chọn áo dài, trong khi đó xã hội ngày càng hiện đại, sự giao thoa văn hóa cũng tác động nhiều đến cách ăn mặc của người Việt, rất nhiều người trăn trở và có nhiều cách giữ mạch nguồn dân tộc. Có phải chị muốn tiếp nối công việc đó từ chiếc áo dài?

- Tôi đâu có nghĩ ngợi chi xa, chỉ thấy mình chịu ơn người thầy đã đồng hành cùng Hội quán Các bà mẹ trong nhiều năm là GS.TS Trần Văn Khê. Nhờ bước vào ngôi nhà âm nhạc truyền thống của thầy, tôi giật mình nghĩ đến chuyện nên mặc áo dài trong những lần tổ chức chương trình ở đây.

Chúng tôi cũng được nghe thầy chia sẻ và truyền lửa để thêm thương chiếc áo dài. Tôi nhớ những ngày thầy sắp đi xa, thầy có nhắc: "Ráng giữ áo dài, chớ không mình có tội với tiền nhân".

Tôi cũng không dám hứa với thầy, nhưng trên con đường đi tôi gặp rất nhiều người lớn đáng kính mà tôi biết ơn, bởi họ là những chuyên gia về văn hóa và đặc biệt là trang phục áo dài. Đó là GS.TS Thái Kim Lan. Bà nói: "Với áo dài, mọi phụ nữ đều bình đẳng trước sắc đẹp".

Nhà thơ - chuyên gia ẩm thực Hồ Đắc Thiếu Anh thì nhận định: "Chúng ta là những người phụ nữ Việt Nam, giữ trang phục truyền thống là bổn phận của mình. Chỗ nào có người phụ nữ Việt là có áo dài, chỗ nào có áo dài là có thi ca".

Hay bác sĩ Nguyễn Lan Hải: "Áo dài có thể không làm bạn đẹp hơn, nhưng chắc chắn không làm bạn xấu hơn các trang phục khác"; nhà giáo Đoàn Thị Liệp, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc cùng quan điểm: "Áo dài - "vũ khí" chống béo phì"...

Cũng nhờ sự kết nối (qua Facebook) mà tôi nhìn thấy nhiều anh chị em, nhiều gia đình người Việt sống xa đất nước nhưng luôn mặc trang phục áo dài vào bất cứ buổi gặp gỡ nào, đặc biệt là trong các dịp tết. Đây chính là động lực để tôi tự hỏi mình: ở nơi xứ xa họ còn thương nhớ đến áo dài như vậy mà mình ở tại nước Việt, chuyện may áo cũng dễ dàng hơn, tại sao không mặc áo dài?

Chưa hết, có những dịp gặp gỡ và trò chuyện cùng những người bạn nước ngoài như Nhật, Hàn Quốc..., họ đều nói áo dài mặc rất dễ, như y phục vậy. Tôi cũng ấn tượng bởi một nữ hiệu trưởng trường quốc tế Canada tại Sài Gòn luôn đến trường với áo dài. Cô ấy có hơn chục bộ, còn nhiều hơn cả người Việt, và mỗi lần có khách, bạn bè sang thăm, cô đều dẫn họ đi mua vải và may một vài chiếc áo dài để kỷ niệm.

Chỉ cần làm siêng, trung thực

* Chị đi nhiều, hết giới thiệu sản phẩm vùng này, miền nọ, lại muốn góp tay cho lụa Việt, áo dài Việt được tiếp tục lan tỏa. Động lực nào thúc đẩy chị làm việc đó?

- Tôi chỉ hành động theo suy nghĩ của mình. Có lẽ từ trong sâu thẳm của tâm hồn, tôi nghĩ đến chuyện đền ơn. Nghe má kể thời con gái, má cũng vô Sài Gòn ở trọ, mua khung dệt về dệt rồi đem tới làng dệt Bảy Hiền bán kiếm tiền công để đi học may áo dài, áo bà ba. 

Về lại quê Lâm Đồng, má tôi mở tiệm may cho tới ngày người ta không mặc áo dài nữa (đó là những năm đầu 1980). Tôi nghĩ trong chén cơm gia đình mình ăn ngày đó, có công may của má và có tổ đãi cho nghề may áo dài một thời.

Có một câu nói: "Khi bạn chọn được việc bạn thích thì xem như bạn không làm". Trời thương cho tôi được sức khỏe dẻo dai trên những chuyến đi (cho tới lúc này) nên mỗi một điểm đến, mỗi chặng đường dù có không ít vui buồn nhưng tôi thấy công sức của mình bỏ ra mà không hối tiếc.

Hơn nữa, tôi không đơn độc bởi có bao nhiêu chị em và chuyên gia hỗ trợ. Trong hành trình đó, tôi nhìn thấy được niềm vui. Vui nhất là ngày mình về làng lụa Mã Châu. Trước đay, nền nhà lởm chởm, thu nhập của các dì, các chị ở đây còn thấp, nay nền nhà được lót lại, lương các cô cũng ổn hơn và nhất là thấy áo dài lụa xuất hiện khắp nơi, đo được bằng số lượng lụa bán ra.

* Vấn đề dạy con của nhiều gia đình có vẻ như đang... bối rối. Là người đứng đầu hội quán, chị có chia sẻ gì và góp ý ra sao trong việc giáo dục con cái?

- Đúng thật là không thể phủ nhận những làn sóng, những xu thế mới cần học hỏi nhưng nền tảng gia đình cũng như việc dạy con cũng cần có vài nguyên tắc cơ bản. Với chúng tôi, dạy con không làm điều ác (đừng làm chuyện thất đức) là đã gieo mầm thiện rồi, cùng tạo nội lực cho con để con có thể thích nghi với nhiều hoàn cảnh, vậy là vững lòng rồi.

Còn mai mốt chuyện nghề nghiệp: chỉ cần làm siêng, trung thực thì không sợ đói, sống ở đâu cũng được.

* Ngày xuân, chị và gia đình thường chọn trang phục ra sao để đón năm mới tinh tươm nhất có thể?

- Năm nào cũng vậy, trẻ con, người già thường mong áo mới. Vì vậy, năm mới cũng là dịp để sắm sửa thêm cho con một bộ áo mới, áo dài cho ba mẹ con, kiểu dáng cách điệu, tiện lợi, tính ứng dụng cao, chất liệu thấm hút tốt, thoải mái, không rườm rà và màu sắc, hình khối hoa văn mà con thích (không chỉ mặc dịp tết).

Cả nhà đi viếng mộ, đi lễ chùa rồi chụp một vài tấm ảnh kỷ niệm để mai mốt nhìn con lớn lên và mình già đi.

Gia đình - gốc của mọi sự thay đổi

* Những dự án mà hội quán thực hiện nhiều năm qua đã tạo ra các giá trị tích cực như thế nào với cộng đồng?

- Điều tôi và các thành viên của hội quán làm trong những năm qua không ngoài mục tiêu truyền cảm hứng cho tất cả mọi người tham gia, biết đến các dự án, hay trực tiếp thụ hưởng những giá trị của chương trình mang lại - đó là niềm tin ai cũng có thể là nhà hảo tâm, cũng có thể đứng lên được.

Ví dụ như giúp nhau sinh kế, đặt ra một tiêu chí là không để người được giúp dựa dẫm mà họ là nhân vật chính vượt lên chính mình bằng cách nỗ lực sản xuất từ phương tiện ban đầu do dự án mang tới.

Sau khi thoát nghèo, họ cũng có thể đóng góp, chia sẻ cho những người khác. Hay các chương trình tặng sách, học bổng giúp em đi học cũng để tạo cảm hứng cho các bạn nhỏ tiếp cận với tri thức, từ đó có cái nhìn tốt hơn, có hướng đi mang tinh thần tự thân thay đổi trên cơ sở của phát triển giáo dục...

Nói về giáo dục, tôi chú trọng tới giáo dục gia đình vì đó là cái gốc của mọi sự thay đổi nơi mỗi người. Nên trong mọi chương trình, tất cả đều phải có sự tham gia của phụ huynh và trẻ để cả hai cùng học, cùng chơi với nhau, tạo ra sự thông hiểu và cùng phát triển theo hướng tích cực.

ad

Chị Thúy và chồng con diện áo dài trong ngày đầu xuân - Ảnh: NGUYỆT VY

Hội quán Các bà mẹ là một doanh nghiệp xã hội thành lập vào tháng 8-2010. Tuy nhiên, các hoạt động của hội quán đã diễn ra trước đó. Chị Thúy kể mới đầu hội quán lập nên để phụ huynh cuối tuần có dịp tụ họp, chia sẻ cách nuôi dạy con cái. Trải qua 11 năm (2007-2018), hội quán vươn rộng ra nhiều mảng hoạt động.

Nhiều dự án thiện lành mà Hội quán Các bà mẹ đang thực hiện: Tủ sách chuyền tay: tặng trực tiếp cho bệnh nhi của bệnh viện ung bướu; Tủ áo dài chuyền tay: trao tặng khắp các vùng miền trong cả nước; Hỗ trợ đầu ra, quảng bá cho làng nghề lụa Mã Châu (H.Duy Xuyên, Quảng Nam) từ tháng 10-2016 đến nay; Hỗ trợ giữ gìn và khôi phục làng nghề thổ cẩm: tặng khung dệt, sợi, hỗ trợ học nghề…

Võ Việt Chung và Nguyễn Cao Kỳ Duyên kể Ký ức Sài Gòn với áo dài xưa Võ Việt Chung và Nguyễn Cao Kỳ Duyên kể Ký ức Sài Gòn với áo dài xưa

TTO - Nhà thiết kế Võ Việt Chung vừa trình làng bộ sưu tập áo dài xưa lấy cảm hứng từ những năm 1960. Tà áo dài duyên dáng một thời được tái hiện qua bộ ảnh Người đẹp Thành Đô, với người mẫu là MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên.

LƯU ĐÌNH LONG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên