Các bạn trẻ Quảng Ngãi bán dưa giúp nông dân Quảng Nam - Ảnh: Trần Mai |
Một bài phát biểu của Monica Lewinski vừa được đăng tải trong tuần đã gây chấn động, không phải vì câu chuyện giật gân của 17 năm trước, xảy ra trong Nhà Trắng giữa người đàn ông quyền lực nhất thế giới với cô gái 22 tuổi.
Sự chấn động của bài phát biểu là từ lời tâm sự của một người trong cuộc - một phụ nữ 39 tuổi, đã trải qua một xìcăngđan khủng khiếp: “Năm 1998, tôi mất hết danh dự và nhân phẩm; mất gần như mọi thứ, tôi mất cả cuộc sống của mình”. Và cô tâm sự nhiều lúc mình đã muốn tự tử.
Nhưng cô cho là mình may mắn hơn Tyler Clementi - chàng trai đã tự tử vì không chịu nổi sự giễu cợt của dư luận khi lộ clip mình quan hệ yêu đương đồng tính.
Không phải Monica mạnh mẽ hơn Tyler. Monica chỉ may mắn hơn Tyler khi xìcăngđan của cô xảy ra vào lúc truyền thông xã hội chưa ra đời! Nghiệm chuyện đời mình và Tyler (năm 2010), Monica khẳng định: “Khi truyền thông xã hội ra đời, với những trường hợp giống như tôi, hậu quả còn kinh khủng hơn nhiều”.
Và Monica cho rằng: ”Xử sự tàn ác với người khác thì không có gì là mới, nhưng với sự giúp đỡ của công nghệ, của thế giới ảo, sự sỉ nhục ấy được khuếch đại và lưu lại mãi mãi”. Vâng, tàn ác trên thế giới ảo thật đơn giản khi chỉ với những cú click chuột.
Nhưng mấy ai chịu để ý rằng chuyện thế giới ảo đã mang lại thảm kịch thật ngoài đời. Monica dẫn một số liệu: ChildLine - một tổ chức phi lợi nhuận của Anh chuyên giải quyết những vấn đề của người trẻ - đã đưa ra một thống kê đáng kinh ngạc là từ năm 2012 - 2013, yêu cầu được giúp đỡ liên quan tới xúc phạm trong thế giới ảo tăng tới 87%!
Bài phát biểu của Monica sẽ chẳng có một chút giá trị nào với những ai không tham gia Facebook, không quan tâm đến thế giới mạng.
Nhưng ở VN - một quốc gia có chỉ số phát triển Internet vào loại hàng đầu châu Á, nơi mà rất nhiều người tham gia Facebook - thì bài phát biểu của “người trong cuộc” Monica Lewinski thật đáng quan tâm.
Bởi tự suy ngẫm lại bản thân, có lẽ rất nhiều người trong chúng ta từng không dưới một lần xúc phạm người khác một cách hồn nhiên từ cú click chuột.
Và tôi tin lời khuyên của Monica là đúng, đó là: “Chúng ta cần giao tiếp trên thế giới ảo bằng sự bao dung, tiếp cận tin tức bằng sự bao dung và click chuột bằng sự bao dung”.
Vâng, chính sự tiếp cận tin tức không bằng sự bao dung nên chỉ mới đọc câu chuyện về việc một vị bác sĩ từ chối mổ cho bệnh nhân là nhà báo mà rần rần lên án, phỉ báng vị bác sĩ.
Nhưng khi nghe thông tin từ phía “khổ chủ” là vị bác sĩ thì mới ồ, à - hóa ra ông ấy là nạn nhân của truyền thông “lá ngón”!
Đời ảo phải trồng nhiều hoa hơn để đẩy lùi rác rưởi. May sao, cũng trong tuần, lên Facebook thấy đời ảo còn có câu chuyện này để níu giữ niềm tin, đó là việc mọi người í ới nhau hỏi thăm địa chỉ của những nông dân Quảng Nam để đến mua dưa chạy lũ; là một cô ca sĩ nhắn trên Facebook của nhà báo Trần Đăng Tuấn hỏi mua dưa và tuyên bố sẵn sàng đứng bán giữa thủ đô; là một anh quản lý bar mỗi ngày mua 40kg dưa với giá đúng như lấy mối hằng ngày 20.000 đồng/kg, chứ không giảm một đồng nào dù dưa đang dội chợ; là người dân TP Vinh tấp nập mua hàng tấn dưa của các bạn trẻ mua về từ Quảng Nam chỉ trong một giờ đồng hồ... để chia sẻ khó khăn với người trồng dưa.
Chuyện mua bán dưa chưa chấm dứt, đã thấy bắt đầu nóng lên với chuyện mua bán hành giúp nông dân Sóc Trăng. Cầu cho đời ảo ngày càng có nhiều câu chuyện đẹp...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận