10/12/2018 11:10 GMT+7

Tự lập làng... giữa rừng

TRUNG TÂN
TRUNG TÂN

TTO - Có hàng chục, thậm chí hàng trăm hộ dân di cư "nhảy dù" vào lập làng trong khu vực rừng tự nhiên và vô tư đốn hạ hàng chục hecta rừng để làm nương rẫy. Chính quyền nhiều lần vận động người dân ra ngoài để bảo vệ rừng nhưng không thành công.

Tự lập làng... giữa rừng - Ảnh 1.

Một khu dân cư tự phát của dân di cư tự do ở xã Cư Pui, Krông Bông, Đắk Lắk thiếu thốn rất nhiều về điều kiện vật chất, tinh thần - Ảnh: TRUNG TÂN

Tôi vào vận động bà con ra ngoài trung tâm xã sinh sống để con em có điều kiện đến trường. Họ bắt tôi trói vào cây đu đủ đầu làng, tôi phải gọi điện về xã nhờ giải cứu.

Ông Nguyễn Bá Thủy chủ tịch UBND xã Quảng Hòa, huyện Đắk G’Long, Đắk Nông

Buôn H’Mông nằm lọt thỏm trong khu vực bảo vệ nghiêm ngặt thuộc lâm phần quản lý của Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Buôn Ja Vầm, xã Ea Kiết (huyện Cư M’Gar, Đắk Lắk) nhiều năm nay.

Hàng chục hộ dân di cư từ phía Bắc "nhảy dù" vào lập làng trong khu vực rừng tự nhiên và vô tư đốn hạ hàng chục hecta rừng để làm nương rẫy.

Phát hiện buôn "tự phát" giữa rừng, chính quyền phải nhiều lần vận động người dân ra ngoài để bảo vệ rừng nhưng không thành công.

Vận động không được, UBND tỉnh Đắk Lắk đã phải thành lập dự án tái định cư hơn 100 hộ dân ra khỏi khu vực rừng bảo vệ nghiêm ngặt, cách nơi ở cũ khoảng 15km.

Chính quyền địa phương cấp đất ở, đất sản xuất cho người dân nhưng nhiều người vẫn quay lại "làng cũ" khiến công tác bảo vệ rừng, đảm bảo an sinh cho người dân tại đây gặp rất nhiều khó khăn.

Trong khi đó, buôn Lách Ló cũng nằm lọt thỏm trong khu bảo vệ nghiêm ngặt của Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Ka, xã Nam Ka (huyện Lắk, Đắk Lắk).

Do ở tách biệt nên học sinh muốn đến trường phải vượt rừng hơn 10km, mỗi lần có người trong buôn ốm đau cần đi bệnh viện cũng hết sức khó khăn.

Vận động dân ra ngoài không được, năm 2009, UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt dự án định canh, định cư cho 40 hộ dân tại buôn, tổng vốn đầu tư 53,7 tỉ đồng từ ngân sách trung ương.

Tháng 8-2012, dự án khởi công xây dựng đường giao thông, hệ thống thủy lợi và điện lưới vào tận buôn.

Tuy nhiên, lãnh đạo ngành kiểm lâm và chính quyền huyện Lắk lại hết sức lo lắng khi làng được lập giữa rừng, có đường nối thông với bên ngoài thì công tác bảo vệ rừng sẽ hết sức khó khăn, đất rừng có thể tiếp tục bị lấn chiếm.

Tương tự, gần 20 năm trước, có sáu hộ dân từ các tỉnh phía Bắc "nhảy dù" vào khu rừng nguyên sinh thuộc Lâm trường Quảng Sơn (xã Quảng Sơn, nay là xã Quảng Hòa, huyện Đắk G’Long, Đắk Nông).

Đến nay, theo thống kê của UBND xã Quảng Hòa, đã có 74 hộ dân, hơn 300 nhân khẩu vẫn đang "sống tạm" giữa vùng núi rừng ngả nghiêng cây đổ này... Vì là làng "vô thừa nhận" nên đến nay chưa có một hộ dân nào có hộ khẩu, không ai có giấy tờ tùy thân.

Anh Hàu Seo Linh, một cư dân trẻ ở làng, cho biết cuộc sống của hơn 400 nhân khẩu nơi đây chỉ tạm bợ, người dân không có giấy tờ tùy thân nên mọi giao dịch đều không thực hiện được.

Không đủ điều kiện cấp hộ khẩu

Theo ông Nguyễn Bá Thủy, chủ tịch UBND xã Quảng Hòa, vì làng tự phát nên việc cấp sổ hộ khẩu cho bà con ở Suối Phèn, với 74 hộ, theo quy định của pháp luật thì xã không đủ điều kiện để cấp cho người dân.

Chưa được làm sổ hộ khẩu, đương nhiên bà con sẽ không có chứng minh nhân dân.

Do đó, đối với bà con thì mọi quyền công dân hầu như không có. Lãnh đạo tỉnh Đắk Nông cho biết đến nay trên toàn tỉnh có khoảng 50.000 nhân khẩu chưa được cấp chứng minh nhân dân, không có chỗ ở ổn định, sống rải rác trong các cánh rừng là vấn đề nhức nhối của địa phương...

Vì sao gia tăng tình trạng di dân tự do?

tapketgo1-1544406551847409390278

Một vụ phá rừng rất nghiêm trọng tại Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Chư Phả, huyện Ea H’Leo, Đắk Lắk vào tháng 9-2018 - Ảnh: TRUNG TÂN

Phân tích về các nguyên nhân dẫn đến tình trạng gia tăng di dân tự do, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng một số địa phương xây dựng quy hoạch bố trí, sắp xếp, ổn định dân di cư tự do chưa phù hợp, chưa thực tế.

Bên cạnh đó là việc bố trí kinh phí từ trung ương cho các dự án còn rất hạn chế, chưa kịp thời, khiến nhiều dự án dở dang kéo dài (39/65 dự án).

Vì vậy, đời sống của người dân tại các vùng di dân tự do rất khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo còn cao (như Tây Nguyên 19,7%, Tây Bắc 25,8% - cao hơn mức trung bình cả nước từ 2 đến 2,5 lần).

"Tình trạng di dân tự do không chấm dứt được là vì công tác quản lý, bảo vệ rừng ở nhiều địa phương rất lỏng lẻo, nhiều nơi còn có biểu hiện buông lỏng, nhất là tại các nông lâm trường.

Khi phát hiện tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất làm nương rẫy đã không được xử lý kịp thời, dứt điểm khiến tình trạng mất rừng, mất đất ngày thêm nghiêm trọng..." - ông Cường phân tích.

TRUNG TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên