08/01/2019 09:07 GMT+7

Tự cứu mình khỏi hiểm họa giao thông

TRẦN HÀO - LƯU QUẢNG
TRẦN HÀO - LƯU QUẢNG

TTO - Giữa dòng người xe đông đúc bỗng đâu có chiếc 'xe điên' gây nên tang thương. Thêm người lên án tài xế, thêm những lo lắng, bất an khi đi đường mỗi ngày. Và vẫn còn đó quá nhiều sự chủ quan, bất cẩn khi ra đường.

Tự cứu mình khỏi hiểm họa giao thông - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Thanh Huy - thành viên Hội container Cát Lái, TP.HCM - cho biết hội là nơi các anh em thường xuyên gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm lái xe an toàn cũng như cách bảo quản xe để an tâm cầm lái - Ảnh: TUYẾT KIỀU

Điều đáng nói là những vụ tai nạn do lỗi tài xế không dừng được xe ngày càng nhiều... Tuổi Trẻ giới thiệu hai ý kiến bạn đọc về câu chuyện này.

Hiểm họa và xử lý đúng, sai của tài xế

Ngày 15-9-2018, trên quốc lộ 4D đoạn qua thị trấn Tam Đường, huyện Tam Đường, Lai Châu, xe khách 16 chỗ đang di chuyển đúng luật, xe bồn mất thắng lao vào, cả hai xe rơi xuống suối sâu, 12 hành khách và tài xế xe bồn chết tại chỗ, 3 người bị thương nặng.

Tối 19-9-2018, thực khách đang ngồi ăn trong quán ven quốc lộ 1 ở thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh, bất ngờ ôtô 7 chỗ lao vào, 9 người nhập viện vì lỗi tài xế đạp nhầm chân ga!

Ngày 21-10-2018, tại ngã tư Hàng Xanh, TP.HCM, nữ tài xế điều khiển ôtô tông hàng loạt xe máy đang dừng chờ tín hiệu, 1 người tử vong tại chỗ, 6 người bị thương. Gần đây, hàng loạt vụ xe tải "lùa" xe máy ở nhiều nơi gây nên nỗi kinh sợ cho mọi người.

Đây là ba trong số nhiều vụ tai nạn liên hoàn, liên tiếp thời gian qua. Tôi cho rằng không dừng xe được để gây tai nạn, dù bất kỳ lý do gì thì lỗi cũng thuộc về tài xế.

Tài xế đã không chăm sóc kỹ càng phương tiện, không kiểm soát được phương tiện và uống bia rượu, dùng chất kích thích rồi ôm lái. Có người lái chưa rành, một lúc cao hứng lên xe người khác chạy ra đường và gây họa cho người, cho mình.

Không một tài xế nào muốn gây tai nạn để chuốc lấy rắc rối cho mình. Sau tai nạn là những ngày tháng sống cùng nỗi ân hận trong nhà giam.

Nói như vậy để các tài xế quen thói tranh đường, bấm còi inh ỏi, dùng còi hơi làm người khác giật thót mình, loạng quạng tay lái xe máy... phải nhận thức mà bỏ tật đó ngay. Nói chuyện điện thoại khi đang lái xe, hút hít rồi lái xe là vô cảm và coi thường sinh mạng người khác.

Để xe mất thắng, mất lái... là lỗi kém kỹ năng, thiếu chăm sóc xe của tài xế. Nếu không may rơi vào tình huống đó, tài xế cần biết cách giảm hậu quả. Có thể cho xe dừng lại bằng cách dồn số, nếu không được thì chọn cách khác, không để xe lao vào đám đông.

Tôi chợt nhớ vụ tai nạn ở Tiền Giang trước đây, khi xe mất thắng, tài xế chủ động tông xe vào cột đèn và bị thương, anh đã chọn nguy hiểm về phần mình để giảm đau thương cho nhiều người khác. Đó là một cách ứng xử đạo đức của người cầm lái. Hiểm họa không loại trừ ai, nhưng người cầm lái có thể chọn cách giảm thiệt hại.

Mỗi người cũng cần cẩn trọng giữ mình khi ra đường. Đi xe máy phải đi đúng làn; dừng đèn đỏ, người đi xe máy đừng bao giờ dừng trước đầu xe hơi. Ngoài việc dừng sát lề bên phải còn phải cảnh giác hiểm họa từ sau lưng mình lao tới. Trên những chuyến xe đường dài, nếu là hành khách ngồi phía trước, giữa khuya nên chuyện trò với tài xế cho họ bớt buồn ngủ.

Nhắc nhở, đánh thức họ khi thấy họ có hiện tượng buồn ngủ. Đôi khi hành khách cần cân nhắc thiệt hơn trước khi bước lên xe, chẳng hạn như từ chối xe chở quá tải, tài xế có biểu hiện, hành vi bất thường. Chậm nhưng chắc, đừng vì mọi giá bước lên những chiếc xe "hung thần" để rước họa vào thân, làm người thân khổ lụy vì mình.

TRẦN HÀO


An toàn tự thân

Liên tiếp những ngày đầu năm là những tai nạn giao thông chết người kinh hoàng. Tai ương cứ thế ập đến và cướp đi bao sinh mạng của những người vô tội. Ai cũng khiếp đảm với những kiểu giao thông "hoang dại" trên đường.

Sau một tai nạn kinh hoàng, chúng ta bắt đầu phán xét. Chúng ta bắt đầu soi nguyên nhân. Người gây tai nạn sẽ bị xử lý. Sẽ có những lời cảnh báo người tham gia giao thông và xử lý cả các đơn vị cung cấp dịch vụ vận chuyển, có thể có những cuộc thanh tra nóng để thiết lập lại trật tự.

Rồi mọi chuyện sẽ trở về như trước. Cũng giống như việc thanh tra, kiểm tra hệ thống phòng cháy chữa cháy sau vụ cháy chung cư Carina năm ngoái. Dư luận rồi cũng quên đi khi nỗi sợ vơi dần.

Tôi giật mình với chính mình. Tôi vừa có hành trình xe khách từ TP.HCM về Cà Mau và ngược lại. Trên xe, các ghế đều có trang bị dây an toàn nhưng không thấy ai thắt dây, quàng dây cả. Cũng chẳng có ai nhắc nhở hành khách về việc phải thắt dây an toàn khi xe đi với tốc độ cao.

Tôi giật mình, từ lúc đi xe khách từ miền Trung vào tận phương Nam, tôi chưa một lần được hướng dẫn thắt dây an toàn và tầm quan trọng của nó. Dường như mỗi hành khách như tôi chỉ nhận thấy đi máy bay mới rủi ro và mới được dạy cách thắt dây an toàn.

Tôi cũng sững sờ khi hầu hết mọi người quên mặc áo phao cho con trong hành trình hai tiếng đồng hồ từ bến đò vào nhà mình trên chiếc xuồng máy. Con trẻ chưa biết bơi, tôi cẩn thận mang theo áo phao nhưng cũng quên mặc.

Tôi lại nhớ trong những chuyến công tác bằng ôtô, tôi và đồng nghiệp không khi nào thắt dây an toàn ngoại trừ tài xế thắt dây vì sợ bị phạt. Và tôi nghĩ không chỉ tôi, mà rất nhiều người cũng thảnh thơi kiểu như thế. Rồi còn rất nhiều chuyện khác như: đi xe máy không đội mũ bảo hiểm vì nghĩ đường gần, đội mũ bảo hiểm cho có để né phạt.

Nhiều khi những hành động chủ quan như thế đã gây bao nhiêu hậu quả khó lường và đau xót, những cái chết thương tâm, những cơ thể không lành lặn. Nỗi sợ không phải chỉ đến từ những tai nạn từ xa, do người khác. Tai nạn có khi do chính sự bất cẩn, chủ quan của mỗi người.

An toàn tự thân có nghĩa là chúng ta tự trang bị cho mình những phương tiện bảo hộ, để bảo vệ cho chính mình và những người xung quanh. Người lớn tự trang bị cho mình và làm gương cho trẻ nhỏ.

Ý thức an toàn tự thân là cần thiết, cho mình, cho người thân và cho xã hội, từ gia đình và đến toàn xã hội. Chúng ta không nên phán xét người khác sai đúng bởi không phải phận sự của mình, không ai muốn mình là kẻ sát nhân. Mỗi chúng ta hãy tự kiểm điểm và tự trang bị "phao cứu sinh" cho mình.

LƯU QUẢNG

Cẩn trọng vì người, vì mình

Sau một vụ tai nạn nghiêm trọng, xã hội lên án người gây họa. Nhiều vụ liên tiếp thành nỗi kinh hoàng. Nhưng suy cho cùng, đó không phải là lỗi lầm của cá nhân ai.

Cần nghĩ rộng hơn về đạo đức ứng xử, ý thức an toàn khi tham gia giao thông. Mọi người cẩn trọng, trách nhiệm hơn một chút, vì người, vì mình. Giảm hậu quả tai nạn giao thông không phải là chuyện của riêng ai.

TRẦN HÀO

Tai nạn giao thông thảm khốc: Trách nhiệm chủ xe đến đâu? Tai nạn giao thông thảm khốc: Trách nhiệm chủ xe đến đâu?

TTO - Từ những vụ tai nạn giao thông thảm khốc, trong đó có nhiều vụ được xác định lỗi do tài xế như uống rượu bia, sử dụng ma túy..., nhiều người cho rằng cần đặt ra vấn đề trách nhiệm của chủ xe, doanh nghiệp kinh doanh vận tải.

TRẦN HÀO - LƯU QUẢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên