Một tiết học của sinh viên năm 2 khoa du lịch Trường ĐH Tài chính - marketing TP.HCM - Ảnh: Như Hùng |
Theo đó, các trường này được tự chủ toàn diện, trong đó có tự chủ tài chính nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Điểm đáng chú ý nhất của đề án này là học phí. Sau khi các trường công bố đề án, nhiều sinh viên đều tỏ ra lo lắng với mức học phí mới.
Tăng học phí
Trường ĐH Tài chính - marketing sẽ thu học phí theo kế hoạch nêu trong đề án, với mức bình quân tối đa đối với ĐH chính quy (chương trình đại trà) năm học 2015-2016 là 14,5 triệu đồng/sinh viên/năm, năm học 2016-2017 tăng lên 16,5 triệu đồng/sinh viên/năm.
Đối với các đối tượng nhập học trước thời điểm quyết định này có hiệu lực thi hành (ngày 23-3), trường thu học phí với mức tăng tối đa năm sau không quá 30% của năm trước kể từ thời điểm quyết định này có hiệu lực thi hành.
Không phải để trường tăng nguồn thu ThS Hứa Minh Tuấn khẳng định: “Việc tăng học phí không phải để trường tăng nguồn thu, mà để sinh viên được thụ hưởng thêm điều gì đó. Trước đây, toàn bộ học phí nhà trường thu phải gửi kho bạc nhà nước, nhưng nay trường sẽ gửi vào ngân hàng để lấy tiền lãi xây dựng các chính sách học bổng hỗ trợ sinh viên khó khăn”. |
Trường ĐH Tôn Đức Thắng sẽ được phép thu học phí bình quân tối đa đối với ĐH chính quy (chương trình đại trà) năm học 2014-2015 là 13 triệu đồng/sinh viên/năm, năm học 2015-2016 tăng lên 14,95 triệu đồng/sinh viên/năm và đến năm học 2016-2017 là 17,2 triệu đồng/sinh viên/năm.
Đối với sinh viên nhập học trước thời điểm quyết định này có hiệu lực (ngày 29-1), trường thu với mức tăng tối đa năm sau không quá 20% của năm trước.
Trường ĐH Kinh tế TP.HCM sẽ có mức học phí bình quân đối với các chương trình đại trà từ năm học 2014-2015 là 13 triệu đồng/sinh viên/năm, năm học 2015-2016 là 14,5 triệu đồng/sinh viên/năm và năm học 2016-2017 là 16,5 triệu đồng/sinh viên/năm.
Trong khi đó, Trường Kinh tế quốc dân sẽ thu học phí bình quân (của chương trình đại trà, trình độ ĐH) tối đa năm học 2014-2015 là 9,5 triệu đồng/sinh viên/năm, năm học 2015-2016 tăng lên 11,5 triệu đồng/sinh viên/năm và đến năm học 2016-2017 là 13,5 triệu đồng/sinh viên/năm.
Tương tự, Trường ĐH Hà Nội thu học phí mức bình quân (của chương trình đại trà, trình độ ĐH) tối đa năm học 2014-2015 là 7,8 triệu đồng/sinh viên/năm, năm học 2015-2016 tăng lên 12 triệu đồng/sinh viên/năm và đến năm học 2016-2017 là 14 triệu đồng/sinh viên/năm.
...Nhiều băn khoăn
Sau khi báo chí đưa tin về việc trường sẽ áp dụng học phí mới, rất nhiều sinh viên Trường ĐH Tài chính - marketing phản ứng gay gắt. Ngay sau đó, lãnh đạo nhà trường đã họp đại diện sinh viên để thông tin rõ hơn về lộ trình tăng học phí. Nhiều sinh viên và phụ huynh băn khoăn về lộ trình này trong điều kiện học tập hiện tại.
Điều sinh viên quan tâm là sau khi trường tăng học phí, chất lượng đào tạo liệu có tương ứng. “Hiện tại, chúng tôi phải học ở các cơ sở trường thuê mướn, điều kiện học còn hạn chế: phòng chật chội, lớp học đông... Tại sao nhà trường không đầu tư cơ sở vật chất cho thật tốt để sinh viên có điều kiện học tập tốt hơn trước khi tăng học phí?” - N.T.C. (sinh viên năm 2 khoa du lịch Trường ĐH Tài chính - marketing) đặt câu hỏi.
Nhiều sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã “kêu trời” khi nhà trường công bố lộ trình tăng học phí. “Mức học phí của trường hiện nay đã cao hơn rất nhiều so với các trường ĐH công lập khác. Nay nhà trường lại tăng học phí nữa... Liệu trường tăng học phí như vậy, sinh viên chúng tôi có được thụ hưởng quyền lợi tương xứng?” - một sinh viên năm 1 khoa tài chính - ngân hàng Trường ĐH Tôn Đức Thắng thắc mắc.
Bạn H.T.N. (sinh viên năm 2 khoa tài chính công Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) lo lắng: “Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, tôi chọn trường công với mức học phí vừa phải, ổn định. Nay trường bất ngờ công bố tăng học phí, đồng nghĩa với việc chúng tôi gặp khó khăn nhiều hơn... Hi vọng nhà trường có chính sách hỗ trợ học phí, học bổng cho sinh viên nghèo”.
Theo ThS Hứa Minh Tuấn - phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - marketing, các khóa cũ trước đây có mức học phí 6,8 triệu đồng/năm, trong đề án tự chủ tài chính đối với các khóa cũ nhà trường được phép thu tăng không quá 30%, tuy nhiên nhà trường nhận thấy nếu tăng theo mức này sẽ tạo sức ép đối với sinh viên. Vì vậy sau khi cân nhắc, nhà trường quyết định từ năm học 2015-2016 chỉ tăng 10% (7.480.000 đồng/năm). Tháng 8-2015 nhà trường mới áp dụng mức thu học phí mới đối với sinh viên các khóa cũ.
TS Nguyễn Hữu Huy Nhựt - trưởng phòng tổ chức - hành chính Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - cho biết mức học phí mới được áp dụng cho chương trình đại trà từ khóa tuyển sinh tháng 9-2015 sắp tới. Các khóa hiện hữu chỉ tăng 20% so với quy định của nghị định 49 (5,5 triệu đồng/sinh viên/năm). Tuy nhiên một số ngành vẫn có mức học phí thấp hơn. Đó là những ngành nhà trường thấy cần thiết cho nền kinh tế, xã hội nhưng nhu cầu học chưa cao như ngành kinh tế chính trị, kinh tế phát triển, kinh tế nông nghiệp, thống kê... sẽ có mức học phí bằng 50% so với các ngành còn lại.
“Nhà trường thấu hiểu những băn khoăn của sinh viên hiện tại và sinh viên tiềm năng về lộ trình tăng học phí. Nhà trường cần thu mức học phí như thế để đủ cho nhà trường trang trải, đảm bảo nâng dần chất lượng đào tạo. Mức học phí trên đã tính đầy đủ chi phí đào tạo cho một sinh viên, nhà trường sẽ hạn chế tối đa thu thêm các khoản thu ngoài học phí” - ông Nhựt nói.
Tương tự, ThS Trịnh Minh Huyền, phó hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng, cũng cho biết nhà trường sẽ áp dụng khung học phí mới từ học kỳ 1 năm 2015-2016. Đối với các khóa cũ tăng không quá 20% so với mức học phí hiện nay (bình quân 11 triệu đồng/năm, tăng lên 13,2 triệu đồng/năm). Ngoài học phí, nhà trường không thu thêm khoản phí nào nữa.
Chất lượng đào tạo sẽ tốt hơn?
Cũng theo bà Huyền, từ năm 2011 đến nay Trường ĐH Tôn Đức Thắng không điều chỉnh học phí (mặc dù từ khóa tuyển sinh năm 2012 trường không cam kết giữ nguyên mức học phí suốt khóa học). “Nhà trường đã cố gắng duy trì mức học phí cũ suốt thời gian dài, trong khi hàng loạt công trình đầu tư lần lượt đưa vào sử dụng tạo ra một môi trường học tập hiện đại ở cơ sở Q.7, TP.HCM” - bà Huyền nói.
Đối với sinh viên khóa 2015, nhà trường sẽ chuyển mô hình trước đây dành cho chương trình quốc tế sang dạy đại trà để nâng cao chất lượng đào tạo.
Ông Nhựt cũng cho hay để chuẩn bị thực hiện đề án tự chủ, ba năm qua Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đã xây dựng, chuyển đổi toàn bộ chương trình đào tạo của nhà trường sang chương trình tiên tiến và phát triển theo mô hình trường ĐH hiện đại trên thế giới.
“Nhà trường đang cấu trúc lại hệ thống giảng đường nhằm đạt mục tiêu 50 sinh viên/lớp. Phòng học được trang bị đầy đủ phương tiện, thiết bị để tăng cường hơn nữa việc tương tác với người học. Trường cũng đang nỗ lực trang bị dần hệ thống điều hòa cho các phòng học” - ông Nhựt cho biết.
Tháng 8-2015, Trường ĐH Tài chính - marketing sẽ đưa cơ sở 2/4 Trần Xuân Soạn, Q.7, TP.HCM vào hoạt động. Sinh viên khóa mới sẽ được thụ hưởng cơ sở vật chất, phòng học mới tại cơ sở này. Theo ông Tuấn, để tăng học phí, ngoài các chính sách hỗ trợ sinh viên, nhà trường phải cải tiến chương trình đào tạo, giáo trình, cơ sở vật chất... Tất cả hoạt động đào tạo như trang bị kỹ năng mềm cho sinh viên, các học phần giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng đều được tính vào học phí, nhà trường sẽ không thu thêm nữa.
“Đối với sinh viên khóa mới, nhà trường sẽ áp dụng chương trình đào tạo tiên tiến. Đề án cho phép trường thu học phí 14,5 triệu đồng/năm nhưng trường chỉ thu 13 triệu đồng/năm, và mỗi năm tăng 15%” - ông Tuấn cho biết.
TS Nguyễn Đức Nghĩa (phó giám đốc ĐHQG TP.HCM): Phải giám sát việc thực hiện đề án tự chủ của các trường Hiện nay nhiều trường ĐH đào tạo chương trình chất lượng cao được phép thu mức học phí cao tương ứng. Theo đó, sinh viên theo học chương trình này được thụ hưởng chương trình đào tạo, cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên... khác biệt so với sinh viên các lớp đại trà. Tôi được biết trong đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của các trường vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhà trường phải nêu rõ thông tin về chi phí cho một suất đào tạo và các tiêu chí đảm bảo chất lượng đào tạo sau khi áp dụng mức thu học phí mới. Ngoài ra, các trường phải nói được việc dùng số tiền tăng thêm từ học phí này vào cải thiện cơ sở vật chất, đổi mới chương trình đào tạo, nâng chất đội ngũ giảng viên cụ thể ra sao. Vì vậy, các trường cần công bố đề án tự chủ để người học, xã hội kiểm tra, giám sát việc thực hiện đề án này. Nếu các trường tự chủ tăng học phí nhưng chất lượng đào tạo không thay đổi so với trước khi tăng học phí thì khó chấp nhận. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận