13/03/2015 08:29 GMT+7

​Từ chối làm hiệu phó vì mê chăm trẻ

MỸ DUNG
MỸ DUNG

TT - Có người lạ bước vào lớp, mấy đứa trẻ càng bám rịt lấy cô, trông như những chú gà con luôn quấn quýt bên mẹ vậy.

Cô Thu luôn khuyến khích trẻ nhỏ làm theo các bài học - Ảnh: Mỹ Dung 

“Phúc Khang 9 tháng tuổi, giờ bé đứng được rồi. Hồi mới đến đây bé không bú được, không ăn được nhưng giờ đã ăn được cháo đặc. Mình cứ tập từ từ, cho ăn từ loãng đến đặc là trẻ ăn được liền à…” - đó là những lời kể của cô Thu khi nói về học trò của mình.

Có người lạ bước vào lớp, mấy đứa trẻ càng bám rịt lấy cô, trông như những chú gà con luôn quấn quýt bên mẹ vậy.

Niềm vui vì thế càng rạng ngời trên khuôn mặt của cô Trần Thị Ngọc Thu, giáo viên lớp 6-18 tháng tuổi Trường mầm non Hoa Phượng Hồng (H.Bình Chánh, TP.HCM), âu yếm nói về từng trẻ mà cô phụ trách. 

Chỉ cần nghỉ một ngày chủ nhật là tôi đã thấy nhớ các bé rồi. Chăm lâu ngày nên thấy mấy bé cứ như là khúc ruột của mình vậy
Cô TRẦN THỊ NGỌC THU

Nâng đỡ trò lớn lên 

Năm học 2014-2015, Trường mầm non Hoa Phượng Hồng là trường đầu tiên và duy nhất của H.Bình Chánh mở lớp thí điểm giữ trẻ 6-18 tháng tuổi, cô Thu là một trong hai cô giáo được trường và phòng GD-ĐT huyện tin cậy giao phó nhiệm vụ khó khăn này.

Không phụ lòng tin, sau năm tháng giữ trẻ thí điểm, nề nếp lớp học đã đi vào quy củ... Giáo án, kế hoạch giảng dạy của giáo viên đã đâu vào đó. Vui nhất là các bé tiến bộ, lớn lên từng ngày. 

Giáo án riêng có chủ đích cho lứa tuổi

“Cô Trần Thị Ngọc Thu nghiên cứu chương trình, mục tiêu và tự thiết kế các bài dạy, bài chơi có chủ đích theo giai đoạn phát triển. Mỗi ngày trẻ 6-18 tháng tuổi sẽ được chơi các trò chơi có chủ đích như: đuổi theo bóng, tìm âm thanh của đồ chơi, hãy ngồi lên nào, tập đưa đồ chơi cho cô, bò lên dốc lấy đồ chơi. Các bé cũng được chơi với các đồ chơi như búp bê, vận động theo nhạc hoặc chơi chi chi chành chành, ú à...”.

Cô ĐẶNG THỊ KIM THƠ
(đồng nghiệp của cô Thu)

Đã 49 tuổi với hơn 25 năm trong nghề nuôi dạy trẻ, cô Thu không nhớ đã chăm bẵm bao nhiêu lứa học sinh, giúp bao nhiêu trẻ ăn được, ngủ được rồi lớn lên…

Nhưng cô luôn biết rằng mỗi đứa trẻ là một cá thể và sự chăm sóc vì thế không thể rập khuôn. Cô luôn có kế hoạch cho từng đứa trẻ của mình. 

Một bé trai khi vào lớp dù gần 9 tháng tuổi nhưng ngồi không vững, nóng sốt liên miên, chỉ biết ăn bột, uống sữa rất kém…

Hằng ngày ngoài việc phơi nắng vào mỗi sáng sớm cho bé, cứ đến thời gian quy định cô lại theo “phác đồ” đã định tập cho trẻ ngồi, rồi tập cho trẻ bò bên cạnh việc đổi sang cho ăn cháo loãng, cháo đặc…

Cứ như thế, ba tháng sau bé không những ít đau ốm hơn mà còn tăng thêm 2kg và chập chững biết đi. 

Mỗi trẻ mầm non là một cá thể, đương nhiên sẽ có một “phác đồ” riêng để dạy học, để chăm sóc, không hiểu cô Thu đã xoay xở ra sao khi có từ 5-10 đứa trẻ vây quanh?

Cô Thu cho biết lớp thí điểm 6-18 tháng tuổi mà cô phụ trách có hai giáo viên, một bảo mẫu nhưng chỉ có tám trẻ.

Đây là một con số lý tưởng cho việc chăm sóc trẻ. Cô và một giáo viên nữa thay nhau tập, chơi, cho ăn, cho ngủ, tắm theo thời gian biểu đã định sẵn. Khi đến bài tập cho những trẻ yếu hơn cô sẽ nhờ sự hỗ trợ của bảo mẫu.

Vì số lượng trẻ ít nên giáo viên chăm chút được từng trẻ. “Với trẻ lớp mầm, chồi, lá, kế hoạch riêng cho đứa trẻ sẽ dễ chia thời gian hơn vì sự đồng đều trong nhóm trẻ đã cao hơn lứa tuổi nhỏ này” - cô Thu cho biết. 

Tuy vậy năm tháng trước, khi mới nhận nhiệm vụ chăm sóc trẻ từ 6-18 tháng tuổi cô cũng khá lo lắng. “Từ trước đến nay trường công chưa bao giờ có trẻ ở lứa tuổi này, kinh nghiệm nghề nghiệp coi như chưa có”.

Nhưng rồi cô đã bước qua bằng cái tâm, cái tình của người mẹ, người cô...

“Tôi cứ chăm các bé như là chăm con chăm cháu vậy đó. Mình lo lắng nhưng không mất tự tin vì đã có kinh nghiệm làm mẹ, lại đã được học qua trường, qua lớp, được bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn… Vào lớp là mình hỏi phụ huynh những đặc điểm ở nhà của cháu, hỏi giờ ăn, giấc ngủ... Khi trả trẻ thì báo lại các đặc điểm với gia đình, lưu ý họ những điều tốt nhất cho bé” - cô Thu ân cần chia sẻ.

Có lẽ chính những giáo viên như cô Thu đã “hút” phụ huynh tìm đến xin con vào lớp 6-18 tháng tuổi.

“Hiện nay có khá nhiều phụ huynh đến xin gửi trẻ 6-18 tháng vào lớp, ngược lại với thuở đầu. Phải nói một thực tế là không phải phụ huynh nào cũng nuôi trẻ nhỏ đúng cách, nên khi thấy trẻ tiến bộ hơn ở trường thì họ thông tin cho nhau rồi xin vào học...” - cô Nguyễn Thanh Xuân, hiệu trưởng nhà trường, cho biết.  

Ước mơ chăm trẻ con từ bé

Đã có hơn 25 năm dạy trẻ nầm non, cô Thu cho biết ngay từ bé đã thích làm giáo viên “chăm trẻ con”.

Cô tự đi thi vào học Trường trung học Sư phạm TPHCM rồi làm nhiều nghề khác trước khi được vào làm đúng ước mơ của mình. Hồi đó trẻ ít, trường ít nên “dư” giáo viên, cô chưa có việc làm ngay khi ra trường.

Niềm yêu thích cháy bỏng đó đã giúp cô Thu làm công việc vất vả này một cách nhẹ nhàng. Hằng ngày, dù có con nhỏ, cứ hơn 6g sáng là cô đã có mặt tại trường để đón trẻ vào lúc 6g30, rồi cho trẻ đi tắm nắng, thay tã, pha sữa, cho chơi, cho ngủ, cho ăn… Rồi viết giáo án, lên kế hoạch từng tuần, từng tháng, từng giai đoạn phát triển của trẻ…

Cô tận tụy giúp trẻ phát triển ngôn ngữ, tư duy, giúp phát triển vận động, thể trạng… Cô cũng không thấy mệt mỏi khi đứa trẻ này quấy lúc mọc răng, đứa kia cào vào tay, giật tóc mình khi chúng khó chịu hay thích thú. Những đứa trẻ khi buồn ngủ sẽ khóc ré lên hoặc đòi dỗ dành cũng không khiến cô mệt.

Chăm con trẻ còn có những lúc lo sợ. Đó là lần một trẻ bỗng dưng lăn ra sùi bọt mép, ngất xỉu khi cô đang dạy cho trẻ nhận biết mặt chữ. Cô vừa bế trẻ chạy đến trạm xá vừa khóc như mưa vì không biết trẻ làm sao lại thế.

Hồi đó chưa có điều tra tâm lý hay sức khỏe trẻ như bây giờ, gia đình lại cũng không báo cho nhà trường nên cô vô cùng bối rối… “Tôi ngỡ bé chết mất, nhưng may sau đó bé tỉnh lại, gia đình mới nói thi thoảng cháu vẫn bị như vậy…” - cô trải lòng. 

Muốn được trực tiếp lo cho bữa ăn giấc ngủ của trẻ, năm 2004 khi được Phòng GD-ĐT huyện Bình Chánh điều động làm phó hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Thiên Lý, cô Thu đã xin ở lại. “Tôi từng là đồng nghiệp của cô Thu 

ở Trường mầm non Hoa Phượng Hồng, tôi biết nhiều năm liền cô Thu là chiến sĩ thi đua. Cô Thu rất có tâm huyết với nghề lại chuẩn mực, đạo đức, tác phong, chuyên môn cũng không chê vào đâu được.

Cô Thu nhiều lần được đề bạt làm phó hiệu trưởng nhưng từ chối, đơn giản chỉ vì cô rất thích được chăm sóc các bé” - cô Nguyễn Thanh Xuân, hiệu trưởng nhà trường, nhớ lại.

MỸ DUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên