07/03/2015 10:49 GMT+7

Từ chối bảo vệ quyền lợi người bán nước ngọt Tân Hiệp Phát

DUY THANH
DUY THANH

TT - Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Khánh Hòa không thụ lý đơn của ông Nguyễn Ngọc Anh về việc khiếu nại sản phẩm kém chất lượng của Tân Hiệp Phát.

Ông Nguyễn Ngọc Anh và chai nước có dị vật - Ảnh: Tiến Thành

Ngày 6-3, bà Nguyễn Thị Trang - chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Khánh Hòa - xác nhận hội không thụ lý đơn đề nghị bảo vệ quyền lợi của ông Nguyễn Ngọc Anh, chủ nhà hàng Hữu Nghị (P.Cam Phú, TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa), về việc khiếu nại sản phẩm kém chất lượng của Công ty Tân Hiệp Phát.

“Luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng xác định đối tượng được bảo vệ là người mua sản phẩm và tiêu dùng trực tiếp, còn trường hợp của ông Anh là chủ quán, mua để bán lại cho khách nên không đúng đối tượng” - bà Trang giải thích.

Trước thông tin này, ông Anh than thở: “Tôi là khách hàng của Tân Hiệp Phát. Tôi bỏ tiền mua sản phẩm này, giờ sản phẩm kém chất lượng, làm ảnh hưởng lớn đến việc làm ăn của tôi. Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không bảo vệ tôi thì tôi không biết kêu ở đâu”.

6 chai trà Dr Thanh kém chất lượng

Ngày 5-3, ông Anh chính thức gửi đơn đến Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Trong đơn, ông Anh cho biết ngày 22-2 (mùng 4 Tết Ất Mùi), thực khách trong hai bàn ăn của quán ông phát hiện các chai trà thảo mộc nhãn hiệu Dr Thanh có mùi lạ, cho rằng quán bán hàng giả, kém chất lượng.

Ông Anh cho kiểm tra toàn bộ số chai trà Dr Thanh mà ông mua của một đại lý tại TP Cam Ranh về bán cho khách thì thấy có sáu chai trà không bình thường.

Cụ thể: một chai có hai con ruồi, một con vật nhỏ chưa rõ là gì; một chai có một cọng lông; một chai có dị vật như rong, cỏ; một chai có màu xanh thẫm và hai chai có vật lạ.

Toàn bộ số chai trà Dr Thanh này được sản xuất trong hai thời điểm: 15-5-2014 và 27-12-2014, hạn sử dụng của các chai trà là một năm, toàn bộ số chai Dr Thanh đều còn nguyên vẹn, chưa tháo nắp và nhãn hiệu.

Trong đơn ông Anh đề nghị: Tân Hiệp Phát phải xác nhận sáu chai nước này có phải là sản phẩm của công ty hay không?

Nếu Tân Hiệp Phát cho rằng đây là chai nước giả nhãn hiệu hoặc có tác động từ bên ngoài thì phải công bố thông tin hướng dẫn để người tiêu dùng nhận diện, phân biệt. Tân Hiệp Phát phải hỗ trợ thỏa đáng với quán Hữu Nghị và xin lỗi công khai vì những chai nước này làm mất uy tín của quán.

Theo ông Anh, ông có gọi vào đường dây nóng chăm sóc khách hàng của Tân Hiệp Phát.

Một đại diện của công ty đến kiểm tra, lập biên bản, đề nghị hỗ trợ hai lốc trà Dr Thanh mới nhưng ông không đồng ý. Tiếp đó, người của Tân Hiệp Phát điện thoại cho ông và nói công ty sẽ bồi thường hai thùng Dr Thanh và một cái áo, ông Anh không đồng ý.

Ông đã mang các chai nước đến báo cáo Phòng kinh tế TP Cam Ranh và báo cáo bằng điện thoại cho lãnh đạo Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Xử lý thế nào?

Theo bà Nguyễn Thị Trang, sáng 6-3, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Khánh Hòa đã chuyển đơn của ông Nguyễn Ngọc Anh đến ba chi cục Quản lý thị trường, Tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng và An toàn vệ sinh thực phẩm. “Chúng tôi hướng dẫn ông Anh trước mắt phải làm việc với Tân Hiệp Phát để thỏa thuận giải quyết, nếu không thành thì ông có quyền đề nghị ba chi cục này xem xét, xử lý theo quy định” - bà Trang cho hay.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, LS Nguyễn Hồng Hà - phó chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Khánh Hòa - nói ông Nguyễn Ngọc Anh có quyền làm đơn khiếu nại trực tiếp đến nhà sản xuất là Tân Hiệp Phát, yêu cầu công ty lập biên bản xác nhận đây có phải là sản phẩm của công ty hay không.

Nếu đúng là sản phẩm của công ty, Tân Hiệp Phát phải thỏa thuận bồi thường thiệt hại. Nếu không phải là sản phẩm của Tân Hiệp Phát thì công ty có trách nhiệm chứng minh bằng cách mời bên thứ ba (công an, chính quyền, luật sư...) đến chứng kiến, lập biên bản niêm phong sản phẩm để yêu cầu cơ quan chức năng trưng cầu giám định. Ông Anh cũng có quyền trưng cầu giám định.

Còn luật sư Phạm Công Út (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng nếu xác định ông Anh không phải là đối tượng để được Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Khánh Hòa bảo vệ, ông có thể khởi kiện dân sự đối với Tân Hiệp Phát.

Tân Hiệp Phát chưa xác nhận sản phẩm của công ty

Chiều 6-3, ông Phạm Lê Tấn Phong - giám đốc đối ngoại Tập đoàn Tân Hiệp Phát - cho biết: “Chúng tôi đã hai lần cử người của các bộ phận chăm sóc khách hàng đến làm việc với ông Nguyễn Ngọc Anh nhưng chưa giải quyết xong. Ông Anh có yêu cầu hỗ trợ, bồi thường trên 4 triệu đồng vì ông không thu tiền của khách khi họ cho rằng các chai Dr Thanh kém chất lượng. Tuy nhiên chưa có cơ sở để bồi thường, Tân Hiệp Phát cũng chưa có chủ trương hỗ trợ bằng tiền”.

Khi được hỏi Tân Hiệp Phát có xác định đây là sản phẩm của công ty, ông Phong nói ông đang đi công tác, chưa nhận được biên bản làm việc của công ty nên chưa thể xác nhận sáu chai trà Dr Thanh mà ông chủ quán Hữu Nghị cho là không đảm bảo chất lượng có phải là của Tân Hiệp Phát hay không.

Đại diện Tân Hiệp Phát còn cho biết việc đề nghị gửi sản phẩm đối ứng cho khách hàng được coi là cảm ơn và ghi nhận thông tin mà khách hàng phản hồi cho công ty. Đồng thời muốn tiếp nhận sản phẩm để tìm ra nguyên nhân nào bên ngoài nhà máy làm hư hỏng sản phẩm. Trong trường hợp khách hàng chưa đồng ý hợp tác và cung cấp sản phẩm lỗi thì không thể xác định nguồn gốc sản phẩm và nguyên nhân hư hỏng.

Không nên hiểu máy móc

Đó là quan điểm của luật sư Võ Xuân Trung, Đoàn luật sư TP.HCM. Theo ông Trung, khái niệm người tiêu dùng ở đây cần được hiểu ở nghĩa rộng, không thể hiểu theo cách người tiêu dùng là người mua, sử dụng sản phẩm trực tiếp.

Người tiêu dùng có thể là bất kỳ ai mua, sử dụng, được cho, tặng hoặc vô tình phát hiện một sản phẩm nào đó của nhà sản xuất bị lỗi thì đều có thể yêu cầu Hiệp hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hỗ trợ.

Hiệp hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không chỉ có nhiệm vụ giúp đỡ, hướng dẫn, tư vấn cho người tiêu dùng khi có yêu cầu, mà còn có thể đại diện người tiêu dùng khởi kiện hoặc tự khởi kiện vì lợi ích cộng đồng.

Như vậy bất kỳ ai, dù là người trực tiếp hay gián tiếp sử dụng sản phẩm hàng hóa bị lỗi đều có thể yêu cầu Hiệp hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hỗ trợ. Hiệp hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ chối hỗ trợ người dân với lý do và cách hiểu máy móc rằng người đề nghị không phải là người tiêu dùng là một cách hiểu sai, né tránh trách nhiệm của mình.

G.MINH ghi

Từ chối thụ lý đơn là đúng luật

Tôi không rõ điều lệ của Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Khánh Hòa quy định như thế nào nhưng căn cứ vào các quy định của pháp luật thì việc hội này không thụ lý đơn của ông Nguyễn Ngọc Anh, chủ nhà hàng Hữu Nghị (P.Cam Phú, TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) về việc khiếu nại sản phẩm kém chất lượng của Tân Hiệp Phát là có cơ sở.

Bởi lẽ, điều 3.1 Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2010 quy định: “Người tiêu dùng là người mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức”.

Ngoài ra, theo điều 28 Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2010, toàn bộ các hoạt động của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đều chỉ nhằm mục đích hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Anh, chủ nhà hàng Hữu Nghị là một doanh nghiệp. Doanh nghiệp này mua hàng hóa (nước ngọt) do Công ty Tân Hiệp Phát sản xuất rồi bán lại cho thực khách sử dụng. Như vậy, căn cứ theo các quy định nói trên, ông Nguyễn Ngọc Anh không phải là người tiêu dùng và do đó không phải là đối tượng để được Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hỗ trợ, bảo vệ.

Có một số ý kiến băn khoăn cho rằng luật quy định như trên là chưa chặt chẽ vì nội hàm người tiêu dùng rất rộng, trong đó có thể bao gồm cả doanh nghiệp.

Theo chúng tôi, việc luật quy định như vậy là có “cái lý” của nó. Thứ nhất, người tiêu dùng phần lớn là những cá nhân yếu thế (nếu so với doanh nghiệp) rất cần được hỗ trợ để bảo vệ quyền lợi.

Thứ hai, khi xảy ra tranh chấp (liên quan đến chất lượng hàng hóa) thì nhu cầu của từng đối tượng sẽ có sự phân biệt khác nhau. Đối với người tiêu dùng, mục tiêu chủ yếu là đòi bồi thường các thiệt hại ngoài hợp đồng (tổn thất về tinh thần, sức khỏe, vật chất…) liên quan đến người đó. 

Còn đối với doanh nghiệp, mục tiêu là vì lợi nhuận của chính doanh nghiệp đó và đây có thể là tranh chấp liên quan đến hợp đồng mua bán, cung cấp hàng hóa. Nếu đúng như vậy thì đây là một hình thức tranh chấp rất bình thường giữa các doanh nghiệp với nhau và các bên đều có thể tự mình thương lượng hoặc yêu cầu tòa án, trọng tài giải quyết.

Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không thể và không có quyền đứng về bất kỳ một bên nào để hỗ trợ việc giải quyết tranh chấp được. Nếu pháp luật cho phép làm điều đó tức là sẽ tạo ra một thị trường cạnh tranh bất bình đẳng và đây là điều hoàn toàn không nên. 

LS NGUYỄN TIẾN TÀI (Đoàn Luật sư Bà Rịa-Vũng Tàu)

DUY THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên