20/07/2020 17:57 GMT+7

Từ 8-8, cấm ôtô qua cầu Thăng Long để sửa chữa

TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

TTO - Từ ngày 8-8, chính thức cấm hoàn toàn ôtô đi qua cầu Thăng Long, Hà Nội để thực hiện dự án sửa chữa cầu.

Từ 8-8, cấm ôtô qua cầu Thăng Long để sửa chữa - Ảnh 1.

Mặt cầu Thăng Long chằng chịt vết vá - Ảnh: HOÀNG THANH TÙNG

Ông Nguyễn Văn Huyện - tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ - cho biết như vậy khi trao đổi với báo chí chiều 20-7 về việc triển khai dự án sửa chữa cầu Thăng Long.

Theo ông Nguyễn Trung Sỹ - cục trưởng Cục Quản lý xây dựng của Tổng cục Đường bộ, cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng được xây dựng từ tháng 11-1974, hoàn thành tháng 5-1985. Cầu Thăng Long có 2 tầng dùng chung cho đường sắt và đường bộ, trong đó cầu ôtô nằm ở tầng trên có chiều rộng 20,5m, phần đường ôtô rộng 16,5m gồm 4 làn xe, chiều rộng hành lang bộ hành hai bên 2m.

Đến nay mặt cầu trên phần cầu ôtô đã hư hỏng sau lần sửa chữa vào năm 2009.

Dự án sửa chữa cầu Thăng Long do Tổng cục Đường bộ làm chủ đầu tư sẽ thực hiện gia cường mặt cầu thép hiện tại, hàn các đinh neo thép vào bản mặt thép và lắp đặt lưới thép. Sau đó đổ lớp bêtông siêu tính năng (UHPC) có cường độ chịu nén, chịu kéo cao, chiều dày tối thiểu 6cm. Tiếp theo sẽ thảm lớp bêtông nhựa polyme phía trên.

Đồng thời dự án thực hiện thay thế các khe co giãn đã bị hư hỏng, sửa chữa lề bộ hành, hệ thống thoát nước và hệ thống an toàn giao thông.

Tổng mức đầu tư dự án sửa chữa cầu Thăng Long là 269,3 tỉ đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp chi hoạt động kinh tế đường bộ cho công tác quản lý bảo trì quốc lộ.

Theo kế hoạch, từ ngày 28-7 các đơn vị liên quan sẽ tổ chức phân luồng giao thông thử, hạn chế xe qua cầu Thăng Long và từ ngày 8-8 chính thức cấm xe qua cầu để triển khai thi công trên mặt cầu nhằm hoàn thành trong quý 4-2020.

"Chúng tôi bảo đảm chắc chắn 100% mặt cầu Thăng Long sẽ tồn tại rất nhiều năm, ít nhất trên 10 năm theo yêu cầu của bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Bởi vì kết cấu được thực hiện bằng những giải pháp khoa học và kỹ thuật mới nhất.

Thứ nhất là sử dụng công nghệ hàn plasma để hàn đinh neo bằng thép phi 12, dài 5cm trên bản thép mặt cầu mà không làm thay đổi tính chất thép của mặt cầu. Thứ hai là sử dụng bêtông siêu tính năng có cốt sợi thép chịu biến dạng cao phủ lên bản thép mặt cầu rồi mới đổ bêtông nhựa.

Bêtông siêu tính năng này các nước đã sử dụng nhiều với cầu mặt thép và chúng tôi cũng đã làm 3 cầu trong dự án xây dựng cầu dân sinh bằng vật liệu này, đạt kết quả tốt", ông Nguyễn Trung Sỹ khẳng định khi trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ Online liệu có tái diễn tình trạng mặt cầu Thăng Long vừa sửa xong đã hỏng như năm 2009 hay không.

Để tổ chức thi công sửa chữa cầu Thăng Long, Tổng cục Đường bộ và Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã lên phương án phân luồng giao thông từ xa, hướng dẫn xe tải, xe khách liên tỉnh từ phía Nam ra Bắc và ngược lại đi theo cầu Hưng Hà, cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Thịnh để tránh cầu Thăng Long.

Riêng nội thành Hà Nội có 16 tuyến xe buýt đi qua cầu Thăng Long sẽ chuyển sang đi cầu Nhật Tân ở hạ lưu cầu Thăng Long. Các tuyến xe khách từ bến xe Mỹ Đình, Yên Nghĩa đi qua cầu Nhật Tân thay vì cầu Thăng Long. Xe chở công nhân đi làm 2 bên sông Hồng cũng đi theo cầu Nhật Tân. Còn xe máy, xe thô sơ vẫn đi ở tầng 1 cầu Thăng Long như bình thường.

Điều chỉnh lộ trình 16 tuyến buýt để sửa cầu Thăng Long Điều chỉnh lộ trình 16 tuyến buýt để sửa cầu Thăng Long

Để phục vụ sửa chữa cầu Thăng Long, trong tháng 7, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội sẽ điều chỉnh lộ trình 16 tuyến buýt hàng ngày vẫn lưu thông qua cây cầu này.

TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên