30/06/2016 00:09 GMT+7

Từ 1-1-2017, tòa không được tự xác định vụ kiện hết thời hiệu

HOÀNG ĐIỆP ghi
HOÀNG ĐIỆP ghi

TTO - Theo Bộ luật dân sự 2015, tòa án chỉ áp dụng thời hiệu theo yêu cầu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi tòa sơ thẩm ra bản án, quyết định.

PGS.TS Đỗ Văn Đại - Ảnh: Phan Duyên
PGS.TS Đỗ Văn Đại - Ảnh: Phan Duyên

Theo Bộ luật dân sự, thời hiệu khởi kiện là “thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện”.

Còn thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự là “thời hạn mà chủ thể được quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền yêu cầu”.

Phải có yêu cầu của đương sự

Trong thực tiễn xét xử, thường xuyên gặp trường hợp đương sự không đề cập đến việc hết thời hiệu nhưng cơ quan tố tụng tự viện dẫn quy định về thời hiệu để từ chối giải quyết hay để hủy kết quả xét xử trước đó.

Chẳng hạn, tranh chấp về bồi thường thiệt hại đã được tòa án cấp sơ thẩm giải quyết và các bên liên quan không đề cập tới việc hết thời hiệu nhưng đến cấp phúc thẩm hay giám đốc thẩm thì Viện trưởng Viện KSND hay Chánh án TAND cấp trên kháng nghị hủy án sơ thẩm với lý do hết thời hiệu.

Thực trạng vừa nêu là không thuyết phục, làm cho người dân mất đi cơ hội được đảm bảo công lý và thể hiện sự can thiệp quá sâu của cơ quan tố tụng vào các vấn đề dân sự.

Đồng thời, thực trạng trên làm cho pháp luật dân sự Việt Nam quá khác lạ so với thế giới. Theo Bộ luật Dân sự Pháp, thẩm phán không thể tự viện dẫn việc hết thời hiệu khởi kiện.

Pháp luật của các nước Bỉ, Lúc-xăm-bua, Ý, Tây Ban Nha cũng quy định tương tự.

Trong thực tiễn của nước Pháp, Tòa án tối cao Pháp thường xuyên hủy bản án sơ thẩm hay phúc thẩm trong đó thẩm phán tự mình viện dẫn việc mất quyền khởi kiện của một bên trong hợp đồng do hết thời hiệu trong khi không được bên kia của hợp đồng yêu cầu.

Bộ nguyên tắc châu Âu về hợp đồng chỉ cho phép bên có nghĩa vụ của hợp đồng được viện dẫn việc hết thời hiệu.

Và Bộ nguyên tắc Unidroit về hợp đồng thương mại quốc tế khẳng định "việc hết thời hiệu chỉ có hiệu lực nếu bên có nghĩa vụ viện dẫn việc hết thời hiệu như là một biện pháp tự vệ".

Như vậy, trong các hệ thống luật nêu trên, việc hết thời hiệu chỉ có hiệu lực khi một bên viện dẫn điều đó như một biện pháp tự vệ và cơ quan tố tụng không được tự viện dẫn việc hết thời hiệu để từ chối quyền yêu cầu của một bên nếu không được bên kia yêu cầu.

Trước sự không thuyết phục trên của hệ thống pháp luật Việt Nam, từ năm 2006 đã có ý kiến cho rằng “không nên cho phép cơ quan tiến hành tố tụng tự viện dẫn việc mất quyền khởi kiện của một bên khi không được bên kia yêu cầu”.

Tuy nhiên, mãi đến thời kỳ chỉnh lý Dự thảo Bộ luật sân dự mới đây nhất tại Quốc hội, quy định về hạn chế sự can thiệp của cơ quan tố tụng mới được đưa vào.

Áp dụng trong nhiều vụ án

Khi dự thảo được thông qua, hiện theo khoản 2 Điều 149 Bộ luật dân sự 2015 (có hiệu lực từ 1-1-2017) quy định: “Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ, việc”.

Quy định trên không cho phép cơ quan tố tụng tự viện dẫn các quy định về thời hiệu.

Đồng thời cũng chỉ cho phép đương sự viện dẫn quy định về hết thời hiệu ở giai đoạn sơ thẩm nên nếu đương sự không yêu cầu áp dụng các quy định về thời hiệu ở cấp sơ thẩm thì không được viện dẫn việc hết thời hiệu ở cấp phúc thẩm hay giám đốc thẩm.

Quy định này nhằm tránh tình trạng biết hết thời hiệu nhưng một bên không nói ra ở cấp sơ thẩm mà chờ nếu bị tuyên thua kiện mới viện dẫn hết thời hiệu để làm căn cứ yêu cầu hủy kết quả xét xử (yêu cầu phúc thẩm, giám đốc thẩm).

Việc hạn chế viện dẫn hết thời hiệu nêu trên buộc Tòa án phải giải quyết nội dung vụ việc và như vậy tạo điều kiện cho người dân được đảm bảo công lý như Hiến pháp năm 2013 yêu cầu.

Lưu ý là quy định mới trên được đưa vào trong Bộ luật dân sự nên đương nhiên được áp dụng trong tố tụng dân sự tại tòa án.

Thực tế, vấn đề dân sự còn có thể được giải quyết trong thủ tục tố tụng không phải là tố tụng dân sự như yêu cầu giải quyết bồi thường thiệt hại (vấn đề dân sự) trong tố tụng hành chính hay tố tụng hình sự nên quy định về thời hiệu này cũng được áp dụng.

PGS.TS Đỗ Văn Đại - Trưởng Khoa Luật Dân sự, Đại học Luật TP.HCM

HOÀNG ĐIỆP ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên