27/06/2016 15:47 GMT+7

Nhiều điểm mới trong thủ tục kiện hành chính từ 1-7

HOÀNG ĐIỆP - TUYẾT MAI
HOÀNG ĐIỆP - TUYẾT MAI

TTO - Người đứng đầu cơ quan bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó, thiếu kiểm sát viên tòa vẫn xử..., đó là những điểm mới đáng chú ý của Luật tố tụng hành chính 2015.

Luật tố tụng hành chính (TTHC) năm 2015 có hiệu lực từ ngày 1-7-2016 có nhiều quy định mới về thủ tục tố tụng rõ ràng hơn để các cơ quan, tổ chức bị kiện phải tuân thủ pháp luật triệt để.

Sự có mặt người đại diện của người bị kiện

Luật TTHC 2015 đã sửa đổi, bổ sung quy định: Trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện.

Người được ủy quyền phải tham gia vào quá trình giải quyết toàn bộ vụ án, thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người bị kiện theo quy định của Luật (khoản 3 Điều 60 Luật TTHC 2015).

“Đây là một sự tiến bộ đặc biệt quan trọng trong mối quan hệ giữa người khởi kiện và người bị kiện bởi trước đó là thủ tục giải quyết khiếu nại về quyết định hành chính, hành vi hành chính giữa một bên có quyền lực nhà nước và một bên là người dân yếu thế” - luật sư Phạm Hoài Nam, Đoàn luật sư TP.HCM, nhận định.

Theo luật sư, quy định rõ ràng của luật như vậy khi người dân khởi kiện ra tòa sẽ đảm bảo tính khách quan và công bằng hơn, giúp giải tỏa tâm lý bức xúc của người dân. 

Đồng thời tạo điều kiện cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức nhận thấy được quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình là đúng hay sai, để từ đó có thể khắc phục ngay, nhằm đảm bảo việc quản lý hành chính công đúng đắn và thượng tôn pháp luật.

Sự có mặt của kiểm sát viên

Một quy định khác nữa cũng rất quan trọng nhằm tránh kéo dài các vụ kiện hành chính, đó là quy định về sự có mặt của kiểm sát viên trong phiên tòa.

Tòa vẫn xét xử kể cả trường hợp xét kháng cáo quá hạn có sự tham gia của kiểm sát viên viện kiểm sát cùng cấp và người kháng cáo quá hạn mà cả hai cùng vắng mặt (Điều 156, khoản 2 Điều 208).

Tuy nhiên tại phiên tòa phúc thẩm, kiểm sát viên viện kiểm sát cùng cấp được phân công phải có nhiệm vụ tham gia phiên tòa. Trong trường hợp viện kiểm sát có kháng nghị mà kiểm sát viên vắng mặt thì hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa (Điều 224)

Quy định về người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự

Và để giảm bớt thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho việc thực hiện tranh tụng cũng như thuận lợi cho các chủ thể tham gia tố tụng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, Luật TTHC 2015 sửa đổi, bổ sung quy định về người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

Cụ thể, Luật TTHC 2015 không bắt buộc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải là người được đương sư nhờ đồng thời có sự chấp nhận của tòa án thì mới được quyền tham gia tố tụng.

Người này vẫn có thể tham gia tố tụng khi có yêu cầu của đương sự và được tòa án làm thủ tục đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự (Điều 61).

HOÀNG ĐIỆP - TUYẾT MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên