Luật thi hành tạm giữ, tạm giam có hiệu lực vào ngày 1-7-2016 được đánh giá là một bước tiến mới, tạo cơ chế bảo vệ quyền lợi của người bị tạm giữ, tạm giam cũng như điều chỉnh mối quan hệ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.
Luật này cũng sẽ khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý tạm giữ, tạm giam để nâng cao hiệu quả công tác này.
Được gặp thân nhân 1 tháng/lần trong khi bị tạm giam
Luật thi hành tạm giữ, tạm giam đã xây dựng một điều (Điều 9) quy định cụ thể về tất cả những quyền cơ bản mà người bị tạm giữ, người bị tạm giam được hưởng, những nghĩa vụ mà họ phải thực hiện trong quá trình bị tạm giữ, tạm giam.
Nội dung quy định tại Điều 9 thể hiện được sự rõ ràng trong việc thi hành tạm giữ tạm giam, nếu có bất kỳ hành vi nào vi phạm những quyền và nghĩa vụ đã được quy định thì người vi phạm sẽ bị xử lý tương ứng với hành vi vi phạm đó.
Theo đó, luật quy định người bị tạm giữ, người bị tạm giam có quyền: được bảo vệ an toàn tính mạng, thân thể, tài sản, tôn trọng danh dự, nhân phẩm; được phổ biến các quyền và nghĩa vụ của mình, nội quy của cơ sở giam giữ; được thực hiện quyền bầu cử theo quy định;
Được bảo đảm chế độ ăn, ở, mặc, đồ dùng sinh hoạt cá nhân, chăm sóc y tế, sinh hoạt tinh thần, gửi, nhận thư, nhận quà, nhận sách, báo, tài liệu. Và đặc biệt, trong điều khoản này quy định rõ về quyền được gặp thân nhân của người bị tạm giam.
Theo luật sư Phan Trung Hoài, trước đây trong giai đoạn điều tra, người bị tạm giữ, tạm giam không được tiếp xúc với người thân của mình, mà thân nhân chỉ được gửi quà vào chứ không được gặp mặt.
“Theo tôi, đây là một bước tiến bộ rất lớn, bởi thực tế nghị định trước đây quy định hạn chế cả thời gian gặp của luật sư đối với người bị tạm giữ, tạm giam. Quy định của luật mới đảm bảo quyền con người, bởi người bị tạm giữ, tạm giam chưa phải là tội phạm, nhu cầu được thăm nuôi, chuyện trò là nhu cầu tối thiểu của con người đã được luật hóa”, luật sư Phan Trung Hoài nói.
Cũng đánh giá mức độ tiến bộ của quy định này, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch - Đoàn luật sư TP.HCM - cho rằng:
“Theo quy định của pháp luật hiện hành, người bị tạm giữ, người bị tạm giam chỉ được gặp thân nhân nếu được cơ quan thụ lý vụ án đồng ý. Quy định này dẫn đến trong nhiều trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam không được gặp thân nhân trong suốt quá trình bị tạm giữ, tạm giam.
Tại Điều 22 đã thay thế quy định này bằng quy định người bị tạm giữ được gặp thân nhân một lần trong thời gian tạm giữ, một lần trong mỗi lần gia hạn tạm giữ. Người bị tạm giam được gặp thân nhân một lần trong một tháng; việc thăm gặp do thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định. Việc gặp người bào chữa được thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự”.
Được gặp người đại diện hợp pháp để giao dịch dân sự
Ngoài quy định được gặp thân nhân, luật này còn quy định về việc người bị tạm giữ tạm giam được gặp đại diện hợp pháp để thực hiện các giao dịch dân sự.
Bình luận về điểm mới này, luật sư Phạm Công Út - Đoàn luật sư TP.HCM - cho rằng: "Người bị tạm giữ, tạm giam chưa có tội, mà khi quyền của họ bị hạn chế thì thiệt thòi rất nhiều đến quyền dân sự. Thực tế Nhà nước đang gánh chịu thiệt thòi này nếu họ bị làm oan”, ông Út nói.
Ông Út lấy ví dụ thực tế đã có nhiều trường hợp chủ doanh nghiệp bị bắt, doanh nghiệp bị phá sản bởi không có người đại diện hợp pháp để thực hiện các giao dịch dân sự, các hợp đồng bị hủy bỏ… nhưng sau đó các cơ quan tố tụng tuyên bố họ không phạm tội và phải xin lỗi, bồi thường.
Và việc bồi thường thiệt hại này đang do Nhà nước bồi thường bằng ngân sách. Đã có vụ Nhà nước phải bồi thường mấy chục tỉ đồng. Đó mới là phần nổi. Việc thực hiện được quyền này của người bị tạm giữ, tạm giam thì khắc phục được lỗ hổng lớn đó.
Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng có tốt không còn tùy vào người thừa hành. Nhưng nếu họ đòi hỏi phải giấy ủy quyền… thì cũng còn gặp nhiều khó khăn, do đó theo luật sư Út, cần phải có những quy định cụ thể dưới luật.
Bảo vệ người bị tạm giữ, tạm giam mang thai
Điều 19 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam quy định cụ thể về các quyền bị hạn chế của người bị tạm giữ, người bị tạm giam.
Theo đó người bị tạm giữ, người bị tạm giam bị hạn chế đi lại, giao dịch, tiếp xúc, thông tin, liên lạc, tuyên truyền tín ngưỡng, tôn giáo. Trường hợp cần thiết thực hiện giao dịch dân sự thì phải thông qua người đại diện hợp pháp và được sự đồng ý của cơ quan đang thụ lý vụ án.
“Việc quy định rõ các quyền bị hạn chế của người bị tạm giữ, tạm giam giúp tạo cơ chế để người bị tạm giữ, tạm giam và những người có liên quan thực hiện các giao dịch dân sự theo đúng quy định và không bị cơ quan chức năng làm khó khi thực hiện quyền của họ”, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch bình luận.
Ngoài ra, Điều 35 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam cũng quy định cụ thể về người bị tạm giữ, tạm giam là phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi. Đây là những quy định mang tính nhân đạo sâu sắc, nhằm bảo đảm sức khỏe của người mẹ và sự phát triển bình thường của thai nhi, trẻ em.
Cụ thể: người bị tạm giữ, người bị tạm giam là phụ nữ có thai được bố trí nơi ở hợp lý, được khám thai, được chăm sóc y tế, được hưởng chế độ ăn uống bảo đảm sức khỏe. Nếu sinh con thì được bảo đảm tiêu chuẩn, định lượng ăn theo chỉ dẫn của y sĩ hoặc bác sĩ, được cấp thực phẩm, đồ dùng, thuốc men cần thiết cho việc chăm sóc trẻ sơ sinh, được bảo đảm thời gian cho con bú trong thời gian nuôi con bằng sữa mẹ.
Người bị tạm giữ, người bị tạm giam là phụ nữ có thai hoặc có con dưới 36 tháng tuổi ở cùng thì được bố trí chỗ nằm tối thiểu là 3m2. Cơ sở giam giữ phải tổ chức việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em dưới 36 tháng tuổi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận