31/12/2024 12:35 GMT+7

Từ 1-1 có được rời hiện trường sau khi gây tai nạn giao thông?

Nghị định 168/2024 quy định người gây tai nạn phải ở lại hiện trường. Trường hợp phải đi cấp cứu hoặc có nguy cơ bị đe dọa sức khỏe, tính mạng thì vị trí sau đó tới phải là cơ sở y tế/cơ quan công an hoặc UBND nơi gần nhất.

Từ 1-1-2025, có được rời khỏi hiện trường sau khi gây tai nạn giao thông? - Ảnh 1.

Hiện trường một vụ tai nạn liên hoàn ở Hà Nội - Ảnh: Đ.H.

Để triển khai thi hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, nghị định số 168/2024, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe, sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1.

Nghị định này sẽ thay thế cho nghị định 100/2019 (sửa đổi, bổ sung tại nghị định 123).

Đáng chú ý nghị định 168/2024 quy định mức phạt 16-18 triệu đồng đối với ô tô và 8-10 triệu đồng đối với xe máy nếu người cầm lái gây tai nạn: "Không dừng ngay phương tiện, không giữ nguyên hiện trường, không trợ giúp người bị nạn, không ở lại hiện trường hoặc không đến trình báo ngay với cơ quan công an, UBND nơi gần nhất".

Cùng nội dung này, trước đây nghị định 100/2019 (sửa đổi, bổ sung tại nghị định 123) chỉ nêu xử phạt đối với hành vi: Gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết nghị định mới đã bổ sung yếu tố "dừng ngay phương tiện", "ở lại hiện trường""không đến trình báo ngay với cơ quan công an, UBND nơi gần nhất".

Giải thích thêm, cơ quan này cho biết sau vụ tai nạn, yếu tố đầu tiên, người gây tai nạn cần dừng ngay xe và ở lại hiện trường.

Về yếu tố "trình báo ngay" theo quy định mới, sau vụ tai nạn, người gây tai nạn cần liên hệ ngay với cơ quan công an hoặc UBND nơi gần nhất, có thể bằng hình thức trực tiếp hoặc gọi điện thoại.

Nếu rời khỏi hiện trường, người gây tai nạn cần đảm bảo những yếu tố sau:

Trường hợp người này bị thương phải đến bệnh viện cấp cứu hoặc phải đưa người khác đến bệnh viện cấp cứu, thì hiện trường vụ tai nạn được coi là vị trí số 1, cơ sở y tế là vị trí số 2. Người gây tai nạn nếu không thể gọi điện, thì sau vị trí số 2 phải có mặt ở vị trí số 3 là cơ quan công an hoặc UBND nơi gần nhất.

Trong trường hợp người gây tai nạn xét thấy bị đe dọa đến tính mạng, sức khỏe, họ được phép rời hiện trường, tuy nhiên vị trí sau đó có mặt phải là cơ quan công an hoặc UBND nơi gần nhất.

"Không còn tình trạng người gây tai nạn bỏ đi về nhà hoặc đi các nơi khác rồi mới tới trình báo cơ quan công an, có thể dẫn tới chậm trễ hoặc làm sai lệch bản chất khi điều tra vụ việc", đại diện Cục Cảnh sát giao thông giải thích thêm.

Từ 1-1-2025, có được rời khỏi hiện trường sau khi gây tai nạn giao thông? - Ảnh 2.Trừ điểm bằng lái từ 1-1-2025, tài xế vi phạm nồng độ cồn bị phạt ra sao?

Theo quy định mới, một số lỗi vi phạm giao thông sẽ bị trừ điểm bằng lái tối thiểu là 2 điểm và tối đa 10 điểm. Với các lỗi vi phạm có tính chất nguy hiểm, tài xế sẽ bị tước bằng lái.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên