10/10/2013 05:20 GMT+7

Truyện tranh - đáng đọc với cả người lớn

P.Vũ
P.Vũ

TT - “Cuối cùng thì cũng đã có cách để kể một câu chuyện lịch sử cho trẻ em rồi”, tôi tin là nhiều người sẽ thở phào khi gấp lại cuốn truyện tranh Thần đồng đất Việt - Hoàng Sa Trường Sa (Phan Thị và NXB Đại Học Sư Phạm), dù mới chỉ có tập 1 - Khẳng định chủ quyền.

Phải đọc truyện tranh mới có tuổi thơ?Truyện tranh "phản giáo gợi dục" - hậu quả khôn lườngTruyện tranh VN: "Sân chơi" còn nhiều khoảng trống...

raHqoH60.jpgPhóng to
Hai trang truyện về việc vua Minh Mạng cử quan sai ra Hoàng Sa vẽ bản đồ - Ảnh: Thanh Đạm

Vẫn những nhân vật Tí, Sửu, Dần, Mẹo, Thìn ngộ nghĩnh quen thuộc, những mẩu đối thoại nghịch ngợm trẻ con, câu chuyện các vua Nguyễn khẳng định chủ quyền, chuyện đội dân binh, thủy quân Hoàng Sa đã được chuyển tải một cách đơn giản mà đầy đủ, nhẹ nhàng mà sâu sắc.

Nhưng không chỉ có thế, xen giữa những trang tranh truyện, còn có những trang sử liệu chắc chắn đã được tác giả dành riêng cho người lớn, còn có những tầng, những lớp ý nghĩa khác nằm bên dưới trò đùa con trẻ. Và vì thế, Thần đồng đất Việt - Hoàng Sa Trường Sa lại càng đáng đọc. Đáng đọc với cả người lớn.

Mạnh dạn vượt lên trên những định kiến, hai trang sách nhỏ của Thần đồng đất Việt đã kể với độc giả nhỏ tuổi của mình câu chuyện lý thú của Gia Long - vị hoàng đế khởi đầu vương triều Nguyễn: “Vua Gia Long đã thống nhất Nam - Bắc, sử dụng quốc hiệu Việt Nam với cương thổ rộng lớn nhất thời đó, kéo dài từ biên giới Trung Quốc tới vịnh Thái Lan, gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ông là người có công lớn trong việc xác lập và khẳng định chủ quyền với các quần đảo thuộc biển Đông”. Bốn trang sách nữa được dành cho vua Minh Mạng với “những hành động, thái độ kiên quyết, độc đáo về chủ quyền biển đảo VN”.

Những nhận xét, sử liệu có vẻ khô khan đã được thể hiện qua các vở kịch của trạng Tí và các bạn, kể lại chuyện vua Gia Long tái lập đội dân binh Hoàng Sa, phối hợp với thủy quân để xác định chủ quyền, vãng thám, đo đạc, vẽ bản đồ, thượng Long Tinh kỳ, bảo trợ ngư dân đánh cá; vua Minh Mạng sai cắm cột mốc chủ quyền, trồng cây trên đảo, tăng thuyền mành để cứu nạn, thu nhặt sản vật... Lồng truyện tranh trong truyện tranh, các nhân vật đã một lần nữa phân vai, diễn hoạt cảnh để những câu chuyện lịch sử được sống dậy. Một gợi ý hữu ích cho các loại hình khác như kịch, phim để lịch sử có thể thấm sâu hơn vào trẻ em - những người lớn tương lai, những người sau này sẽ đích thân giữ gìn đất nước. Thấu hiểu tâm lý các cô bé cậu bé nào cũng có những giấc mơ công chúa, hoàng tử, nhân vật công chúa Phương Thìn trong những tập này đóng một vai trò khá độc đáo. Sử VN đã ghi lại nhiều tên công chúa một lòng vì nước như An Tư, Huyền Trân, Ngọc Hân... thì công chúa nhỏ Phương Thìn nay lại đồng lòng với các bạn của mình để đi kể chuyện lịch sử. Có thể đọc được nhiều gửi gắm của các tác giả (Công ty Phan Thị, hiệu đính: TS sử học Nguyễn Nhã) thông qua nhân vật khá đặc biệt này, và cả những nhân vật người lớn khác nữa ở trong sách.

Hơn một trăm trang truyện tranh đọc không lâu, gấp lại, độc giả sẽ sốt ruột mà kêu lên: “Bao giờ thì có tập 2?”.

P.Vũ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên