05/06/2014 15:36 GMT+7

Khi hồn người mất nơi trú ẩn

VŨ THÁI HÀ
VŨ THÁI HÀ

TTCT - Nếu đời thật không cho người ta đủ cơ hội để giãi bày thì tiểu thuyết đem cơ hội đó đến một cách trọn vẹn, bởi tiểu thuyết là một sắp đặt cho phép người đọc lặn lội vào bao nhiêu cuộc đời khác, lắng nghe những lay động trong tâm can mình khởi phát từ số phận của nhân vật.

n1EzhBv6.jpg
Một cảnh trong phim A single man, chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Christopher Isherwood
yloVyjuy.jpg
Christopher Isherwood

Từ đó, họ cùng nhân vật tiểu thuyết bước vào một cảnh huống đồng bệnh tương lân, bởi chính họ - người đọc - cũng là nhân vật trong quyển tiểu thuyết cuộc đời mình, có khác chăng là chưa có ai chấp bút.

1. Người ta hay đi tìm một nơi trú ẩn trong một tâm hồn khác, như đi tìm một mái nhà. Khi mái nhà ấy mất đi, cô đơn sẽ xâm chiếm và giày vò.

Người cô độc của Christopher Isherwood kể về George (1), một giáo sư trở thành kẻ cô độc kể từ cái chết của Jim - người đã “sống cùng nhau ngày qua ngày, tháng đoạn tháng, năm tiếp năm, trong một khoảng không gian nhỏ hẹp, khuỷu tay chạm khuỷu tay khi đứng nấu nướng trên bếp lò, ép vào nhau trong những bậc thang chật chội, cùng đứng cạo râu trước tấm gương nhỏ trong phòng tắm, không ngừng đụng chạm, huých đẩy vào thân thể nhau vô tình hay hữu ý, với tràn đầy nhục dục [...], ngượng ngùng và nóng vội, trong thịnh nộ lẫn trong ý tình” (tr.17).

Từ sau cái chết ấy, ở chính cái nơi mà ông gọi là nhà, nơi mà ở trong nó ông đã từng thấy mình được bảo vệ và chẳng có chỗ để mà cảm thấy cô độc, thì giờ một nỗi thống khổ tột cùng choán lấp.

Thế nhưng, bởi sống như những kẻ lệch lạc giới tính chịu sự kỳ thị của đám đông, họ đã lẻ loi ngay từ lúc vẫn còn nhau trên đời. Nhưng nỗi cô đơn khi ấy chỉ như một sự cam chịu nhạt nhòa. Mất mát mới đẩy nỗi cô đơn đến cùng cực, dưới sức công phá của nó, tâm hồn con người thậm chí trở nên độc ác: George ao ước được trả thù những kẻ đã mỉa mai, kỳ thị, bởi ông tin rằng “suy cho cùng thì cái chết của Jim cũng chính là vì chúng” (tr.50).

Bài giảng của George trước sinh viên cũng là sự giãi bày cho chính thân phận mình: “Mỗi cộng đồng thiểu số có sự hung hãn riêng của họ [...] bị ngược đãi càng nhiều thì họ càng trở nên cay độc”. Ông thật sự tin rằng người ta sẽ chẳng bao giờ cay độc khi được sống trong yêu thương (tr.93).

Nhưng nỗi cô đơn thì không chịu buông tha! Khi cô đơn, người ta sẽ thấy đám đông chẳng có một chút chia sẻ hay cảm thông nào, và George đã thấy mình lạc lõng như một lão già bán hàng rong ngớ ngẩn giữa đời.

Chút vang bóng của quá vãng có khi nào giúp người ta nguôi ngoai nỗi cô đơn! “Giờ đây mọi thứ đã vỡ nát” và “một phần nữa của Jim tuột mất khỏi ông mãi mãi” (tr.133). Mọi thứ cứ trôi đi mất hút nhưng George thì có khi vẫn thấy “năng lượng sinh mệnh đang sôi sục chảy trong ông” với niềm hân hoan và nỗi thèm khát, máu tươi nóng hổi vẫn chảy qua từng thớ thịt trong “một thân thể trọn vẹn, dù là tàn tạ” (tr.135).

Vậy ra, dù cho ở trong cùng cực cô đơn đi nữa, người ta vẫn có quyền được thấy mình còn sống!

Trên những trang sách, người đọc chỉ đi cùng George trong một ngày duy nhất. Ngày hôm ấy của George đã bắt đầu bằng sự tỉnh giấc và tự nhắc mình rằng hiện tại không chỉ là hiện tại, mà hiện tại còn là một gợi nhớ đau thương. Ngày hôm ấy cũng tiếp nối bằng những lục lọi cô đơn, những kiếm tìm ngơ ngác và những hẹn hò hụt hẫng.

Nhưng rồi giờ huy hoàng nhất cuối ngày của George cũng đến, trong một tình cờ thật khó tưởng tượng, để cho khát khao trỗi dậy. Đêm hôm ấy, George đã từ chối sự khô cằn để được vẫy vùng một lần nữa, để lại thấy mình trẻ trung, cường tráng.

Và khi đêm tàn thì cái thân xác cồng kềnh của ông trở thành “cùng một loài với đống rác trong thùng ngoài hiên sau nhà” (tr.231), lìa bỏ một đời đã mất sạch ý nghĩa sống.

RHVzyK7T.jpg
Hermann Hesse
2. Nếu như George của Isherwood cô đơn và đau khổ bởi mất đi nửa kia của mình thì Harry Haller (2) - Sói thảo nguyên - của Hermann Hesse lại là một kẻ khổ đau và cô đơn kiểu khác. Đau khổ của Harry khởi nguồn từ nỗi chán chường đối với những ngày ngoan ngoãn dễ chịu, đối với cái cảnh mà tất cả chỉ thoảng qua như lời thì thào, như bước chân rón rén.

Đó là nỗi chán chường với cuộc sống trưởng giả trong một thứ nhiệt độ được điều hòa rất dễ chịu.

Sói Thảo Nguyên là kẻ nhận rằng mình sống tha hương và cô độc, là “kẻ thù của cái thế giới tiểu tư sản” nhưng vẫn đang “sống trong những ngôi nhà của tầng lớp trưởng giả chính cống”, nơi mà “người ta sẽ giật mình nếu để cửa sập quá mạnh hay đi giày bẩn vào nhà” (tr.51).

“Triền miên đau khổ vô cùng tận”, Harry đã tạo ra trong bản thân mình “một khả năng thần sầu, khủng khiếp, vô bờ bến để chịu đựng khổ đau” (tr.25). Khổ đau đã vận vào con người ấy đến mức trở thành niềm kiêu hãnh và chỉ dấu của đẳng cấp, vậy mà - lẩn khuất trong những nhìn nhận nhuốm màu bi kịch về cuộc sống - Harry vẫn mong mỏi tìm được một ý nghĩa mới cho kiếp nhân sinh đã trở nên vô nghĩa, chán chường.

Cảm giác lạc lõng, xa lạ với đám đông là cảm giác dễ gặp ở những kẻ như Harry, những con người giàu thể lực, trí lực nhất, tài ba nhất, bởi họ là những kẻ có khả năng tiên cảm, sống trước thời đại của mình. Nếu những gì đang diễn ra xung quanh là đúng, thì họ sai: bởi họ chính là những con sói thảo nguyên lạc loài trong một thế giới xa lạ và khó hiểu.

Là sói hay là người, hay đúng hơn là lựa chọn giữa con người cô đơn, độc lập và hoang dã với con người chịu ràng buộc và chấp nhận xã hội là vấn đề nghìn thuở của mọi cá thể. Chẳng bao giờ có câu trả lời rốt ráo cho một vấn đề như thế, bởi hai con người ấy, hai nhân cách ấy cùng trú ngụ ở một nơi chốn và không thể chia lìa.

Lựa chọn nào cũng phải trả giá, giống như những kẻ tham quyền sẽ tàn đời vì quyền lực hay những kẻ ham lạc thú sẽ chết vì dục lạc. Sói Thảo Nguyên biết đâu cũng tàn đời vì sự độc lập và xa lạ của mình khi mà thế gian để hắn yên thân một cách đáng sợ và hắn chẳng còn một chút liên quan nào nữa với con người, để rồi một mai sẽ “chết ngộp từ từ trong bầu không khí cứ mãi loãng dần của sự xa cách và cô độc”.

Độc lập và xa cách với cuộc đời trưởng giả có còn là một mục đích, có còn là một lựa chọn nữa không, hay đã là số phận, đã là một bản án mà kiếp người như Harry phải nhận lấy!

Thật ra thì một Harry và một Sói Thảo Nguyên vẫn là chưa đủ, bởi chừng như có đến hàng nghìn những nhân cách tí hon đang ngày đêm quây quần trong một thân xác. Chỉ trên bàn cờ thế - cuộc - nhân - cách ở trong một Hí viện ma thuật diệu ảo thì cái cảnh mà những nhân cách ấy gặp gỡ nhau, kết bè lập đảng với nhau và sinh sôi nảy nở cùng nhau mới được quan sát một cách thấu đáo. Trên bàn cờ ấy, mỗi khi những quân cờ bị xóa đi sắp lại thì chúng vẫn cứ vận động giống như lần trước, chẳng thay đổi chút nào.

Chính trong sự ý thức về nỗi đau khổ của mình, Sói Thảo Nguyên nảy ra ý định khiến chính bản thân hắn cảm thấy thích thú: “Vào sinh nhật thứ năm mươi sẽ cho phép mình tự sát”. Cái chết chủ động sẽ cho người ta cơ hội thực thi được điều mà chẳng bao giờ làm được trong suốt phần đời đã qua là: làm chủ số phận. Sau cái chết, mọi đau khổ sẽ chẳng còn chỗ nào để mà bám víu nữa; còn trước nó, nếu người ta đã chọn cho mình một ngày để ra đi thì tức là cũng có thể chọn mọi thứ, kể cả khổ đau!

96o6hgdg.jpg
Albert Camus
3. Về cái chết chủ động, Albert Camus đã phát biểu: “Chỉ có một vấn đề triết học thực sự nghiêm túc, đó là sự tự sát. Đánh giá xem cuộc sống đáng sống hay không đáng sống cũng chính là trả lời cho câu hỏi có tính nền tảng của triết học” (3) (tr.15). Theo ông, tất cả các câu hỏi khác đều xếp sau.

Chúng ta - và các nhân vật tiểu thuyết - đang đi tìm cho cuộc sống một ý nghĩ hay đang từng ngày nhận ra rằng cuộc sống là không đáng sống, đấy là đặt vấn đề theo cách của Camus.

George đã không tự sát theo cái nghĩa cố làm chủ hành động của mình ở sát na cuối cùng, nhưng cái chết ấy thật sự đã được “chuẩn bị thầm lặng giữa cõi lòng, như quá trình tạo tác một tác phẩm nghệ thuật vĩ đại”. Sói Thảo Nguyên may mắn hơn khi được đồng loại sẻ chia và rồi can dự vào mọi màn vui nhộn của kiếp sống trưởng giả mà hắn vốn chán chường.

Cuối cùng thì chính những trò chơi quái ác, những trải nghiệm phi thường bên trong Hí viện ma thuật đã lôi hắn ra khỏi những ám ảnh của sự hoang dã và lạc loài, cho hắn lại niềm tin rằng sẽ có lần sẽ chơi ván cờ nhân cách tốt hơn và sẽ học được cách cười, cách quay trở về với cuộc đời đang chịu bủa vây của muôn trùng những thứ tầm thường.

Hãy lại lắng nghe Camus: “Tự nguyện chết hàm ý rằng ta đã nhận ra tính lố bịch của nếp sống theo thói quen [...], hay sự thiếu vắng của một động lực đủ sâu sắc để tiếp tục tồn tại, tính chất điên rồ của những lo toan hằng ngày, và sự vô nghĩa của việc chịu đựng” (tr.19).

Chắc hẳn có những lúc chúng ta đã nhận ra như thế, đấy cũng là những lúc chúng ta dồn mình vào chân tường bằng thật nhiều câu hỏi về ý nghĩa sự tồn tại của chính mình, như cách mà một người bình thường vẫn thường tự vấn về kiếp sống. Chừng như Camus đã có lý khi cho rằng “tất cả những người lành mạnh đều từng nghĩ đến tự sát” (tr.19).

(1): Nhân vật trong Người cô độc của Christopher Isherwood, Youth Books và NXB Hội Nhà Văn, năm 2012.

(2): Nhân vật trong Sói thảo nguyên của Hermann Hesse, Lê Chu Cầu dịch, Nhã Nam và NXB Văn Học, 2013.

(3): Thần thoại Sisyphus, Albert Camus, Trương Thị Hoàng Yến - Phong Sa dịch, NXB Trẻ, tháng 3-2014.

VŨ THÁI HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên