![]() |
Anh hùng lao động Hồ Giáo (trái) và truyền nhân của mình - Hồ Ngọc Tâm -Ảnh: D.Quất |
Đó là Hồ Ngọc Tâm, năm nay 33 tuổi, giờ là học trò của anh hùng lao động Hồ Giáo ở Quảng Ngãi nổi tiếng với nghề chăn trâu. “Thanh niên bây giờ ai cũng chọn cho mình một nghề ngon lành, vậy mà thằng ni lại chọn nghề chăn trâu” - ông Hồ Giáo nói về Tâm như thế.
Hồ Giáo có truyền nhân
Ở trại trâu xã Hành Thuận (huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) mới 9 giờ sáng mà nắng như đổ lửa. Phía xa một ông già trong bộ đồ công nhân xanh da trời, đã rỗ màu loang lổ đang loay hoay cắt cỏ voi. Đã qua cái tuổi bát tuần nhưng trông ông còn khỏe lắm. “Giờ mỗi ngày tui cắt 50kg cỏ thôi, đã có thằng Tâm nhận làm hết” - ông Hồ Giáo vui vẻ giới thiệu.
Tâm cũng vừa cắt cỏ về. Quăng bó cỏ cho đàn trâu, anh kể về công việc của mình: “Mỗi ngày tui cắt 70kg cỏ rồi tắm trâu, vệ sinh chuồng trại, cho trâu ăn cùng với bác Hai. Lúc mới làm tui khá vất vả với công việc, hôm nào cũng đến trưa hay tối mới xong. Nhờ bác Hai “lập trình” cho cách sắp xếp công việc nên giờ cũng thành thục”. Chăm sóc trâu mura (một giống trâu Ấn Độ) không đơn giản như trâu nhà, quan trọng nhất là khâu vệ sinh chuồng trại. Đó là những con trâu do cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng trao tặng cho tỉnh Quảng Ngãi, được giao cho anh hùng lao động Hồ Giáo chăm sóc, nhân giống.
Một người chăm chỉ, có tâm
“Tâm là người rất tỉ mỉ, luôn hoàn thành tốt công việc, tổng kết năm bao giờ cũng là người có số công lao động cao nhất trung tâm. Tâm có những đức tính rất giống với ông Hồ Giáo. Đặc biệt là sự thân thiện với đàn trâu” - ông Cao Hối, PGĐ Trung tâm giống cây trồng vật nuôi tỉnh Quảng Ngãi, nhận xét. |
Chăn trâu thú lắm chứ!
Tốt nghiệp ngành thú y Trường cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Quảng Nam, Tâm không xin việc ở cơ quan xí nghiệp nào mà chọn cho mình một lối đi riêng: “Khi đi học mình đã xác định là học để có kiến thức sau này về làm giúp bác Hai nuôi trâu”, Tâm nói. Tâm bảo nghề nuôi trâu của ông Hồ Giáo đã hấp dẫn mình.
Năm năm kể từ ngày vào làm việc ở trại trâu Khu Dồn, Hành Thuận, sống và làm việc với những chú trâu, Tâm nhận ra một điều trong cuộc sống - có công việc nào mà không vất vả, điều quan trọng là tìm thấy được niềm vui trong cái vất vả đó: “Giờ một ngày không đến trại là nhớ đàn trâu lắm. Ai đã chăn trâu mới thấy chăn trâu thú vị lắm!”.
Có nghiệp vụ kỹ thuật thú y, Tâm kiêm luôn việc điều trị cho đàn trâu. “Hồi đó con trâu Tây Trà (tên một con trâu-NV) bị viêm khớp dẫn đến bại không đi được, tui nhận nhiệm vụ chăm sóc. Nhưng qua đến ngày thứ tư mà trâu vẫn không bớt bệnh, lo lắm, sợ mình cứu không được. Thường thì bệnh này chỉ cần chữa trị 3-4 ngày là khỏi, nếu không phải xẻ thịt. Không thể bỏ cuộc, thôi còn nước còn tát. Đến ngày thứ sáu con trâu đứng dậy và đi được. Mừng hết lớn!” - Tâm nhớ lại.
Nhà Tâm cách xa trại trâu, đi về gần 40km. Đồng lương của một nhân viên trại trâu rất... khó nói, không đủ chi tiêu gia đình, đôi lúc làm anh nản chí, nhất là những ngày mưa bão đi về khó khăn. Nhưng nhờ có người vợ đảm đang luôn động viên chồng tiếp tục công việc nên anh có dịp tận tâm hơn với nghề. “Nhiều lúc gặp bạn bè hỏi làm gì, tui chẳng biết trả lời sao. Nhưng nghĩ đến bác Hai, nghề nào cũng là nghề, miễn mình làm chân chính thì người ta nể trọng. Vả lại được thay bác Hai chăm sóc những con trâu mà cụ Đồng gửi nuôi là một vinh dự lớn còn gì bằng”.
Đàn trâu trong chuồng đang có năm con. “Ngày tui vào làm việc ở đây chỉ có hai con trâu. Bác Hai bảo cứ có trâu con sinh ra và nuôi lớn là phải chuyển về các địa phương khác để nhân giống ra cho bà con nông dân. Đó là tâm nguyện của cụ Đồng khi gửi trâu”.
Tâm bày tỏ: “Mình muốn sau này kế nghiệp bác Hai, gắn bó lâu dài với trại trâu và nhân rộng, đưa đàn trâu đi lên thành một trang trại trâu mura lớn, cung cấp cho nông dân cả nước”. Triết lý sống của Tâm chính là những gì anh học được từ người bác, người thầy, người hai lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động, truyền thụ cho: “Tiền bạc quan trọng nhưng chỉ là trước mắt. Còn biết yêu nghề thì nghề sẽ không bao giờ phụ mình”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận