15/11/2015 09:16 GMT+7

Truyện ngắn 1.200: Xổm

TRẦN BĂNG KHUÊ
TRẦN BĂNG KHUÊ

TT - 1. Chẳng còn ai nhớ tới tên của gã. Nó, cái tên, chỉ là một ký mã người ta gọi nhau, hay dùng để chửi thề.

Minh họa: Kim Duẩn
Minh họa: Kim Duẩn

Gã chẳng còn giao tiếp với ai ngoài manh chiếu rách lề đường, thỉnh thoảng một vài kẻ lượn qua lượn lại trước mặt. Hẳn cái tên chỉ trở nên vướng víu. Chúng quan trọng gì, nếu cuộc đời gã chỉ là những chuỗi vô vọng kéo dài?

Đôi vợ chồng già, mí mắt nhăn nheo sưng mọng mỗi ngày. Vỉa hè ủ rũ, nơi gã thường xuyên ngồi xổm trên manh chiếu rách. Nhiều khi chạy ngang thấy lòng mình ngơ ngẩn, buồn. Những người già sức cũng chóng mòn như nước chảy trên đá. Mấy bận, tôi nghĩ đến cái bệnh viện khá lớn, có những hàng cây thưa lá.

Mùa thu, những ngọn cây trút lá, như người già trút cạn sinh lực cho thời gian. Bệnh viện tôi đang làm nằm trên một tuyến phố hẹp. Ngay ngưỡng cua của ngã ba. Giáp với con đường chính chạy thẳng ra trung tâm nhà văn hóa lớn. Những khoảng trống ở đó lúc nào cũng rộng miên man.

2. Nhiều lần tôi bắt gặp gã trèo lên bờ tường. Hai ông bà già chạy theo, í ới gọi. Nước mắt héo quắt, đọng lại trên những vết chân chim. Hôm qua, trong một ngày nắng to chà bá, hắn lại leo qua rào. Sau đó, quay về ngồi chồm hổm xuống vỉa hè, bịt tai, rung đùi.

Có thể gã không nhận biết được những gì đang tồn tại bằng hình ảnh và âm thanh ở thành phố này. Hắn đã thuộc về cái ngưỡng khác, thế giới khác. Lặng lẽ. Trầm uất.

Những sinh hoạt trong hẻm vẫn diễn ra bình thường. Chẳng ai rảnh rang để nghĩ về người điên. Có thể họ vô cảm, hoặc chỉ là hơi quen mắt. Những hình ảnh lặp lại nhiều lần, với tần suất ngày càng lớn, khiến họ trở nên quen mắt.

Rồi người ta thấy căn nhà xây cấp bốn cũ kỹ treo bảng bán. Hai thân già chiều chiều vẫn ngóng mắt về phía vỉa hè canh chừng. Đứa con trai duy nhất. Mấy lần đi ngang, thi thoảng để ý có thể nghe và thấy môi gã mấp máy những lời lẩn thẩn: “Tao về với mẹ của tao”.

Sau đó gã vỗ tay, cười, khóc. Hoặc chìm vào cõi lặng ngây ngô. Vài hôm vỉa hè trống trơ. Gã lại trèo lên bờ tường. Trên người mặc độc chiếc quần đùi, vỗ tay và cười. Phía trên đầu gã, những chùm dây điện chằng chịt. Đám quạ đen chiều chiều bủa vây, cất giọng xám xịt, chua lét. Tôi lại nghĩ đến nơi tôi đang làm.

Cái bệnh viện tâm thần. Tôi định sẽ nói điều gì đó với hai ông bà già, rồi lại thôi. Chưa hẳn vào bệnh viện tâm thần, gã sẽ được chữa lành những cơn điên. Chưa hẳn ở hiền mà gặp lành. Vài người kể: Gã học hành đàng hoàng, tốt nghiệp trường bách khoa hẳn hoi. Sau đó lấy vợ được một năm thì phát bệnh.

Vợ gã sợ người điên, bỏ đi biền biệt. Ngày rời khỏi nhà gã, bụng ả đã lùm lùm. Thời gian đầu gã thường nhào ra đường, vừa đi vừa hét to: “Tao đi tìm mẹ”. Giờ chỉ ngồi xổm một góc vỉa hè. Rung đùi. Bịt tai. Nhắm mắt. Đối diện chỗ ngồi của gã là nơi chuyên dịch vụ mai táng, xe đòn.

3. Mấy hôm sau.

Vỉa hè, nơi gã ngồi xổm, nơi hai ông bà già tựa ngõ trông con, dựng lên một cái rạp. Manh chiếu rách đã được hỏa táng, chỉ còn nhúm tro xám. Người qua kẻ lại, túm tụm thì thào: “Nó trèo lên bờ tường, đêm qua...”, rồi ngưng bặt. Ai đó nhấm nhẳng, phớt lờ: “Điên”. À, những kẻ điên, trong đó có gã.

Cái nhà đòn đối diện thầu luôn đám ma gã. Họ không lấy tiền dịch vụ, chỉ giúp dựng rạp. Rải rác dăm ba người đến chia buồn và thắp nhang. Hai ông bà già rúm ró gầy hom hem, rũ phục bên quan tài. Chẳng có ai tiếp lễ. Khói xám nối đuôi nhau bay lên trần nhà, đọng vệt. Con hẻm nhỏ hiu hắt.

Người sống thường không thể quên được kẻ đã chết. Họ nhắc chuyện gã đi tìm mẹ, mỗi lần trèo lên bờ tường. Gã vừa gọi mẹ, vừa vỗ hai lòng bàn tay vào nhau. Tiếng vỗ tay vang vọng như những chiếc loa phường réo rắt bản dân ca trưa.

Vài bận đi làm buổi sáng. Bước chân ra khỏi ngõ, tôi chỉ thấy một không khí ảm đạm phía trên đầu. Những hàng cây xám xịt và thưa lá, trơ cành. Thứ bảy. Ngồi ở quán cà phê gần con hẻm đó, tôi thấy một người đàn bà tóc tai cắt ngắn gọn gàng nhưng quần áo xộc xệch. Bà ta vừa đi vừa hát, vừa vỗ tay theo từng nhịp ngắt.

Quán cà phê được trang trí bằng mấy bức tranh hình nhân kỳ dị nổi lên trên nền giấy màu đen. Tất cả mặt người đều không có mắt mũi miệng. Trống rỗng. Tôi ngước mắt ra đường, vẫn thấy bà ấy vừa đi vừa hát, vừa vỗ tay ngắt nhịp. Thi thoảng tôi nghe đệm vài lời thì thầm rất lạ. Bản nhạc đều đều đưa ru từng câu chữ: “Mẹ vỗ tay reo mừng xác con”.

Bất chợt, một thứ cảm giác gai gai lành lạnh chạy dọc sống lưng. Tôi nhìn về phía ngã ba. Người đàn bà tóc ngắn vẫn vừa đi vừa hát, vừa vỗ tay theo nhịp đếm. Ông chủ quán trầm ngâm, vấn điếu thuốc rồi ngồi im lặng thả khói một góc.

Tôi nghĩ về gã, một kẻ điên ngồi xổm trên vỉa hè. Lẽ nào, gã, người đàn ông ngồi xổm và người đàn bà tóc ngắn có một sợi dây kết nối nỗi đau từ trong tiền kiếp?

Những bận đi làm về xế trưa, quá ngọ, tôi thường nghe gió đuổi sau lưng, nghe tiếng vỗ tay đều đặn theo nhịp đếm. Âm thanh nhiều khi không phải để reo mừng, hoan hỉ. Nụ cười của gã như một dư ảnh đọng lại dưới cái nắng chiều vàng vọt, nặng nhọc.

Thi thoảng tôi lại thấy vóc dáng tư thế ngồi xổm, bịt tai, nhắm mắt của ai đó bên vỉa hè, như một sự vượt thoát. Gã chỉ là một người đàn ông ngồi xổm bên vỉa hè. Gã chưa bao giờ có tên. Mọi sự vượt thoát đều lặng im. Bên vỉa hè.

TRẦN BĂNG KHUÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên