11/02/2018 21:59 GMT+7

Lì xì

PHÁT DƯƠNG
PHÁT DƯƠNG

TTO - Tết sát bên hông mà nhà buồn hiu. Mới chỉ có mớ kiệu vụn má lặt sẵn phơi trắng nõn chờ ngày vô keo nằm ủ giấm đường.

Lì xì - Ảnh 1.

Minh họa: TRẦN NỌC SINH

Ba đâm quạu. Má coi bộ không lo, bình thản ngồi xếp lại quần áo cũ cho gọn nhà trong tiếng cằn nhằn của ba.

Bạn má qua chơi, khoe đi giặt đồ mướn được người ta lì xì năm trăm ngàn đồng. Đâu phải nhiêu thôi, người ta còn cho trái cây cúng về ăn nữa. Bom, lê, quýt đường nè. Có nho Mỹ nữa. Toàn đồ ngon. Má nghe chỉ tủm tỉm cười.

Bà lão chung nhà trọ tạt vô, cười hơ hớ hỏi ăn tết lớn không, chủ chắc lì xì nhiều dữ he, chỗ tao giới thiệu mà. Bà còn thòng thêm câu chắc nịch: con nhỏ làm chỗ đó năm ngoái được lì xì tới bảy tám trăm lận.

Má nghe mà lòng như cây mai tước lá trễ đã kịp ra nụ. Người nhẹ hẫng dù buổi sáng tay chân còn rã rời. Bao lì xì đỏ chói chủ đưa hồi trưa đang nằm yên trên đầu tủ chờ được mở. Nay 29 tháng chạp rồi.

Có ai hay mấy tuần trước ngày nào má cũng trằn trọc, nằm vắt tay lên che hai con mắt rưng rưng cho thằng con Út hay thức khuya đừng biết má buồn. Không buồn sao được khi nhà nhà rộn ràng đón xuân mà nhà mình trống không, chỉ có gió bấc thỏa thích ùa vào lạnh ngắt.

Nhìn cái bao lì xì dày cộm, má thấy hai bàn tay có những vết trầy của mình không là gì hết. Cực khổ cũng đáng. Phải vậy rồi. Người ta việc nhẹ, đi trễ về sớm còn được chủ đối đãi đàng hoàng. Má đi sớm mà toàn về trễ, việc cực phải được lì xì nhiều hơn chớ.

Bữa làm việc nhà xong, chủ kêu ở lại cột bì vô thính để chủ đem đi bán lẻ cho mấy người bán cơm bì, má đã tính cự. Hồi đầu đâu có giao kèo vầy. Mà chủ hứa tết lì xì thêm, má nhớ cái áo rách của thằng con nên gật đầu.

Thấy má cột nhanh, chủ đổ thêm bì. Thêm một chút từ từ thành một đống, má cột đâu có kịp. Ba thất nghiệp chạy qua cột phụ, má mới được về sớm. Sớm, tức là trễ hơn giờ giao kèo lúc trước một tiếng.

Nhiều lúc dây thun cứa xước tay, má cũng cắn răng làm. Má nghĩ mình chịu cực nhiều rồi, nhiêu đây thấm thía gì. Tới lúc giặt đồ, những ngón tay của má gặp nước xà bông nhói lên buốt răng má mới buột miệng than. 

Thằng Hai nghe, kêu để mua cho má đôi bao tay giặt đồ. Má đâu có chịu. Má kêu đeo bao tay khó cầm nắm, giặt lại không sạch. Mà má có việc cũng nhờ làm ăn sạch sẽ đàng hoàng.

Thằng Út nhìn bàn tay sưng phồng của má, kêu để mua kem dưỡng tay về cho má xức. Má nạt ngang, biểu tiền để học, mua tào lao uổng.

Thằng Hai kêu hay là kiếm việc khác làm má ơi. Tiền ít chút nhưng đỡ cực. Má lắc đầu. Giờ mới kiếm việc mới thì tết người ta đâu có lì xì. Chỗ này làm cũng lâu, ráng qua tết mới nghỉ được. Bà lão giới thiệu cho má đi làm nói ráng chịu cực, chủ lì xì bộn lắm.

Ba chửi má ngu, bị người ta đày mà cứ cắm đầu làm. Chắc ba chưa hay nhà năm nay nồi thịt kho ăn tết còn chưa chắc có. Mà ba nói thì nói vậy, chứ lúc qua phụ má cột bì cho chủ cũng dạ dạ vâng vâng với người ta, chứ đâu lớn tiếng như ở nhà.

Càng cận tết việc càng nhiều. Nhà chủ bên thì muốn má lo việc bếp núc giặt giũ quét dọn trước, bên thì đòi má lo cột bì cho nhanh. Chắc nghĩ ngày hai mươi bốn tiếng có tính nhức óc cũng không ra thêm tiếng thứ hai lăm, nhà chủ tự bàn với nhau sáng má làm chuyện nhà, chiều cột bì. Ba vẫn qua phụ.

Quen tay nên ba má cột nhanh gấp mấy lần chủ. Chủ đi ngang, mắt ánh nét vui mà vẫn buông được câu hờn mát: Cột cỡ đó cũng còn chậm hơn tui à. Họ muốn nhanh nữa, nhanh nữa. Bì đang bán được lắm. Đợt đó chủ mua nhầm dây thun cứng quá. Tay má lúc nào cũng đỏ vì những căng kéo chì miết.

Má như cây lúa hạn bà chằn cố ngóc đầu chờ mưa. Má hứa chắc ăn qua tết sắm cho thằng Út cái áo trắng liền, sắm cho thằng Hai cái áo xanh mặc đi làm cho coi được với người ta, cho ba cái áo đỏ, ba kêu năm nay hợp màu đỏ kỵ đen, xanh, vàng... nên mấy cái áo màu đó dù mới cũng xếp bỏ vô tủ chờ khi nào hết kỵ.

Nghĩ tới đó, làm kiểu gì má cũng không thấy mệt. Má nhớ lúc chủ đưa cái phong bao đỏ kêu lì xì cho chị lấy hên, má mừng thiếu điều muốn vái chủ như vái Thần tài.

Má nhìn lên đầu tủ chỗ để cái bao, đầu đã tưởng tượng về những cái áo định mua. Má đi chợ ngó kỹ chỗ bán rồi.

Má nén hồi hộp mở bao. Những ngón tay giần giật. Nước mắt má rớt những giọt lớn. Một xấp tờ hai ngàn đồng lòi ra như cười cợt người mơ mộng.

Nghĩ tới thùng gạo cạn đáy, má hớt hải chạy đi xin thêm tiền ba làm phụ. Chủ ngoe nguẩy bước vô nhà, đóng sập cửa bỏ má ở ngoài sân. Má kịp nghe câu ủa đâu có mượn qua làm tiếp mà phải trả thêm, tới đó thì tai đã ù rồi. Bao lì xì trong tay má bị bóp chặt nhăn nhúm...

PHÁT DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên