06/04/2014 08:26 GMT+7

Truyền hình thực tế phải chế biến tử tế

khanhngoc-audio
khanhngoc-audio

TT - Nhiều chuyên gia, bạn đọc lo mục tiêu định hướng văn hóa, nâng cao dân trí của ngành truyền hình bị phai nhạt.

Không chỉ mong truyền hình thực tế được “nấu nướng” tử tế, bớt đi những trò câu khách nhuốm màu “tiền”, các chuyên gia và bạn đọc bày tỏ ý kiến sau loạt bài “Truyền hình thực tế: khủng hoảng thừa” (Tuổi Trẻ từ ngày 3-4) còn lo mục tiêu định hướng văn hóa, nâng cao dân trí của ngành truyền hình bị phai nhạt.

CsXg3gxJ.jpg
Khán giả biết được bao nhiêu phần trăm sự thật của cuộc chơi THTT? - Ảnh: Gia Tiến

Làm ơn đừng để thành “thảm họa truyền hình”

1L4XVvJG.jpg
PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái

Từ năm 2007 đến nay đã có khoảng 50 chương trình truyền hình thực tế (THTT) được mua bản quyền từ nước ngoài về phục vụ công chúng nghe - nhìn Việt.

Trải qua bảy năm phát sóng ở VN, THTT càng ngày càng “mất điểm” trước công chúng Việt, bị công chúng Việt nghi ngại, phiền lòng, quay lưng, chối bỏ... vì đổ vỡ lòng tin vào “tính thực tế” vốn là cốt lõi văn hóa của THTT.

Thay vì thực tế truyền hình phải được “Việt hóa” tử tế cho phù hợp với văn hóa thưởng thức đặc thù của công chúng Việt, thì cả nhà sản xuất lẫn nhà đài đã dọn cho công chúng Việt một món ăn hầu như còn nguyên mùi vị thức ăn Tây sống sượng, lẫn lộn rất nhiều hạt sạn về thẩm mỹ.

Trên sóng của Đài truyền hình quốc gia, các chiêu trò ngày càng thô lậu, thậm chí có thể gọi đó là những trò lừa đảo, đến mức xúc phạm người xem. Tính vụ lợi càng lúc càng lấn át tính thực tế, vốn là vẻ đẹp rất hấp dẫn của bản thân cách định dạng (format) của nhiều chương trình THTT đã thành công ở nước ngoài.

Theo bình luận của loạt bài trên báo Tuổi Trẻ (từ ngày 3-4) đặt vấn đề về sự khủng hoảng thừa của THTT, có thể kết luận rằng hiện nay chính cuộc khủng hoảng thừa này đang thao túng toàn bộ showbiz Việt.

Nên đã đến lúc, có khi phải “khẩn nài” chăng, các nhà sản xuất và nhà đài phát sóng chương trình THTT ở VN rằng: hãy làm ơn nấu nướng tử tế món THTT mua từ nước ngoài về, như xử lý một chất liệu tươi sống, làm ơn chế biến theo cách “Việt hóa” của đầu bếp Việt, ngay khi hãy còn kịp, khi hãy còn chưa quá trễ để giới truyền thông và dư luận người xem truyền hình cả nước buộc phải gọi tên THTT ở VN đúng thật là “một thảm họa truyền hình”. Xin hãy làm ơn, được không?

PGS.TS NGUYỄN THỊ MINH THÁI

Truyền hình... đâu chỉ có tiền

THTT thế giới đi có lộ trình, từ những trò có cấp độ đơn giản sang phức tạp nên cả người chơi lẫn khán giả đều được “nâng cấp”.

VN có vẻ khác, ai nhập được cái gì giá rẻ, sản xuất được giá rẻ thì đưa trò đó lên nên mới lắm dư luận trái chiều và hay dở trồi sụt.

Mà chuyện này thuộc về các kênh truyền hình. Họ thụ động, nằm chờ các công ty đem trò đến rồi cho sóng, chứ không chủ động hoặc đặt hàng hoặc nói không nếu thấy không phù hợp. Khả năng nhìn xa trông rộng của đơn vị quản lý sóng là ở chỗ này.

Có thể thắng về mặt kinh doanh tạm thời, nhưng truyền hình, nếu nói một cách lý tưởng, đâu chỉ có tiền. Ngay cả những kênh thuần giải trí mà thành công trên thế giới, họ đều làm sang một cách rất tinh tế.

Kênh nào cũng có những chương trình tử tế, ăn khách nhưng sâu và chất lượng để đối lại với “rác” mà họ thải ra. Không ai muốn làm ăn lâu dài mà chỉ bày ra toàn món ăn nhanh. Ai cũng phải có hàng độc để làm chính trị, xã hội, và lấy nốt thị phần khán giả cao cấp.

LINH SAN (nhà báo)

Có những điểm sáng mới mẻ

Không thể phủ nhận chỉ vài năm tồn tại và phát triển, các chương trình THTT âm nhạc đã làm được không ít những điểm sáng. Dễ nhận thấy nhất, với một dân tộc “người người yêu ca hát” như người Việt, những dạng chương trình mới mẻ, hào hứng như thế này đã thật sự khuấy động đời sống tinh thần của họ, khiến cuộc sống họ rộn ràng hơn, vui vẻ hơn. Cái không khí âm nhạc sôi nổi của những chương trình THTT âm nhạc cũng thoát hẳn khỏi phong cách âm nhạc một chiều - nghĩa là các nhà đài chọn lọc và giới thiệu, khán giả thụ động thưởng thức - vốn đã dần trở nên cũ đi trong môi trường sống hiện đại đòi hỏi tương tác đa chiều. Hơn nữa, mỗi chương trình đều mang một phong cách riêng, tiêu chí và các đòi hỏi về khả năng âm nhạc ở các đối tượng tham gia cũng khác biệt, tạo sự đa dạng phong phú cho môi trường sinh hoạt ca hát và thi thố chung. Và thêm một điều không thể bỏ qua: hiệu ứng từ những chương trình THTT âm nhạc đối với đời sống âm nhạc trong thực tế cũng rõ ràng, với nhiều cái tên đi ra sau mỗi mùa THTT âm nhạc sau đó cũng trở thành những tên tuổi “đảm bảo phòng vé ca nhạc” không thua kém gì các giọng hát hàng đầu trải qua nhiều năm phấn đấu và khổ luyện. Bên cạnh những điều “được” vừa nêu, THTT âm nhạc cũng đang cho thấy những tồn tại.

Trước hết, những chương trình “thuần túy giải trí” áp đảo hẳn so với nhóm chương trình “mang định hướng giáo dục” hay chuyển tải các ý nghĩa xã hội - nhân văn, để rồi sau mỗi chương trình khép lại, khán giả chỉ nhớ là “đã được cười một trận thỏa thuê”, “đã hứng thú theo dõi” chứ không hề học được thêm một nét gì hay, đẹp trong thẩm mỹ âm nhạc hay đạo đức cho cuộc sống.

Tồn tại thứ hai bộc lộ trong chính điều tưởng chừng là “ưu điểm” của các chương trình THTT âm nhạc mua format của nước ngoài là các ràng buộc chặt chẽ về thể lệ thực hiện đã dẫn đến những bất cập khi áp vào thực hiện trên nền tảng văn hóa VN, gây nên một số sự phản cảm không tránh khỏi.

LÊ ĐỖ QUỲNH HƯƠNG (người dẫn chương trình truyền hình)

____________________

Người xem nghĩ gì?

Nhà đài ở đâu?

Tôi từng đến xem những buổi thu hình để phát lại thì thấy rằng nội dung được phát sóng khác xa những gì tôi chứng kiến trước đó. Ban tổ chức đã biên tập, cắt, ghép... và cho phát lên sóng những gì họ muốn khán giả thấy, để phục vụ nội dung mà họ mong muốn. Tôi cũng từng đến trường quay trong những buổi được truyền hình trực tiếp và được thấy êkip thực hiện điều khiển giám khảo, thí sinh, người dẫn và khán giả như thế nào. Sau lưng những chiếc ghế của giám khảo lúc nào cũng có một “trợ lý” đeo bộ đàm, liên tục nghe “chỉ đạo” và truyền đạt lại cho các giám khảo.

Mà tận mắt chứng kiến tại trường quay chưa hẳn đã là tất cả sự thật. Còn bao nhiêu bí mật phía sau hậu trường, bên trong các bản hợp đồng mà khán giả không bao giờ biết được.

Nhưng, điều mà tôi thắc mắc nhất là các đài truyền hình có vai trò gì trong các cuộc chơi này? Theo như báo Tuổi Trẻ viết thì các công ty mua sóng truyền hình dài hạn theo từng năm hoặc nhiều năm và họ cung cấp cho nhà đài các chương trình mà họ sản xuất theo kiểu “bia kèm lạc” - các chương trình hấp dẫn đi kèm các chương trình không hay. Vậy là sóng truyền hình quốc gia đã bị các công ty sản xuất chương trình thao túng? Các đài truyền hình có kiểm soát được định dạng, nội dung hay chỉ ký hợp đồng rồi thu tiền quảng cáo? Nhà đài có chủ động được chọn chương trình phù hợp với người Việt, có tính giáo dục, nâng cao dân trí cho người dân hay không?

Quân Nam (Tân Bình, TP.HCM)

Truyền hình thực... tệ

Không phủ nhận THTT đã làm phong phú hơn những món ăn giải trí cho khán giả cũng như góp phần làm đổi đời nhiều gương mặt ở những địa phương tỉnh lẻ với cả tiếng lẫn tiền. Chính yếu tố tiếng, tiền... ấy đã làm người chơi bất chấp chiêu trò (thậm chí có thể dùng từ thủ đoạn) miễn được chú ý.

Đã thế, nhà sản xuất sẵn sàng tiếp tay miễn chương trình được truyền thông của thời có tin là đăng, chẳng thèm kiểm chứng đúng, sai, đong đo tốt, xấu nhắc đến.

Những chiêu trò đó có là “gợi ý” cho những người chơi không tiếng tăm khác học theo và vì không đủ nổi tiếng nên dùng kiểu ngôn từ thóa mạ, vô văn hóa để được chú ý đến?

Báo chí truyền thông cũng chỉ chăm chăm khai thác những chuyện gây tò mò cho thiên hạ bằng cái cách Facebook, hay thông cáo báo chí có sao phóng viên chép lại y vậy, giỏi thì tán thêm vài câu bình luận để người đọc ngơ ngác hỏi: không lẽ đời sống văn hóa giải trí chỉ toàn chuyện ruồi bu?

Mới thấy tiếng, tiền... mà thiếu cái tâm con người đã biến THTT ngày một trở nên thực là tệ hại, chứ THTT bản thân ban đầu cũng chỉ là đem thêm món ăn cho đời. Nên còn gì nữa mà không dùng quyền của người xem là dùng remote chuyển kênh, thoát bớt những trang báo nhảm nhí.

CaNon D

Chân thực nửa vời

Đối với truyền hình nói riêng và các hoạt động của truyền thông đại chúng nói chung, một trong những chức năng - sứ mệnh cần phải thực hiện là truyền tải những thông tin phù hợp với sự phát triển và phục vụ sự phát triển.

Thông tin trên truyền hình cũng phải nhằm vào việc định hướng dư luận, định hướng thái độ, nhận thức và hành vi cho công chúng. Điều này trở thành một tiêu chí đánh giá quan trọng - cũng là nguyên nhân để có nhiều “ồn ã” khi chúng ta xem một chương trình THTT.

Đồng ý rằng: THTT mục tiêu hàng đầu là giải trí. Nhưng giải trí đối với một chương trình truyền hình phải là điều tạo được tiếng cười cho đời vui hơn, đẹp hơn chứ không nên là tiếng cười mỉa mai.

Người chơi, người xem phải trở nên tin vào bản thân mình và yêu cuộc sống hơn với những điều chân thực. THTT vốn dĩ phải chuyển tải một cách chân thực những điều diễn ra khi bấm máy ghi hình.

Thế nhưng, cái sự chân thực nửa mùa làm cho công chúng phát ngán và nghi ngờ; người chơi với tất cả hồn nhiên, sức lực phải đón nhận sự bẽ bàng và kẻ tham gia với mục đích gây ồn ào để tạo nên danh tiếng thì trở thành chiêu bài của nhà sản xuất để rồi cũng cay đắng nhận ra bản thân mới là kẻ thiệt thòi khi công chúng quay lưng hay không mặc nổi cái áo quá rộng với mình!

Vậy nên, xem thì khán giả vẫn xem nhưng có lẽ THTT đang không được xem với một thái độ trân trọng, mà nhiều khi cả tôn trọng cũng không? Người ta mất niềm tin, người ta dè bỉu, người ta xem không vì mục đích hồi hộp, thái độ đồng cảm mà là tò mò... khi nào có scandal và đó là ồn ào về việc gì.

Từ đó, ở rất nhiều chương trình THTT, năng lực của người chơi trở thành thứ yếu. Và vinh quang thắng cuộc không thuyết phục nổi công chúng rằng: Tôi có tài! Thế thì, chức năng “phục vụ cho sự phát triển” đương nhiên không thực hiện được.

Vậy thì phải tìm ở đâu một chương trình đúng nghĩa thực tế, đúng nghĩa khai thác và ghi nhận công bằng năng lực của người tham gia; và người chơi, người xem đều nở nụ cười mãn nguyện cho một chương trình: chân - thiện - mỹ?

ThS TÔ NHI A (giảng viên Trường cao đẳng Sư phạm trung ương TP.HCM)

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1:Nở rộ và mua vuiKỳ 2: Những cuộc “giao tranh”Giấc mơ ngắn hạnTruyền hình thực tế: khủng hoảng thừa

khanhngoc-audio
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên