04/04/2014 09:20 GMT+7

Những cuộc "giao tranh"

QUỲNH NGUYỄN
QUỲNH NGUYỄN

TT - Ngoài những cuộc chiến giành sóng, giành giật thí sinh, giám khảo, MC... khán giả truyền hình thực tế còn chứng kiến rất nhiều cuộc bút chiến, khẩu chiến, "Facebook chiến" giữa các thí sinh trong các cuộc chơi truyền hình thực tế (THTT).

Kỳ 1: Nở rộ và mua vui

TPr2bi4m.jpgPhóng to
Các chương trình truyền hình thực tế đã và đang “xoay vòng” các “ngôi sao trong nước” ngồi ghế giám khảo - Ảnh: T.T.D.
i3ysFNUx.jpgPhóng to
Các chương trình truyền hình thực tế đã và đang “xoay vòng” các “ngôi sao trong nước” ngồi ghế giám khảo - Ảnh: T.T.D.

Những người trong nghề đều biết Nhân tố bí ẩn (X - Factor) lẽ ra đã lên sóng sớm hơn, nhưng vì cuộc chiến mời giám khảo lẫn tìm thí sinh "trụ cột" diễn ra quá lâu nên đến hôm nay chương trình mới có thể chính thức ra mắt khán giả cả nước. Và Chinh phục đỉnh cao thật ra chỉ là chương trình "trám sóng" trong lúc đợi Nhân tố bí ẩn chào sân.

Chiếm sóng và giữ sóng

Trong tất cả cuộc chiến mà truyền hình thực tế phải đối mặt, cuộc chiến giành sóng là cam go nhất. Hiện sóng của kênh VTV3 vào các tối cuối tuần vẫn đang là nơi được các "đại gia truyền hình" tranh giành nhiều nhất.

Hai, ba năm trước, Cát Tiên Sa (CATS), Multimedia, BHD là ba đơn vị độc chiếm kênh này vào các tối cuối tuần. Và cuộc chiến giành sóng này sẽ gay go hơn khi "ông lớn" Ðông Tây vừa cho hay "vất vả lắm mới có được sóng của VTV3 vào cuối năm".

Chiếm sóng đã khó, giữ sóng bằng những chương trình chất lượng, có lượng khán giả xem đông đảo cùng quảng cáo "giội bom" càng khó hơn.

Vậy nên ngoài một format (định dạng) hấp dẫn, hợp thời, nhân tài - những người có khả năng mang lại những "làn gió mát" cho THTT - là yếu tố cốt lõi mang đến thành công cho chương trình.

Và cuộc chiến giành "nhân tài" (bao gồm giám khảo, thí sinh, khách mời, MC, biên đạo múa, giám đốc âm nhạc, đạo diễn...) đã và đang diễn ra hằng ngày trên khắp các sàn quay THTT.

Hai năm qua, MC Phan Anh đã phải nhiều lần "phân thân" dẫn dắt Vietnam Idol The Voice khiến người xem ít nhiều đã hết thấy thú vị.

Nhà sản xuất cũng đã mạo hiểm mời Huy Khánh thử sức, thay thế Phan Anh nhưng kết quả còn chán hơn nên phải tiếp tục chọn Phan Anh dù anh không còn là sự lựa chọn "như ý nhất" nữa. Các chương trình còn lại cũng loay hoay với Thanh Bạch, Trấn Thành, Nguyên Khang...

Chương trình thì nhiều mà người dẫn dắt "có nghề" thì ít, thường xuyên "kẹt sô" nên đôi lúc nhà sản xuất phải chấp nhận giải pháp một chương trình "chia đôi", nửa đầu nghệ sĩ A dẫn, nửa sau nghệ sĩ B dẫn như Khởi My và Trấn Thành trong Thử thách cùng bước nhảy.

Cũng có chương trình nhà sản xuất chấp nhận sử dụng người dẫn "non tay" như Huy Khánh với Thần tượng âm nhạc VN - Vietnam IdolNgười giấu mặt - Big brother trong lúc tìm kiếm những người thích hợp hơn.

Bà Quỳnh Trang, giám đốc sản xuất chương trình Người mẫu VN - Vietnam’s next top model, cũng từng khóc ròng: "Tiến độ ra mắt chương trình từng bị trì hoãn cả năm vì không tìm được người chủ trì (host) thích hợp".

Giám khảo cũng vậy. Sau hai năm hợp tác với Vietnam Idol, Quốc Trung đã về phe "đối thủ" là The Voice trong năm vừa qua.

Phương Uyên gần như làm việc hết công suất cho chức danh giám đốc âm nhạc của các cuộc thi The Voice, The Voice Kids, X - Factor... của CATS.

Phía "đối thủ", Huy Tuấn lao động cật lực cho Vietnam Idol Ngôi nhà âm nhạc của BHD. Ðàm Vĩnh Hưng, Hồ Ngọc Hà cũng "chạy sô" làm huấn luyện viên giữa The Voice X - Factor cho cùng một đơn vị sản xuất.

Sử dụng gần hết các "ngôi sao trong nước", các chương trình THTT đã phải chiêu dụ thêm rất nhiều giám khảo Việt kiều (Thanh Bùi, Dương Khắc Linh, John Huy Trần...) và giám khảo nước ngoài (Chinh phục đỉnh cao, Ngôi sao Việt...) vào cuộc.

Nỗi lo đoản mệnh

Trong số các chương trình đã lên sóng trong tháng 3 vừa rồi, X - Factor đang được chờ đợi nhất không phải bởi danh tiếng của nó, mà còn bởi thời điểm sô này được kéo về VN cũng là lúc Hãng Fox (Mỹ) tuyên bố xóa sổ chương trình sau ba năm thiếu sinh khí.

Ðịnh dạng không vượt trội, giám khảo cũng là những gương mặt đã xuất hiện trong các chương trình tương tự và chương trình cũng không tìm ra được những "nhân tố bí ẩn" đáng giá nên X - Factor đã phải chào thua các đối thủ. Kết cuộc buồn này liệu có lặp lại với X - Factor phiên bản Việt?

Nỗi lo "đoản mệnh" không phải là không có cơ sở sau rất nhiều cuộc chia tay lặng lẽ của nhiều chương trình trước đây.

Ngôi nhà âm nhạc - Star Academy (2012) - một chương trình được CATS mua từ Singapore, đã bị khai tử sau mùa thi đầu tiên và cũng là duy nhất.

Hợp ca tranh tài - Clash of the choirs (theo format của Thụy Ðiển) được Công ty BHD mua về vào năm 2012 cũng im hơi sau một mùa thi.

Taxi may mắn - Cash cab cũng đang tạm dừng. Nhiều người lo ngại cho số phận của các chương trình từng gây ít nhiều ý kiến trái chiều trong khi lượt xem lẫn quảng cáo hơi thấp như: Siêu đầu bếp - Iron chef, Vũ điệu đam mê - Got to dance, Người giấu mặt, Tìm kiếm tài năng VN - Vietnam’s got talent, Cùng xây nhà mới, Ngôi sao thiết kế VN - Star fashion, Chinh phục đỉnh cao - Popstar to operastar...

Việc "đóng cửa sớm" một chương trình nào đó đôi khi chỉ là bất đắc dĩ (do ít người xem, không có quảng cáo, tài trợ...) nhưng cũng có khi là kế hoạch từ trước của nhà sản xuất.

Hiện nay, việc phát sóng trên kênh nào, giờ nào là một trong những yếu tố quan trọng để làm nên sự thành bại của một chương trình. Ðể giành được sóng trên kênh giải trí đông người xem nhất VN hiện nay (VTV3), ở khung giờ nhiều người xem nhất (20g-23g), vào những ngày thuận tiện nhất (thứ sáu, thứ bảy, chủ nhật), các đơn vị sản xuất thường phải ký hợp đồng "mua đứt" sóng cả năm hoặc vài năm với nhà đài.

Ðổi lại, "quyền lợi" có sóng là "nghĩa vụ" phải lấp đủ sóng đó bằng các chương trình liên tiếp. Vậy nên trong số những chương trình "đinh" thì người xem đôi lúc cũng phải chấp nhận những chương trình mang tính "lấp sóng".

Cô Thùy Nga, giám đốc Công ty K - Media, chia sẻ: "Ðôi khi phía chuyển nhượng (các công ty giữ bản quyền các chương trình THTT của nước ngoài) cũng ép phía sản xuất của mình phải mua kèm một format không thật sự hút nếu muốn có một format đang nổi đình nổi đám. Hoặc cũng có khi để có được giá mua hợp lý hơn, các đơn vị sản xuất phải mua một lúc hai, ba chương trình từ một nhà phân phối".

Ðó cũng là lý do vì sao dù biết format đó không hay, không hợp với người Việt, na ná một format khác nhưng các nhà sản xuất vẫn phải "bấm bụng" mua và sản xuất. Và đó cũng là lý do vì sao THTT gần như "oanh tạc" khắp các kênh truyền hình như hiện nay.

MC và ban huấn luyện: “cái khó” lớn

Chiều 3-4, ban tổ chức cuộc thi Giọng hát Việt nhí 2014 chính thức công bố chương trình sẽ trở lại trên sóng truyền hình lúc 21g thứ bảy hằng tuần trên kênh VTV3, bắt đầu từ ngày 21-6. Tiêu chí cũng như nội dung các vòng thi năm nay cơ bản cũng giống năm ngoái. Tuy nhiên, thành phần ban giám khảo và MC sẽ có nhiều thay đổi. Ban huấn luyện viên và giám khảo chỉ có cặp đôi Hồ Hoài Anh và Lưu Hương Giang của mùa trước. Ca sĩ Cẩm Ly sẽ thay thế vị trí của Hiền Thục ở mùa thi này. Vị giám khảo còn lại (do Thanh Bùi đảm trách ở mùa trước) vẫn chưa được ban tổ chức xác nhận, nhưng nhiều thông tin cho rằng đó sẽ là ca sĩ Lam Trường.

Ông Lại Bắc Hải Đăng - đạo diễn chương trình - cho biết ngoài yếu tố “hạt giống” là thí sinh thì thành phần ban huấn luyện cũng như MC là những “cái khó” lớn nhất để có thể tạo nên một chương trình hay, hấp dẫn người xem. Ông Đăng cũng cho biết Cẩm Ly là sự lựa chọn “rất chọn lọc” và cũng rất khó để thuyết phục nữ ca sĩ chưa từng “gật đầu” với bất kỳ chương trình THTT nào.

__________

Kỳ 3: Giấc mơ ngắn hạn và những sự thật im lặng

QUỲNH NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    " />