05/04/2014 05:20 GMT+7

Giấc mơ ngắn hạn

LINH SAN
LINH SAN

TT - Truyền hình thực tế (THTT) đang tạo ra nhiều giấc mơ cho người chơi và cho công chúng. Nhưng những giấc mơ ấy thường ngắn hạn.

Kỳ 1: Nở rộ và mua vui Kỳ 2: Những cuộc “giao tranh”

o7xlgCeA.jpgPhóng to
Chương trình Người giấu mặt khi đến VN cũng đã gây không ít tranh cãi. Trong ảnh: các thí sinh nam và MC Huy Khánh trình diễn điệu múa con thiên nga - một trong những trò thử thách của chương trình - Ảnh: T.T.D.

Năm 1999, giới nghe nhìn toàn cầu choáng váng với sự ra đời của Big brother - một thể loại THTT mới, nơi con người được “trưng dụng” vào một trò giải trí mạnh bạo. 12 nhân mạng được “nhốt” một cách sang trọng trong mấy tuần. Ăn ở, ngủ nghỉ, yêu đương, thậm chí làm tình cũng được ghi hình bởi một hệ thống camera cài đặt khắp mọi nơi. Thế giới sốc, bởi một thể loại THTT mới ra đời lại từ người Hà Lan (công ty sản xuất các sản phẩm nghe nhìn Endemol) chứ không phải người Mỹ - một đất nước mà ở thời điểm này vẫn được coi là nơi khai sinh ra THTT.

Dân truyền hình và quảng cáo sốc - Big brother hứa hẹn mở ra cơ hội để kiếm tiền mới nhưng cũng đặt ra nhiều tranh cãi cho người làm nghề về giá trị nhân văn của sản phẩm. Người xem sốc vì lần đầu tiên có thể công khai nhòm ngó vào cuộc sống hằng ngày riêng tư của người khác, được công khai bình phẩm mà không e ngại. Chỉ có những nhà nghiên cứu xã hội là e ngại khi “con người đã không còn e ngại gì, miễn là có tiền”.

Bán khả năng tư duy của khán giả cho ngành quảng cáo

Năm 2001, nước Pháp, sau một hồi dè bỉu, chống cự một cách tuyệt vọng, đã ngậm ngùi để Big brother lên sóng của M6 với tên gọi mới Loft story. Không những thế, Loft story đã thành công tại Pháp, mở ra một giai đoạn mới cho truyền hình: giai đoạn của THTT ào ạt lên sóng. Và người Pháp cay đắng nhận ra rằng: “Cuối cùng, chúng ta cũng đã bán khả năng tư duy của khán giả cho Coca-Cola” (bài phát biểu của tổng giám đốc Đài truyền hình tư nhân TF1, Pháp - Patrick Le Lay). Vậy thật ra có điều gì thú vị khiến Big brother thành công đến thế? Có gì khiến hơn 70 nước đã phải bỏ tiền mua nó để sản xuất dưới những phiên bản khác và tên gọi mới như: Loft story, Secret story, Dilemme... và Người giấu mặt (khi đến VN)?

Trở lại những năm 2000, người làm truyền hình, hay Endemol, đã biết thổi vào đó những gì mà tâm lý của một xã hội tiêu dùng đang thiếu: đó là thỏa mãn được những mong muốn cá nhân, những mong muốn thầm kín nhất, tích cực nhất cho đến bản năng nhất. Bạn là ai? Không quan trọng. Bạn có tài năng gì? Chưa hẳn đã quan trọng. Điều quan trọng hơn cả là bạn dám chia sẻ, dám thể hiện mình, không e ngại đưa mình ra để trở thành tâm điểm cho công chúng - một công chúng phương Tây đang chán ngán với những niêm luật của một xã hội văn minh và trật tự, một xã hội mà ở đó chủ nghĩa cá nhân được đề cao nhưng cũng ban tặng lại sự cô đơn cho con người, một xã hội đang khát những trò mới, đang thèm được có những “cuộc cải cách” mà ở đó ai cũng có thể trở thành người được tôn vinh, có thể giành lấy những cơ hội.

Ở giai đoạn ban đầu, người ta nghĩ THTT lợi đủ đường cho nhà sản xuất. Rẻ hơn sản xuất phim truyền hình, không cần kịch bản, không cần ngôi sao, không cần những tên tuổi lớn. Thêm vào đó, với sự hào hứng của công chúng thì lợi nhuận từ ngành quảng cáo và những giá trị gia tăng mang lại từ chương trình là một món lợi khổng lồ. Điều này cho đến ngày hôm nay vẫn không sai, chỉ có điều đã có nhiều hình thái khác và thêm nhiều bất trắc.

Vậy, tại sao các nhà xã hội học phải băn khoăn và tại sao một giám đốc đài truyền hình tư nhân, nơi cho ra đời nhiều chương trình THTT nổi tiếng, lại phải thốt lên như vậy? Liệu có phải “chúng ta đã bán khả năng tư duy của công chúng cho ngành quảng cáo”?

Điều này, đáng tiếc là không sai.

“Chúng ta” không bán, “chúng ta” chỉ dụ họ tự nguyện hiến khả năng tư duy của họ cho “chúng ta”, hân hoan đón nhận những gì mà “chúng ta” tạo ra, vui buồn với những kết quả mà “chúng ta” mang đến. “Chúng ta” chủ động và đủ thông minh để điều khiển trò chơi do mình sáng tạo. Khán giả không cần động não, không cần tư duy, chỉ cần mơ và “chúng ta” ở đây để tạo ra những giấc mơ cho họ. Đúng, “chúng ta” tạo ra những giấc mơ cho người chơi và cho công chúng. “Chúng ta” tạo ra các cung bậc xúc cảm cho những cuộc đời ít nhiều tẻ nhạt.

Chỉ có điều là những giấc mơ ấy thường ngắn hạn.

Để qua cơn đói...

Số phận của Loanna - người thắng cuộc trong Loft story mùa đầu tiên - là một minh chứng buồn cho giấc mơ ngắn hạn. Xuất thân là vũ nữ tại Nice, chiến thắng của cô đã ve vuốt lòng tự ái của biết bao người trẻ Pháp ở tầng lớp bình dân, nhập cư đang chán nản với một nước Pháp được coi là khá bảo thủ. Loanna thắng cuộc, Loanna có tiền và có cơ hội. Loanna được đóng phim truyền hình, được ra đĩa đơn...

Nhưng khi người thắng cuộc của Loft story mùa thứ hai xuất hiện, giới truyền thông lại bận rộn với họ, các nhà đầu tư hình ảnh lại bận rộn với nhân vật mới, cơ hội sinh ra tiền mới và Loanna - tất nhiên là một cái tên đã cũ. Trầm cảm, nghiện ngập, tự vẫn hụt... tên cô chìm vào quên lãng cùng một giấc mơ không thành. Và Loanna chỉ là một cái tên cho nhiều giấc mơ không thành bước ra từ trò chơi của THTT.

Điều này cũng bình thường! Không phải người trẻ nào cũng sẵn sàng để đối mặt với những sự thật phũ phàng của giới giải trí và các nhà sản xuất chỉ có trách nhiệm tạo ra những giấc mơ, chứ không có trách nhiệm biến những giấc mơ đó thành hiện thực. Với sự phát triển của những chương trình THTT ngày một nhiều, tần suất xuất hiện của những “ngôi sao” mới ngày một nhiều, không nhà sản xuất nào có trách nhiệm phải làm việc đó.

Vậy thì THTT đã làm được gì? THTT đã mang lại một lối thoát cho ngành truyền hình trong con đường bế tắc để phát triển, mang lại những món lợi khổng lồ cho nhà sản xuất và ngành quảng cáo. Đãi được công chúng những món ăn bình dân bùi miệng mà những khách sành ăn từ chối, nhưng những món ăn đó tiện và đủ chất cho mọi người qua cơn đói. Công bằng mà nói, như thế cũng không phải là ít. Xã hội nào cũng cần đến những thứ để qua cơn đói, để có thể vui. Chỉ có điều, hãy nhìn vào tất cả những sự thật mà THTT mang đến và đừng mơ về một giấc mơ bền vững.

Những sự thật im lặng

Trong tất cả các sách hướng dẫn thực hiện các loại THTT, khi nhà sản xuất mua chương trình gốc để dàn dựng, phần tuyển chọn con người cho các buổi phát sóng truyền hình luôn được coi là một trong những giai đoạn sống còn, quan trọng. Để có được sức hấp dẫn kéo dài qua nhiều năm, các chương trình như American Idol hoặc X-Factor... ở nước ngoài đã phải làm việc hết sức tinh tế với từng con người, đơn giản vì bất kỳ điều gì xảy ra cũng có thể bị kiện hay mất danh tiếng của thương hiệu.

Thế nhưng với THTT ở Việt Nam, sau một vài năm đầu dè dặt do có các chuyên gia kiểm soát bản quyền đến theo dõi và cố vấn, khi đã qua giai đoạn đó, giờ đây mọi thứ đã bị nhào nặn tùy tiện đến mức khó tin, đặc biệt là cách ứng xử với con người. Từ những thí sinh dày dạn đến những người lần đầu bỡ ngỡ bước vào cuộc đời, thực tế đắng chát từ các vòng casting (tuyển chọn thí sinh) cho đến các vòng sâu hơn, là điều luôn được kể lại bằng những tâm trạng thương tổn.

Rất nhiều thí sinh tham gia THTT là sinh viên. Họ được nhân viên casting của các công ty mời gọi nhiệt tình, thậm chí nhắc nhở về ngày hết hạn nộp đơn và khuyến khích tham gia để “giúp có được cơ hội”. Với những chương trình như The Voice, X-Factor Việt Nam... thì việc mời mọc người mới cho các đợt casting là điều vẫn diễn ra thường xuyên.

T. - một người tham dự vòng casting của chương trình THTT năm nay - kể lại rằng ban tổ chức yêu cầu các thí sinh phải tự mình đi làm nhạc nền cho phần trình diễn trong hai ngày. Lẽ ra chương trình phải có người đệm nhạc, nhưng có lẽ để tiết kiệm chi phí phần này được đẩy sang trách nhiệm của thí sinh. T. đã hết sức bất ngờ khi được yêu cầu “phải đi làm nhạc nền chuyên nghiệp, cắt ngắn sao cho đủ hai phút phát hình”. Khi T. hỏi thêm là cô không biết phải làm nhạc nền chuyên nghiệp ở đâu và giá bao nhiêu, ngay lúc đó cô bị người của ban tổ chức cầm micrô hét trước mọi người: “Chẳng lẽ em không có nổi 2 triệu đồng để làm một cái beat (nhạc nền) hay sao?”. T. im lặng rời khỏi cuộc thi sau đó, đơn giản vì mỗi tháng đi làm thêm kiếm sống của cô chỉ được gần 1,5 triệu đồng.

Với S. thì lại là một trường hợp khác. Đến từ Gia Lai, tâm hồn mộc mạc và chỉ muốn ca hát, S. tham gia một chương trình THTT bằng những bài hát Tây nguyên của mình. Thế nhưng khi nghe S. đăng ký bài nhạc âm hưởng Tây nguyên, giám đốc âm nhạc của chương trình đã vỗ bàn nói lớn với tất cả mọi người: “Tại sao em chọn nhạc Tây nguyên, nhạc đó ai mà nghe?”. Cả hội trường chết lặng. S. cũng chết lặng. Anh tần ngần rồi hỏi lại: “Nếu em không hát nhạc Tây nguyên thì em còn biết hát gì?”.

Phần lớn những người bước ra từ các chương trình thực tế có một tâm trạng chung là “tắt lửa lòng”. Sự nồng nhiệt đã mất, còn lại là sự im lặng của hiểu biết, thêm nhiều mỉa mai.

Đó là chưa nói khi các giám khảo chương trình giờ đây cạn khả năng nhận định, và chỉ còn tìm cách nói để khoa trương cho bản thân mình cũng gây ra không ít trớ trêu.

J. là một thí sinh Tây nguyên khác. Anh là nhà thu thập tài liệu sử thi Tây nguyên và ghi chép lại, điện tử hóa cho ngôn ngữ Gia Rai. Anh tham gia cùng một ban nhạc có người M’Nông, Ba Na... hát một bài nhạc Tây nguyên bằng lời tiếng Kinh. Khi trình diễn xong, giám khảo Q., là một ca sĩ tên tuổi, đã làm một bài trách móc và hướng dẫn anh cùng các bạn là nếu là người dân tộc thì chỉ nên chơi đúng loại nhạc của dân tộc mình chứ đừng chơi nhạc của người Kinh. Dĩ nhiên sau đó J. cùng các bạn ra về, cười, biết rằng nơi đó không ai hiểu mình và không bao giờ là nơi mình có thể trở lại.

Vẫn có những câu chuyện như vậy xảy ra, xé vụn tấm bản đồ của THTT ở Việt Nam thành muôn vàn mảnh nhỏ, không bao giờ còn ráp nối đúng cho con đường đi đến sự hoàn hảo. Và vẫn luôn có những điều im lặng chất chồng sau ánh đèn màu của các cuộc chơi này.

LINH SAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên