07/08/2018 09:39 GMT+7

Truyền hình thiếu nhi ngày hè 'đói' phim, 'no' game show

HOÀNG LÊ
HOÀNG LÊ

TTO - Ngày hè, khán giả nhí luôn háo hức được xem những bộ phim truyền hình mới. Thế nhưng vài năm trở lại đây, cứ mãi một điệp khúc buồn: các bạn nhỏ luôn trong tình trạng “đói” phim và các chương trình giải trí đúng nghĩa.

Truyền hình thiếu nhi ngày hè đói phim, no game show - Ảnh 1.

Cảnh trong phim Những đứa con từ trên trời rơi xuống - Ảnh: ĐPCC

Làm phim thiếu nhi đã khổ còn lỗ nên trong giai đoạn phim truyền hình gặp khó khăn như hiện nay, các phim đề tài này lại càng vắng bóng. 

Trên kênh THVL1 định kỳ chủ nhật mỗi tuần phát sóng Thế giới cổ tích hoặc Cổ tích Việt Nam. HTV7 lúc 9h có Biển xanh và ốc nhỏ - bộ phim từng lên sóng lần đầu vào năm 2014...

Thế nên mới có chuyện phim sitcom Những đứa con từ trên trời rơi xuống dù thuộc thể loại gia đình có liên quan đến thiếu nhi (vì có khá nhiều diễn viên nhí tham gia) trở thành bộ phim tạo được sự chú ý của các khán giả trẻ.

Làm phim thiếu nhi có khó?

Dù phát sóng trong khung giờ khá trễ (22h30 trên HTV7) nhưng rating của phim Những đứa con từ trên trời rơi xuống lại khá cao: từ 7.0 đến 9.4. Sự thành công này đã giúp cho nhà sản xuất quyết định tăng từ 60 tập ban đầu lên thành 100 tập.

Đạo diễn Quốc Thuận cho biết các thành viên trong đoàn phim đã làm việc cùng nhau suốt 7-8 tháng: "Các diễn viên người lớn thì đã quen với công việc, còn các em nhỏ thì rất vất vả".

Và bí quyết của Quốc Thuận là: "Làm việc với thiếu nhi thì nhớ phải tránh giờ ăn, giờ ngủ vì tụi nhỏ mà đói bụng, buồn ngủ là không làm gì được hết". 

Với các em đang bước vào tuổi dậy thì, người lớn làm việc cùng cũng phải tâm lý hơn. Và để phát huy được điểm mạnh của những đứa trẻ, anh đã để các bé diễn tự nhiên theo cách của mình.

Ông Bùi Thanh Phong - giám đốc hãng phim sản xuất loạt phim Thế giới cổ tích và Chuyện xưa tích cũ dành cho gia đình và thiếu nhi, phát trên THVL1 - cho biết: "Sản xuất phim thiếu nhi, đặc biệt là phim cổ trang, là dấn thân vào một thị trường ngách, bước đi khó khăn và kém hiệu quả bởi không mang lại lợi nhuận".

Ông phân tích: "Thuê bối cảnh để quay phim cổ trang khoảng 5 triệu đồng/ngày, chưa tính thời gian quay tối. Phục trang đoàn phim cũng phải tự lo. Phim xưa thì phải quay ở xa nên chi phí tăng thêm phần di chuyển, lưu trú...".

Chính vì vậy, ban đầu chỉ sản xuất Thế giới cổ tích, nhưng từ đầu năm 2018 hãng phim của ông mở rộng thêm loạt phim Chuyện xưa tích cũ để "tận dụng các trang phục và đạo cụ trong các phim đã may sẵn để giảm chi phí thuê" - ông "bật mí" cách làm phim thiếu nhi của mình.

Game show ăn theo người lớn

Trong khi phim thiếu nhi đang thiếu trầm trọng thì game show với đối tượng nhí lại phát triển ồ ạt. Ngày 5-8 vừa qua, "Nhanh như chớp nhí" lên sóng HTV2.

Trong khi đó, "Sao nối ngôi nhí" đã thực hiện xong phần tuyển chọn và hiện đang ghi hình để đến ngày 12-9 lên sóng trên THVL1.

Đài THVL trong năm nay cũng cho lên sóng "Thử tài siêu nhí", "Tuyệt đỉnh song ca nhí" và "Tiếu lâm tứ trụ nhí".

Ban tổ chức "Giọng hát Việt nhí" đã đưa thông báo về việc phát sóng "Giọng hát Việt nhí" từ ngày 8-9 trên VTV3. "Biệt tài tí hon" mùa 2 sẽ phát sóng cuối tháng 10 trên VTV3; "Thần tượng tương lai" đang tuyển sinh, "Gương mặt thân quen nhí" chuẩn bị khởi động.

Nhìn vào các game show này, dễ nhận ra đó là sự ăn theo các game show người lớn. Cứ chương trình nào có rating cao thì một thời gian sau là có phiên bản nhí: Gương mặt thân quen - gương mặt thân quen nhí, Giọng hát Việt - Giọng hát Việt nhí, Sao nối ngôi - Sao nối ngôi nhí, Tiếu lâm tứ trụ - Tiếu lâm tứ trụ nhí, Nhanh như chớp - Nhanh như chớp nhí...

Một xu hướng đáng lưu ý đó là sau khi các game show thi thố tài năng nghệ thuật ồ ạt nở rộ trên khắp các kênh và đang rơi vào sự nhàm chán thì những game show nghiêng về phần thi hỏi đáp đang bắt đầu được chú ý trở lại. Cụ thể như "Bản lĩnh nhóc tỳ" (VTV3) và gần đây nhất là "Nhanh như chớp nhí".

Trong rừng game show hiện nay thì game show nhí vẫn có sức hút. Cụ thể, theo số liệu TNS, rating của "Tiếu lâm tứ trụ nhí" hiện đang đứng nhất tại thị trường Cần Thơ và đứng thứ hai trong các game show đang phát cùng thời điểm tại ba thị trường Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng (độ tuổi đo rating từ 4 tuổi trở lên).

Và đó là lý do các game show nhí vẫn xuất hiện đều đều trên màn ảnh nhỏ. Nhưng khán giả vẫn mong mỏi và trăn trở ngoài giải trí, điều gì đọng lại với các em sau mỗi chương trình? Có lẽ nhà sản xuất, nhà đài cần đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi đó.

Tây du ký - 28 năm phát sóng liên tục

Bắt đầu phát sóng tại VN từ năm 1990, hành trình thầy trò Đường Tăng trong Tây du ký đã du hành hầu hết trên các kênh truyền hình VN từ năm này qua năm khác.

Đặc biệt vào mỗi dịp hè, trên hệ thống kênh VTV luôn phải có Tây du ký. Năm nay, Tây du ký đang phát sóng lúc 19h50 trên VTV2. Kênh BTV1 cũng phát Tây du ký truyền kỳ...

28 năm phát sóng liên tục - thời gian phát sóng phim dài đến nỗi có khán giả cảm thán: "Mình từng dành cả tuổi thanh xuân xem Tây du ký thì giờ lại dành tuổi trung niên xem phim này".

Và hẳn nhiều người đặt câu hỏi tại sao Tây du ký phát đi phát lại nhiều lần trong khi phim thiếu nhi Việt Nam như Kính vạn hoa, Đất phương Nam, Gia đình phép thuật... lại không được ưu ái ngay chính quê hương mình?

Các chương trình giải trí hay cung cấp kiến thức thiết thực dành cho các em như Đường lên đỉnh Olympia (VTV), Vườn âm nhạc (HTV)... được phát sóng vào khung giờ không được xem là đẹp.

Trong khi đó, các game show hay truyền hình thực tế mang tính chất giải trí luôn được xếp vào khung giờ vàng.

Sứ mệnh "Tây du ký" của cố đạo diễn Dương Khiết Sứ mệnh 'Tây du ký' của cố đạo diễn Dương Khiết

TTO - Cuộc đời của đạo diễn Dương Khiết gắn liền với bộ phim kinh điển Tây du ký (1986), nhưng người phụ nữ có vóc dáng nhỏ nhắn ấy đã “biến hóa” thế nào để tạo nên giai thoại bất hủ với series Tây du ký 1 và 2 (1986-2000).

HOÀNG LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên