Trường xoay xở giảm stress cho học sinh

MỸ DUNG
MỸ DUNG

TT - Không thể chờ một chương trình giáo dục giảm tải thật sự, một số trường tại TP.HCM đã xoay xở, đa dạng hóa các hoạt động học tập, vui chơi để giảm áp lực học tập, lấy lại niềm vui mỗi ngày đến trường cho học sinh.

Kỳ 1: Đổ bệnh vì học Kỳ 2: 5 “kẻ thù” của giáo viên

9U7NhN4e.jpgPhóng to
Buổi chiều, học sinh Trường tiểu học Võ Trường Toản (Q.10, TP.HCM) được thỏa thích ra sân chơi các môn năng khiếu, yêu thích - Ảnh: Mỹ Dung

Một lần đến Trường tiểu học Võ Trường Toản (Q.10, TP.HCM), chúng tôi tình cờ thấy nhiều nhóm học sinh đang say sưa vẽ như những họa sĩ tại sân trường, ánh mắt ngời lên thích thú. Một vài nhóm khác ngồi bệt xuống các gốc cây chăm chú đọc truyện cổ tích, truyện tranh…

Những buổi chiều không phép tính, chữ nghĩa

"Các bé được hít thở không khí ngoài trời, ra sân 2-3 tiếng trong ngày, về nhà cứ tíu tít kể chuyện lớp, chuyện trường là tôi biết con mình đi học vui, tôi cũng mừng"

Một phụ huynh Trường tiểu học Võ Trường Toản

Thầy Nguyễn Văn Tri, hiệu trưởng Trường tiểu học Võ Trường Toản, cho biết trường đang duy trì sáu câu lạc bộ (CLB) để học sinh “vui, khỏe, có ích” gồm: bóng rổ, bóng đá, vovinam, mỹ thuật, khéo tay hay làm (cắt dán, làm mô hình, cắm hoa…), cờ vua. Hơn 900 học sinh của trường đều tham gia các CLB này nhưng được đăng ký theo ý thích, khi không thích nữa thì vô tư chuyển sang nội dung khác.

Theo lịch, chiều thứ hai của khối lớp 3, thứ ba của khối lớp 2, thứ tư của khối lớp 1, thứ năm của khối lớp 4, thứ sáu của khối lớp 5. Cứ mỗi chiều như vậy, một khối lớp với hơn 175 học sinh sẽ làm chủ sân trường. Nhóm chơi bóng rổ, nhóm chơi bóng đá, nhóm tô vẽ, có em vào thư viện, em chơi cờ vua… Do coi các hoạt động này là một phần của công việc dạy, học nên ban tổ chức hoạt động ngoài giờ lên lớp đã được thành lập do một phó hiệu trưởng phụ trách. Các giáo viên chủ nhiệm phải theo sát hoạt động này, mỗi khối lớp sẽ có một trưởng khối điều hành. Các giáo viên chỉ đóng vai trò người quan sát học sinh, điểm danh, theo dõi giám sát các huấn luyện viên được trường nhờ đến hướng dẫn.

“Trường mời huấn luyện viên cho các CLB từ Trung tâm thể dục thể thao Q.10, Nhà thiếu nhi TP… Tùy theo đánh giá của học sinh, giáo viên để trường có thể thay đổi khi cần thiết” - thầy Nguyễn Thế Dũng, phó hiệu trưởng, trưởng ban tổ chức hoạt động ngoài giờ lên lớp của trường này, cho hay.

Ngoài ra, Trường tiểu học Võ Trường Toản cũng mở cửa thư viện mỗi ngày (cả trong thời gian hè) và không tổ chức học trong hè cho học sinh. Nhiều giờ học chính khóa vào buổi sáng cũng được giáo viên cơ động cho ra sân học vì trường khuyến khích giáo viên chia nhóm, đưa học sinh ra thảo luận, học 1-2 tiết ngoài trời.

Những hoạt động như thế được Trường tiểu học Võ Trường Toản thực hiện khoảng năm năm trở lại đây. Năm học tới, trường dự kiến mở thêm CLB về robotic (một dạng lắp ghép mô hình robot) để bổ sung và nhóm CLB trí tuệ hiện mới chỉ có cờ vua. Trường học 2 buổi/ngày nhưng theo những lãnh đạo trường này, buổi chiều là thời gian giảm tải cho học sinh.

Đa dạng “kênh” để học sinh chia sẻ nỗi niềm

Hiệu trưởng dám làm, phụ huynh đồng thuận

Có nhiều cách để giảm căng thẳng cho học sinh nhưng vì sao số lượng trường thực hiện không nhiều? Thầy Nguyễn Thế Dũng cho biết để tổ chức được những hoạt động ngoài giờ lên lớp, trường cần rất nhiều quyết tâm, sự đồng thuận. Trước tiên phải có vai trò khởi xướng, dám làm của hiệu trưởng, tìm được sự đồng thuận của cha mẹ học sinh và phòng GD-ĐT (bậc tiểu học, THCS). Ngoài ra, còn có thêm những yếu tố “thuận” như sĩ số lớp, diện tích sân trường...

Thầy Nguyễn Huỳnh Long cho rằng rất nhiều trường biết rõ tác dụng của phòng tâm lý. Nhưng chế độ đãi ngộ cho chuyên viên tâm lý ở trường hiện không cao, mà muốn làm ở đây chuyên viên phải tốt nghiệp ĐH sư phạm chuyên ngành tâm lý, am hiểu, tâm huyết.

Sáng 7-5, khi chúng tôi đến Trường THPT Trưng Vương (Q.1, TP.HCM) thì bất ngờ gặp cảnh toàn trường đang tham gia đố vui về những anh hùng, cột mốc lịch sử nhân kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Chính những câu đố vui về các anh hùng như Bế Văn Đàn, Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót trong chiến dịch lịch sử đó giúp học sinh của trường thư giãn khi kỳ thi tốt nghiệp THPT và ĐH, CĐ đang gần kề.

Theo thầy Nguyễn Huỳnh Long - hiệu trưởng nhà trường, việc tổ chức kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ nằm trong kế hoạch giúp học sinh ghi nhớ lịch sử, bổ sung “không khí vui vẻ” cho những ngày học thi căng thẳng. Sau phần lễ, các em được nghe các bài hát cách mạng (do học sinh của trường biểu diễn), tham gia đố vui (có quà tặng). Cũng như nhiều sự kiện lịch sử khác, việc dàn dựng chương trình “vui vẻ” cho học sinh nhân kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ nói trên của Trường THPT Trưng Vương do CLB sử học của trường đạo diễn.

Trường THPT Trưng Vương còn rất nhiều CLB khác, mỗi CLB đóng một vai trò khác nhau trong việc chia sẻ nỗi niềm với học sinh. Có những CLB để giải tỏa năng lượng, bồi dưỡng sức khỏe như thể dục thể thao, võ thuật, nhưng cũng có những CLB về hóa học, toán, lịch sử. Tuy nhiên, những CLB về hóa học, toán hay lịch sử không đặt nặng kiến thức mà hoạt động nghiêng về thư giãn bằng những ứng dụng thiết thực của các môn vào đời sống.

Thầy Nguyễn Huỳnh Long cho biết học sinh của trường sống ở các địa bàn nhiều gia đình nghèo của Q.1, Q.3, Q.4 với khoảng 9-10% có bố mẹ ly thân, ly hôn nên càng nhiều áp lực hơn so với học sinh bậc THPT nói chung. Vậy nên chỉ mô hình CLB là chưa đủ để sẻ chia, thấu hiểu và giải tỏa được những căng thẳng tâm lý của phần lớn học sinh, nhà trường còn tạo nhiều “kênh” khác để học sinh gửi gắm tâm tư, nguyện vọng. Đó là một phòng tư vấn tâm lý trực tiếp cho những ức chế tức thời, hộp thư “Điều em muốn nói” và email của hiệu trưởng, Đoàn thanh niên để các em có thể chia sẻ những điều khó giãi bày trực tiếp. Cả trong giờ và ngoài giờ, cửa phòng hiệu trưởng đều mở cho học sinh vào nhờ tư vấn. Trường cũng tổ chức đội quản lý trang mạng (mạng xã hội, Facebook…) để thường xuyên cập nhật suy nghĩ, tình cảm của học sinh…

Những chuyển biến tích cực

Sự đa dạng kênh giảm căng thẳng của Trường THPT Trưng Vương nhận được những tín hiệu tích cực. Phòng tư vấn tâm lý của trường mỗi ngày đều có học sinh ghé thăm. Những câu chuyện về giới tính (cả băn khoăn về tình cảm với người đồng giới), lo lắng vì bế tắc trong cuộc sống gia đình, mối quan hệ bạn bè, thầy cô... cũng được học sinh tin cậy gửi đến nhà trường. Sau những chia sẻ này, trường thấy học sinh vui vẻ đi học trở lại, học tập tốt hơn, tinh thần phấn chấn hơn.

Thầy Nguyễn Huỳnh Long kể thầy nhận được cả những câu hỏi như: “Sao trường không cho tụi em mặc áo dài?”, “Tụi em muốn được xách balô đi học” hay “Sao bên Tây, ai muốn mặc gì khi đi học thì mặc, học sinh được ăn, nói thoải mái trong lớp, sao ở mình gò bó quá vậy?”… Với những thắc mắc về quản lý, nội quy, trường sẽ tổ chức những buổi tọa đàm để thầy trò cùng hiểu nhau, hiểu thêm văn hóa phương Đông và Việt Nam. Còn những góp ý cho mỗi giáo viên kiểu như “em mong thầy chủ nhiệm hòa đồng, gần gũi với lớp hơn…” được chuyển đến trực tiếp cho giáo viên. Không chỉ các em giải tỏa mà chính nhà trường cũng đỡ áp lực, biến chuyển hơn khi nhận từ học sinh những góp ý, chia sẻ chân thành, xây dựng. Trường thay đổi, giáo viên thay đổi, tinh thần học sinh tích cực hơn.

Nhiều học sinh hồ hởi về những “kênh” giao tiếp này. Em L.T., học sinh lớp 11 Trường THPT Trưng Vương, bày tỏ: “Chuyện gia đình khiến em suy nghĩ lắm, chẳng dám nói với ai, em học hành bê trễ. Cũng may khi em gửi thư, được trường động viên, em đã biết mình nên làm gì”.

Đối với học sinh Trường tiểu học Võ Trường Toản, buổi chiều là một phần hoàn toàn khác trong một ngày học tập của các em. Học sinh phấn khởi ra sân đá cầu, chơi cầu lông, đọc truyện… Nguyễn Hoàng Gia Bảo, học sinh khối lớp 4 của trường, nói: “Bạn bè con ai cũng thích học buổi chiều. Buổi chiều được ra sân chơi bóng đá, bóng rổ, chúng con cũng biết thêm các bạn ở các lớp khác, vui lắm!”.

MỸ DUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên