Đổ bệnh vì học

HÀ PHƯƠNG
HÀ PHƯƠNG

TT - Học để làm việc, để có cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhưng mục đích giáo dục cao đẹp đó có đạt được không khi áp lực học hành có thể dẫn đến những bệnh lý nghiêm trọng lên sức khỏe học sinh (HS).

9Vh57CmA.jpgPhóng to
Học càng yếu, tỉ lệ bị rối loạn tâm thần càng cao (nguồn: nghiên cứu của cử nhân Nguyễn Thị Mỹ Chi). Trong ảnh: tư vấn viên Đinh Quang Ngọc tư vấn tâm lý cho học sinh Trường THCS Lý Phong (Q.5, TP.HCM) - Ảnh: N.Hùng - Đồ họa: Vĩ Cường

Một khảo sát mới đây với HS bậc THPT ở TP.HCM cho biết cứ 100 HS thì có đến hơn 65 HS bị rối nhiễu tâm trí (RNTT) vào mùa thi.

Đủ thứ áp lực

Nghiên cứu của cử nhân y tế công cộng Nguyễn Thị Mỹ Chi (ĐH Y dược TP.HCM) trên 500 HS lớp 10, 11, 12 (cả chuyên và không chuyên) bậc THPT tại TP.HCM cho thấy mối quan hệ mật thiết giữa RNTT (hay còn gọi là rối loạn tâm thần) của HS với học hành, thi cử.

Khi học yếu, những lo lắng, RNTT xảy ra trong các HS càng cao. Vấn đề hạnh kiểm cũng liên quan đến RNTT nhưng không tác động nghiêm trọng lên HS bằng sức học.

Bởi ngay cả những HS hạnh kiểm tốt vẫn có đến 64% bị RNTT và chỉ 62,5% HS hạnh kiểm yếu bị những rối loạn này.

Tuy nhiên, trong học hành thì áp lực từ chương trình học, thi cử và mối quan hệ với giáo viên mới là đỉnh điểm của tình trạng RNTT ở HS.

Theo khảo sát này, có đến 73,1% HS bị RNTT bởi áp lực từ chương trình học và 69,2% bởi áp lực thi cử, 71,3% đến từ những áp lực với giáo viên.

Một minh chứng cho áp lực học tập lên học sinh

Đề tài “Tỉ lệ rối nhiễu tâm trí và các yếu tố liên quan ở học sinh THPT” là đề tài tốt nghiệp cử nhân y tế công cộng của Nguyễn Thị Mỹ Chi, được bảo vệ vào tháng 7-2013, xếp loại giỏi. Đánh giá cao giá trị của đề tài nên hội đồng nghiệm thu đã giới thiệu đề tài tham gia Hội nghị khoa học trẻ của ĐH Y dược vừa diễn ra đầu năm 2014.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Phong (phó ban quản lý đào tạo, khoa y tế công cộng Trường ĐH Y dược TP.HCM) - chủ tịch hội đồng nghiệm thu, đề tài có hai ý nghĩa quan trọng. Thứ nhất, đó là một minh chứng cho việc chương trình, áp lực học tập nặng nề có tác động lên tâm lý học sinh. Thứ hai, đây là nghiên cứu mở đầu, là tài liệu tham khảo thiết thực cho những nghiên cứu về sau sâu và rộng hơn.

Ngoài học hành, mối quan hệ với thầy cô, bạn bè, gia đình và các yếu tố bản thân cũng là nhân tố góp phần làm tăng tỉ lệ RNTT ở HS. Tuy nhiên, những yếu tố từ nhà trường tác động lên HS là rất lớn.

Những HS có áp lực từ chương trình học, áp lực từ giáo viên có tỉ lệ RNTT cao gấp 1,12 lần những HS không bị các áp lực này.

“Đây là một tỉ lệ tương đối cao, có lẽ do ngày nay HS rất ít khi có cơ hội vui chơi giải trí vì phải đi học thêm, phải làm quá nhiều bài tập về nhà. Có mối liên quan giữa RNTT với áp lực học tập quá tải. Có lẽ chính những áp lực đó đã làm tinh thần các em không thoải mái, gây stress, cau có, bực bội, trầm cảm, ảnh hưởng đến tâm trí của các em.

Đây là hiện tượng đa số trong xã hội hiện nay, cũng bởi người VN luôn quan niệm rằng học vấn là cách thoát khỏi tình trạng thấp kém về mặt kinh tế - xã hội nên gia đình, nhà trường thường gây áp lực rất mạnh đối với việc học tập của trẻ” - cử nhân Nguyễn Thị Mỹ Chi nhận định.

Rất khó phát hiện

Theo thạc sĩ Huỳnh Hồ Ngọc Quỳnh - giảng viên khoa y tế công cộng (Trường ĐH Y dược TP.HCM), RNTT là tình trạng lệch lạc về sức khỏe tâm trí vượt qua ngưỡng tự điều chỉnh của bản thân. Nếu được phát hiện sớm, khả năng phục hồi rất cao; ngược lại, sẽ chuyển sang các dạng bệnh lý tâm thần nặng hơn như trầm cảm, tâm thần phân liệt... Nhưng những rối nhiễu này rất khó phát hiện.

Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy RNTT đứng thứ năm trong 10 nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật cho con người. WHO mới đây cũng xác định trong tương lai tâm thần là bệnh phổ biến nhất, đứng đầu trong danh sách gánh nặng bệnh tật của con người, vượt lên cả HIV/AIDS, tim mạch và các bệnh nhiễm trùng.

Một HS khi bị RNTT ở giai đoạn sớm thường chưa hoặc không có biểu hiện rõ rệt và vẫn học tập, làm việc như người bình thường. Để xác định được một đối tượng có nguy cơ, biểu hiện RNTT cần có những công cụ đo lường chuyên môn để xác định. Người Á Đông, mà cụ thể là người VN, còn khá nhạy cảm với từ “tâm thần”, do vậy không dễ để xác định nguy cơ RNTT ở cộng đồng.

Theo thạc sĩ Quỳnh, giải pháp để HS đỡ RNTT thật ra đã có rồi (như giảm tải học tập cho HS bằng cách giảm thời gian lên lớp, đổi mới phương pháp giáo dục...) nhưng khi thực hiện thì hời hợt (hoặc chưa chịu làm). Hệ thống giáo dục hiện chưa có những cải cách mang tác động thật sự. Giảm tải này thì tăng tải kia, khiến các em không giảm được áp lực.

Cử nhân Nguyễn Thị Mỹ Chi cho biết áp lực từ học tập, từ cuộc sống và các mối quan hệ quá lớn nhưng hiện nay hầu hết HS không có nơi để “trút” nên ngày càng ứ đọng. Để HS bớt stress, nhà trường phải tạo những kênh mở (như thùm thư góp ý, Facebook trao đổi...) để HS gửi gắm tâm tư, nguyện vọng.

Trường cũng phải có cách xử phạt phù hợp với tâm lý, lứa tuổi từng cấp học, đổi mới cả phương pháp giảng dạy... và nên lồng ghép việc chăm sóc sức khỏe tâm thần vào hoạt động khám sức khỏe cho HS (để phát hiện sớm những trường hợp nghi ngờ RNTT).

Bên cạnh đó, gia đình phải hiểu tâm sinh lý của con, tôn trọng và có thời gian nhàn rỗi cho con. Bản thân HS nên tham gia câu lạc bộ ngoại khóa với kế hoạch học, chơi rõ ràng, không tìm đến chất kích thích, bạo lực... như một liệu pháp giải tỏa căng thẳng.

Những câu chuyện thương tâm

Một giáo viên kể cho chúng tôi nghe một số câu chuyện rất thương tâm (tại TP.HCM) về những học sinh học giỏi đột nhiên... loạn trí (tâm thần). Đó là một học sinh giỏi toán có tiếng, một ngày bỗng chẳng nhớ được gì nữa. Anh chàng gần 18 tuổi này một ngày bỗng như trẻ lên 2, lúc nhận ra bạn bè, lúc không.

Điều đặc biệt là anh ta vẫn giải toán rất giỏi và cứ thích lang thang đâu đó, ngồi viết những phép tính mà chẳng để làm gì.

Theo giáo viên này, xét cả hai họ nội, ngoại thì cả nhà mấy đời đều không hề có bệnh tâm thần. Các giáo viên cũng không lý giải được nguyên nhân vì sao nhưng thấy rất tiếc cho trường hợp đó.

Một trường hợp khác là học sinh giỏi quốc gia môn sinh. Học sinh này đậu ĐH Y nhưng vào trường học được hai, ba tháng cứ thấy “đau đầu liên tục”, rồi bắt đầu không thể tập trung.

Bệnh cứ tiến triển, khoảng sáu tháng là không thể tiếp tục học ĐH. Gia đình xin bảo lưu kết quả một năm để đưa em đi chữa bệnh nhưng một năm, rồi hai năm, em vẫn không khỏi, em cứ hiền khô, rất ít nói và không nhận ra ngay cả em trai của mình.

Vì không có nghiên cứu nên giáo viên này không dám khẳng định áp lực học hành “quá tải” một thời gian dài là nguyên nhân của tình trạng này. Nhưng từ những câu chuyện đau lòng đó, ông rút kinh nghiệm cho con em, người thân của mình về thời gian học, cách học và đặc biệt không nên gây áp lực cho chính mình, con em mình về thành tích...

___________

Kỳ 2: Căng thẳng bủa vây giáo viên

HÀ PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên