10/06/2021 12:04 GMT+7

Trường nghề 'đau đầu' chuyện thực hành

TRỌNG NHÂN
TRỌNG NHÂN

TTO - Trường nghề thường được biết với thực hành chiếm đến 70%. Tuy nhiên, khi chuyển sang học trực tuyến vì dịch bệnh COVID-19, những tiết thực hành gần như 'đóng băng'.

Trường nghề đau đầu chuyện thực hành - Ảnh 1.

Các mô hình cơ thể người có mã QR cho sinh viên trải nghiệm tại nhà của Trường CĐ Viễn Đông - Ảnh: TÚ NGÔ

Trong thế khó, nhiều trường đã có nhiều ý tưởng giúp sinh viên tránh "lụt nghề".

Chưa thể kết thúc môn

TS Phạm Đức Khiêm, hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế - kỹ thuật TP.HCM, cho biết đến đầu tháng 6-2021 trường cơ bản hoàn thành chương trình của học kỳ này. Khối lượng kiến thức lý thuyết ở nhiều môn gần như đã hoàn tất nhưng vẫn chưa thể kết thúc môn vì còn vướng số tiết thực hành.

Trước đó từ ngày 10-5 đến trước ngày 31-5, dù đã chuyển sang giảng dạy online, Trường CĐ Kinh tế - kỹ thuật TP.HCM vẫn bố trí cho sinh viên tranh thủ đến trường học thực hành theo đúng tiến độ.

Văn bản cho phép học sinh tạm dừng đến trường từ ngày 10-5 của UBND TP.HCM cũng nhắc đến các hoạt động dạy - học không thể tổ chức dạy trên mạng tại các trường nghề có thể được triển khai nhưng đảm bảo biện pháp an toàn phòng dịch.

Đến khi có chỉ đạo giãn cách xã hội theo chỉ thị số 15 từ ngày 31-5, các tiết thực hành chính thức dừng lại. Tuy nhiên, nếu lệnh giãn cách kết thúc theo dự kiến vào ngày 15-6, trường vẫn có thể sắp xếp thời gian hoàn tất chương trình trước hạn chót vào giữa tháng 7. Khi đó, sinh viên có thể trở lại thực hành và thi kết thúc môn.

"Các xưởng thực hành thường rộng rãi nhưng khá ít người nên việc giữ khoảng cách cho người học tương đối dễ. Chẳng hạn, xưởng thực hành ôtô của trường rộng khoảng 800m2 nhưng thường chỉ cho phép thực hành khoảng 15 học sinh nên khá an toàn" - ông Khiêm nói.

ThS Lê Lâm - hiệu trưởng Trường CĐ Đại Việt TP.HCM - cũng cho biết các khoa bộ môn đang giảng dạy trực tuyến những nội dung phù hợp, phần lớn là lý thuyết. Riêng phần thực hành, trường hiện hỗ trợ sinh viên bằng cách gửi tài liệu, video thầy cô đang thực hành để sinh viên có thể tự học và làm theo.

Dù vậy, ông Lâm cũng thừa nhận dạy thực hành online hiệu quả không cao do trang thiết bị của sinh viên không ổn định và nhiều bạn điều kiện không cho phép.

ThS Nguyễn Đăng Lý - hiệu trưởng Trường CĐ Quốc tế TP.HCM - cho biết các môn ở trường hiện buộc phải chờ vì liên quan đến quy trình, máy móc nhưng hướng dẫn qua mạng lại không ổn.

Năm 2020, trường thử nghiệm dạy thực hành online với một số môn nhưng không hiệu quả nên năm nay không triển khai. Lúc này, trường đã cho các em nghỉ hè sớm trước tình hình dịch bệnh căng thẳng.

Trường nghề đau đầu chuyện thực hành - Ảnh 2.

Trải nghiệm máy hàn ảo ở Trường CĐ Kỹ nghệ II - Ảnh: BÙI VĂN HƯNG

Đưa công nghệ ảo vào thực hành

Trong tình hình đó, TS Trần Thanh Hải - hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông - chia sẻ để khỏa lấp phần nào khoảng trống của các tiết thực hành, trường đã đầu tư những thiết bị học tập có khả năng chuyển đổi số.

Từ cuối năm 2020, trường cho nhập một vài mô hình mới ngành công nghệ và sức khỏe có gắn mã QR. Giảng viên sẽ gửi mã này cho sinh viên quét trải nghiệm mô hình ngay trên máy tính.

Như với môn giải phẫu sinh lý của ngành điều dưỡng, các mô hình cơ thể người được số hóa theo mã QR. Sinh viên ở đâu cũng có thể lên mạng và thao tác với những mô hình này không khác gì ngoài thực tế.

Tương tự với những mô hình động cơ trong các ngành công nghệ, sinh viên cũng có thể "bóc tách" ra từng bộ phận trên các ứng dụng nhờ vào mã QR.

"Những mô hình ảo sẽ bổ trợ phần nào cho các tiết thực hành. Tuy nhiên, học thực hành trực tiếp vẫn là điều không thể thay thế" - ông Hải nói.

TS Bùi Văn Hưng - phó hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ nghệ II - cho biết trường đã đầu tư một số máy hàn ảo cho sinh viên thực hành. Thiết bị mô phỏng các thao tác hệt như hàn thật nhưng sinh viên sẽ thực hiện trên máy tính. Những thiết bị này sẽ đảm bảo giãn cách và an toàn hơn cho người học trong giai đoạn "bình thường mới" tới đây.

Cũng theo ông Hưng, các giảng viên trường nghề có thể bù đắp một phần nội dung thực hành thiếu hụt cho sinh viên trong mùa dịch bằng việc thiết kế lại bài giảng theo hướng sáng tạo. Thay vì chỉ truyền tải nội dung lý thuyết, thầy cô có thể tìm thêm công cụ thực hành đơn giản mà người học từ xa có thể trải nghiệm ngay trên máy tính...

Luân phiên thực tập

TS Nguyễn Đức Khiêm cho biết nhiều doanh nghiệp dù đảm bảo phòng dịch vẫn đang duy trì hoạt động. Tùy vào nhu cầu và tình hình thực tế, các công ty sẽ có quy định cụ thể cho các sinh viên của trường đến thực tập trong thời gian này.

Phần lớn sẽ tiến hành theo hình thức luân phiên. Nghĩa là thay vì tất cả sinh viên đến làm ở một công ty trong hai tháng, công ty giờ sẽ phân các bạn thành từng nhóm và xoay tua lịch đến xưởng theo tuần. Điều này vừa giúp đảm bảo tiến độ công việc, vừa hạn chế đông người. Ngược lại, thời gian thực tập của sinh viên sẽ kéo dài ra.

Người đứng đầu trường nghề chịu trách nhiệm về người học, cán bộ bị lây COVID-19 Người đứng đầu trường nghề chịu trách nhiệm về người học, cán bộ bị lây COVID-19

TTO - Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã gửi văn bản chỉ đạo các sở LĐ-TB&XH, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nâng cao ý thức phòng dịch sau khi kết thúc nghỉ lễ 30-4, 1-5.

TRỌNG NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên