03/05/2019 12:08 GMT+7

Trường mẫu giáo mang tên người kỹ sư trẻ Lê Công Anh Đức

TRẦN MAI - ĐOÀN CƯỜNG
TRẦN MAI - ĐOÀN CƯỜNG

TTO - Trường mẫu giáo Lê Công Anh Đức được xây dựng ở xã Điện Hồng, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam mang tên chính người kỹ sư quá cố là tất cả ý nguyện của chàng trai trẻ được người cha già biến thành hiện thực.

Trường mẫu giáo mang tên người kỹ sư trẻ Lê Công Anh Đức - Ảnh 1.

Trường mẫu giáo Lê Công Anh Đức - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Chúng tôi nghe thấy giọng nói nghèn nghẹn của cụ Lê Công Chiêm (90 tuổi, TP.HCM) khi nhắc đến trường mầm non mang tên con mình - Lê Công Anh Đức được xây dựng ở quê hương Điện Hồng (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam).

Ngôi trường là tất cả ý nguyện từ người con trai quá cố của cụ. Cụ Chiêm nói: "Dù tôi không đưa thân xác con tôi về cố xứ, nhưng linh hồn con tôi đang ở đây".

“Trong công tác giảng dạy, chúng tôi luôn nhắc nhở nhau làm thật tốt để không phụ tấm lòng của anh Đức.

Hiệu trưởng DƯƠNG THỊ THÙY DUNG

Ước nguyện của anh kỹ sư

Ở Bảo tàng thị xã Điện Bàn hiện có một phòng trưng bày vô cùng độc đáo. Đó là phòng trưng bày bộ sưu tập đèn cổ. Một câu chuyện cổ tích đã được viết ra từ chính những chiếc đèn cổ này...

Đầu tháng 4, chúng tôi đến xã Điện Hồng, tiếng ê a của bọn trẻ từ Trường mẫu giáo Lê Công Anh Đức vọng ra cánh đồng đang vào mùa lúa chín. Tám năm qua, những đứa trẻ ở xã Điện Hồng lớn lên, học những câu chữ vỡ lòng ở ngôi trường này.

Cụ Chiêm mới vừa về trường dựng mái che cho di ảnh con mình trong khuôn viên trường. Kể về con, giọng nói chậm rãi của một người già không ngăn được cảm xúc.

truong

Di ảnh của người kỹ sư được lưu tại Trường mẫu giáo Lê Công Anh Đức - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Khi anh Đức còn sống, cụ Chiêm thường kể cho con nghe về quê nhà Điện Hồng, mảnh đất còn nhiều khốn khó ấy đã sinh dưỡng bao thế hệ của dòng họ Lê Công. Dù không sinh ra ở Điện Hồng nhưng nghe cha kể, anh Đức vẫn mong muốn đóng góp cho quê hương, nguồn cội.

Là một kỹ thuật viên vô tuyến điện tử, Anh Đức vừa làm vừa học và tốt nghiệp với hai tấm bằng ĐH là kỹ sư viễn thông và cử nhân luật. Anh có một công việc ổn định và được cử đi đào tạo tại Pháp.

Ngoài công việc, anh Đức có niềm đam mê bất tận với việc sưu tầm đồ cổ, ban đầu là sưu tập tem, sau đó anh tập trung vào sưu tập những chiếc đèn dầu cổ.

22 tuổi, anh Đức bắt đầu bôn ba trong và ngoài nước sưu tập đèn dầu cổ. Sau năm năm, bộ sưu tập đèn dầu cổ của anh được xem là lớn nhất Việt Nam, có hệ thống, có tính khoa học cao.

Lúc đầu ông Chiêm thấy khó hiểu khi con trai đổ tiền vào thú chơi này, nhưng rồi ông nghe con trai bảo rằng: "Bây giờ con bỏ tiền ra sưu tầm, sau này mở một bảo tàng tư nhân, bán vé lấy tiền xây một ngôi trường cho người dân quê mình".

Ước vọng của con khiến người cha rất vui, tài sản lớn nhất của cụ Chiêm chính là dưỡng dục được một người con sống biết nghĩ cho cuộc đời.

Nhưng niềm vui lúc nào cũng ngắn mà nỗi đau thường rất dài. Một đêm của năm 2002, cụ Chiêm nhận được tin con trai qua đời vì tai nạn giao thông.

Cú sốc đánh gục người cha khiến một thời gian dài sau đó, cụ Chiêm sống trong nỗi đau chẳng gì bù đắp được. Cụ quên luôn ước nguyện của con trai và giữ nguyên bộ sưu tập đèn dầu cổ độc nhất vô nhị ở Việt Nam trong ngôi nhà của mình.

"Đó là hình bóng của con trai tôi" - cụ Chiêm nói về bộ sưu tập.

Nỗi đau rồi cũng dần phai theo thời gian, 10 năm sau đó, bộ sưu tập gần 500 chiếc đèn dầu cổ các loại đủ nhắc cụ Chiêm nhớ lại tâm nguyện của con trai.

Năm 2012, cụ Chiêm làm việc với lãnh đạo huyện Điện Bàn cũ, mang bộ sưu tập đèn dầu ấy về trưng bày tại bảo tàng thị xã. Cụ Chiêm dành toàn bộ số tiền gần 7 tỉ đồng từ việc nhượng lại số đèn ấy để xây trường.

Trường mẫu giáo mang tên người kỹ sư trẻ Lê Công Anh Đức - Ảnh 5.

Trường mang tên người kỹ sư đã nuôi dạy nhiều thế hệ trẻ của vùng đất Điện Hồng - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Hồn về cố hương

Năm 2012, Trường mẫu giáo Lê Công Anh Đức được khánh thành, đón những đứa trẻ đầu tiên vào học. Cụ Chiêm hạnh phúc bởi đã hoàn thành tâm nguyện của con trai.

"Cả đời Đức đam mê những cây đèn cổ, giờ toàn bộ đèn được đưa về quê phục vụ bà con thưởng lãm, trường cũng đã được xây. Thằng Đức cũng sẽ hạnh phúc vì ngôi trường này" - cụ Chiêm tâm sự.

Chúng tôi đi dọc theo cánh đồng lúa, văn hóa làng xã vẫn nguyên vẹn ở nơi này. Tháng 3 âm lịch, thời điểm nhiều dòng họ cúng tạ bậc tiền hiền vọng hương khói bay xa.

Hương thắp, lời người nói ra đến cạn lời, nhiều cụ già lớn tuổi bảo rằng anh Đức thật sự có một tâm hồn quá đẹp. Và với dòng họ Lê Công, Trường mẫu giáo Lê Công Anh Đức là hình ảnh đẹp nhất mà dòng tộc sẽ mang ra dạy dỗ con cháu về sau.

Cạnh cổng trường là nhà ông Lê Công Thôi (80 tuổi), ông là bác họ của anh Đức. Ngày khởi công xây trường, ông nằm trong ban giám sát, đại diện dòng tộc theo dõi quá trình thi công.

Ông Thôi kể: "Trường xây rất nhanh, khi hoàn thành dòng họ tôi thấy hồn Đức đã về với quê nhà. Còn người làng thì hạnh phúc vô bờ khi con cháu có nơi học hành rộng và đẹp thay cho ngôi trường cũ lúc đó đã xuống cấp".

Làng Đa Hòa, nơi ngôi trường tọa lạc, ai cũng có thể kể về Lê Công Anh Đức dù chẳng mấy người từng gặp anh.

Chị Phạm Thị Hồng Hướng (49 tuổi), sống gần trường, có con gái tên Lê Phạm Yến Nhi (12 tuổi) là lứa học trò đầu tiên học ở Trường Lê Công Anh Đức. Chị Hướng về đây làm dâu, không rõ về anh Đức, nhưng chị biết ngôi trường ấy được xây nhờ những chiếc đèn dầu cổ đang trưng bày ở Bảo tàng thị xã Điện Bàn.

"Ông bà nói gần mực thì đen gần đèn thì sáng. Ngôi trường Lê Công Anh Đức sẽ là chiếc đèn sáng đầu đời của lũ trẻ nơi đây" - chị Hướng nói.

Di ảnh của chàng thanh niên Lê Công Anh Đức xa trần thế khi mới 32 tuổi lưu lại trong khuôn viên trường được tạc trong khối đá hình chiếc đèn dầu. Với giáo viên trường, hình ảnh ấy thật đẹp và gắn chặt với câu chuyện về ngôi trường.

Hôm chúng tôi đến trường, đúng dịp các giáo viên đang chuẩn bị đón đoàn kiểm tra công tác dạy và học ở trường đạt chuẩn quốc gia này. Trong khuôn viên xanh mát, tiếng cô giáo và bọn trẻ như một bản hòa tấu đầy sức sống.

Cô giáo Dương Thị Thùy Dung, hiệu trưởng Trường mẫu giáo Lê Công Anh Đức, tâm sự: "Trong công tác giảng dạy, chúng tôi luôn nhắc nhở nhau làm thật tốt để không phụ tấm lòng của anh Đức".

Ý nghĩa của tài sản

Cụ Lê Công Chiêm chia sẻ: "Tôi nghĩ ở đời con người ta chỉ khác nhau ở tấm lòng. Tài sản có nhiều thì chết cũng không thể mang theo được. Chúng ta chỉ thấy tài sản của mình có ý nghĩa khi mọi người cùng được hưởng lợi.

Tôi thấy ngôi trường mang tên con mình chỉ có ý nghĩa khi con cháu trong xã Điện Hồng được đến học tập".

Kỳ tới: Xây trường trên non


Ngôi trường xứ Quảng mang tên cô gái Nhật Ngôi trường xứ Quảng mang tên cô gái Nhật

TTO - Có những ngôi trường không được xây dựng bằng tiền ngân sách mà từ tấm lòng của những người tốt…

TRẦN MAI - ĐOÀN CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên