Bên trong lớp học có sĩ số ít nhất của trường là lớp 4 chỉ với 11 học sinh - Ảnh: Phan Thành |
Điều này diễn ra từ nhiều năm nay tại Trường tiểu học Nguyễn Văn Thoại (P.Phước Mỹ, Q.Sơn Trà, TP Đà Nẵng).
Đợt tuyển sinh năm học 2015 - 2016, trường chỉ tuyển được 16 học sinh. Theo đại diện nhà trường, mặc dù ít học sinh nhưng trường vẫn phải đảm bảo đủ bộ máy tổ chức.
Mỗi khối chỉ có một lớp
Trong khi tại nhiều trường tiểu học khác giờ ra chơi luôn vui nhộn, sôi động thì giờ ra chơi của Trường tiểu học Nguyễn Văn Thoại vắng lặng, buồn tẻ bởi chỉ có 80 học sinh rải rác giữa sân trường rộng lớn.
Một lãnh đạo nhà trường cho biết trường được thành lập từ năm 2002 và đầu tư xây dựng trường mới tại địa chỉ tổ 3, phường Phước Mỹ từ năm 2009. Thời gian đầu mới thành lập, mỗi năm trường có trên 300 học sinh, nhưng năm năm gần đây sĩ số toàn trường chưa bao giờ vượt quá con số 90 em.
Năm học 2015 - 2016 trường cũng chỉ tuyển sinh được 16 học sinh lớp 1. Hiện tại mỗi khối học chỉ có một lớp, nhiều nhất là lớp 2 với 20 em, ít nhất là lớp 4 chỉ có 11 em.
Thầy Võ Văn Thành, hiệu phó nhà trường, cho biết cả trường có 17 cán bộ công nhân viên. Trong đó có năm giáo viên văn hóa và năm giáo viên bộ môn tiếng Anh, mỹ thuật, âm nhạc, tin học, thể dục.
Điều đáng nói, theo quy định mỗi giáo viên mỹ thuật và âm nhạc chỉ dạy mỗi lớp/tiết/tuần, nhưng do quá ít lớp nên trường cho dạy “tăng cường” ba tiết/tuần và giáo viên kiêm nhiệm thêm một số việc như phụ trách thư viện, phòng thiết bị trường học.
Theo thầy Thành, nguyên nhân của sĩ số trường ít là do những năm gần đây địa bàn tuyển sinh của trường nằm trong khu vực phường bị giải tỏa, nhiều hộ dân chuyển nơi sinh sống kéo theo đó con em họ cũng chuyển trường.
“Có lẽ trường chúng tôi là trường tiểu học có sĩ số ít nhất cả nước, nhưng tỉ lệ không gian dành cho học sinh cao nhất, trung bình một học sinh/100m2. Nhưng dù ít hay nhiều chúng tôi cũng phải đảm bảo việc giáo dục cho các em” - thầy Thành nói.
Số học sinh quá ít dẫn tới phòng học rất trống trải. Có lớp, một học sinh được bố trí riêng một bàn học nhưng vẫn còn dư bàn ghế. Cô Nguyễn Thị Xinh - giáo viên chủ nhiệm lớp 4, lớp có 11 học sinh - kể do lớp ít học sinh nên việc đứng lớp cũng đỡ vất vả, quản lý các em dễ dàng hơn.
“Ít nhiều học sinh gì thì mình cũng phải soạn giáo án. Vẫn biết dạy ít học sinh thì khỏe hơn, nhưng không thể lơ là mà phải theo sát từng em” - cô Xinh tâm sự.
Trong khi đó, cô Lê Thị Hương Hoa, giáo viên chủ nhiệm lớp 1 (16 học sinh), chia sẻ trong 13 năm đi dạy của mình thì năm học 2013 - 2014 là năm học mà cô dạy ít học sinh nhất: 10 em! “Lớp ít học sinh nên dễ quản lý, chăm sóc chu đáo. Nhưng trái lại, khi chọn học sinh xuất sắc đi dự thi, tham gia hoạt động gì đó rất khó” - cô Hoa suy tư.
Chuyển đổi sang trường THCS
Do tỉ lệ học sinh giảm sút theo từng năm, nên việc đầu tư thêm các hạng mục của trường cũng buộc phải tạm dừng. Trường có 10 phòng học nhưng chỉ sử dụng 5 phòng, nên các phòng còn lại làm phòng chức năng.
“Dự tính giai đoạn 2 trường sẽ xây phòng chức năng phục vụ cho việc học tập của học sinh, nhưng càng về sau số học sinh càng ít nên lấy phòng thừa làm phòng chức năng, hoãn lại việc xây dựng” - thầy Thành cho biết.
Trong khi đó, theo cô Trương Thị Hồng Anh - hiệu trưởng nhà trường, với một diện tích rộng lớn, cơ sở giáo dục khang trang như vậy mà số học sinh quá ít là rất lãng phí. Số học sinh ít cũng khiến các hoạt động, phong trào trong nhà trường không sôi nổi. Theo cô Anh, ở các trường khác, 80 học sinh thì chỉ cần hai lớp và hai giáo viên văn hóa đứng lớp là đủ.
Nhiều lần nhà trường đã báo cáo tình hình lên phòng giáo dục, và cũng có nghe chủ trương sẽ chuyển đổi loại hình sử dụng trường thành trường THCS, nhưng tới nay chưa thấy thực hiện.
“Trường ít học sinh mà có một bộ máy cán bộ 17 người là quá nhiều. Mỗi tháng số tiền lương phải trả cho toàn thể cán bộ gần 100 triệu đồng, quá lãng phí. Mong muốn của trường là được chuyển đổi càng sớm càng tốt, phân bổ học sinh cũng như giáo viên sang các trường khác để tiết kiệm” - cô Anh nói.
Một lãnh đạo Phòng GD-ĐT Q.Sơn Trà thừa nhận tình trạng nói trên xảy ra nhiều năm nay, do trường không tuyển sinh được bởi người ở khu dân cư cũ hầu hết chuyển đi nơi khác sinh sống.
Thay vào đó, quanh trường bây giờ tập trung các cơ sở kinh doanh, dịch vụ du lịch ven biển. Cũng theo vị lãnh đạo này, cách đây một hai năm đã có chủ trương xin chuyển đổi Trường tiểu học Nguyễn Văn Thoại thành trường THCS.
“Chủ trương là xin xây dựng, nâng cấp trường tiểu học này thành THCS để điều tiết, giảm tải cho một số trường THCS khác. Số học sinh tiểu học ở đây sẽ chuyển sang một số trường lân cận trên địa bàn phường. Tuy nhiên, liên quan đến vấn đề trường mới, con người là thuộc thẩm quyền của quận” - vị lãnh đạo này nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Đắc Xứng - phó chủ tịch UBND Q.Sơn Trà - cho hay quận đã đồng ý chủ trương nói trên và chỉ đạo Phòng GD-ĐT xây dựng đề án chuyển đổi sang trường THCS học hai buổi/ngày. Việc chuyển đổi từ trường tiểu học lên THCS cũng được xem xét kỹ, bởi phải sắp xếp, bố trí lại học sinh tiểu học, trung học và xây dựng thêm phòng bộ môn, phòng chức năng.
“Sau khi có đề án, phòng sẽ mời Sở Nội vụ, Sở Kế hoạch - đầu tư, Sở GD-ĐT để tổ chức hội thảo liên quan đến việc này. Khi đã thống nhất, quận sẽ triển khai làm trong thời gian sớm nhất, còn thời điểm thì chưa khẳng định được” - ông Xứng nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận