Trường học có thiếu dân chủ?

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Đại diện Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ-TB&XH, UBND TP Hà Nội, một số tỉnh thành và lãnh đạo cơ sở GD-ĐT đã tham gia hội nghị về quy chế dân chủ trong các cơ sở GD-ĐT diễn ra ngày 24-3.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam (giữa) trao đổi với TS Nguyễn Tùng Lâm (bìa trái), chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, bên lề hội nghị - Ảnh: V.HÀ
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam (giữa) trao đổi với TS Nguyễn Tùng Lâm (bìa trái), chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, bên lề hội nghị - Ảnh: V.HÀ

Hội nghị do Văn phòng Chính phủ tổ chức.

“Hãy đặt câu hỏi để mọi người ở đây đánh giá xem việc thực hiện dân chủ trong các cơ sở GD-ĐT như thế nào? Tình trạng thiếu dân chủ là cá biệt hay phổ biến? Nguyên do vì chưa có văn bản chỉ đạo, hay có văn bản nhưng còn những quy định chưa hợp lý?” - một loạt gợi ý đã được Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đặt ra khi mở đầu hội nghị.

Mất dân chủ là có...

Trình bày tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Nghĩa, thứ trưởng Bộ GD-ĐT, khẳng định các văn bản quy định, chỉ đạo của Bộ GD-ĐT về thực hiện dân chủ trong cơ sở GD-ĐT có nhiều nhưng vẫn còn bất cập.

“Các trường đều có quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế thi đua khen thưởng và các quy định khác theo định hướng “công khai, minh bạch”.

Công khai và giải trình là các yếu tố quan trọng để đảm bảo dân chủ trong các cơ sở đào tạo. Nơi nào người đứng đầu làm tốt thì dân chủ được thực hiện, còn nơi nào người đứng đầu không làm tốt thì việc thực hiện tuy đầy đủ nhưng chỉ mang tính hình thức, đối phó” - bà Nghĩa nói.

Chất vấn lại lãnh đạo Bộ GD-ĐT, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị bà Nguyễn Thị Nghĩa đánh giá trực tiếp vào vấn đề “Việc mất dân chủ có phổ biến không hay chỉ là cá biệt? Ở ĐH có khác phổ thông không?”.

Bà Nghĩa khẳng định: “Ở ĐH phần lớn thực hiện tốt, số chưa tốt ít thôi. Ở phổ thông cũng có một số trường hợp nổi cộm. Mất dân chủ là có nhưng không nhiều”.

Ông Vũ Đức Đam cho rằng tới lúc cần “nhìn thẳng vào sự thật”. Ông Đam cũng nói thêm gần đây có nhiều sự việc dư luận xã hội bức xúc ở cả bậc ĐH, phổ thông; việc kiện tụng kéo dài, lãnh đạo các bộ cần phải xem xét đó là những cá biệt hay là những biểu hiện điển hình của tình trạng phổ biến về mất dân chủ. Xem xét để đi tìm nguyên nhân thật sự, có điều chỉnh chỉ đạo.

“Nếu chỉ nghe báo cáo của bộ thì tôi thấy chưa có gì cả” - ông Đam nói thẳng.

Hội đồng trường còn hình thức

Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, việc thành lập hội đồng trường là cách để kiểm soát các cam kết, thực hiện quy định của nhà trường. Nhưng hiện nay chỉ có 16 cơ sở ĐH do Bộ GD-ĐT quản lý thành lập được hội đồng trường. Nhiều hội đồng trường cũng chưa phát huy được vai trò.

Tại hội nghị, ông Trần Anh Tuấn - phó vụ trưởng Vụ giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT - cho biết: “Chưa có trường CĐ nào có hội đồng trường” (ở thời điểm chuyển giao các trường CĐ từ Bộ GD-ĐT sang Bộ LĐ-TB&XH). Bà Mai Thúy Nga - phó tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐ-TB&XH - cũng cho biết mới chỉ có khoảng 30% số trường trực thuộc tổng cục quản lý có hội đồng trường.

“Các hội đồng trường chưa phát huy vai trò. Tại nhiều trường, thành viên hội đồng trường lại chính là hiệu trưởng, hiệu phó” - bà Nga cho biết.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng nếu coi hội đồng trường là một “kênh” để kiểm soát việc thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ trong các cơ sở GD-ĐT thì con số hội đồng trường được thành lập (chưa kể hoạt động có hiệu quả hay không) thật sự là điều đáng suy nghĩ.

Trao đổi lại về vấn đề này, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đưa ra băn khoăn mà theo ông cần phải đi tìm câu trả lời là:

“Tại sao các trường không thành lập hội đồng trường cho đúng quy định dù nó chưa hiệu quả? Phải chăng nguyên nhân không nằm ở chỗ nó “chưa hoạt động hiệu quả”, mà là do ai cũng thấy nó cực kỳ quan trọng. Vì quan trọng nên sẽ hạn chế sự độc đoán của một số cá nhân trong các đơn vị?”.

Chia sẻ lại, ông Vũ Tuấn Dũng, bí thư Đảng ủy khối các trường ĐH-CĐ, cho rằng nếu bắt buộc thành lập hội đồng trường theo luật thì người ta sẽ thành lập.

Nhưng đưa ai vào hội đồng trường lại là vấn đề phải xem xét. Vì nhiều nơi đã đưa những người không có tiếng nói khách quan hoặc có trọng lượng vào tổ chức này.

TS Nguyễn Tùng Lâm, chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, cho rằng ngoài việc siết chặt yêu cầu các nhà trường tự chủ thì phải tự chịu trách nhiệm. Trong đó có trách nhiệm cao nhất là người đứng đầu và cần tăng cường các kênh giám sát, trong đó có kênh giám sát cộng đồng.

“Nên tận dụng công nghệ thông tin vào mục đích giám sát cộng đồng” - TS Lâm nhấn mạnh.

Thực quyền tập trung vào một người, khó dân chủ

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng các bộ phận giám sát trong các cơ sở GD-ĐT khó có thực quyền khi quyền lực tập trung vào một ông, bà hiệu trưởng hay giám đốc của các cơ sở. Vì thế cần thay đổi các quy định để các hội đồng trường có thực quyền.

“Tôi đề nghị các bộ có chỉ đạo bắt buộc các cơ sở GD-ĐT phải xây dựng các quy định nội bộ trên cơ sở lấy ý kiến, đóng góp tại cơ sở và công khai toàn bộ quy định này. Đây là việc có thể làm ngay” - Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên