Từ vụ Nam Trung Yên: Dân chủ trong trường học bị vi phạm?

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng vụ Trường tiểu học Nam Trung Yên không chỉ là điển hình của đạo đức mà còn của tình trạng dân chủ bị vi phạm nghiêm trọng.

Hơn 70 giáo viên, cán bộ trường tiểu học Nam Trung Yên có mặt tại buổi công bố quyết định - Ảnh: Nam Trần
Hơn 70 giáo viên, cán bộ trường tiểu học Nam Trung Yên có mặt tại buổi công bố quyết định cách chức hiệu trưởng, hiệu phó Trường Nam Trung Yên - Ảnh: Nam Trần

Phó thủ tướng đã nói như vậy trong một cuộc làm việc với Bộ Giáo dục – đào tạo, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch mới đây. 

Khi đọc tin cô hiệu trưởng và hiệu phó Trường tiểu học Nam Trung Yên nhận quyết định kỉ luật cách chức, nhiều bạn đọc Tuổi Trẻ đã bày tỏ sự đồng tình vì “cuối cùng, sự thật cũng được đặt đúng chỗ, người có lỗi phải trả giá”.

Quy tắc ứng xử bất thành văn?

Ở vụ việc này, còn rất nhiều vấn đề cơ quan công an sẽ làm sáng tỏ. Nhưng trong những nguyên nhân dẫn tới ứng xử của hiệu trưởng, hiệu phó, của một số giáo viên Trường tiểu học Nam Trung Yên và việc chậm trễ xử lý, có nhiều tính tiết không thể không lưu tâm. 

Khi hiệu trưởng chỉ đạo, không chỉ bảo vệ, nhân viên y tế, giáo viên mà cả các trưởng khối, chủ tịch công đoàn, những người khác trong ban giám hiệu phải tuân theo, không dám có tiếng nói khác.

Có thể ứng xử như hiệu trưởng Trường Nam Trung Yên là cá biệt, nhưng cần phải nghiêm túc đánh giá liệu tình trạng mất dân chủ trong môi trường giáo dục có phải là điều phổ biến?

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam

Trong thư gửi báo chí của 18 giáo viên, các cô tường trình việc kí vào phiếu khảo sát vì nghĩ đó là phiếu phục vụ công tác đảm bảo an toàn trường học để đoàn thanh tra làm việc chứ không biết đó là động cơ chạy tội của cô hiệu trưởng, hiệu phó.

Nghĩa là, các cô có thể không kí vào phiếu khảo sát nếu biết nó dùng vào việc “chạy tội”, nhưng vẫn kí không suy nghĩ khi nó dùng vào việc “phục vụ thanh tra”.

Sự thiếu dân chủ thành thói quen, thành “quy tắc ứng xử bất thành văn” trong trường học đã khiến chính các cô giáo cũng nhầm lẫn về giá trị đúng, sai.

Tiếng nói phản biện bị triệt tiêu dần

Sự mất dân chủ này không phải hi hữu mà ở nhiều nhà trường đều như  vậy. Sự phục tùng tất cả những chỉ đạo ở trên xuống, trong đó có nhiều việc làm hình thức, không trung thực, dần dần trở nên “phổ biến”, đến nỗi không giáo viên nào muốn đi lạc dòng, thậm chí nếu “khác biệt” sẽ bị đánh giá là sai.

Từ đó, tiếng nói phản biện bị triệt tiêu dần. Ai cũng đi đúng lối mòn cho lành. Có muốn thể hiện tâm huyết, sáng tạo cũng ngần ngại bị gặp sóng gió, bị lãnh đạo soi mói, trù dập.

Thử hình dung nếu mở một diễn đàn trên mạng về vấn đề mất dân chủ trong môi trường làm việc, hẳn những người trong ngành giáo dục sẽ có nhiều câu chuyện bi hài hơn. Rất nhiều giáo viên hiện nay mất thói quen “có ý kiến” vì họ phải nói theo ý lãnh đạo, hoặc phải chờ lãnh đạo cho phép mới được nói lên chính kiến của mình.

Cách đây vài năm, khi Bộ Giáo dục – đào tạo mở diễn đàn trưng cầu ý kiến về chương trình sách giáo khoa mới, một số cô giáo bày tỏ ý kiến trên Tuổi Trẻ rất thiện ý, thể hiện tâm huyết nhưng ngay lập tức họ có lệnh phải “giải trình”.

Không chỉ thiếu dân chủ trong đấu tranh chống tiêu cực, cả công việc giảng dạy, trao đổi chuyên môn, giáo viên phổ thông cũng ít được cơ hội “nói  thẳng, nói thật”.

Thời gian qua, Bộ Giáo dục – đào tạo có hàng loạt công văn quy định giảm bớt sổ sách không cần thiết cho giáo viên, cho phép giáo viên chủ động sáng tạo trong đổi mới giờ học, thoát ly sách giáo khoa… nhưng một giáo viên ở Hải Phòng cho rằng “từ quy định của bộ về đến chúng tôi là con đường dài, chúng tôi chỉ biết đến chuyên viên cấp phòng chỉ đạo gì, hiệu trưởng yêu cầu gì thôi, nếu cấp trên bật đèn xanh mà hiệu trưởng không cho thì cũng đừng dại gì làm”.

Việc hé mở tình trạng mất dân chủ trong trường học phải được lãnh đạo các cấp lắng nghe, điều chỉnh trước hết trong các quy định pháp lý, cơ chế điều hành của cả hệ thống giáo dục, phải có biện pháp bảo vệ người dám đấu tranh với tiêu cực, khuyến khích tiếng nói phản biện.

Đây là hành trình không dễ có thể thực hiện trong một thời gian ngắn vì tình trạng thiếu dân chủ, mất dân chủ đã là căn bệnh trầm kha.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho biết cùng với việc yêu cầu Chủ tịch UBND Hà Nội chỉ đạo xử lý vụ việc này, Phó thủ tướng đã yêu cầu Bộ Giáo dục – đào tạo chuẩn bị tổ chức diễn đàn trao đổi về vấn đề dân chủ trong môi trường giáo dục với sự phối hợp của Ban Dân vận trung ương - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện Quy chế Dân chủ cơ sở.  

Xác định đây là việc làm thiết thực, nằm trong nội dung đổi mới tư duy quản lý giáo dục nhằm góp phần đổi mới căn bản toàn diện giáo dục – đào tạo, bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định đã thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng và diễn đàn sẽ được tổ chức trong tháng 3 tới.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên