05/11/2015 15:44 GMT+7

​Trường ĐH phải thay đổi vì sinh viên “thế hệ i”

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TTO - Đó là ý kiến của PGS.TS Lê Khắc Cường - trưởng khoa Việt Nam học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - tại Hội thảo khoa học diễn ra sáng 5-11.

PGS.TS Nguyễn Minh Hòa phát biểu tại hội thảo khoa học sáng 5-11. Ảnh: Trần Huỳnh
PGS.TS Nguyễn Minh Hòa phát biểu tại hội thảo khoa học sáng 5-11 - Ảnh: Trần Huỳnh

Hội thảo “Hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật với công tác nghiên cứu khoa học và đào tạo ở đại học” do Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) tổ chức với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học đến từ các trường ĐH phía Nam.

Theo PGS.TS Lê Khắc Cường, các trường ĐH trên thế giới đang thay đổi vì thế hệ sinh viên hiện nay là “thế hệ i” (i-generation) hay “công dân kỹ thuật số” (digital citizen), thế hệ sống, làm việc, sinh hoạt với iphone, ipad, smartphone, tablet, email, facebook. 

Ông Cường nói sinh viên cần một môi trường học tập khác với thế hệ cha ông, môi trường trực tuyến và cổng thông tin điện tử, với những phần mềm chuyên dụng, thư viện số, với cách nộp bài làm/bài thi/bài kiểm tra trực tuyến, với việc sử dụng hệ thống phát hiện những bài kiểm trả/bài thi/luận văn/luận án đạo văn hoặc trích dẫn trái quy định, mập mờ… 

“Với một trường đào tạo khoa học cơ bản, tài chính không thật mạnh thì đào tạo trực tuyến là một hướng đi hết sức phù hợp và khôn ngoan” - ông Cường nói.

Thiếu thốn nhưng sử dụng lãng phí

Theo PGS.TS Nguyễn Minh Hòa - trưởng khoa đô thị học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, trong bối cảnh hiện nay, giáo dục ĐH phải thay đổi cả nội dung và hình thức. Trong sự thay đổi đó, hệ thống cơ sở vật chất đóng vai trò vô cùng quan trọng. 

Tuy nhiên, tại hội nghi5, các nhà khoa học cho rằng trong các nguồn lực phục vụ hoạt động giảng dạy, nghiên cứu tại trường ĐH ở VN, nguồn lực cơ sở vật chất được xem là khá kém cỏi so với nhiều nước khác, kể các các nước trong khu vực Đông Nam Á. 

“Với những mặt bằng nhỏ hẹp, trang thiết bị lạc hậu, sẽ rất khó khăn để nói đến chuyện nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và hội nhập” - PGS.TS Khắc Cường nói.

Ông Cường đánh giá ngoài chuyện thiếu thốn do những nguyên nhân khách quan thì khá nhiều phòng ốc, trang thiết bị, phần mềm chưa phát huy hiệu quả do sử dụng lãng phí, chưa thống nhất việc quản lý vào một đầu mối.

Ông Cường nêu dẫn chứng phòng nghiên cứu đầu tư cho khoa địa lý máy in màu khổ lớn rất hiện đại, với phần mềm chuyên dụng và gần 40 máy tính nối mạng từ kinh phí của ĐH Quốc gia TP.HCM nhưng không được sử dụng hiệu quả.

Năm 2007, trường giao số thiết bị này cho phòng sau ĐH - quản lý khoa học quản lý để phục vụ học viên sau ĐH tra cứu, viết luận văn. Khi đó, máy photocopy màu khô mực vì phủ bụi nhiều năm, phòng sau ĐH phải xin trường dời đi vì tốn chỗ vì không ai sử dụng.

Sau khi chuyển giao cho vài phòng ban khác, đến năm 2014 phòng nghiên cứu này bị giải thể để giao cho khoa ngữ văn Anh làm nghiên cứu phục vụ cho… kiểm định AUN. Máy tính được chuyển cho các đơn vị mới thành lập; phần mềm xem như vứt bỏ.

Phòng nghiên cứu bị xóa sổ, hầu như rất ít khi mở cửa, kể từ sau khi khoa ngữ văn Anh kiểm định thành công.

PGS.TS Nguyễn Minh Hòa cũng cho rằng chúng ta không thể nào hình dung ra một trường ĐH hiện đại, đủ chuẩn mà tổ chức vật chất lại nghèo nàn, ngay cả trong trong trường hợp nó không nghèo nàn nhưng lại được tổ chức một cách lộn xộn, phi khoa học thì lại không phát huy được hiệu quả, gây trở ngại cho quá trình hoạt động.

Khu thí nghiệm - thực hành chung

Một mô hình cơ sở vật chất phục vụ chung cho toàn trường được giới thiệu tại hội thảo này là khu thí nghiệm - thực hành thuộc phòng quản trị - thiết bị, Trường ĐH An Giang.

TS Nguyễn Trung Thành - phòng quản trị - thiết bị Trường ĐH An Giang cho biết khu thí nghiệm- thực hành này mới được thành lập trên cơ sở hợp nhất các phòng thí nghiệm thuộc các khoa trong trường, được trang bị thiết bị, máy móc, dụng cụ thí nghiệm hiện đại… 

Song song với việc giảng dạy và học tập, khu thí nghiệm - thực hành còn là nơi nghiên cứu, khai thác, ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ của cán bộ, giảng viên, sinh viên trong và ngoài trường.

Qua quá trình hoạt động, khu thí nghiệm - thực hành đã hỗ trợ và thực hiện liên kết với Sở Khoa học và công nghệ tỉnh An Giang, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh An Giang và Trung tâm chuyển giao khoa học công nghệ của tỉnh thực hiện liên kết chuyển giao hàng chục công trình, dự án khoa học.

“Việc thành lập khu thí nghiệm - thực hành phục vụ chung cho toàn trường nhìn chung là một quan điểm đúng đắn để có thể khai thác hết tiềm năng của thiết bị đã đầu tư cho phòng thí nghiệm” - ông Thành nhận định.

TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên